Quảng Ngãi: Nguy cơ cao lây nhiễm HIV do “quan hệ” không an toàn
Thứ năm 29/03/2018 17:00

Đối tượng lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang có xu hướng trẻ hóa, hơn 70% tổng số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh nằm trong độ tuổi 20-39. Hành vi nguy cơ của nhóm quần thể đích là khoảng 6% đối tượng nghiện chích ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm và 54% không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Nhiễm mới HIV trong nhóm phụ nữ tăng cao


Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến cuối năm 2017, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 753 người; trong đó 512 ca chuyển sang AIDS, 288 ca đã tử vong do AIDS. Số ca nhiễm mới HIV có xu hướng duy trì ổn định trong vòng 5 năm trở lại đây, với trung bình hơn 40 ca nhiễm mới mỗi năm.


Nhân viên y tế định lượng thuốc cho người điều trị Methadone. Ảnh: Thùy Chi

Như vậy, lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có xu hướng giảm, trong khi đó lây nhiễm qua đường tình dục ngày càng tăng, số người nhiễm HIV mới phát hiện trong nhóm phụ nữ cũng tăng cao, dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, tình hình hoạt động mại dâm còn nhiều diễn biến phức tạp do có một số cơ sở kinh doanh dịch vụ bị lợi dụng hoạt động mại dâm và dân số di biến động đến (tiếp viên nhà hàng, karaoke, massage), nên rất khó kiểm soát. Số quản lý địa phương đang quản lý được là 400 trường hợp.
Khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay, đó là nhóm dân di biến động cao. Hiện có nhiều người dân đi làm ăn tại TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên, ngư dân đánh bắt xa bờ. Đồng thời cũng có nhiều người tại các tỉnh khác đến làm việc, sinh sống tại các khu công nghiệp. Ước tính khoảng trên 20.000 người.
Để giảm thiểu số người lây nhiễm HIV, trong năm 2017, Quảng Ngãi chú trọng truyền thông và các giải pháp can thiệp giảm hại. Cụ thể, địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho các huyện, thành phố trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho 40 doanh nghiệp; cung cấp 1.100 bao cao su và 900 bơm kim tiêm cho các đối tượng ma túy, mại dâm…
Về chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện bệnh nhân HIV/AIDS, trong năm 2017, địa phương tiếp cận 29 bệnh nhân HIV/AIDS để đưa vào điều trị, nâng tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV là 262 người. Xét nghiệm trên 25.237 mẫu máu để theo dõi tình trạng đáp ứng cho người bệnh.
Về công tác giám sát dịch tễ học HIV/AIDS, đã xét nghiệm HIV cho 31.234/20.000 mẫu (tăng 11.234 mẫu xét nghiệm; đạt 156%), trong đó số người nhiễm HIV mới phát hiện 50/52 người dương tính với HIV, tăng 104% so với kế hoạch (tích lũy số người nhiễm HIV 753 người), chuyển sang giai đoạn AIDS là 37 người (tích lũy 541 người) và có 10 người đã tử vong do AIDS (tích lũy 243 người).

Liên kết truyền thông với hoạt động tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS

Do tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, trong năm 2018, địa phương tăng cường các hoạt động phòng, chống, điều trị hướng đến mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền); khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
​Cụ thể, địa phương đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu và hội thi phòng, chống HIV/AIDS, các hoạt động truyền thông trực tiếp… Liên kết các hoạt động truyền thông với các hoạt động tư vấn thăm hỏi gia đình người nhiễm tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các thông tin phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó tiếp tục duy trì hoạt động cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Truyền thông quảng bá dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV đến các nhóm đối tượng. Triển khai tư vấn xét nghiệm lưu động trên toàn tỉnh, lưu ý các vùng nguy cơ cao, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Tiếp tục triển khai tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại các cơ sở sản khoa nhằm tư vấn xét nghiệm cho phụ nữ mang thai sớm, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con theo đúng quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai nhất là phụ nữ có hành vi nguy cơ cao. Duy trì hoạt động xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV ở trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Tập huấn, hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện điều trị ARV cho người nhiễm HIV theo các tiêu chuẩn hướng dẫn của Bộ Y tế. Dự trù thuốc ARV kịp thời, phù hợp với từng cơ sở điều trị, bao gồm dự trù thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế, nguồn viện trợ, chương trình dự án khác. Thực hiện bảo quản, báo cáo và cấp phát thuốc ARV theo hướng dẫn. Phối hợp giữa cơ sở điều trị ARV tuyến tỉnh với Trung tâm y tế các huyện, thành phố và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để theo dõi, hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV, chăm sóc tại nhà và quản lý người nhiễm HIV/AIDS tại xã, phường, thị trấn. Tăng cường các hoạt động xét nghiệm hỗ trợ cho bệnh nhân trước khi điều trị ARV và theo dõi trong quá trình điều trị, đánh giá kết quả đáp ứng điều trị của người bệnh.
Rà soát số người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn để tư vấn và đưa vào chăm sóc, điều trị. Tăng cường phối giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong việc giám sát phát hiện, theo dõi HIV trong nhóm phụ nữ có thai và phụ nữ trước sinh, cung ứng thuốc ARV đảm bảo điều trị ARV kịp thời cho mẹ và con, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV lúc chuyển dạ.
Phối hợp với chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản tuyến tỉnh và huyện, xã triển khai chương trình tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ có thai, phụ nữ trước đẻ trong đợt chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Tổ chức giám sát trẻ em phơi nhiễm HIV từ những bà mẹ nhiễm HIV sinh con, xét nghiệm bằng kỹ thuật DBS chẩn đoán sớm trẻ em nhiễm HIV và đưa vào chăm sóc và điều trị...

Trà My


http://tiengchuong.vn/HIVAIDS/Quang-...toan/27070.vgp