Trung bình mỗi tháng ở Hà Nội phát hiện thêm 100 trường hợp nhiễm HIV

23/11/2017

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Hà Nội phát hiện 982 trường hợp nhiễm HIV, 88 trường hợp tử vong. Đa số người bị nhiễm đều ở lứa tuổi trẻ, đặc biệt số ca nhiễm HIV/AIDS trong nhóm tuổi từ 25 - 49 là 77,8%.




Sáng 22/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sở y tế Hà Nội phối hợp với các ban Sở, ban, ngành đoàn thể TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề ‘Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020’.

Theo bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết: ‘Trong 9 tháng đầu năm 2017, Hà Nội phát hiện 982 trường hợp nhiễm HIV, 88 trường hợp tử vong. Đa số người bị nhiễm đều ở lứa tuổi trẻ, đặc biệt số ca nhiễm HIV/AIDS trong nhóm tuổi từ 25 - 49 là 77,8%’.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai 18 cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, trong 9 tháng năm 2017 đã điều trị an toàn cho 4.799 bệnh nhân.

Thành phố cũng mở rộng diện sàng lọc HIV tại các xã, phường và kết hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

Hiện tại đã triển khai tại 102 xã, phường và 14 phòng xét nghiệm tự nguyện tại tuyến huyện. Đến nay, đã triển khai xét nghiệm 31.246 mẫu, phát hiện 532 ca HIV dương tính.

Ngoài ra, tại các bệnh viện, trung tâm y tế đã thực hiện xét nghiệm HIV khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh, kết quả đã xét nghiệm trên 90 nghìn mẫu, phát hiện 808 ca nhiễm bệnh.


Buổi phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2017 nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm thực hiện hiệu quả ‘Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030’, hướng tới các mục tiêu 90-90-90 để kết thúc chiến dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về công tác dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng.

Từng bước giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm bệnh và trách nhiệm của người nhiễm bệnh với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Sau lễ phát động các đoàn xe diễu hành của ban chỉ đạo, xe của các sở, ban, ngành,… đi quanh khu vực phát động, sau đó tỏa về 20 quận, huyện, thị xã trong toàn Thành phố để diễu hành cổ động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tới người dân.

Ngoài ra, tại Tháng hành động, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề, các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động; tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV lưu động; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV,…

Ngọc Nga