Giải pháp để học sinh đồng tính không bị kỳ thị ở trường học

Thứ hai 29/08/2016 14:24

Học sinh LGBT (đồng tính, song tính và chuyên giới) bị bắt nạt bởi bạn bè, thầy cô, cán bộ nhà trường; một số em còn bị ép buộc thay đổi đồng phục, kiểu tóc, cử chỉ…



Những nhân chứng sống, những kết quả nghiên cứu về bạo lực học đường đối với học sinh LGBT được nêu ra tại Hội thảo về học sinh LGBT trong môi trường học được diễn ra vào ngày 28/8, tại TPHCM do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT), Trung tâm ICS và UNESCO tổ chức với chủ đề “Nuôi mầm khoan dung”.

Ngọc Anh kể về hành trình bị bạn bè bắt nạt, bị thầy cô xem là không bình thường trong môi trường học đường - Ảnh: Hoài Nam

Bị bêu tên, đuổi ra khỏi lớp vì… không bình thường

Trần Ngọc Anh (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu) là học sinh Trường THPT P., (TPHCM) vẫn đang trải qua những ngày đến trường trong sự sợ hãi, ám ảnh bởi sự kỳ thị của mọi người, trong đó có cả thầy cô giáo. Anh là người chuyển giới nam bắt đầu nhận diện rõ về bản thân từ đầu năm cấp hai. Sinh ra là con gái nhưng Anh có mong muốn trở thành một người nam.

Năm lớp 7, Anh bị một người bạn trong lớp bắt nạt và gây sự thường xuyên, sau đó cả hai xảy ra xô xát. Cô giáo cho rằng, Anh là một người lệch lạc và gần như giờ nào của giáo viên chủ nhiệm, em cũng bị cô kêu tên và nhắc nhở về điều này.

Ngọc Anh kể: “Có lần em đi vệ sinh thì bị tạt nguyên một xô nước từ trên xuống, sau đó thì tiếng các bạn cười ha hả bên ngoài. Những năm cấp hai, những lời đe dọa, miệt thị, bôi nhọ… ở trường học là chuyện thường ngày mà em phải đối diện. Em từng bị giáo viên đuổi ra ngoài vì… không bình thường”.

Lên cấp 3, nhiều bạn học đã hiểu và cởi mở hơn với Anh nhờ những kiến thức, hiểu biết về LGBT, tuy nhiên một số giáo viên vẫn kỳ thị. Anh đã bị một giáo viên của trường lôi ra làm “minh họa” cho sự không bình thường và có những học sinh chơi với Anh cũng bị giáo viên giáo viên nhắc nhở, xúc phạm.

Hôm nay, Anh mang câu chuyện của mình đến hội thảo với mong muốn từ câu chuyện của mình, môi trường giáo dục sẽ có những thay đổi tích cực, thân thiện để các bạn LGBT khác khi công khai giới tính của bản thân sẽ không bị kỳ thị, dè bỉu và sợ hãi đến trường như mình.

Ngoài Ngọc Anh, có nhiều học sinh, sinh viên thuộc cộng đồng LGBT hay là phụ huynh của các bạn này cũng có mặt tại hội thảo. Một số người cũng lên tiếng về việc mình/con mình bị kỳ thị, phân biệt ở môi trường học đường vì là LGBT.

Phân biệt đối xử, kỳ thị do kém hiểu biết

Bà Trần Thị Phương Nhung, cán bộ quản lý chương trình “Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội công bằng hơn” (UNESCO) cho biết, theo báo cáo nghiên cứu của UNESCO, Bộ GD-ĐT và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam năm 2015 về LGBT trong trường học, các em thuộc LGBT cảm thấy không an toàn và hay bị bắt nạt ở những nơi xa văn phòng nhà trường, xa thầy cô giáo, khu vực nhà vệ sinh hay bên ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, đôi khi chủ thể bắt nạt các em có thể là thầy là thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường, bạn hay kể cả những người bán hàng rong bên ngoài cổng trường. Có thể nói khuôn mẫu giới rập khuôn, những hiểu biết chưa đầy đủ là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự bắt nạt.

Bà Nguyễn Vân Anh, Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT cho biết, cùng với sự hỗ trợ của UNESCO, hiện Cục Nhà giáo đang triển khai thực hiện hai bộ tài liệu trực tuyến gồm tài liệu về quản lý phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới dành cho giáo viên, nhân viên tư vấn và cán bộ quản lý và tài liệu nâng cao năng lực cho giáo viên THCS và THPT nhằm đến vấn đề về giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan khác. Cục sẽ thẩm định để trình lên lãnh đạo Bộ GD-ĐT về hai bộ tài liệu này và sau đó sẽ công khai trên website của Bộ.

Các cơ quan quản lý đang có những nỗ lực trong việc giảm thiểu việc bị bắt nạt của học sinh LGBT trong môi trường học đường. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Phương Nhung, vấn đề liên quan đến bạo lực học đường trên cơ sở giới, vấn đề LGBT là vấn đề khá mới với các cơ quan quản lý. Cần có sự chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực hơn nữa để cán bộ quản lý giáo dục nói riêng và những nhà làm chính sách nói chung ở các cấp có những thông tin, kiến thúc đúng và chuẩn để có những chính sách hiệu quả hơn.

Ngôi trường đầu tiên dạy về người đồng tính

Đó là Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ do thầy Vũ Đức Chỉnh làm hiệu trưởng. Ở trường, ngoài giờ học chính khóa, học sinh thường có tiết sinh hoạt dưới cờ, diễn kịch, chia sẻ về cộng đồng LGBT… (người đồng tính, song tính, và chuyển giới).

Tại hội thảo, thầy Chỉnh cho biết, bước đầu thực hiện cũng vấp phải nhiều khó khăn như giáo viên chưa thông hiểu, cơ quan chức năng yêu cầu làm tường trình…Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện, việc làm này của trường đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.

Thầy Chỉnh chia sẻ: “Thứ hai trường có yêu cầu mặc đồng phục nên các em LGBT thường trốn khỏi trường vào giờ này. Từ khi tôi cho phép em nào không thích mặc áo dài được quyền mặc áo ngắn thì các em này lại hoạt động rất sôi nổi khiến học sinh trong trường cũng khâm phục".

Không những thế, thầy Chỉnh còn trực tiếp khuyên nhủ, tác động đến các phụ huynh cấm đoán khi biết con là LGBT. Thầy kể: “Lúc trước, trường tôi có một em nữ bị mẹ ruột tát trước cổng trường vì cái tội là người LGBT. Em định bỏ học. Biết việc này, tôi đã đến nhà nhờ địa phương can thiệp, hòa giải. Sau đó, em đã đi học lại và hiện đã đậu vào trường cao đẳng”.

Thầy Chỉnh tâm niệm các em là người LGBT đã thiệt thòi, là người thầy giáo cần phải quan tâm, chia sẻ với các em hơn. Nhớ trường hợp cách đây hơn 30 năm, một học sinh nam đồng tính bị bạn bè trêu chọc nên trở nên cô lập, lầm lì, khi ấy thầy mới bước vào nghề giáo.

Đau lòng khi thấy học trò như vậy, thầy mới tìm cách lôi kéo em vào tham gia các hoạt động ở trường, giúp em tự tin hòa nhập với các bạn ở trường. Học sinh này giờ đã là phó hiệu trưởng của một trường ĐH ở TP.HCM và thường xuyên về thăm trường. Anh là tấm gương giúp các em LGBT tự tin hơn.

Bà Nguyễn Vân Anh, Cục Nhà giáo cho biết, tháng 10 sắp tới, cục sẽ triển khai khóa học trực tuyến liên quan về giới, bình đẳng giới cho 200 giáo viên, cán bộ quản lý ở một số trường THCS và THPT tại Huế và TP.HCM. Cục Nhà giáo sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận thông tin để xóa bỏ tình trạng bạo lực học đường liên quan đến giới. Thông qua đó, cục sẽ xem xét rà soát tài liệu liên quan đến giảng dạy để bồi dưỡng, lồng ghép đa dạng giới vào trong nội dung dạy.