KÌ THỊ ĐẨY NGƯỜI NHIỄM HIV VÀO NGÕ CỤT KHÔNG LỐI THOÁT
“Tuấnmecsedec” nickname không còn xa lạ với cộng đồng những người có HIV (NCH), thậm chí còn rất quen thuộc và gần gũi. Anh là “thần tượng” của rất nhiều bạn trẻ và cũng là “ân nhân” giúp họ tìm lại được niềm tin trong cuộc sống. Anh hiện là tham vấn viên đồng thời cũng là admin của diễn đàn - một trong những diễn đàn có tiếng và uy tín của nước ta hiện nay.
Trong suy nghĩ ban đầu của tôi về anh, “Tuấnmẹc” cái tên nghe rất “oách” thì hẳn người cũng rất “ngầu” nhưng ngược lại anh cởi mở và nhiệt tình hơn tôi tưởng. Tôi đã có một cuộc trao đổi với anh về bản thân cũng như suy nghĩ của anh về vấn đề kì thị và phân biệt đối xử với NCH trong xã hội hiện nay.
Lột xác nhờ “HIV”
Anh có thể cho em được biết động lực nào khiến anh có ý định tham gia diễn đàn và giúp đỡ các bạn?
Vào năm 2005, anh không biết HIV/AIDS là gì, không hiểu HIV đáng sợ ra sao và nó có tác hại gì, khi đó anh chỉ “biết” HIV là căn bệnh chết người và nghĩ rằng “Bị HIV chỉ có con đường chết”. Anh là người từng có nguy cơ với H và anh may mắn nhận kết quả âm tính, quả thật vui nhiều lắm nhưng điều đó cũng đã làm thay đổi cuộc sống của anh rất nhiều. Và nó cũng là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh.
Như vậy có nghĩa nếu không có “sự cố” ấy sẽ không có một Tuấnmẹc ngày hôm nay?
Có lẽ như thế (Cười).Nhờ sự cố trong quá khứ mà anh biết diễn đàn, đó là điều may mắn và cũng là cơ duyên của anh, trời còn tha thứ cho anh giúp anh thức tỉnh để cám ơn đời và “trả ơn” cho đời.
Trong xã hội hiện nay, khi làm việc gì người ta thường đặt vấn đề “vật chất” lên hàng đầu vậy còn anh thì sao? Anh nhận được điều gì khi làm vậy?
Người anh giúp đủ mọi tầng lớp trong xã hội như giáo viên, bác sĩ, công an, và cả những thành phần không đàng hoàng,…Nhưng anh quan niệm rằng “Khi họ tìm đến mình nghĩa là họ đang cần mình” và anh sẵn sàng giúp đỡ mọi người, anh không cần biết họ là ai chỉ cần có thể giúp được gì thì anh luôn sẵn lòng.
Khi anh dẫn các bạn đi xét nghiệm, nhìn họ vui sướng nhận kết quả âm tính, họ vui một nhưng anh vui tới mười vì anh cảm thấy như mình vừa cứu một người đang rớt xuống vực sâu và mình kéo họ lên được. Anh cũng từng trải qua cảm giác lo sợ và stress nặng nên anh rất hiểu và chia sẻ với họ. Từ những niềm vui nhỏ đó dần dần anh đi sâu hơn, tìm hiểu kĩ hơn những kiến thức về HIV/AIDS và anh về diễn đàn là một tham vấn viên với tư cách phi lợi nhuận, anh giúp cộng đồng không thu bất kì chi phí nào.
HIV/AIDS đáng sợ hay đáng thương!
Một số người cho rằng nên “tập trung” người nhiễm HIV/AIDS vào một khu riêng biệt nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, vậy anh nghĩ sao về ý kiến này?
Anh hoàn toàn không đồng ý. HIV không dễ bị lây nhiễm như người ta tưởng. HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường giữa người và người. Hiện nay, xã hội ta đã bình đẳng hóa các mối quan hệ vậy thì không có lý do gì lại làm thế. Như vậy, thật sự rất bất công đối với người nhiễm H. Ý kiến trên cho thấy rõ sự phân biệt đối xử và “cô lập” những người nhiễm H, họ đang dồn những người “không may mắn” bị nhiễm căn bệnh này vào bước đường cùng.
Thật ra HIV khó lây nhưng rất dễ phòng. Ngoài ba đường lây cơ bản (máu, mẹ truyền sang con, tình dục) mà bạn có thể tự bảo vệ cho mình thì HIV/AIDS không thể lây qua những giao tiếp thông thường, phải có một lượng virus đáng kể mới có thể lây nhiễm được. Trong cơ thể người, vi rút HIV nguy hiểm nhưng khi ra môi trường bên ngoài thì nó rất yếu.
Thực tế HIV/AIDS khó lây nhiễm nhưng lại dễ phòng hơn chúng ta nghĩ
Nên xem HIV như một căn bệnh mãn tính
Anh nghĩ gì về việc kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm H hiện nay?
Có người cho rằng người nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, đổ lỗi cho họ ăn chơi trác táng nên phải gánh lấy hậu quả, mắc gì phải thương hại. Chính sự “áp đặt” như vậy khiến cho người nhiễm HIV/AIDS giấu diếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng, chống AIDS và “vô tư” truyền HIV sang người khác - đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Qua những lần đi tuyên truyền và tiếp xúc với các bạn, anh thấy có rất nhiều người dù không có sự kỳ thị với người nhiễm HIV nhưng vẫn rất ái ngại khi tiếp xúc. Đó là điều hết sức bình thường. Nhưng kỳ thị chính nỗi đau vô hình của người nhiễm HIV. Tâm trạng không thoải mái, không an toàn khi tiếp cận người nhiễm HIV là tâm trạng còn khá phổ biến, kể cả với người đã hiểu biết về căn bệnh này.
“Có rất nhiều người vẫn tự hỏi tại sao mình bị nhiễm HIV. Mọi người nên hiểu rằng không phải tất cả những người nhiễm HIV đều dính dáng đến cái hành vi không tốt. Ví dụ như: những trẻ thơ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ, những người vợ hiền chỉ biết làm tròn bổn phận trong gia đình…Họ là những người “lành” mang “bệnh”
– Anh Tuấn – tham vấn viên, admin diễn đàn cho biết.
Theo anh, tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV xuất phát từ đâu?
Vấn đề kỳ thị người nhiễm HIV mang rất nhiều khía cạnh, sự kỳ thị có thể đến từ ngay trong gia đình, bạn bè, thậm chí cán bộ y tế...Và có lẽ nguyên nhân chính nhất là do sự thiểu biết về HIV/AIDS chưa đầy đủ và chính xác nên mới có sự kỳ thị. Tất cả những sự kỳ thị và phân biệt đối xử này đều do người dân nhận thức chưa đủ và chưa đúng về việc lây truyền HIV/AIDS. Nhiều người còn cho rằng sống và làm việc với người nhiễm HIV cũng có thể bị lây. Các bạn chưa hiểu biết đầy đủ về HIV và các bạn quá sợ căn bệnh này.
...Và vấn đề này không chỉ do xã hội mà còn một phần nằm ở chính bản thân người nhiễm?
Đúng vậy. Nhưng đừng nên nghĩ, tất cả những người nhiễm HIV đều là những người không tốt trong XH để từ đó dẫn đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Mặt khác, ngay cả đối với một người sử dụng ma túy, hoặc làm mại dâm, họ cũng có những hoàn cảnh khác nhau, trong đó, có nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn là đáng trách. Khi nhận được kết quả dương tính, người bị nhiễm H họ như bị “kết án tử hình”, mọi tương lai hy vọng bị sụp đổ hoàn toàn, họ rơi vào tuyệt vọng xen lẫn tức giận thù oán người đã gây cho mình và thù oán xã hội.
Họ luôn mặc cảm với hoàn cảnh, không muốn công khai danh tính, thậm chí lẩn trốn, xa lánh mọi người. Như vậy, sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khoẻ, cũng như phòng, chống HIV/AIDS cho những người xung quanh.
Cuộc sống không ai muốn mình như vậy, ai cũng từng mắc sai lầm và chúng ta không ai hoàn hảo cả. Chúng ta nên hiểu và bao dung với những cảnh đời khác nhau để có những cái nhìn cảm thông, chia sẻ với những người nhiễm H.
Anh có thể cho em biết việc kì thị ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người nhiễm HIV?
Hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV là họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ họ và những người khác làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng không tạo một môi trường thân thiện cần thiết cho những người muốn xét nghiệm HIV và sử dụng các dịch vụ về HIV, điều này khiến họ cảm thấy e ngại và vì vậy nhiều người không biết mình bị nhiễm HIV hoặc giấu hẳn tình trạng nhiễm của mình để rồi HIV lại được dịp “âm thầm” phát tán.
Vậy nên làm gì để làm giảm sự kì thị và hắt hủi ấy?
Trong quá trình làm việc, anh đã được tiếp xúc với nhiều người có HIV, nếu không biết trước thì không ai có thể nghĩ là họ đang mang HIV trong người vì họ hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất. Trên thực tế, nhiều người nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh bình thường.
Sự thật xã hội vẫn chưa thể xóa bỏ được những định kiến về người nhiễm HIV. Để khắc phục sự cố này, không có biện pháp nào khác hơn là nâng cao kiến thức cũng như hiểu biết về HIV/AIDS cho toàn thể cộng đồng. Nếu như xã hội nghĩ căn bệnh HIV như một căn bệnh siêu vi B hay căn bệnh mãn tính thì chắc hẳn sự kỳ thị đã không tồn tại.
Hạnh phúc của mình là nụ cười của mọi người
Qua cuộc trao đổi này, anh muốn gửi thông điệp gì đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ?
Vi rút HIV không tự sinh ra và hơn hết HIV không bao giờ tìm đến với chúng ta mà chỉ có chúng ta đi tìm HIV thông qua những hành vi nguy cơ. Mong cộng đồng đừng quá thờ ơ với những nỗi đau song song đó anh cũng hi vọng mọi người hiểu biết về AIDS sâu hơn để tránh nó chứ không phải là kì thị và xa lánh. Các bạn là những con người trẻ hãy tự trang bị cho mình những kiến thức “nền” để có thể hiểu biết sâu hơn về HIV/AIDS.
Với anh "Hạnh phúc của mình là nụ cười của mọi người" đây cũng là một trong những châm ngôn sống của anh.
Tôi thiết nghĩ phải chăng chính chúng ta, những người có “trái tim” đã “bắt” họ phải sống một cuộc sống tủi hờn và khép kín. Mỗi ngày trôi qua bạn đang sống hay chỉ là tồn tại. Đừng vô tâm và vô cảm trước những mảnh đời “lầm lỡ”, lạc bước. Yêu thương, đồng cảm và sẻ chia những điều bình dị nhưng rất “người”, bớt đi một ánh mắt kì thị là thắp lên một tia hi vong cho người nhiễm H…Bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Hãy vì ta, vì gia đình và vì những ai có H mà giang đôi bàn tay nâng đỡ cho cuộc đời này thêm chút ý nghĩa nha các bạn! Là người bệnh, họ cần sự cảm thông; họ cũng là con người như chúng ta, họ cần tình thương yêu. HIV không từ một ai, dù bạn giàu hay nghèo, có học thức hay không... Hãy đặt mình vào vị trí của người, để chúng ta có thể cảm nhận và hiểu hơn nỗi đau của người có HIV.
HOÀNG YẾN