Thứ ba, 13/09/2016 16:28
Giảo cổ lam - thảo dược quý giúp tăng cường tuổi thọ

Giảo cổ lam vốn được coi là “thảo mộc bất tử” do người dân ở Quý Châu - miền núi phía Tây Nam của Trung Quốc uống trà giảo cổ lam thì sống rất thọ.



Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum) thuộc họ với những loại cây như dưa chuột, bầu. Lá giảo cổ lam thường được dùng để sao thành trà và thưởng thức như những loại trà khác. Giảo cổ lam có mặt ở miền nam Trung Quốc và một phần của Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản.



Giảo cổ lam - loại thảo mộc quý giúp tăng cường sức khỏe

Người dân phương Tây không biết nhiều đến giảo cổ lam do chúng không được phân phối rộng rãi như nhân sâm. Song, sau một số nghiên cứu khoa học được tiến hành vào những năm 1970, các nhà khoa học nhận thấy cả 2 loại thảo mộc này đều có những thành phần tương tự nhau.


Các nhà hóa học Nhật Bản Masahiro Nagai và Tsunematsu Takemoto đã phát hiện ra rằng cả 2 loại thảo mộc này đều có chứa saponin - hợp chất giúp tăng cường sức khỏe, song hợp chất saponin ở giảo cổ lam cao gấp 3-4 lần so với nhân sâm.


Ở nhân sâm, 28 hợp chất saponin được gọi là ginsenoside. Trong giảo cổ lam, 82 saponine được gọi là gypenoside. Trong cơ thể con người, cả hai dạng hợp chất này đều có tác dụng cải thiện sức khỏe, bồi bổ cơ thể.




Trà giảo cổ lam chứa nhiều hợp chất giúp tăng cường sức khỏe




Giảo cổ lam cung cấp hàm lượng chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi sự tấn công của các tác nhân có hại.


Giảo cổ lam cũng mang đến những lợi ích sức khỏe cho tim mạch, giúp tăng cường các hoạt động của cơ tim, cải thiện tuần hoàn máu. Nó cũng giúp làm giảm cholesterol LDL và làm tăng cholesterol HDL. Giảo cổ lam được chứng minh như một chất giúp hạ huyết áp hàng đầu – ngang với thuốc indapamide do Servier phân phối.


Giảo cổ lam giúp bảo vệ gan, giúp tăng cường năng lượng, tăng sức chịu đựng, nâng cao khả năng phục hồi, giúp giảm căng thẳng về tinh thần. Nó cũng giúp giảm thiểu tình trạng jet lag (hội chứng chệch múi giờ do bay đường dài, từ nơi này đến nơi khác). Loại trà này cũng giúp ổn định lượng đường trong máu và được coi như một nguồn flavonol ampelopsin phổ biến giúp xoa dịu tình trạng say xỉn.


Ở Việt Nam, năm 1997, giáo sư Phạm Thanh Kỳ (Đại học Dược Hà Nội) đã phát hiện ra cây giảo cổ lam trên núi Fansipan (Lào Cai). Giảo cổ lam còn được tìm thấy ở một số địa phương thuộc vùng đồi núi phía Bắc. Theo các đánh giá về khoa học, giảo cổ lam Việt Nam có chất lượng tốt, hàm lượng hoạt chất rất cao.
Theo Hoài Thương - Tạp Chí Thực Phẩm Chức Năng Health+