Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm đang thay đổi

Thứ ba 30/05/2017 16:39

Số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đứng thứ 9/17 tỉnh/thành trong khu vực. Đáng lưu ý, số người nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm đến hơn 80% và tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm đang có sự thay đổi…

Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình dịch HIV ở tỉnh Kiên Giang và những chuyển biến trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có buổi trao đổi với ông Vũ Đình Tuyển, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kiên Giang.


Ông Vũ Đình Tuyển, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Thùy Chi

Xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn và sự thay đổi tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm hiện nay?

Ông Vũ Đình Tuyển: Tích luỹ số người trong tỉnh phát hiện nhiễm HIV là 4.978 người, trong đó bệnh nhân AIDS là 2.964 người, tử vong là 1.296 người. Số người nhiễm còn sống quản lý 3.682 người.

Hiện nay, số người nhiễm HIV do lây qua đường tình dục chiếm hơn 80%, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm đang có sự thay đổi, ở nhóm nam nghiện chích ma túy cao nhất là 7% vào năm 2010, tuy nhiên tỷ lệ thấp nhất của nhóm này trong năm 2016 là 1,5%. Tương tự, phụ nữ bán dâm dao động 3-4,5%.

Sự lây truyền HIV đã chậm lại nhiều, nhưng vẫn có tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại nếu không có biện pháp khống chế tích cực, nhất là ở những địa phương có nhiều đối tượng có hành vi nguy cơ cao (người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới) và những địa phương có địa cảnh du lịch và khu công nghiệp phát triển như Rạch Giá, Phú Quốc, Hòn Đất, Kiên Hải,...

Có đường biên giới tiếp giáp Campuchia và vịnh Thái Lan, là khu vực chịu tác động mạnh mẽ của xu hướng dịch chuyển của đại dịch HIV/AIDS. Xin ông cho biết, thời gian qua địa phương đã chú trọng hoạt động nào để kiểm soát dịch HIV/AIDS?

Ông Vũ Đình Tuyển: Bên cạnh hoạt động phối hợp quốc tế phòng, chống HIV/AIDS, địa phương đặc biệt chú trọng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi và can thiệt giảm thiểu tác hại do HIV/AIDS.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện trên cơ sở theo định hướng mục tiêu 90-90-90 với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tuyên truyền gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp thông qua giáo dục viên đồng đẳng cho nhóm các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, mại dâm, tiếp viên nhà hàng, nhóm đồng tính luyến ái và nhóm dân cư di biến động. Tổ chức các buổi truyền thông nhóm và hộ gia đình. Đã có 102/145 xã, phường (70%) có hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS; 100% cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương có đăng phát thông tin về phòng chống HIV/AIDS.

Công tác can thiệp giảm tác hại được duy trì thực hiện, tập trung cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm cao. Chương trình can thiệp giảm tác hại đã cung cấp và tiếp thị xã hội bao cao su, điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho nhóm này. Riêng trong năm 2016, có 85,2% người nghiện chích ma túy và 91,0% gái mại dâm được tiếp cận truyền thông và dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Cấp phát trên 176 nghìn bao cao su, tiếp thị xã hội hơn 264 nghìn chiếc. Điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone 62 người. Chương trình can thiệp giảm tác hại đã mang lại hiệu quả thiết thực làm giảm sự lây lan HIV trong cộng đồng.

Ngoài ra, công tác quản lý điều trị thuốc kháng ARV, chăm sóc tại nhà và cộng đồng; dự phòng lây nhiễm HIV thường xuyên được tăng cường thúc đẩy. Trong năm điều trị ARV mới cho bệnh nhân đạt 91% chỉ tiêu, tích lũy 1,4 nghìn bệnh nhân; dự phòng lây nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp 100% các trường hợp; tư vấn xét nghiệm HIV được 80% số phụ nữ mang thai, trong đó xét nghiệm HIV là 81%; điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho mẹ và con 100% trường hợp.

Nhìn lại những chỉ số mà ông vừa cho biết nhận thấy lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang chiếm khoảng 80% tổng số nhiễm HIV/AIDS. Xin ông cho biết, địa phương sẽ làm gì để giảm thiểu lây nhiễm trong nhóm này?

Ông Vũ Đình Tuyển:
Để giảm thiểu lây nhiễm trong nhóm này, thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại trong nhóm đối tượng đích. Từ nay đến cuối năm, Kiên Giang đặt mục tiêu giảm 4% số trường hợp nhiễm HIV trong nhóm gái mại dâm so với 2016.

Các hoạt động cụ thể là duy trì chương trình bao cao su tại 10 huyện, thị, thành phố: Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc với 24 giáo dục viên đồng đẳng (do Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ); tại Rạch Giá, An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Hải, Tân Hiệp, 14 đồng đẳng viên (mỗi huyện 1-2 đồng đẳng viên, thuộc Chương trình phòng, chống HIV/AIDS).

Tiếp cận khoảng 1,4 nghìn phụ nữ bán dâm và nghi bán dâm (70%) để truyền thông trực tiếp kiến thức về dự phòng lây nhiễm HIV, hướng dẫn an toàn tình dục, dự phòng lây nhiễm, hướng dẫn sử dụng và cung cấp bao cao su, tài liệu truyền thông, giới thiệu xét nghiệm HIV và các dịch vụ khám và chữa các bệnh, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

Tạo sự sẵn có của bao cao su và duy trì hoạt động phân phát bao cao su thông qua các kênh phân phát khác nhau. Đồng thời, sản xuất ấn phẩm, tài liệu truyền thông và phân phát cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Một mục tiêu nữa là 50% người có quan hệ tình dục đồng giới nam tiếp cận với chương trình bao cao su. Các hoạt động Kiên Giang sẽ thực hiện là duy trì can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại Rạch Giá và Hà Tiên từ nguồn chương trình y tế, với 6 đồng đẳng viên.

Tiếp cận trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn an toàn tình dục, cung cấp vật dụng hỗ trợ thay đổi và duy trì thay đổi hành vi (bao cao su, gel bôi trơn, tài liệu tuyên truyền,…) cho khoảng 240 đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (bóng kín, bóng lộ, nam bán dâm); tổ chức tập huấn chương trình cho đồng đẳng viên, người tham gia công tác can thiệp giảm tác hại, phòng chống HIV/AIDS.

Tiếp cận đối tượng truyền thông thay đổi hành vi cho quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM), cũng như bạn tình của họ về sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục đồng giới, cung cấp kiến thức HIV/AIDS, xét nghiệm HIV, giới thiệu dịch vụ dự phòng, điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục,…

Phân phát bảo bao cao su và chất bôi trơn cho nhóm MSM thông qua các mô hình như: Nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhà thuốc, các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ giải trí; theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV.

Để bảo đảm bền vững kết quả phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, xin ông cho biết tỉnh sẽ tập trung triển khai những hoạt động gì?

Ông Vũ Đình Tuyển: Trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường sự tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành và cộng đồng để bảo đảm tính bền vững của chương trình. Nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS của các nhóm đối tượng nguy cơ cao, của người dân và sự quan tâm ủng hộ, tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS của họ. Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người HIV/AIDS. Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy xuống dưới 15%, nhóm người bán dâm dưới 5% và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới dưới 10%.

Tăng tiếp cận với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, triển khai mô hình kết nối cung cấp dịch vụ tiếp cận nhóm nguy cơ cao bao gồm can thiệp dự phòng, xét nghiệm và điều trị kháng virus HIV.

Điều chuyển các phòng khám điều trị ngoại trú sang bệnh viện, hợp đồng chi trả khám chữa bệnh HIV/AIDS qua Quỹ Bảo hiểm y tế. Cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS, thực hiện các hướng dẫn về điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm. Phối hợp với hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản và các cơ sở sản khoa đẩy mạnh việc tuyên truyền cung cấp các thông tin về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Dự phòng lao, chẩn đoán và điều trị lao cho người nhiễm HIV và bệnh nhân HIV/AIDS. Phối hợp điều trị lao/HIV, điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/lao.

Tăng cường hệ thống giám sát dịch HIV có khả năng dự báo xu hướng dịch ở từng địa phương và hỗ trợ cho việc xây dựng kế hoạch ngắn hạn và hoạch định chiến lược phòng chống hiệu quả. Mở rộng độ bao phủ của xét nghiệm, cải thiện chất lượng và tiến tới tăng cường thông tin xét nghiệm HIV, phát hiện được hầu hết các trường hợp nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng.

Tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm tính bền vững của chương trình. Tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cấp mạng lưới phòng chống HIV/AIDS để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thùy Chi (thực hiện)