Kết quả 1 đến 1 của 1

Chủ đề: Quyền được học tập của trẻ em nhiễm HIV

  1. #1
    Điều Hành Chung.Thay quyền Admin
    (Sanh năm 1983 ) 10 năm trong chuyên môn tư vấn HIV miễn phí
    Nguyen Ha's Avatar
    Ngày tham gia
    19-12-2012
    Giới tính
    Nữ
    Đến từ
    diendanhiv.vn
    Bài viết
    32,318
    Cảm ơn
    664
    Được cảm ơn: 7,903 lần

    Quyền được học tập của trẻ em nhiễm HIV

    Quyền được học tập của trẻ em nhiễm HIV

    Thứ ba 30/05/2017 13:26

    Trẻ em nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất cần được đến trường học, được hòa nhập cộng đồng như những trẻ em bình thường khác.

    Trẻ nhiễm HIV có quyền như trẻ bình thường khác

    Bảo đảm quyền được học tập, làm việc, chăm sóc và sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng của người nhiễm HIV, trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, là cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng quốc tế và cũng là nội dung chính của Kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2010-2020.


    Trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục-Lao động Xã hội số II trong sự kiện nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi. Ảnh: Thùy Chi


    Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các ban, ngành liên quan đã xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có quy định phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư số 39/2009/TT-BGDĐT ngày 29/12/2009 quy định về giáo dục hòa nhập cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời xây dựng và triển khai hiệu quả việc thực hiện tiểu đề án “Xây dựng môi trường tiếp cận giáo dục cho trẻ em bị nhiễm và trẻ em có nguy cơ cao bị nhiễm HIV/AIDS”.

    Ngay sau đó, nhiều sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các quy định về chống kì thị, phân biệt đối xử, bảo đảm quyền được học tập và làm việc của người nhiễm HIV, trong đó trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

    Trẻ nhiễm HIV khó khăn khi tới trường

    Hiện Việt Nam chưa thống kê được con số chính xác số trẻ em nhiễm HIV được đi học chung cùng các bạn tại cộng đồng. Song, ở một số trường đã xảy ra tình trạng kỳ thị, nếu biết trẻ nhiễm HIV phụ huynh ngăn cản không cho các em có HIV được đến trường học chung với con em mình.

    Trường hợp bé S, cha mẹ cũng mất vì căn bệnh thế kỉ. Bé may mắn không nhiễm HIV và ở với bác. Nhưng người trong xóm vẫn sợ con của người bị AIDS, nên cấm con không được chơi với bé. Đến tuổi đi học, mặc dù người bác đã chạy vạy khắp nơi, song không trường nào dám nhận. Người bác đành phải cho cháu tới một nơi chưa ai biết tung tích gì về cha mẹ bé, để bé được tới trường.

    Một em nhỏ ở Hải Phòng, bố chết vì HIV/AIDS, người mẹ thấy con lở loét đầy người liền đưa bé về cho ông bà nội nuôi để chạy theo người đàn ông khác. Lên 6 tuổi, bé cũng được ông bà xin cho tới trường, nhưng sau đó có phụ huynh phát hiện bé có HIV, đã vận động ban phụ huynh của trường kiến nghị hiệu trưởng phải cho bé nghỉ học thì mới cho con họ tới lớp. Vì công tác tuyển sinh là sự sống còn, nên cuối cùng trường đành phải nói với ông bà chuyển bé sang trường khác và hậu quả là bé đã bị thất học.

    Sự phân biệt, kì thị đối xử luôn xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào phải sống chung với HIV/AIDS và chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS. Một em gái nhiễm HIV ở An Giang cho biết: “Trước đây, cô giáo rất yêu thương cháu, thỉnh thoảng nhờ cháu giúp đỡ các bạn trong lớp. Khi cô biết cháu nhiễm HIV, cô đã không cho cháu chơi với các bạn nữa…”.

    Còn đây là lời tâm sự của một em trai mồ côi cha do AIDS: “Trong lớp cháu, một số bạn biết cha cháu nhiễm HIV nên hay rủa cháu: “Mày là con thằng nghiện, thằng HIV/AIDS, chúng tao không giây với mày”. Cháu rất giận các bạn, chạy về nhà khóc… Cháu muốn chơi với các bạn gần nhà, nhưng bố mẹ các bạn ấy không cho chơi. Cháu rất tủi thân…”.

    Để bảo vệ quyền học tập cho trẻ nhiễm HIV

    HIV/AIDS là một căn bệnh, không phải là một tệ nạn xã hội và phải đối xử bình đẳng với người mắc bệnh, không kì thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS (trong đó có trẻ em). Bởi các em khi sinh ra nhiễm HIV là một điều bất hạnh rất lớn, không có gì đáng buồn hơn khi các em phải sống trong cô lập, bị phân biệt đối xử ngay cả trong việc học tập và vui chơi.

    Trong “Chương trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015” gồm 6 dự án, trong đó có dự án “Giáo dục không rào cản cho mọi trẻ em” với những giải pháp và hành động cụ thể, đã và đang giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đến trường học tập hòa nhập.

    Cụ thể là, các bộ, ngành Trung ương đã phối hợp cùng các tổ chức quốc tế đến từng địa phương có những “điểm nóng”, để cùng lãnh đạo địa phương thảo luận, bàn giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu kỳ thị và tạo mọi cơ hội và điều kiện để cho trẻ em được đến trường. Đồng thời, đã phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông như các buổi nói chuyện, hội thảo, ca nhạc và các diễn đàn lắng nghe tiếng nói của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... Việc làm này đã có những tác động tới các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo và các nhà lãnh đạo địa phương.

    Việt Nam đã kí Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS, theo đó, trẻ em có quyền được học hành và không bị phân biệt đối xử. Mọi hành vi gây cản trở quyền được học tập, quyền được hòa nhập và vui chơi giải trí của trẻ em nhiễm HIV đều là vi phạm pháp luật và cần được xử lý.

    Chính vì vậy, việc bảo đảm quyền học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học nhiễm HIV là vô cùng cần thiết. Để bảo vệ quyền lợi, chăm sóc phụ nữ và trẻ nhiễm HIV, các ngành, các cấp có liên quan cần tăng cường hệ thống y tế, giáo dục và phúc lợi nhằm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; hợp nhất các chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào các chương trình sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em nói chung; tập hợp các dữ liệu nhằm theo sát những tiến triển cũng như các thiếu hụt cơ bản cần thiết cho phụ nữ, đặc biệt là trẻ nhiễm HIV để điều trị kịp thời...

    Hiện nay, công tác truyền thông giáo dục về Luật và các kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV/AIDS, các hoạt động thực hiện mục tiêu giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai rộng khắp trên cả nước, đã giúp mọi người hiểu rõ bản chất vấn đề để vượt qua rào cản tâm lý. Song song với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tuyên truyền ngay tại các buổi họp phụ huynh trong trường học, cho học sinh và bản thân các em nhiễm HIV về con đường lây nhiễm và cách phòng tránh HIV, cách chơi với bạn như thế nào để hai bên cùng được an toàn…

    Bên cạnh đó, việc khơi dậy lòng nhân ái, sự đùm bọc yêu thương đối với những trẻ em không may bị nhiễm HIV là điều quan trọng..., để nhận thức, hiểu biết của mọi người dân HIV/AIDS được đầy đủ, rõ ràng hơn.

    Điều mà các trẻ em có HIV/AIDS mong muốn đó là được hòa nhập với cộng đồng, được đi học, được vui đùa cùng bạn bè. Bản thân các em đâu có lỗi khi mắc phải căn bệnh này, nhưng vì những suy nghĩ lo sợ, kỳ thị. Vì thế, các tổ chức, cá nhân cần phối hợp với nhà trường để tuyên truyền, giáo dục về các phương pháp phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong học đường, để những em nhỏ có HIV có cơ hội được hòa nhập, được đến trường như bao em khác.

    Hy vọng, với các nỗ lực can thiệp giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của các bộ, ngành cùng với cấp ủy, chính quyền của các địa phương, nhà trường và xã hội… thì quyền học tập của trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sẽ được bảo đảm.
    Lần sửa cuối bởi Nguyen Ha, ngày 30-05-2017 lúc 18:43.

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •