Chuyển đổi mô hình cai nghiện tại Hà Nội: Một số hiệu quả bước đầu
Thứ hai 20/06/2016 16:00
Sau 18 tháng triển khai, các cơ sở điều trị tự nguyện đã tiếp nhận và điều trị cho 3.005 người vào cai nghiện ma túy tự nguyện và 135 người điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở ngành quản lý.

Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thực hiện Quyết định số 2596⁄QĐ-TTg ngày 27⁄12⁄2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 77⁄2014⁄QH13 của Quốc hội, Nghị quyết số 98⁄NQ-CP của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố thực hiện việc chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện, Cơ sở đa chức năng thực hiện các nhiệm vụ gồm cai nghiện tự nguyện, tiếp nhận đối tượng không có nơi cư trú ổn định vào lưu trú tạm thời và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.



Chăm sóc sức khỏe của các học viện cai nghiện. Ảnh internet

Cụ thể là: Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số V chuyển đổi hoàn toàn thành Cơ sở điều trị tự nguyện; Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số II  thành cơ sở đa chức năng tiếp nhận đối tượng nữ vào điều trị tự nguyện, bắt buộc, lưu trú, sau cai nghiện;  Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số I, số III, số IV, số V và Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 thành Cơ sở đa chức năng tiếp nhận đối tượng nam giới vào điều trị  tự nguyện, bắt buộc, sau cai, lưu trú tạm thời; Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số VIII thành Cơ sở tẩy độc chất độc da cam; xây dựng phương án chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Thanh niên Hà nội thành Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên do Thành đoàn Hà nội quản lý và Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 2 thành Trung tâm Chăm sóc, điều trị nuôi dưỡng người tâm thần.

Ngoài việc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ, thủ tục hành chính tiếp nhận đối tượng vào điều trị cũng được đơn giản, chuẩn hóa các liệu trình điều trị, áp dụng cơ chế thời gian điều trị nội trú linh hoạt. Cơ sở điều trị tự nguyện xây dựng môi trường thân thiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người vào điều trị, thành phố hỗ trợ tiền ăn, tiền thuốc, tư trang cá nhân, điện nước, vệ sinh, văn hóa thể thao cho người vào điều trị tự nguyện, mức hỗ trợ này tương đương như hỗ trợ cho đối tượng cai nghiện bắt buộc để đảm bảo những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể được điều trị. Sau 18 tháng triển khai, các Cơ sở điều trị tự nguyện đã tiếp nhận và điều trị cho 3.005 người vào cai nghiện ma túy tự nguyện và 135 người điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở ngành quản lý.

Đối với các Cơ sở xã hội, Sở đã chỉ đạo việc phân khu riêng biệt, xây dựng quy chế hoạt động đảm bảo việc xác định tình trạng nghiện, điều trị cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý, hỗ trợ xã hội và phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Một số Tòa án địa phương đã phối hợp với Cơ sở xã hội tổ chức phiên họp tại chỗ để xem xét, quyết định đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Kết quả trong thời gian qua, các cơ sở đã tiếp nhận 224 đối tượng, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh 178 đối tượng đạt tỷ lệ 79,5 %; 46 đối tượng không đủ điều kiện áp dụng sau khi hết thời gian lưu trú đã trả về địa phương.

Đối với các Trung tâm thực hiện nhiệm vụ cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện: do đối tượng vào điều trị, quản lý bằng hình thức này giảm đi nên Sở đã kịp thời điều chỉnh và bổ sung nhiệm vụ thành Cơ sở đa chức năng, tiếp nhận người vào điều trị tự nguyện, lưu trú tạm thời, vì vậy, số học viên luôn đảm bảo từ 400 đến 500 đối tượng/Trung tâm. Mặt khác, để nâng cao chất lượng cai nghiện, chữa trị, Sở đã ban hành quy chế phối hợp giữa các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Trung tâm Quản lý sau cai nghiện và các Trung tâm Dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố để phối hợp tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho các đối tượng cai nghiện nhằm định hướng nghề nghiệp cho học viên khi hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện. Tính đến thời điểm 15/5/2016, số người nghiện ma túy đang cai nghiện và quản lý sau cai tại các Trung tâm là 3.024 người trong đó đối tượng cai nghiện bắt buộc: 293 người (257 người tiếp nhận mới từ tháng 01/2015-15/5/2016 ); 1.796 người quản lý sau cai nghiện (1.192 người tiếp nhận mới từ 01/01/2015-15/5/2016).

Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số V đã tiếp nhận 135 đối tượng vào điều trị ngoại trú, quá trình triển khai nhiệm vụ này tuy mới nhưng được sự phối hợp chặt chẽ của Sở Y tế, quy trình điều trị được thực hiện nghiêm túc, các đối tượng điều trị đảm bảo an toàn, đánh giá kết quả cho thấy trong 135 đối tượng vào tư vấn điều trị thì đã có 114 đối tượng tự nguyện tham gia, cho đến nay chỉ có 21 đối tượng bỏ điều trị chiếm tỷ lệ 15.6 % tổng số đối tượng tham gia.

Ông Hoàng Thành Thái cho biết, nếu như trước đây hình thức cai nghiện bắt buộc chiếm tỷ lệ 90% và điều trị tự nguyện chỉ chiếm 10% thì đến nay số người tham gia điều trị tự nguyện đã đạt trên 73%; Các cơ sở chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ đã đáp ứng được nhu cầu điều trị của người nghiện ma túy và gia đình họ; trong khi các hình thức áp dụng bắt buộc đi cai còn khó khăn thì các Cơ sở điều trị tự nguyện sẵn sàng đón nhận, kể cả các đối tượng gặp khó khăn về kinh phí điều trị; Số người nghiện tham gia điều trị tăng lên đáng kể so với những năm trước, nếu thống kê những người nghiện ma túy được điều trị trên tổng số người nghiện hiện có thì số liệu này đạt 50.2%.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, để đạt được kết quả như trên, là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của UBND, Ban Chỉ đạo thành phố; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Sở, ngành thành phố; chính quyền, Ban Chỉ đạo các địa phương và đặc biệt là lực lượng Công an các cấp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung của Đề án; tư vấn, vận động và thực hiện đưa người nghiện ma túy đi điều trị nghiện ma túy tự nguyện. Đề án thí điểm cai nghiện tự nguyện được ngân sách thành phố hỗ trợ đã khuyến khích được rất nhiều người nghiện đi cai nghiện tự nguyện, được quần chúng nhân dân và dư luận đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Hoàng Thành Thái cho biết, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được mô hình chuyển đổi Trung tâm cai nghiện bắt buộc sang Cơ sở cai nghiện tự nguyện cũng gặp một số khó khăn.

Trước hết, đối với cai nghiện tự nguyện, Chính phủ chưa có Nghị định điều chỉnh cho đối tượng cai nghiện tự nguyện thay thế Nghị định 135 do vậy còn thiếu cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện, đặc biệt là cơ chế, chính sách đảm bảo cho hoạt động này (chế độ hỗ trợ cho đối tượng, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, nhân lực). Đa số người nghiện ma túy vào Cơ sở điều trị tự nguyện sức khỏe yếu, cần điều trị dài ngày trong khi sự phối hợp của gia đình rất hạn chế về kinh phí điều trị cũng như việc tham gia chăm sóc tại bệnh viện dẫn đến khó khăn cho Trung tâm. Việc huy động nguồn lực, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho người sử dụng ma túy còn gặp khó khăn, vẫn còn tình trạng phân biệt, kỳ thị với người nghiện ma túy.

Đối với cai nghiện bắt buộc, quy trình lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP kéo dài kể từ khi khẳng định được là người nghiện ma túy nên việc đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn gặp khó khăn.

Đối với việc lưu trú tạm thời, theo quy định của Pháp luật, nếu xác định được người sử dụng trái phép chất ma túy thì phải xác định nơi cư trú của đối tượng, khi thẩm tra xác minh mà có nơi cư trú ổn định thì phải chuyển đối tượng về nơi cư trú gặp nhiều gặp nhiều khó khăn vì đối tượng vi phạm chủ yếu là người ngoại tỉnh.

Về quản lý sau cai nghiện, Luật Phòng, chống ma túy quy định áp dụng biện pháp quản lý sau cai đối với người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, song Luật Xử lý vi phạm hành chính không đề cập đến vấn đề này dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện tự nguyện, ông Hoàng Thành Thái cho biết, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về cai nghiện và quản lý sau cai, trong đó coi trọng việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của nhân dân, của người nghiện và gia đình họ về nghiện ma túy, hiểu nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, người nghiện phải điều trị thường xuyên, lâu dài, gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ, làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.

Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, giáo dục tại Trung tâm thông qua việc nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người nghiện nhằm thu hút người nghiện vào cai nghiện tự nguyện. Nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý, đào tạo lại đội ngũ cán bộ tại các Trung tâm để cán bộ hiểu và thân thiện với người nghiện, coi người nghiện là khách hàng của Trung tâm, tạo điều kiện cho họ tiếp cận được các dịch vụ xã hội theo nhu cầu, phù hợp với khả năng phục vụ của Trung tâm.

Nhật Thy