Người nhiễm HIV/AIDS cần chủ động tham gia BHYT

Thứ sáu 27/01/2017 08:00

Từ năm 2008 đến nay, người nhiễm HIV/AIDS tại Bà Rịa-Vũng Tàu được hưởng các dịch vụ y tế (khám, xét nghiệm và cấp thuốc ARV) miễn phí từ nguồn tài trợ của Chính phủ Mỹ (VAAC-US.CDC) và Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, lộ trình từ tháng 1/2017, viện trợ quốc tế cho các chương trình phòng chống HIV/AIDS chấm dứt. Do đó, để ứng phó kịp thời, địa phương đang nỗ lực vận động người nhiễm HIV/AIDS chủ động tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).



Bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Thùy Chi


Phóng viên Trang tin Tiếng Chuông-Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có buổi trao đổi với bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Bà Rịa-Vũng Tàu để làm rõ hơn về những khó khăn, thách thức trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Xin ông cho biết thực trạng lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Tính đến đầu tháng 12/2016, lũy tích số người nhiễm HIV của tỉnh là 3.961 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV còn sống tiếp cận được là 2.200 và 1.761 trường hợp tử vong do AIDS.

Riêng năm 2016, toàn tỉnh đã phát hiện 103 trường hợp nhiễm HIV mới và có 18 người nhiễm HIV tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số người nhiễm HIV mới giảm 04 trường hợp, số người tử vong do AIDS giảm 15 trường hợp.

Về địa bàn phân bố dịch đã ghi nhận 100% các huyện, thành, thị có người nhiễm HIV, trong đó thành phố Vũng Tàu là địa phương có số lũy tích người nhiễm HIV cao nhất 1.854 (46,8%). Về giới, tỷ lệ nhiễm HIV là nam giới cao hơn nữ. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV là nữ đã tăng đáng kể trong 10 năm trở lại đây (28,8% năm 2007 lên 32,7% năm 2016).

Phân bố nhiễm HIV theo nhóm tuổi, tỷ lệ nhiễm HIV tập trung ở khoảng tuổi từ 20-39 (74% năm 2016). Trong đó, tỷ lệ nhiễm HIV trong độ tuổi từ 20-29 có xu hướng giảm dần qua các năm (65% năm 2007; 32% năm 2016), tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV trong độ tuổi từ 30-39 lại có xu hướng tăng dần (21% năm 2007 lên 42 % năm 2016).

Hiện lây nhiễm qua đường máu chiếm tỷ lệ 50,9%, lây truyền qua đường tình dục chiếm gần 39,7%, không rõ 6,75% và mẹ truyền sang con là 2,73%. Tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ lệ lây nhiễm qua đường tình dục đã tăng rõ rệt (17,27% năm 2000; 52,89% năm 2010 và năm 2016 là 54,1%), đặc biệt các trường hợp không rõ đường lây đã không còn kể từ năm 2015.

Kết quả giám sát trọng điểm HIV (2007-2016) cho thấy: Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy tại cộng đồng có xu hướng giảm dần từ 15,4% (2007) xuống 10% (2015) và 8,5% (2016). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mại dâm lại có xu hướng tăng nhẹ từ 1,25% (2007) tới 2% (2012), 2,66% (2014) , 2,5% (2015) và 2,5% (2016). Đối với các nhóm đại diện cho cộng đồng, tỷ lệ nhiễm HIV chưa vượt quá 1%.

Tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân của tỉnh vẫn ở mức cao so với các địa phương trong toàn quốc (đứng thứ 15/63 tỉnh thành). Do đó, kinh phí điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng với cộng đồng và ngành y tế bởi điều trị HIV là điều trị suốt đời và chi phí dịch vụ khá cao.

Xin ông cho biết công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn hiện đang gặp những khó khăn, thách thức gì?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vấn đề khó khăn, thách thức đòi hỏi phải tập trung, nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.

Thứ nhất là kiểm soát tình hình dịch và các biện pháp giám sát dịch. Hiện nguồn lây nhiễm HIV trong cộng đồng lớn (287 người nhiễm HIV còn sống/100.000 dân). Trong khi đó tỷ lệ phát hiện HIV (số người nhiễm HIV được phát hiện còn sống/số người nhiễm HIV còn sống theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS) mới đạt ở mức 70% (2.200/3.100).

Bên cạnh đó, hành vi của các nhóm nguy cơ cao có nhiều thay đổi như sự đan xen giữa các hành vi của nhóm đối tượng nghiện chích và mại dâm (vừa bán dâm, vừa nghiện chích ma túy), thay đổi hành vi tình dục sau khi sử dụng ma túy tổng hợp, di chuyển địa bàn hoạt động liên tục theo mùa ở nhóm gái mại dâm tại Côn Đảo...

Khó khăn nữa là do khả năng tiếp cận, duy trì chương trình ở một số địa bàn còn hạn chế, nhất là tại những địa phương không có dự án tài trợ hoặc dự án ngưng tài trợ. Việc triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu tính chủ động, các hoạt động chỉ mới tập trung trong các tháng chiến dịch truyền thông hoặc tuyên truyền về phòng chống lây nhiễm HIV cho đại diện các ban ngành, đoàn thể của địa phương.

Thách thức trong công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS là do tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và thân nhân của họ vẫn còn cao, làm ảnh hưởng đáng kể tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV, hiện tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV mới đạt 80,05% (so với số nhiễm HIV được phát hiện còn sống).

Trong khi đó, xét nghiệm tải lượng virus chưa được xét nghiệm một cách thường quy cho nên chưa thể đánh giá được tỷ lệ người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng.

Ngoài ra, thách thức lớn đối với địa phương là đến đầu năm 2017, chương trình chăm sóc điều trị không còn hỗ trợ của dự án quốc tế, mọi chi phí khám chữa bệnh do bệnh nhân và BHYT chi trả nhưng tỷ lệ người bệnh tham gia BHYT còn thấp...

Hiện số người nhiễm HIV/AIDS trên địa sử dụng BHYT chiếm đến gần 60%, xin ông cho biết địa phương đang triển khai những hoạt động gì để khuyến khích những người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Từ khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2015/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV, tỉnh đã tiến hành kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS theo hướng BHYT chi trả, nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ tốt nhất để tăng hấp dẫn đối với người nhiễm HIV.

Cụ thể, tỉnh đã rà soát tình hình BHYT, tư vấn động viên khuyến khích người nhiễm tham gia mua BHYT, kết quả đánh giá ban đầu tỷ lệ người nhiễm có thẻ BHYT là 58%. Đặc biệt, trong bối cảnh các dự án quốc tế giảm dần và ngừng hỗ trợ hoàn toàn từ năm 2017 rất cần BHYT trong khám chữa bệnh. Do đó, người nhiễm HIV cần vượt qua rào cản tự kỳ thị, chủ động tham gia BHYT ngay từ hôm nay để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình. Đó cũng là giải pháp lâu dài, bền vững cho công tác phòng chống, điều trị HIV/AIDS.

Thưa ông, địa phương có gặp khó khăn trong quá trình triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS không?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Khó khăn lớn nhất khi triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV ở trên địa bàn tỉnh là sự tự kỳ thị và bị kỳ thị, vì khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV phải xuất trình giấy tờ tùy thân chính xác, phải tuân thủ quy trình khám chữa bệnh của cơ sở cung cấp dịch vụ, mặt khác phần lớn người nhiễm HIV là người nghèo, không có điều kiện mua BHYT và một số không đủ điều kiện mua BHYT (không có giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu…).

Theo ông, thời gian gian tới, địa phương cần làm gì để vận động được hơn 40% người nhiễm HIV/AIDS còn lại tham gia BHYT?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Theo tôi, công tác truyền thông vận động trực tiếp là hết sức cần thiết. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành rà soát tình hình BHYT của người nhiễm, phân tích chi tiết BHYT của các nhóm, để tác động một cách cụ thể cho người nhiễm HIV hiểu ý nghĩa của việc sử dụng BHYT trong khám chữa bệnh. Đồng thời, tham mưu Sở Y tế tỉnh trình UBND, HĐND tỉnh hỗ trợ mua BHYT cho người nhiễm HIV không có khả năng mua BHYT.

Ông có ý kiến gì về Quyết định 2188/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành mới đây về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV mang lại lợi ích gì cho người nhiễm HIV/AIDS?

Bác sĩ Bùi Minh Kha: Theo tôi, đây là quyết định, chủ trương đứng đắn của Chính phủ để địa phương có cơ sở tham mưu với lãnh đạo tỉnh tạo nguồn kinh phí hỗ trợ người nhiễm HIV. Theo quyết định này, địa phương phải bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, đồng thời hỗ trợ người nhiễm HIV trong việc đồng chi trả các dịch vụ khi khám chữa bệnh BHYT. Như vậy, người nhiễm HIV sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia BHYT trong khám chữa bệnh, giảm bớt chi phí, từ đó yên tâm điều trị để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Thùy Chi