Thứ ba, 30/08/2016 14:34
Người vợ nghèo cam tâm hiến mắt cho chồng mù, mong anh được thấy mặt con

Chịu đủ sức ép, cản trở từ phía gia đình, người phụ nữ ấy vẫn quyết tâm tiến đến với người mình yêu, dù anh không toàn vẹn.





Chúng tôi đến gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng (27 tuổi) khi trời vừa dứt một cơn mưa lớn. Chưa bước vào nhà nhưng từ xa đã nghe văng vẳng tiếng người lớn dỗ trẻ con ngủ.


“À ơi, ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi…”, giọng ru ngọt ngào của anh Huỳnh Văn Ba (32 tuổi) hoà vào tiếng kẽo kẹt võng đưa, khiến đứa bé 8 tháng tuổi chìm sâu vào giấc mộng. Ngồi cạnh bên, chị Hồng chăm chú nhìn chồng, nở một nụ cười đầy âu yếm.



Anh Ba nhận nhiệm vụ đưa võng cho con mỗi khi vợ gội đầu cho khách.



Ngày đám cưới, chú rể không thấy đường… hôn cô dâu


Nếu không được biết trước, có lẽ chúng tôi không thể nhận ra anh Ba bị mù loà. Thấy khách ngạc nhiên, chị Hồng lại cười, bảo ngày ấy chị cũng giống như vậy.


Ba năm về trước, qua sự giới thiệu của một người bạn, chị Hồng vô tình có số điện thoại anh Ba. Quen nhau qua “đường âm thanh” một thời gian, cô gái trẻ nhanh chóng cảm mến chàng trai có giọng nói trong trẻo và giọng hát rất ngọt ngào.


Nhưng ngặt nỗi cứ mỗi lần cô gái muốn hẹn gặp mặt, chàng trai lại tìm cách từ chối khéo hoặc chỉ mời sang nhà chơi. Năm lần bảy lượt như vậy, chị Hồng không còn kiên nhẫn, đánh liều khăn gói từ Đồng Nai lên Sài Gòn tìm gặp anh Ba.



Người cha mù đang chơi với con.

Đúng như cô gái dự đoán bấy lâu, chàng trai là người cao ráo, khuôn mặt lại sáng sủa. Nhưng ấn tượng ban đầu phút chốc bị thay thế bằng sự bất ngờ, khi chị Hồng thấy anh Ba khoa chân múa tay loạn xạ. Khoảnh khắc nhận ra người mình thầm thương trộm nhớ không thấy đường khiến chị Hồng ngỡ ngàng.
Và cô gái xinh đẹp vẫn quyết định tiếp tục mối lương duyên với chàng trai mù, khi biết anh vì một tai nạn mà mất đi ánh sáng từ nhỏ, luôn chịu thua thiệt trước đám bạn đồng trang lứa.


Ngày cô trình bày mọi chuyện với gia đình, cha mẹ cô một mực lắc đầu, lo sợ tương lai u ám cho con gái. Mấy anh em cô thì nhẹ nhàng hơn, bảo nên suy nghĩ thật kỹ, vì “lỡ chán nản mà bỏ thì tội nghiệp cho người ta lắm”.



Việc đi lại trong ngôi nhà của mình cũng đã là một sự khó khăn với người đàn ông này.

Chị Hồng kể tiếp: “Đã nhất quyết sẽ sống cùng anh Ba nên em dọn về ở chung luôn. Cộng thêm má chồng mấy lần qua tận nhà khẩn khoản xin cho hai đứa nữa nên cuối cùng ba má em cũng bấm bụng chấp thuận”.


Ngày đám cưới, cỗ bàn chỉ có vài món đơn sơ. Gia đình hai bên đều nghèo nhưng cũng gắng dành dụm tiền trang điểm thật đẹp cho cô dâu, bởi đời con gái chỉ một lần mặc áo cưới.


Đến giờ cử hành hôn lễ, mọi người há hốc mồm khi cô dâu e thẹn tiến lên phía trước, chú rể phía sau cứ níu chặt vai áo, lặng lẽ theo sau. Họ lò dò từng bước khó khăn đến ra mắt mọi người. Đi giữa chừng, chú rể vấp chân suýt té nhào khiến khách một phen hốt hoảng.


Đến giây phút đặc biệt nhất, phần đôi phu thê thể hiện tình cảm cho nhau bằng những nụ hôn nồng cháy thì chú rể lại hôn… hụt, khiến cô dâu phải tự nguyện áp má vào. Họ thành đôi bằng sự lựng khựng đáng yêu và tiếng cười thích thú xen lẫn hồi hộp của quan viên hai họ.



Lâu lâu, chị Hồng lại kiểm tra mắt cho chồng, xem có bị đục hay bụi bay vào không.

“Ước gì cha nhìn thấy được mặt con…”


Sau ngày lấy nhau, chị Hồng bỏ nghề may, xin đi phụ việc gần nhà để tiện bề chăm sóc chồng. Mỗi ngày chị dậy từ sáng sớm, nấu cơm để sẵn cho chồng rồi mới đi làm. Một thời gian sau thấy cô gái hiền lành nhân hậu, người hàng xóm gần nhà nhận chị về dạy cho nghề gội đầu mướn.


Rồi người hàng xóm tốt bụng đi định cư ở nước ngoài, để lại toàn bộ đồ nghề cùng căn nhà cũ cho vợ chồng chị Hồng cùng người mẹ có chốn dung thân, không phải đi ở trọ như trước. Niềm vui có chỗ che mưa che nắng lại được nhân đôi khi ít lâu sau, chị Hồng biết tin mình mang thai.



Giờ đây chuyện ăn uống của anh Ba đều do chị Hồng lo liệu. Lòng heo xào là thứ mà gia đình này thường xuyên ăn nhất, vì nó rẻ tiền.



Ngày chị Hồng lâm bồn sanh bé Huỳnh Thị Ngọc Diễm, cả nhà vui mừng khôn xiết. Nhưng sau đó là cả bộn bề lo toan, bởi anh Ba không làm ra tiền, trong khi mỗi ngày người vợ chỉ kiếm được vài chục ngàn tiền gội đầu.


Thậm chí khi chị Hồng không có sữa mẹ vì ăn uống quá kham khổ, hai vợ chồng phải mua những bịch sữa rẻ tiền ngoài tạp hóa để mớm cho con.



Gội đầu là công việc giúp chị Hồng kiếm được vài chục ngàn mỗi ngày.



Hôm nào ế khách, có chút thời gian, chị sẽ gội đầu cho mẹ chồng.



Bà Nguyễn Thị Bạch (55 tuổi, mẹ chồng chị Hồng) ngậm ngùi chia sẻ: “Từ ngày về đây, con Hồng nó cực lắm, vừa đi làm lại vừa chăm lo từng bữa cơm, chén nước cho chồng.


Giờ lại gánh thêm đứa con gái mới tám tháng tuổi. Thương tụi nó lắm nhưng mỗi ngày tôi cũng chỉ phụ được ba mươi ngàn tiền sữa cho cháu, bởi tuổi già sức yếu, đi làm nào có được bao nhiêu…”.



Anh Ba vừa quét nhà vừa trông con dù chẳng nhìn thấy gì.

Biết vợ chịu nhiều khổ cực, dù sức khoẻ không cho phép, anh Ba cũng cố gắng giúp chị Hồng làm việc nhà. Khi vợ gội đầu cho khách, anh tự tay vỗ về, đưa võng cho bé con ngủ. Lúc vợ đổ bệnh, anh lại mò mẫm ra sàn nước, khó nhọc rửa từng cái chén, muỗng cơm, bị bọt xà phòng bắn khắp người.


Một lần, khi mệt quá nằm thiếp đi, chị Hồng lờ mờ thấy chồng vừa dùng tay quét nhà vừa dùng chân giữ con. Quét xong, người cha đột nhiên thủ thỉ: “Uớc gì ba sáng mắt để được nhìn thấy mẹ, xem mặt con, để biết con gái ba xinh đẹp đến dường nào. Nhưng chắc kiếp này không được rồi…”. Tỉnh hẳn cơn mê, mắt chị giàn giụa nước.



Đôi khi vợ bệnh, anh vừa rửa chén vừa chơi đùa với con. Những lúc này, người chồng cố gắng làm thật nhanh, phần vì không thấy đường, phần sợ con bị muỗi chích.

Cũng từ lần đó, người vợ có một quyết định gây sốc: Sẽ hiến một bên giác mạc để ghép cho chồng. Khi chị Hồng nói dự tính của mình ra, anh Ba không chấp nhận. Bởi thân xác anh vốn đã làm nặng gánh cho vợ, có lý nào giờ anh lại để cô chịu khổ. Nhưng chị Hồng cương quyết: “Mất đi một bên, em vẫn còn một bên mà. Anh phải được ghép giác mạc, phải sáng mắt để phụ em nuôi nấng, lo tương lai cho con”.




Do chiếc giường khá chật nên khi đi ngủ chỉ hai mẹ con chị Hồng nằm, còn anh Ba trải một tấm cao su nằm dưới đất. Tối nào anh cũng tranh thủ đùa giỡn với con thật lâu rồi mới chịu chợp mắt.






Đứa con gái giờ là nguồn sống lớn nhất của hai vợ chồng. Với anh Ba, tình thương con khiến anh càng khát khao thấy mặt con, dù trước mặt là rào cản rất lớn.


Cuộc tranh cãi chưa có hồi kết bỗng khựng lại, khi chị Hồng nghe phong thanh ca phẫu thuật ghép giác mạc lên đến hơn trăm triệu đồng. Chị phải gội bao nhiêu mái đầu để có được số tiền ấy, trong khi nhà chẳng có vật gì giá trị để bán.


Thứ quý giá nhất hiện tại có chăng là trái tim yêu thương mãnh liệt của chị Hồng với anh Ba. Dù giác mạc có bị cắt đi, đôi mắt xinh đẹp mất đi nửa nguồn ánh sáng, chị cũng sẵn sàng hiến dâng để khoả lấp nỗi khao khát thấy mặt con của chồng.



Gương mặt đăm chiêu của người vợ trẻ khi nghĩ đến số tiền quá lớn để có thể hiến giác mạc cho chồng.



Chẳng biết khi nào ba người họ mới có thể cùng nhìn thấy nhau?

Chị Hồng bảo, mấy tháng gần đây, đêm nào cũng nằm mơ thấy chồng ôm hôn con, chăm chú nhìn con bằng một bên mắt vừa có ánh sáng. Khi ấy, hai vợ chồng dù không hoàn hảo nhưng rất xứng đôi. Họ sẽ cùng dắt tay con gái đi đến cùng trời cuối đất, sống một cuộc đời tươi đẹp nhất.
Theo Mộc Cát - Trí thức trẻ