Không kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS
Cập nhật ngày 25-11-2014
BT - Đến cuối tháng 9/2014, tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đã có người nhiễm HIV. Toàn tỉnh đã có 4.168 trường hợp nhiễm HIV, 656 bệnh nhân AIDS hiện còn sống và 414 người đã chết do AIDS.

Truyền thông nhóm nhỏ góp phần xóa bỏ kỳ thị.
HIV/AIDS là một bệnh mà ai cũng có thể mắc. Tuy nhiên, hiện tượng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đã làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm HIV và trở thành một rào cản trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, làm cho đại dịch càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2014 với chủ đề: “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.
Một trong những nguyên nhân của sự kỳ thị là do thiếu hiểu biết hoặc hiểu không đầy đủ về HIV/AIDS. Một số người đã nghe nói về HIV/AIDS nhưng không hiểu rõ nguyên nhân và cách thức lây truyền, dẫn tới cho rằng có khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc hay sinh hoạt thông thường với người có HIV như ăn uống cùng nhau, bắt tay, ôm hôn, dùng chung nhà tắm, hồ bơi... Đôi khi có người còn nghi ngờ HIV có thể lây nhiễm qua vết đốt của muỗi hay côn trùng cắn. Từ đó dẫn đến quá lo sợ mình bị lây bệnh và thể hiện cách phòng vệ bản thân quá mức, có những biểu hiện phân biệt đối xử với người có HIV như: không ngồi chung bàn, không ăn chung, không cho trẻ em chơi chung, học chung với trẻ có HIV hay nghi ngờ bị nhiễm.
Để chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, cần xác định công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng để thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Trong những năm qua, chúng ta đã huy động đồng bộ các kênh truyền thông hiện có trên địa bàn và được triển khai rộng khắp với sự nỗ lực, vào cuộc của cả cộng đồng, của mọi cấp, mọi ngành. Nội dung tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cũng được lồng ghép với phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; vận động cộng đồng mở rộng vòng tay giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS. Đây cũng được coi là giải pháp chính để thực hiện mục tiêu không còn sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Thực tế cho thấy, quá trình truyền thông trước đây về HIV/AIDS thường gắn với hình ảnh người nhiễm HIV/AIDS ốm yếu, lở loét, hay gắn với đầu lâu xương chéo, biểu tượng của sự chết chóc đã làm cho mọi người thấy ghê sợ người có HIV. Sự liên hệ, gán ghép giữa HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, tội phạm...khiến cho HIV/AIDS trở nên xấu xa, bị cộng đồng lên án. Nay cần phải thay đổi cách nghĩ về HIV/AIDS, đó là vấn đề sức khỏe không dành cho riêng ai; mọi người đều có thể mắc nếu không hiểu biết, có hành vi nguy cơ hay để nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng. Tập trung vận động sự ủng hộ của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức tự nguyện và các cá nhân đối với các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tham gia các hoạt động ở địa bàn dân cư.
Để thực hiện mục tiêu “Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, còn phải chú trọng đến công tác quản lý, tư vấn và điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Hiện tại đã có hơn 784 người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý theo dõi, điều trị. Công tác điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS cũng được triển khai theo hướng chăm sóc toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS.
Về phía người nhiễm HIV cũng có hiện tượng tự kỳ thị, cho rằng nhiễm HIV là định mệnh phải cam chịu, hay ngại lộ diện, sợ người thân, mọi người biết mình mắc bệnh hoặc có hành vi nguy cơ nhiễm HIV đã cố tình giấu bệnh dẫn đến biểu hiện tự xa lánh, cô lập, hạn chế hợp tác, từ chối các sự trợ giúp, do đó người thân và cộng đồng cần giải thích, động viên họ tự nguyện xóa bỏ mặc cảm để được tư vấn và điều trị.
Nhờ thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV nên nhìn chung nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS ở tỉnh đã có sự thay đổi lớn, sự kỳ thị đã và đang giảm đi rõ rệt. Người nhiễm HIV/AIDS được điều trị, được hỗ trợ sống hoà nhập cộng đồng...

Hà Tuân
http://baobinhthuan.com.vn/