Các trường hợp phải xét nghiệm HIV định kỳ

Thứ tư 09/05/2018 17:37

Bốn trường hợp phải xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng/lần, bao gồm: Nhóm quần thể hành vi nguy cơ cao; người có bạn tình nhiễm HIV; bệnh nhân nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; người dự phòng sau phơi nhiễm và trước phơi nhiễm.


Xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi
Bộ Y tế cũng khuyến cáo các trường hợp nghi ở giai đoạn cửa sổ nên xét nghiệm lại trong vòng 3 tháng và không khuyến cáo xét nghiệm lại HIV cho các bệnh nhân đã và đang điều trị ARV. Riêng trong trường hợp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV, cần tiến hành xét nghiệm HIV lại sau 3-6 tháng.

Theo hướng dẫn quốc gia xét nghiệm HIV, Bộ Y tế hướng dẫn các kỹ thuật thực hiện xét nghiệm HIV như xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật huyết thanh học, xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật sinh học phân tử; hướng dẫn thực hiện bảo đảm chất lượng xét nghiệm HIV.

Mục đích xét nghiệm là bảo đảm an toàn trong truyền máu, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và thụ tinh nhân tạo. Giám sát dịch tễ HIV/AIDS nhằm xác định tỷ lệ nhiễm HIV trong một số nhóm quần thể nhất định theo thời gian và địa điểm để theo dõi sự phân bố, chiều hướng phát triển của dịch nhằm cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, dự phòng, khống chế và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Chuẩn đoán phát hiện nhiễm HIV: Xác định tình trạng nhiễm HIV của người được làm xét nghiệm.

Nguyên tắc xét nghiệm là bảo đảm tính bí mật, tự nguyện; cung cấp thông tin trước và tư vấn sau xét nghiệm; tuân thủ chiến lược, phương cách, quy trình xét nghiệm; bảo đảm chất lượng xét nghiệm và an toàn sinh học; kết nối với các chương trình dự phòng và chăm sóc điều trị.

Cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV sẽ tiến hành việc lấy hoặc tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV nhưng không được khẳng định các trường hợp HIV dương tính. Tham gia chương trình ngoại kiểm tra xét nghiệm HIV do Bộ Y tế phê duyệt hoặc chỉ định.

Tổ chức thực hiện việc tư vấn xét nghiệm HIV, thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, thực hiện thống kê báo cáo số liệu theo quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BYT và ghi chép, lưu trữ biểu mẫu sổ sách xét nghiệm đầy đủ.

Đối với cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV, ngoài việc thực hiện các quy định theo hướng dẫn còn phải thực hiện các trách nhiệm sau: Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán HIV cho các mẫu bệnh phẩm thu thập trực tiếp; tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ dương tính của các cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV trên địa bàn hoặc vùng lân cận để tiến hành xét nghiệm huyết thanh học khẳng định các trường hợp HIV dương tính. Lưu mẫu dương tính hoặc nghi ngờ 2 năm kể từ ngày làm xét nghiệm khẳng định tại cơ sở xét nghiệm; tham mưu hỗ trợ cho Sở Y tế trực thuộc tiến hành việc đào tạo, giám sát hỗ trợ kỹ thuật và tham gia kiểm tra theo định kỳ 1 năm/lần hoạt động xét nghiệm tại các cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV trên địa bàn phụ trách.

Phòng tham chiếu quốc gia về xét nghiệm HIV sẽ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán về huyết thanh học HIV và sinh học phân tử HIV; tiếp nhận các mẫu xét nghiệm nghi ngờ dương tính, các mẫu khó biện luận do các cơ sở xét nghiệm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính thuộc địa bàn phân công phụ trách gửi đến; nhận mẫu và làm xét nghiệm tham chiếu khi kết quả xét nghiệm HIV giữa các tuyến không thống nhất…

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) sẽ kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động và tổng hợp số liệu hoạt động xét nghiệm HIV trên phạm vi toàn quốc. Chỉ đạo các cơ sở có phòng tham chiếu quốc gia về xét nghiệm HIV xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn về xét nghiệm HIV cho các đơn vị, địa phương. Hằng năm, chủ trì, đánh giá và triển khai công tác thực hiện bảo đảm chất lượng xét nghiệm HIV.