Phòng chống HIV/AIDS: Hiệu quả của việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử

(14/07/2014 09:19)
LSO- Trong 5 năm qua, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong toàn tỉnh đã giảm đều và giảm sâu ở cả 3 tiêu chí là do chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, phát hiện đến chăm sóc và điều trị, trong đó việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử được coi là “liều thuốc” hiệu quả nhất.
Quán nước vỉa hè của chị Nguyễn Ánh D. ở thị trấn Lộc Bình khá đông người ghé qua. Khách của chị gồm những người lái xe ôm, người chờ xe ra thành phố, vào Chi Ma và cả những công chức, viên chức... người ta vào quán đơn giản là cốc trà đá, điếu thuốc lá... Khách đến rồi lại đi, có người biết, cũng có người không biết chủ quán khỏe mạnh, vui tính ấy là người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Là người quen biết, thấy chúng tôi, chị đon đả mời vào uống cốc nước và cũng để tránh nắng. Trong câu chuyện, chị cho biết: “Vẫn biết em là người có HIV, song chẳng mấy người ngại. Thật lòng em phải cảm ơn những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS, cảm ơn những nhà báo như các anh. Chính các anh đã làm thay đổi hẳn lối nghĩ xưa cũ, những quan niệm sai lầm về HIV/AIDS, để cho chúng em được sống cùng xã hội.”

Khuôn mặt xinh đẹp của cô gái đến tuổi dậy thì luôn ánh lên những niềm vui sống khi Trần Thị N. Ở thành phố Lạng Sơn kể cho chúng tôi nghe chuyện trường, chuyện lớp và bè bạn cùng trang lứa. Bố và mẹ lần lượt qua đời vì HIV/AIDS và đau xót hơn chính cháu cũng đã bị nhiễm HIV. Thương cô cháu gái bệnh tật côi cút, bà nội tìm mọi cơ hội cho cháu tiếp cận với ARV tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc. Được bà chăm sóc chu đáo, được uống thuốc thường kỳ, cháu khỏe ra và được đi học cùng các bạn. Cháu kể: “Khi vào Trường THPT Việt Bắc, cháu vẫn công khai với bạn bè, thầy cô là mình bị nhiễm và đang điều trị HIV. May thay các thầy cô giáo và các bạn đều không có biểu hiện kỳ thị, phân biệt xa lánh. Có lần cháu hỏi một bạn cùng lớp rằng tại sao các bạn không sợ; bạn ấy nói rằng, HIV/AIDS có gì ghê gớm, chẳng qua nó cũng chỉ là bệnh truyền nhiễm và mang tính nguy hiểm vì chưa có thuốc chữa. Thầy cô giảng như vậy và bọn mình cũng đã tìm hiểu qua tài liệu, sách báo rồi, chỉ cần “kiêng” đúng cách là được. Cháu coi lời nói và hành động của các bạn không khác gì những viên thuốc ARV. Còn hơn thế, thuốc uống có giờ, còn sự thân mật của bạn bè là vô tận”.

Học sinh Trường THCS Cai Kinh, huyện Hữu Lũng tìm hiểu kiến thức về HIV/ADS trong thư viện thân thiện
Điều 2 của Luật Phòng chống HIV/AIDS đã nêu rõ, kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác, khi biết người đó nhiễm HIV hay nghi ngờ nhiễm HIV. Phân biệt đối xử là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng đối với người nhiễm HIV hoặc người nghi nhiễm HIV. Như vậy, kỳ thị là thái độ, phân biệt đối xử là hành vi hoặc hành động cụ thể. Kỳ thị và phân biệt đối xử có tác hại rất lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Nó làm cho người nhiễm do mặc cảm mà giấu bệnh, không dám thể hiện mình; thiếu thông tin, kỹ năng tự chăm sóc và phòng lây nhiễm, và như vậy cứ “vô tư” truyền bệnh cho người khác. Do bị kỳ thị, phân biệt đối xử, người nhiễm có thể do uất ức mà nổi loạn, trả thù đời hoặc trở thành “quần thể ẩn” rất khó tiếp cận, quản lý và chăm sóc. Nghiêm trọng hơn, người nhiễm bị cô lập trước xã hội, đã có trường hợp ở thành phố Lạng Sơn khi biết một cháu bị nhiễm HIV được nhập học, các phụ huynh đã có hành động tẩy chay đến nỗi nhà trường phải chuyển cháu sang trường khác.
Trong những năm qua, tình trạng kỳ thị phân biết đối xử đã giảm rất nhiều vì người dân đã hiểu bệnh này trên cơ sở khoa học như cơ chế lây truyền, cách phòng, cách tiếp cận, chăm sóc người nhiễm từ gia đình, cơ sở y tế đến cộng đồng. Nếu trước đây, trên các trang báo, tờ rơi đến pa nô, áp phích về chủ đề phòng chống HIV/AIDS có những hình ảnh, từ ngữ khiến người ta sợ hãi, xa lánh thì nay là những hình ảnh từ ngữ mang thông điệp chia sẻ, yêu thương và thân thiện. Mặt khác, phương pháp truyền thông cũng đã đa dạng hóa và nội dung chống kỳ thị phân biệt được ***g ghép vào nội dung truyền thông về HIV/AIDS. Nhiều hoạt động truyền thông đã có sự tham gia trực tiếp của những người nhiễm; đây là nét nổi bật nhất trong hoạt động phòng chống và đã mang lại hiệu quả rất to lớn, vì không những có tác dụng trực tiếp đến người nghe mà những người nhiễm HIV thêm tự tin, dám bộc lộ mình và họ hiểu rằng mình vẫn có ích cho cộng đồng. Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn cho biết: từ 10 năm nay, Lạng Sơn đã tiếp cận và triển khai nhiều hoạt động giảm hại như chương trình bao cao su, bơm kim tiêm và sắp tới là chương trình Methadone... với độ bao phủ ngày càng cao, song việc chống kỳ thị, phân biệt luôn được coi là một “kênh” giảm hại có hiệu quả nhất, độ bao phủ rộng nhất và mang tính nhân văn sâu sắc.
Tuy vậy, sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại ở tỉnh ta, nhất là ở vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này là một bộ phận người dân có trình độ dân trí thấp lại ít được tuyên truyền, thiếu thông tin về HIV/AIDS. Với 66,3% số xã ở tất cả 11 huyện, thành phố có người nhiễm HIV, công tác tuyên truyền cần phải được thực hiện sâu hơn, rộng hơn để trang bị cho người dân những kiến thức cần thiết về HIV/AIDS. Có kiến thức, người dân sẽ có được “liều vắcxin” mạnh để tự bảo vệ mình; có kiến thức sẽ không còn tình trạng sợ hãi, dẫn đến sự kỳ thị, phân biệt đối xử.


Bài, ảnh: MINH HỒNG
http://baolangson.vn/tin-bai/Van-hoa...xu/30-30-67465