Hạnh phúc bình dị của cặp đôi có 'H'

Thứ hai 27/02/2017 16:14

“Thậm chí chúng tôi không được dùng chung nguồn nước với xóm làng, vì dân làng đều sợ virus HIV lây qua nguồn nước”.

Mối tình “rổ rá cạp lại”

Chúng tôi tìm đến nhà của bé V ở huyện Ô Môn, Cần Thơ vào một ngày nắng đẹp. Anh T, bố dượng của bé V cho hay, bé lây HIV từ bố mẹ. Bố bé đã qua đời. Mẹ một mình đi làm thuê nuôi con nhỏ. Trong một lần đi nhận thuốc cho con ở bệnh viện Nhi, mẹ bé tình cờ gặp anh-một người đàn ông góa vợ cũng đi lấy thuốc cho con. Cùng cảnh ngộ, hai người có tình cảm với nhau như một lẽ tự nhiên. Tạo hóa thật khéo xoay vần khi mang hai mảnh ghép cuộc đời vừa vặn với nhau. Hai người nên nghĩa vợ chồng từ lần gặp gỡ định mệnh này. Về sống một nhà, anh T chăm sóc bé V không khác con ruột của mình. Hai người xa lạ với hai đứa con riêng kết nên một gia đình đoàn tụ hạnh phúc.

Nhìn cả nhà hạnh phúc bên nhau, không ai tưởng tượng được những gì họ đã trải qua. Anh T nhớ lại, khi vợ cũ của anh mới sinh con, cả hai vợ chồng mới biết là mình có HIV. Cầm tờ giấy xét nghiệm, hai vợ chồng không nhìn nổi mặt nhau. Tin đồn lan rộng, cả xóm đều biết. Đôi vợ chồng trẻ không được ở gần nhà bố mẹ đẻ nữa. Cả gia đình phải làm một cái chòi giữa đồng để ở. Thậm chí, họ không được dùng chung nguồn nước với xóm làng, vì cả làng đều sợ virus HIV lây qua nguồn nước.

Sống giữa đồng không mông quạnh, mùa hạ còn đỡ chứ đến mùa mưa, cái chòi nhỏ như bị cô lập giữa đám ruộng lầy. Muốn đi đâu, cả nhà phải lội qua những ruộng nước sình lầy đó. Gia đình của họ dường như bị gạt ra ngoài cuộc sống của dân làng như thể họ chưa từng là người dân của xóm nghèo này.

Biết chị vợ có H, người dân tò mò, chỉ trỏ… làm tăng thêm nỗi đau cho người vợ vốn dĩ đã tuyệt vọng. Dù được anh T chạy vạy thuốc thang, cơm nước, năn nỉ đủ điều nhưng sâu trong chị, anh biết niềm hy vọng sống đã vụt tắt. Căn bệnh do virus HIV chưa đủ mạnh để quật ngã chị, chị đã bị chính những áp lực từ phía xã hội, từ bản thân mình hạ gục. Chị ra đi để lại anh cùng đứa con gái nhỏ xíu.

Cần nhau một tầm lòng

Vợ mất, anh rơi vào cảnh gà trống nuôi con. Thương con gái nhỏ, tình phụ tử trong anh bùng lên mãnh liệt. Anh tâm sự, thời gian đó, ai thuê gì làm nấy, chấp nhận để xóm làng kỳ thị, miễn sao kiếm đủ tiền để con được đi học như bao đứa trẻ khác. Anh chợt nghĩ, thay vì than trách quá khứ, tại sao anh lại không thể thay đổi mình để có thể sống hết mình với hiện tại. Bây giờ nếu anh chết đi, ai lo cho bé V đây. "Anh phải Sống, sống chứ không phải Tồn tại".

Niềm vui của anh T bên bầy dê nhỏ-Ảnh: Thảo Trần


Bây giờ, gia đình “rổ rá cạp lại” đã được xã hội chấp nhận, dân làng đã có cái nhìn cởi mở hơn. Họ đã được phép dựng nếp nhà ở phía sau, được dùng nước máy. Ngôi nhà làm bằng vật liệu tạm nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Hơn 2 năm trước, bé V bị ngã xe đạp, gãy cổ xương đùi phải nằm một chỗ. Nhà nghèo quá không có tiền để đi chữa bệnh nên bé cứ nằm trên võng, không mặc được quần, đau đớn và tuyệt vọng. Trước hoàn cảnh đó, một nhóm từ thiện đã giúp đỡ gia đình bé. Cha mẹ bé lên bệnh viện trông con - ngủ ngoài hành lang, ăn cơm chay từ thiện. Bé được chẩn đoán là viêm tuỷ xương, được điều trị ở Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM. Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bé đã được chữa bệnh.

Cha mẹ bé được vay vốn từ Dự án Quỹ Toàn thành phần VUSTA và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội-ISDS. Năm 2014, nhờ sự giúp đỡ thêm của nhóm Hương Cau, anh mua được một con bò cái và một con dê cái. Tình yêu thương và lòng tốt của mọi người nuôi dưỡng ý chí phấn đấu, nỗ lực của gia đình nhỏ. Họ như được vực dậy, căn nhà nhỏ thay da đổi thịt từng ngày. Hiện tại, họ đã có một gia tài nhỏ bé, khi bò mẹ đã sinh con đẻ cái, gia đình họ đã có 11 con dê. Gia tài này, là niềm tin, là hy vọng của anh. Nhìn cách anh nâng niu dê con cũng đủ cảm nhận được hạnh phúc dâng tràn trong lòng anh.

Dù được hỗ trợ nhưng anh luôn tự xác định phải tự tạo việc làm cho mình để lo cho bản thân mình và gia đình. Không trông chờ vào lòng tốt của người khác. Mỗi ngày trôi qua, với gia đình họ là một hành trình gian khó nhưng không kém phần thú vị. Sáng, hai vợ chồng họ đi cắt rau muống thuê, làm cỏ mướn để kiếm tiền trang trải. Chiều, họ lại về chăm chút đàn bò, dê-niềm hy vọng của cả nhà. Cơn bão đã dừng sau cánh cửa nhà anh, trong khi những phận người tưởng chừng như đi vào ngõ cụt một ngọn lửa hồng được thắp lên, làm “tươi” lại những cuộc đời.
Bình Nguyên-Thảo Trần