Kết quả 1 đến 3 của 3

Chủ đề: Chuyện những người có “H”

  1. #1
    Admin diendanhiv.vn
    ( Sanh năm 1971 ) 17 năm trong chuyên môn tư vấn HIV miễn phí
    Tuanmecsedec's Avatar
    Ngày tham gia
    29-08-2007
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Giấy chứng nhận tham vấn số : 041/UB AIDS - TV do ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM.
    Bài viết
    103,924
    Cảm ơn
    1,921
    Được cảm ơn: 21,170 lần

    Chuyện những người có “H”

    Chuyện những người có “H”
    2/3/2017

    Kỳ 1: Sống trong sợ hãi

    (Cadn.com.vn) - Mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, nhiều người đã không dám đối mặt với thực tại, mà chọn cho mình lối thoát tiêu cực. Nhưng vẫn còn đó những con người tràn đầy nhựa sống, với nghị lực phi thường để vượt qua sự nghiệt ngã của cuộc đời...

    Lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng thăm hỏi, động viên người có “H”.

    Sợ, tất nhiên là cảm giác đầu tiên, cũng là ám ảnh lớn nhất, thường trực khi một người cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Chắc chắn bất cứ ai, dù có bản lĩnh đến cỡ nào cũng phải khuất phục trước “bản án tử hình” treo lơ lửng trước mặt. Có người quỵ ngã và đi tìm sự giải thoát một cách tiêu cực. Có người tỉnh táo hơn cũng không tránh khỏi cảm giác ê chề, sợ hãi và chạy trốn trong tình trạng mất phương hướng. Với họ lúc ấy, mọi cánh cửa như đóng sập trước mắt, sau lưng là vực sâu hun hút, họ quẫn trong ý nghĩ tìm đến cái chết để giải thoát...

    Có 1001 hoàn cảnh khác nhau, đồng nghĩa cũng có chừng ấy nguyên nhân dẫn đến mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV. Nhớ lại khoảnh khắc tột cùng đớn đau cách đây 14 năm, Phạm Thị Th. (1982, quê Diễn Châu, Nghệ An, hiện trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn không khỏi rùng mình, sởn gai ốc.

    Sinh ra trong gia đình mà bố mẹ đều là công chức Nhà nước, anh chị đỗ đạt trưởng thành, riêng Th., học xong THPT thì lập gia đình với một người đàn ông cùng quê. Cuộc sống của vợ chồng trẻ êm đềm, càng hạnh phúc hơn khi cô con gái nhỏ chào đời không lâu sau đó. Vốn là người nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó, khi cháu bé sinh ra lại càng được gia đình, đặc biệt là mẹ chồng thương yêu hết mực. Th. bằng lòng với những gì mình có và vui vẻ sống những tháng ngày êm ấm bên gia đình.

    Thời gian cứ thế trôi qua, chồng Th. làm nghề xây dựng, thường xuyên phải đi theo công trình nên chuyện xa nhà là không thể tránh khỏi. Và trong những lần như thế, anh không đủ bản lĩnh để từ chối những thú vui, quan hệ ngoài luồng cùng đối tác. Rồi chuyện gì đến cũng đến, trong những lần đi “giao lưu” với đối tác, anh tìm đến với gái làng chơi và mắc bệnh lúc nào không hay...

    Về phần Th., khi con gái lên 3 tuổi, cuộc sống gia đình không hẳn khó khăn lắm, tuy nhiên, do muốn gánh vác phần nào về kinh tế, có một ít vốn để làm ăn, Th. chấp nhận xa nhà để con cái có tương lai tốt đẹp hơn. Đề đạt nguyện vọng và được gia đình cũng như chồng đồng ý, Th. đi xuất khẩu lao động. Sau khi hoàn tất các hồ sơ, thủ tục liên quan, tháng 2-2003, Th. sang Đài Loan và làm việc tại một bệnh viện dưỡng lão. Mọi việc đang thuận buồm xuôi gió thì tai họa bất ngờ ập đến khi chồng Th. bị tai nạn lao động, rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”. Và trong thời gian điều trị tại bệnh viện, qua các xét nghiệm, các bác sĩ đã thông báo cho gia đình biết chồng Th. bị nhiễm HIV...

    Phạm Thị Th (ngồi, bên phải) và V.T.T.B (đứng, ngoài cùng bên trái) từng trải qua nỗi tuyệt vọng khi phát hiện mình nhiễm HIV.

    Khi biết tin chồng Th. bị tai nạn, bệnh viện dưỡng lão nơi Th. làm việc đã tạo điều kiện cho cô về nhà một thời gian. Sau hơn 10 ngày về chăm chồng, mặc dù không muốn rời gia đình trong tình cảnh như vậy, nhưng được sự động viên của bố mẹ, anh chị em bên chồng, Th. gạt nước mắt ra đi. Trở lại Đài Loan được 2 tuần, Th. đón nhận tin sét đánh: chồng cô không qua khỏi. Đau đớn, hoang mang, Th. cố kìm nén để vượt qua khủng hoảng. Rồi mọi chuyện cũng dần nguôi ngoai, động lực lớn nhất lúc bấy giờ để Th. vượt qua, làm việc quên ngơi nghỉ là đứa con gái ở quê nhà đang ngày đêm mong ngóng.

    Tại Đài Loan, cứ 6 tháng một lần, Th. cũng như các nhân viên trong bệnh viện phải khám sức khỏe định kỳ. Và lần khám này, cũng là thời điểm tròn 6 tháng Th. từ Việt Nam qua Đài Loan làm việc, cô nhận được thông báo từ bác sĩ, rằng cô có vấn đề về sức khỏe, phải về Việt Nam điều trị. Th. bắt đầu có linh cảm điều gì đó không hay đã xảy ra.

    Trở về Việt Nam, Th. đi thẳng tới Bệnh viện Chợ Rẫy để xét nghiệm. Thời gian chờ đợi kết quả, với Th. như dài cả thế kỷ. Cảm giác lo âu, nặng nề như thể có tảng đá hàng tấn đang đè lên ngực. Và rồi khi cầm kết quả xét nghiệm trên tay, mắt Th. tối sầm lại, bầu trời như sụp đổ. “Đó là cảm giác rất khủng khiếp” - Th. nhớ lại. Một thân một mình nơi đất khách, lại “mang án tử”, Th. mất phương hướng. Vật vờ như người điên, Th. không biết mình đi đâu về đâu. Cô thất thểu tìm đường về hướng cầu Sài Gòn trong một chiều mưa tầm tã...

    Khác với Phạm Thị Th. là có thể biết được nguồn cơn lây nhiễm của mình đến từ đâu, còn với V.T.T.B (1980, trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) lại bị nhiễm HIV trong một hoàn cảnh khác. Có nhan sắc, B. sớm được nhiều người để ý nên chuyện lấy chồng khi tuổi còn quá trẻ không phải là điều bất ngờ. Cũng chính bởi lấy chồng quá sớm, quá nhanh, không qua giai đoạn tìm hiểu cặn kẽ đã dẫn đến cuộc hôn nhân chóng tàn, khi B. vừa kịp có một cậu con trai. Buồn bã, chán nản, cộng với bản tính phóng khoáng, thích tụ tập chơi bời, B. theo đám bạn “chu du” đây đó. Và để có tiền trang trải, B. trở thành nhân viên tiếp thị cho các quán nhậu, cộng thêm việc “bán vốn tự có” khi khách có nhu cầu. Trong những lần như thế, B. bị nhiễm HIV. Điều đáng buồn là cô cũng chẳng biết ai là người đã gieo rắc tai họa cho mình. Chỉ đến khi thấy sức khỏe giảm sút, sức đề kháng yếu dần và kiệt quệ, B. mới đến bệnh viện. Nhớ lại cảm giác lúc cầm kết quả xét nghiệm trên tay, B. như chết đứng. Cơ thể rũ rượi, tuyệt vọng, ánh mắt vô hồn như thể cả đất trời đã tan biến, B. vật vã trong nỗi ân hận muộn màng...

    Doãn Nguyên Hưng
    (còn nữa)


    http://cadn.com.vn/news/64_162516_ch...o-i-co-h-.aspx

  2. #2
    Admin diendanhiv.vn
    ( Sanh năm 1971 ) 17 năm trong chuyên môn tư vấn HIV miễn phí
    Tuanmecsedec's Avatar
    Ngày tham gia
    29-08-2007
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Giấy chứng nhận tham vấn số : 041/UB AIDS - TV do ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM.
    Bài viết
    103,924
    Cảm ơn
    1,921
    Được cảm ơn: 21,170 lần
    Chuyện những người có “H” (2)
    3/3/2017* Kỳ 2: Vượt lên chính mình

    (Cadn.com.vn) - Có người đặt câu hỏi, như trường hợp của Th., của B. và nhiều người khác không may mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV, họ sẽ sống tiếp phần đời còn lại như thế nào? Làm sao họ có thể vượt qua mặc cảm, sự dèm pha, ánh mắt kỳ thị của người đời?... Vậy nhưng, nếu có cơ hội gặp, trò chuyện, hẳn ai cũng phải ngạc nhiên khi thấy tinh thần lạc quan, yêu đời và cả những hạnh phúc mà họ đang trải nghiệm sau chuỗi ngày chìm trong bóng tối ảm đạm. Với cảm nhận của tôi, để có được điều đó, không gì khác ngoài sức mạnh của tình yêu. Tất nhiên, đó là tình yêu thương của gia đình, người thân, bạn bè, cộng đồng xã hội và cả tình yêu đôi lứa. Có thể không được trọn vẹn, đủ đầy, nhưng với họ đó là nguồn sống, sự hồi sinh và là nguồn cảm hứng để họ chiến đấu với bệnh tật.

    Từ ngày tham gia “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng”,
    cuộc sống của Th. và B như được hồi sinh.

    HỒI SINH

    Trở lại câu chuyện của Phạm Thị Th., đã 14 năm qua kể từ ngày nhận “tin sét đánh”, đến bây giờ ngồi ngẫm lại, Th. vẫn nghĩ đó là một giấc mơ. Có thể trong giấc mơ ấy, có những trường đoạn chỉ toàn ác mộng, nhưng cuối cùng, một kết thúc có hậu cũng đã đến với cô...

    Ngày ấy, khi đang trên đường từ bệnh viện tìm về cầu Sài Gòn, Th. chỉ có một ý nghĩ duy nhất là tìm đến cái chết để giải thoát. Và người cuối cùng mà Th. muốn nói lời từ biệt là đứa con gái bé bỏng ở quê nhà, lúc đó mới 3 tuổi. Gạt nước mắt, Th. cố kìm nén để tiếng khóc không bật lên thành tiếng khi nghe đầu dây bên kia, đứa con gái bập bẹ gọi: “Mẹ ơi, mẹ đang ở đâu? Mẹ về nhà với con đi. Con nhớ mẹ lắm!”. Nghe chưa hết lời con nói, chiếc điện thoại trên tay Th. rơi xuống đất. Tất cả ý nghĩ ban đầu về một sự giải thoát đều bay biến. Với Th., mọi việc không hẳn đã kết thúc trong đau đớn, mà ngược lại, có thể mở ra một lối đi khác. “Lúc ấy, em sực tỉnh. Mình còn có gia đình, bố mẹ, anh chị em, hơn hết là đứa con gái bé bỏng đang ngày đêm mong ngóng. Em hạ quyết tâm, dù thế nào mình cũng phải sống. Không những sống cho bản thân, mà quan trọng hơn là sống cho con gái, sống vì con gái” - Th. nhớ lại.

    Sau 1 năm được người chú ruột đưa ra Hà Nội chăm sóc, Th. trở về quê nhà. Khác hẳn với hình dung ban đầu về một sự kỳ thị, xa lánh, hay ít ra là những ánh mắt khác thường từ những người xung quanh, Th. trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, đặc biệt là người mẹ chồng. Chắc bà hiểu, nỗi đau mà Th. đang phải gánh chịu phần lớn bắt nguồn từ con trai của mình, nên bà như muốn phần nào bù đắp lại. Hằng ngày Th. không phải làm bất cứ việc gì, chỉ chăm sóc đưa đón con đi học. Thời gian trôi qua, sau 4 năm về sống ở quê, sức khỏe, tinh thần cô bắt đầu hồi phục. Và trong một lần về quê ăn Tết, người bạn của Th. rủ cô vào Đà Nẵng chơi, một phần là để Th. thay đổi môi trường, phần nữa để Th. có cơ hội tìm kiếm việc làm, tìm lại ý nghĩa của cuộc sống và biết mình vẫn còn có ích.

    Trưởng “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng” chăm sóc người nhiễm HIV tại bệnh viện.

    VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI...

    Năm 2007, Th. đến Đà Nẵng. Được sự giúp đỡ, giới thiệu của người bạn, Th. xin làm nhân viên tại một quán cà-phê. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cô đi học thêm nghề làm tóc. Cuộc sống nơi đất mới, gặp những người bạn mới đã giúp Th. thêm nhiều cơ hội tiếp xúc với những người đồng cảnh ngộ. Qua tìm hiểu, Th. biết tại Đà Nẵng có một “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng” (dưới sự quản lý của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) - là mái ấm của những người không may mắc phải căn bệnh thế kỷ. Trở thành thành viên chính thức của nhóm, Th. hăng hái tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ, chăm sóc những người đồng cảnh ngộ. Qua những lần tham gia cùng nhóm, Th. hiểu thêm về những phận đời, những con người đang ngày đêm chống lại bệnh tật, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

    Bước ngoặt, và có thể gọi là chuyện cổ tích đến với Th. sau 10 năm “sống chung với H” chính là việc cô tình cờ gặp và được một người đàn ông hết mực yêu thương, chăm sóc. Điều đáng nói, người đàn ông ấy không phải là người nhiễm HIV. “Bọn em gặp nhau trong một lần tình cờ anh đến quán cà-phê nơi em làm việc. Trong đầu em lúc đó không nghĩ mình có thể động lòng trước người đàn ông nào nữa, một phần vì bệnh tật, phần nữa em không đủ tự tin để đón nhận tình yêu” - Th. nhớ lại khoảng thời gian hai người gặp nhau vào khoảng năm 2014. Người đàn ông mà Th. nói đến là H.H.L (quê Ninh Thuận), là thuyền viên tàu cá, thường cập Cảng cá Thọ Quang sau những chuyến đi biển trở về.

    Cho đến bây giờ, dù đã chung sống với nhau hơn 3 năm nhưng nhiều lúc Th. vẫn không thể lý giải tại sao một chàng trai bình thường, khỏe mạnh như L. lại yêu và sống với người con gái đã từng một lần đò, mang trong mình căn bệnh thế kỷ như cô. Biết hoàn cảnh của mình nên trước tình cảm của L., Th. một mực từ chối và tìm cách lảng tránh: “Có lần, khi anh đang trên đường từ biển về, qua điện thoại, em đã kể hết về bệnh tình cũng như hoàn cảnh của mình cho anh ấy nghe. Lúc đó anh chỉ im lặng. Em nghĩ có lẽ anh đã bắt đầu sợ. Nhưng không lâu sau, khi anh về đất liền thì lập tức đến tìm em và ngỏ lời yêu” - Th. kể về câu chuyện đời mình, thỉnh thoảng lại nhìn “chồng”. “Hơn 3 năm qua, nếu không có sự chăm sóc, thương yêu, những lời động viên, cử chỉ tận tình của anh, chắc em sẽ rất khó để vượt qua những gian nan, vất vả. Em không biết nói gì, chỉ biết cảm ơn ông trời vì đã đem đến cho em một người đàn ông hết mực thương yêu, che chở cho em. Và với em, đó là nguồn sống” - Th. cảm động nói.

    Chia sẻ về quyết định của mình, anh L. cho biết: “Lúc nghe Th. kể tôi cũng có chút sốc nhẹ. Cũng dằn vặt, đấu tranh tư tưởng ghê lắm nhưng có một điều mà tôi không thể lảng tránh, phủ nhận đó là tình cảm dành cho Th. là thật lòng”.

    Không chỉ Th., câu chuyện tình của V.T.T.B cũng cảm động không kém. Ngày ấy, sau thời gian tích cực tham gia điều trị, uống thuốc theo phác đồ của bác sĩ tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, B. dần hồi phục sức khỏe. Đặc biệt, từ khi tham gia “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng”, B. trở thành thành viên rất tích cực. Ngoài tham gia công tác xã hội, để mưu sinh, B. làm nhân viên tiếp thị cho một quán nhậu. Và cũng từ đây, B. tìm được hạnh phúc riêng cho mình. “Cũng vì mặc cảm, tự ti nên em không dám mơ sẽ có được hạnh phúc. Tình yêu đến với em như một định mệnh, có cưỡng lại cũng không được” - B. nói. Cũng rất đặc biệt, chồng cô không phải là người “đồng cảnh ngộ”. Sau 4 năm chung sống, điều B. cảm thấy hạnh phúc nhất là luôn nhận được tình yêu thương của chồng.

    14 năm kể từ ngày phát hiện mình mắc căn bệnh thế kỷ như Phạm Thị Th. hay 8 năm như V.T.T.B, nhưng cả hai đã kiên cường đối mặt với hiện thực. Dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng với sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng và hơn cả là nghị lực, tinh thần lạc quan, tôi tin là Th., B. và nhiều người khác nữa sẽ vượt qua tất cả.


  3. #3
    Admin diendanhiv.vn
    ( Sanh năm 1971 ) 17 năm trong chuyên môn tư vấn HIV miễn phí
    Tuanmecsedec's Avatar
    Ngày tham gia
    29-08-2007
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Giấy chứng nhận tham vấn số : 041/UB AIDS - TV do ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM.
    Bài viết
    103,924
    Cảm ơn
    1,921
    Được cảm ơn: 21,170 lần
    Chuyện những người có “H” (3)

    4/3/2017

    (Cadn.com.vn) - Những điều dưỡng, y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân HIV được xem như những người nối dài sự sống của người bệnh. Sự tận tâm, hết lòng và trân trọng người nhiễm bệnh đã góp phần xóa đi sự kỳ thị với người có “H”. Y sĩ Trần Thị Kim Hạnh - Khoa Quản lý điều trị (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS), kiêm phụ trách “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng” tại Đà Nẵng là một trong những người như thế.

    Chị Hạnh vinh dự nhận giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” năm 2015.

    Đau với nỗi đau người bệnh

    Đã từ lâu cái tên y sĩ Hạnh trở nên quen thuộc với các bệnh nhân khi đến tư vấn, xét nghiệm tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng và tại phòng điều trị HIV/AIDS Bệnh viện Da liễu. Trong gần 10 năm (2008-2017), chị đã gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS, cũng chừng ấy thời gian đã có hàng ngàn bệnh nhân được chị trực tiếp tư vấn xét nghiệm HIV. Tất cả đều xem chị là bạn, thân thiết hơn có thể gọi là người thân trong gia đình. Chính sự tận tâm, đồng cảm và hết lòng vì bệnh nhân của chị đã giúp cho nhiều người vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần, có người đã quên đi bệnh tật, cống hiến, có đóng góp rất lớn vào công tác phòng, chống HIV... Khi nói về chị, các bệnh nhân đều dành những tình cảm chân thành và trân trọng nhất.

    Nói về công việc thầm lặng của mình, chị nhẹ nhàng bảo, được gần gũi chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là niềm vui, tâm huyết vì mình đã làm được việc mà không phải ai cũng có thể làm. Niềm vui đó còn được nhân lên khi có những bệnh nhân HIV/AIDS chỉ tin tưởng đến gặp chị và xin được chị tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ.

    Y sĩ Hạnh chia sẻ: “Khó khăn nhất là việc tư vấn, động viên bệnh nhân khi họ mới biết mình bị nhiễm HIV. Họ bị sốc, nên có những người không hợp tác cùng bác sĩ trong việc điều trị bệnh. Biết mình nhiễm HIV, hầu hết tinh thần người bệnh đều sa sút. Hiểu được tâm lý đó, chúng tôi quan tâm an ủi, động viên và tư vấn cho bệnh nhân việc điều trị ARV để kéo dài sự sống. Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy, cán bộ y tế phải có lòng kiên trì, nhẫn nại thì mới thuyết phục được bệnh nhân”.

    Khi được hỏi động lực nào khiến chị gắn bó với công việc đến vậy, chị cho biết: Có công tác trong lĩnh vực này mới hiểu được nỗi đau, bi kịch, sự giằng xé trong tâm can người bệnh. “Bệnh nhân đau cũng như mình đau”, và đây là nỗi đau không dễ gì được mọi người chia sẻ, thấu hiểu. Hơn nữa, phần lớn những người bị nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh rất khác nhau, có người vì một chút lơ là, bất cẩn trước những cám dỗ của cuộc sống sa ngã dẫn đến nhiễm HIV/AIDS; có người nhiễm bệnh từ chính người thân trong gia đình (chồng/vợ) đem lại; có người nhiễm bệnh trong lúc thi hành công vụ... Nhưng tựu trung, họ đều có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. “Những năm trước đây khi phương tiện, công tác tuyên truyền còn hạn chế, thậm chí có một số y, bác sĩ vẫn còn có ánh mắt, cái nhìn không thiện cảm với những người mắc phải căn bệnh này. Bây giờ đỡ hơn rất nhiều nhưng trong xã hội đâu đó còn những người vẫn ác cảm, sợ sệt đối với người bệnh, kể cả người nhà bệnh nhân” - y sĩ Hạnh nhìn nhận.

    Riêng chị, một phần vì công việc, vì “trót mang cái nghiệp vào thân”, phần nữa là vì lương tâm, trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, cộng với sự đồng cảm, sẻ chia với những bệnh nhân HIV/AIDS... nên đã vượt qua tất cả để phục vụ người bệnh. Bằng việc làm cụ thể của mình, chị đã giúp cho nhiều mảnh đời trái ngang vươn lên trong cuộc sống. Đã không ít lần, những bệnh nhân nghèo, không tiền chữa bệnh đã được chị kêu gọi các nhà hảo tâm, tự bỏ tiền túi của mình hỗ trợ để họ yên tâm điều trị.

    Y sĩ Trần Thị Kim Hạnh thăm, tặng quà bệnh nhân HIV đang điều trị tại bệnh viện.

    Hạnh phúc là sự sẻ chia

    Ngoài việc tư vấn, chăm sóc, chia sẻ với bệnh nhân trực tiếp đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, trong 10 năm qua, không biết bao lần chị đã không quản ngày đêm, mưa gió đến tận nhà người bệnh những lúc họ cần để trực tiếp tư vấn hỗ trợ. Chính vì sự tận tâm ấy mà hầu hết người bệnh nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố đều biết đến chị. Với trách nhiệm chuyên môn được giao, cộng với trọng trách trên vai khi trực tiếp phụ trách “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng”, chị đã đứng ra phân công, chỉ đạo các thành viên trong nhóm thường xuyên đi cơ sở, đến tận gia đình người bệnh để tư vấn, giúp đỡ họ. “Muốn xâm nhập địa bàn có hiệu quả, giúp người bệnh có cái nhìn tích cực hơn đối với cộng đồng, xã hội thì những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn phải kiên trì, chịu khó, tận tụy với trách nhiệm cao. Làm công việc này nếu không có cái tâm sẽ không làm được lâu dài đâu” - chị Hạnh chia sẻ.

    Thật xúc động khi trò chuyện với một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang được chị tư vấn, chăm sóc nói về chị với những tình cảm biết ơn chân thành. Sự chân thành ấy của người bệnh là nguồn động viên rất lớn, giúp chị quên đi nỗi nhọc nhằn, vất vả mỗi ngày. Nói như Phạm Thị Th., nếu không có những người như chị Hạnh, Th. không biết phải làm sao để vững tin chống lại bệnh tật. Virus HIV không đáng sợ bằng ánh mắt kỳ thị của người đời. Chính sự gièm pha, xa lánh của cộng đồng đã đẩy bệnh nhân HIV vào hố sâu biệt lập. Nhiều người trong số họ đã chết với nỗi đau khôn cùng của sự kỳ thị, phân biệt đối xử. “14 năm nhiễm bệnh nhưng đến bây giờ em thấy mình vẫn khỏe mạnh, bình thường. Tất cả điều đó là nhờ chị Hạnh đã tận tình tư vấn, thường xuyên nhắc nhở em uống thuốc đúng giờ và giải thích cho em hiểu về lợi ích khi tuân thủ điều trị tốt” - Th. bày tỏ. Quả thực, khi gặp và trò chuyện với Th., với B. và một số người trong “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng”, nếu chỉ nhìn bề ngoài, chúng tôi không nghĩ họ đang mắc trong mình căn bệnh thế kỷ.

    Với chị Hạnh, những tình cảm chân thành từ phía người bệnh chính là động lực, cũng là mục tiêu phấn đấu của chị. Với những cố gắng, nỗ lực của mình, sự tận tâm và không ngừng sáng tạo, nhiều năm liền chị Hạnh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, được UBND tặng Bằng khen, Sở Y tế tặng nhiều Giấy khen. Thật đặc biệt, năm 2015, chị Hạnh vinh dự được UBND tặng danh hiệu “Tỏa sáng Blouse trắng”.


Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •