Tăng tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc kháng virus

Thứ hai 07/05/2018 15:58

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, các khó khăn trong việc chuyển đổi thanh toán các chi phí điều trị HIV/AIDS từ viện trợ sang quỹ BHYT cho người nhiễm HIV đã cơ bản được tháo gỡ.

Khám cho bệnh nhân điều trị ARV
Thống kê tại Việt Nam, đến hết tháng 2/2018, có 125.806 người đang điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV) trên tổng số khoảng 210.000 người sống chung với HIV, đạt tỷ lệ 58% số người nhiễm. Việt Nam có tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV cao hơn tỷ lệ chung toàn thế giới.

Cùng với việc tăng nhanh độ bao phủ số người nhiễm HIV được điều trị ARV, Việt Nam cũng nằm trong top đầu các quốc gia áp dụng các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tiêu chuẩn bắt đầu liệu pháp điều trị bằng thuốc ARV mà Việt Nam đã áp dụng là điều trị ngay không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4. Nhóm này gồm 34 quốc gia, trong đó có: Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Ðức...

Áp dụng phác đồ B+ cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, tức là điều trị bằng ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV ngay sau khi phát hiện nhiễm, không phụ thuộc vào tuổi thai, số tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng (thế giới có 87 quốc gia áp dụng phác đồ này). Thực hiện liệu pháp điều trị bằng thuốc ARV ngay cho cặp bạn tình dị nhiễm (76 quốc gia đang triển khai hoạt động này). Thực hiện đo tải lượng virus thường quy (hiện có 46 quốc gia đang áp dụng). Như vậy, mặc dù Việt Nam là nước có mức thu nhập trung bình thấp nhưng Chính phủ đã rất quan tâm việc chăm sóc, điều trị HIV ở điều kiện tốt nhất theo khuyến cáo của WHO.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, phần lớn các chi phí điều trị HIV/AIDS đều được miễn phí từ nguồn tài trợ quốc tế và nguồn kinh phí chương trình mục tiêu. Nhưng bắt đầu từ năm 2019, các chi phí này được chuyển đổi sang nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Do vậy, muốn duy trì và tăng số người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị ARV thì người nhiễm HIV phải tham gia BHYT. Trong khi đó, còn khá nhiều những khó khăn để thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV.

Vấn đề chính sách, Việt Nam đã có Luật về BHYT; Luật Khám bệnh, chữa bệnh và hàng loạt các văn bản hướng dẫn về khám, chữa bệnh bằng BHYT nói chung. Tuy nhiên, nếu áp dụng với người nhiễm HIV là đối tượng đặc thù thì có thể sẽ có rất nhiều người không thể tiếp cận được với điều trị HIV/AIDS qua BHYT. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành đang nghiên cứu, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng trong khi xây dựng các chính sách mới để không trái với các quy định luật pháp đã ban hành.

Về tính pháp lý của các cơ sở điều trị HIV/AIDS, để có thể ký hợp đồng và thanh toán được các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT qua BHYT là vấn đề đang được quan tâm. Trong suốt thời gian dài chúng ta đã có sự hỗ trợ của nước ngoài trong việc mua và cấp thuốc ARV cũng như các dịch vụ y tế khác cho người nhiễm, do vậy, chúng ta đã thiết lập hệ thống cung cấp dịch vụ thuận lợi nhất với người bệnh. Tuy nhiên giờ đây khi không còn viện trợ, chúng ta cần phải kiện toàn lại hoạt động của các cơ sở điều trị này.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp cụ thể để tất cả những người nhiễm HIV có thẻ BHYT có thể sử dụng được dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Hiện nay, việc điều trị ARV được áp dụng ngay khi chẩn đoán nhiễm HIV. Do vậy, cần vận động người nhiễm HIV có điều kiện tự tham gia mua thẻ BHYT, đây là giải pháp bền vững nhất.

Nguồn thứ hai, UBND các địa phương mua thẻ hỗ trợ những người khó khăn hơn. Nguồn thứ ba, các dự án dành tiền mua thẻ BHYT hỗ trợ một số tỉnh khó khăn. Tuy nhiên, còn một số ít người nhiễm HIV vẫn khó tiếp cận BHYT do họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào hoặc lo ngại bị tiết lộ danh tính cho nên vẫn chưa sẵn sàng tham gia BHYT. Việc này sẽ tiếp tục phải tìm các giải pháp tháo gỡ. Bộ Y tế đang phối hợp cơ quan có liên quan giải quyết các khó khăn nêu trên trong Thông tư 32 và Thông tư 15 sửa đổi.

Khi bắt đầu thực hiện công việc chuyển đổi thanh toán các chi phí điều trị HIV/AIDS từ viện trợ sang quỹ BHYT cho người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, các khó khăn đã cơ bản được tháo gỡ. Người nhiễm HIV hoàn toàn có thể tin tưởng tiếp tục được điều trị ARV với những chi phí phù hợp.