Vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa biết bản thân bị bệnh

09/11/2017

Với chủ đề "Xét nghiệm HIV sớm- Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020", tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 10/11-10/12.


Họp báo nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Đó là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS do Cục Phòng chống HIV/AIDS tổ chức ngày 9/11, tại Hà Nội.

Trong Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay, ngoài các hoạt động hội nghị, hội thảo; nhiều chương trình truyền thông, vận động cũng được tổ chức quy mô lớn như: Mít tinh và diễu hành hưởng ứng tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2017; chương trình giao lưu giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIVvới sinh viên các trường Y tại một số địa phương; tổ chức giải báo chí về HIV/AIDS...

Ông Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát, Theo dõi, Đánh giá và Xét nghiệm; Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Chủ đề của Tháng hành động năm nay nhấn mạnh đến việc xét nghiệm HIV sớm, vì theo ước tính hiện nước ta vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa biết mình bị bệnh (chiếm 20% số người nhiễm); vô tình họ sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng. Vì vậy, để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết mình mắc bệnh vào năm 2020, cần sự nỗ lực rất lớn từ mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm sàng lọc HIV cho biết sớm tình trạng bệnh để có thể điều trị dự phòng lây nhiễm sang những người khác. Đặc biệt tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hiện nay đã có thuốc kháng vi rút ARV có thể kéo dài cuộc sống khoẻ mạnh, an toàn cho người nhiễm HIV.

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 6.880 người nhiễm HIV được phát hiện (giảm 14% so với cùng kỳ năm 2016); hơn 3.480 bệnh nhân AIDS (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2016); 1.260 số bệnh nhân HIV đã tử vong. Trong số bệnh nhân nhiễm HIV đã có hơn 122.430 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ARV, tăng gần 6.000 bệnh nhân so với năm 2016.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước đều có thể xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, thông qua các cán bộ y tế thực hiện lưu động hoặc do các nhân viên tiếp cận cộng đồng cũng có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV. Kỹ thuật xét nghiệm phát hiện HIV hiện nay rất đơn giản, người bệnh có thể tự lấy máu đầu ngón tay hoặc lấy dịch miệng để xét nghiệm.