Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là không ‘khoa học’


Thứ ba 19/09/2017 16:00

Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, kỳ thị, xa lánh (hay có ý kiến còn cho rằng nên cách ly người nhiễm HIV ra xa cộng đồng…) là hoàn toàn không khoa học. Kỳ thị sẽ làm cho những người có nguy cơ cao càng lo sợ và giấu bệnh, không dám đi xét nghiệm khiến nhiều người nhiễm HIV không được phát hiện.


Bệnh nhân HIV/AIDS tham gia khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Bà Rịa
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến tháng 6/2017, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 5.129 trường hợp, trong đó số chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.134 trường hợp và số chết do AIDS là 1.425 trường hợp.

Theo nhận định của ngành y tế tỉnh, HIV/AIDS tại tỉnh vẫn ở giai đoạn tập trung, chủ yếu nằm trong các nhóm đối tượng nghiện chích ma túy, chiếm hơn 46%; nhóm đối tượng phụ nữ bán dâm chiếm hơn 3%, còn lại là các đối tượng khác với tỷ lệ thấp. Trong hai nhóm nguy cơ cao này, tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng diễn biến trái chiều. Hiện nay, thành phố Vũng Tàu là địa phương có số người nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao nhất toàn tỉnh với 47%.

ự báo của ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong những năm tiếp theo, dịch HIV/AIDS trên địa bàn vẫn ở giai đoạn dịch tập trung. Tuy nhiên số người nhiễm HIV của tỉnh sẽ còn cao so với các địa phương trong toàn quốc; tốc độ lây nhiễm có xu hướng chậm lại nhưng chưa thực sự ổn định; về độ tuổi, chiếm tỷ lệ cao là nhóm tuổi 30-39 và 20-29.

Trước tình hình trên, ngành y tế Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều công tác chuyên môn như chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng và tại các phòng khám ngoại trú; thực hiện chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con tại 3 đơn vị: Bệnh viện Lê Lợi, Bệnh viện Bà Rịa và Trung tâm y tế huyện Xuyên Mộc.

Mặc dù, địa phương đã thoát được top 10 tỉnh/thành có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất cả nước và đã khống chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Tuy nhiên, kết quả phòng chống HIV chưa bền vững, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Một trong những rào cản lớn nhất đối với công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh chính là sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lên cho rằng, nguyên nhân do lúc đầu truyền thông thiên về “hù dọa”, làm mọi người kinh sợ. Mặt khác, nhóm nguy cơ mắc cao lại là nhóm tệ nạn xã hội (người chích ma túy, gái mại dâm…) - những đối tượng vốn bị cộng đồng ít nhiều cũng đã có sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Thêm nữa, bệnh lại chưa có vắc xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tử vong gần như 100% khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối…

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chúng ta càng kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS thì chúng ta càng bị “trả giá”, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ càng không thành công, bởi lẽ ai cũng có thể bị nhiễm HIV chứ không chỉ là nhóm nguy cơ cao.

Mặt khác, nhìn bề ngoài không thể phân biệt được người nhiễm, người không nhiễm HIV mà phải qua xét nghiệm máu mới biết được, vì người nhiễm HIV ở thời kỳ cửa sổ và giai đoạn nhiễm trùng không triệu chứng thường không có biểu hiện gì. Như vậy, thực tế chỉ biết được số ít người nhiễm HIV, còn phần lớn người mới nhiễm HIV không có biểu hiện gì, không đi xét nghiệm nên không biết bị nhiễm HIV vẫn đang sống xung quanh chúng ta.

Do đó, kỳ thị, phân biệt đối xử với số ít người đã biết bị nhiễm HIV càng không có ý nghĩa, tác dụng gì. Hơn nữa, nhiễm HIV không phải là tệ nạn xã hội, nếu chúng ta kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV sẽ làm cho người nhiễm và gia đình họ có cuộc sống bi quan, chán nản. Một số trường hợp trả thù đời, làm tăng lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

BS. Nguyễn Văn Lên khẳng định, sự kỳ thị, phân biệt đối xử làm gia tăng đại dịch HIV/AIDS, chính nó là trở ngại lớn nhất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Do vậy, không nên kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.


Thanh Tâm