Cả nước có trên 208.000 trường hợp nhiễm HIV ​

09/11/2017

VOV.VN - Đến nay, cả nước phát hiện trên 208.000 trường hợp nhiễm HIV. Hiện việc xét nghiệm HIV ngày càng khó khăn.


Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện trên 6.800 trường hợp nhiễm HIV (giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái), gần 3.500 bệnh nhân AIDS (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2016).

Số người nhiễm HIV đã tử vong là 1.260 trường hợp (giảm 35%).

Ông Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV-AIDS (Bộ Y tế).

Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện muộn trong quá trình khám, chữa bệnh...
Đây là những thông tin được đưa ra trong buổi họp báo do Cục Phòng chống HIV/AIDS tổ chức hôm nay (9/11), hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS (từ ngày 10/11-10/12) và Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) tại Việt Nam.

Tính đến nay, cả nước phát hiện trên 208.000 người nhiễm HIV, tập trung chủ yếu ở các khu vực miền Tây Nghệ An, Tây Thanh Hóa và các tỉnh khu vực Tây Bắc. Trong đó nam giới nhiễm HIV chiếm 70%, nữ giới là 30%, tập trung ở độ tuổi từ 30-40 tuổi.

Nguy cơ lây chính là từ các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM).

Hiện nay việc triển khai xét nghiệm HIV đã được mở rộng và đa dạng như: mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở 15 tỉnh, thành phố; Triển khai thí điểm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng; Mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện cho các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Theo ông Võ Hải Sơn- Trưởng phòng Giám sát, Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay việc phát hiện mới các trường hợp nhiễm HIV còn gặp nhiều khó khăn.

“Xét nghiệm HIV vẫn là vấn đề lo sợ cho người dân nên là thông thường họ cứ xét nghiệm lặp lại nhiều lần, nhiều nơi, gây ra trùng lặp, chúng tôi khá vất vả trong việc phát hiện mới. Hoặc là trong quá trình ngẫu nhiên vào trong cơ sở y tế họ nhiễm HIV nhưng họ lại không khai cho bác sỹ thì bác sỹ có triệu chứng nghi ngờ lại tư vấn, lại xét nghiệm lại nên là việc xác định, phát hiện mới khá công phu”, ông Võ Hải Sơn cho biết.

Bên cạnh việc mở rộng điều trị theo phương pháp ARV, việc điều trị bằng Methadone vẫn là một trong những phương pháp can thiệp hiệu quả, nhằm giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ nhiễm HIV.

“Một mặt chúng ta nâng cao chất lượng các điểm điều trị Methadone, mở rộng điểm để phục vụ thuận lợi cho những người nghiện. Đối với các cơ sở điều trị Methadone, Bộ Y tế cũng có chủ trương để đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm việc ở đó để họ có kiến thức về nghiện nói chung nên những người cán bộ phải có kiến thức về điều trị nghiện để hỗ trợ giúp họ để họ nhận biết được và có can thiệp giúp họ từ bỏ ma túy cũng như các chất gây nghiện khác”, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nói.

Tại buổi họp báo, Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được tổ chức như: Hội nghị tổng kết thí điểm các mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng và triển khai hướng dẫn quốc gia xét nghiệm tại cộng đồng; mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động và Ngày Thế giới phòng chống AIDS; Hội thảo chia sẻ kết quả thí điểm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại cơ sở y tế; xây dựng và phát sóng các phóng sự về phòng chống HIV trên phương tiện thông tin đại chúng.../.