Đánh giá tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân Lao/HIV
Đặng Minh Sang, Trần Ngọc Bửu, Nguyễn Huy Dũng
Bv Phạm Ngọc Thạch
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo khuyến cáo của Liên minh phòng chống HIV/AIDS toàn cầu nếu người sống chung với HIV được điều trị và điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) một cách đúng đắn thì sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như làm cho bệnh nhân sống lâu hơn. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt thì số lượng virus trong cơ thể bệnh nhân giảm nhanh sau vài tuần hoặc vài tháng, đồng thời hệ thống miễn dịch bắt đầu hồi phục. Việc tuân thủ điều trị ARV đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì. Tuy nhiên cũng có nhiều nguyên nhân làm cho bệnh nhân HIV giảm tuân thủ điều trị ARV. Theo Caraciol và cộng sự, trên 1.537 bệnh nhân AIDS thì có 18,7% bệnh nhân không tuân thủ điều trị ARV, trong đó các yếu tố liên quan với không tuân thủ điều trị là trình độ học vấn, chế độ trị liệu, số lượng tế bào CD4, thời gian điều trị ARV, không nhớ lịch dùng thuốc. Một nghiên cứu khác của Nemes Baptistella việc không tuân thủ điều trị ARV chiếm tới 31% có liên quan đến trình độ dân trí và mức thu nhập của người dân. Cũng theo nghiên cứu của Bonolo PF và cộng sự thì việc không tuân thủ điều trị ARV cũng chiếm tỷ lệ khá cao 33%. Theo nghiên cứu của Traore A và cộng sự 4 trên bệnh nhân HIV(+), ghi nhận 80% bệnh nhân HIV tuân thủ trong việc điều trị ARV.
Việc sử dụng ARV có thể nói là trong suốt cuộc đời bệnh nhân, vì vậy điều trị ARV đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì. Và thời gian cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Ahmed FA và cộng sư ghi nhận trong năm thứ 1, 85% bệnh nhân tuân thủ điều trị, sau 2 năm tỷ lệ tuân thủ là 80% và sau 5 năm tỷ lệ này còn 70%.
Thành Phố Hồ Chí Minh là một trong số các tỉnh thành có số người nhiễm HIV cao nhất nước. Theo báo cáo của UBPC AIDS/HIV tính đến 30/12/2006 đã phát hiện 34.909 người nhiễm HIV và hàng năm có thêm 10.000 người nhiễm HIV mới. Số người nhiễm HIV trong số bệnh nhân lao cũng tăng lên rất nhanh, theo báo cáo của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tỷ lệ HIV/ bệnh nhân lao năm 2005 là 7,7%; năm 2006: 12,2%; và năm 2007: 14,2%. Trước đây, do thiếu thuốc kháng virút cũng như thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội nên tỷ lệ tử vong những bệnh nhân lao/HIV tại Hồ Chí Minh rất cao, trung bình khoảng 35 – 40%. Từ 2006 đến nay, chương trình điều trị ARV và điều trị nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV đã dần trở nên phổ biến và được xem là một phần trong tổng thể các biện pháp chăm sóc và hỗ trợ về y tế, tâm lý và xã hội cho người có HIV.
Yếu tố quan trọng quyết định thành công của điều trị kháng retrovirus chính là sự tuân thủ điều trị của chính người nhiễm HIV. Tuân thủ điều trị ARV là uống đủ liều thuốc được chỉ định và uống đúng giờ nhằm bảo đảm sự thành công của điều trị, tránh xuất hiện kháng thuốc. Theo số liệu của các đơn vị điều trị ngoại trú HIV (OPC) thì tỷ lệ tuân thủ điều trị ARV tại Tp.HCM vào khoảng trên 90%, tuy nhiên theo báo cáo của một số đơn vị quản lý điều trị HIV thì có tới 20% - 25% bệnh nhân HIV có biểu hiện giảm tuân thủ điều trị ARV.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào tại Việt Nam đề cập đến nguyên nhân làm giảm tuân thủ điều trị. Nghiên cứu này nhằm:
- Xác định tỷ lệ giảm tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân lao/HIV.
- Xác định các nguyên nhân của việc giảm tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân lao/HIV.
II. PHƯƠNG PHÁP
– Chúng tôi áp dụng phương pháp mô tả cắt ngang, khảo sát trên những bệnh nhân lao /HIV(+) được chỉ định điều trị ARI thu dung từ quý IV/2007 – Quý IV/2008 tại 24 quận huyện và phòng khám bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
– Các bệnh nhân được phỏng vấn theo mẫu soạn sẳn, các yếu tố sau được thu thập:
o Yếu tố liên quan bệnh nhân: Tuổi, giới, nghề nghiệp, nhóm nguy cơ, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn
o Các thông tin liên quan đến tình hình dùng ARV của bệnh nhân như: uống thuốc ARV và thuốc lao hàng ngày? Uống thuốc có theo giờ quy định không ? Số lần uống ARV trong ngày? Thời điểm xuất hiện các tác dụng phụ…. V..V…
Xử lý số liệu: Số liệu được nhập bằng phần mềm EPI-INFO. Phân tích và xử lý bằng phần mềm Epi- info 6 – SPSS. Phép tính Chi bình phương được dùng để so sánh sự khác biệt giữa các tỷ lệ, ý nghĩa thống kê được kết luận ở ngưỡng sai số 5%.


III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Đặc tính bệnh nhân tham gia nghiên cứu
Cỡ mẫu ban đầu trong nghiên cứu này là 682 bệnh nhân, trong thời gian nghiên cứu 17 bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu, 10 bệnh nhân tiếp tục bị loại do thiếu nhiều thông tin trong phiếu phỏng vấn, vì vậy còn 654 phiếu phỏng vấn (96,0%).
2. Đặc tính chung
Bệnh nhân Nam chiếm 85,9% tổng số phỏng vấn. Tuổi bình quân 30,67 + 6,45, trong đó tuổi bình quân bệnh nhân Nam cao hơn Nữ (30,8 + 6,49 so với 29,84 +6,17). Độ tuổi từ 15 – 24 chiếm 15,9%, từ 25 – 34 chiếm 66,8% và trên 35 chiếm 17,3%.
Đối tượng nghiện xì ke chiếm 64,0% kế đến khác chiếm 19,9%, mại dâm chiếm 16,1 %. Tỷ lệ bệnh nhân có gia đình chiếm 46,6%.
Trình độ học vấn từ cấp 1 trở xuống chiếm 65,3%, từ Cấp 2 trở lên chiếm 34,7%.
232 bệnh nhân (35,5%) đã điều trị ARV trước khi điều trị lao. 64,6% bệnh nhân được điều trị ARV từ tháng thứ 3 trở đi trong liệu trình trị lao .

3. Giảm tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân lao/HIV
Có 40 bệnh nhân (6,1%) giảm tuân thủ điều trị ARV và 614 bệnh nhân (93,9%) tuân thủ ARV theo quy định ở thời gian khảo sát.
Tỷ lệ giảm tuân thủ điều trị ARV không liên quan với giới tính, nhóm tuổi, nghề nghiệp, nhóm nguy cơ, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân; nhưng liên quan có ý nghĩa thống kê với:

  • Được điều trị ARV trước lúc điều trị lao thì giảm tuân thủ điều trị ARV chiếm 10,5% gấp 3,28 lần so với nhóm bệnh nhân bắt đầu điều trị ARV trong thời gian điều trị lao 3,6% (P=0,0004<0,05, KTC 95%: 1,62~6,69).
  • Những bệnh nhân không được nhân viên y tế tham vấn về HIV thì giảm tuân thủ (65,5%) gấp 564,3 lần so với nhóm bệnh nhân được nhân viên y tế cung cấp kiến thức HIV (0,3%), khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,0001, KTC 95%: 119,8~3648,8).
  • Những bệnh nhân không được cộng đồng hỗ trợ chăm sóc thì giảm tuân thủ điều trị ARV chiếm 13,9% gấp 30,43 lần so với nhóm bệnh nhân được cộng đồng hỗ trợ chăm sóc (0,5%). Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,001, KTC 95%: 7,09 ~ 184,1), tỷ lệ giảm tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân lao/HIV

4. Nguyên nhân giảm tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân lao/HIV
Nguyên nhân giảm tuần thủ điều trị trong nghiên cứu này phần lớn được ghi nhận là do bệnh nhân quên uống thuốc chiếm 62,5%; lý do khác chiếm 15%, không có lý do chiếm 10%; tác dụng phụ và bệnh nặng hơn chiếm 5%; còn lại 2,5% là bệnh nhân thấy khỏe hơn. Trong nghiên cứu này chúng tôi cũng ghi nhận rằng không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa nguyên nhân giảm tuân thủ điều trị ARV với giới tính, nhóm tuổi, nghề nghiệp, nhóm nguy cơ, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân.


5. Bàn luận
Trong nghiên cứu này chúng tôi nhận thấy tỷ lệ giảm tuân thủ điều trị ARV chiếm 6,1% phù hợp với số liệu báo cáo của các OPC Tp. HCM. Mặc dù theo nhiều nghiêu cứu khác như Theo Caraciol và cộng sự,2 thì có 18,7% bệnh nhân không tuân thủ điều trị ARV.
Nữ giới giảm tuân thủ điều trị ARV 7,3% gắp 1,25 lần so với nam giới (5,9%). Trong nghiên cứu này bệnh nhân giảm tuân thủ phần lớn là do bệnh nhân quên uống thuốc ARV và nữ quên uống thuốc chiếm 75% cao hơn nam giới 59,4%. Có sự khác biệt nhưng không có ý nghĩa thống kê (P>0,05) và chưa có 1 nghiên cứu nào đề cặp đến vấn đề này.
Nhóm tuổi: bệnh nhân càng lớn tuổi thì càng giảm tuân thủ điều trị ARV, theo kết quả nghiên cứu thì những bệnh nhân có nhóm tuổi 15 – 24 tuổi thì giảm tuân thủ điều trị 4,8%, nhóm bệnh nhân từ 25 – 34 tuổi thì giảm tuân thủ 5,7% và những bệnh nhân > 35 tuổi thì giảm tuân thủ điều trị ARV 8,8%. Khác biệt giữa các tỷ lệ nhưng không có ý nghĩa thống kê (P>0,05) và cũng chưa có 1 nghiên cứu nào đề cập vấn đề này.
Nghề nghiệp: Những bệnh nhân thuộc nhóm nghề chuyên nghiệp thì giảm tuân thủ thấp nhất 3,4%, nghề tự do giảm tuân thủ điều trị cao hơn 6,2% và nhóm bệnh nhân thất nghiệp giảm tuân thủ điều trị cao nhất 8,6%. Có thể những bệnh nhân thuộc nhóm nghề chuyên nghiệp thì tiếp cận được những thông tin về việc điều trị từ xã hội và công sở nên họ giảm tuân thủ điều trị thấp hơn 2 nhóm nghề nghiệp còn lai. Có sự khác biệt nhưng không có ý nghĩa thống kê (P>0,05).
Nhóm nguy cơ – trình độ học vấn và tình trạng hôn nhân cũng được nhóm nghiên cứu ghi nhận là có sự khác biệt nhưng không có ý nghĩa thống kê (P>0,05).
Nếu bệnh nhân được điều trị ARV lâu thì nguy cơ giảm tuân thủ điều trị hơn những nhóm bệnh nhân được điều trị gần đây, trong nghiên cứu này nếu bệnh nhân được điều trị ARV trước khi điều trị lao thì giảm tuân thủ 9,5% còn nếu điều trị ARV trong thời gian điều trị lao thì giảm tuân thủ 4,3%, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Ahmed FA và cs.6. Lý do có thể là những bệnh nhân lao/HIV được điều trị ARV trong thời gian điều trị lao đã trải qua thời gian tiếp xúc với nhân viên tổ chống lao (TCL) và tại đây họ được nhân viên y tế TCL cung cấp thêm kiến thức, được giải thích và đủ thời gian nhận thức về lợi ích của tuân thủ điều trị vì vậy mà việc giảm tuân thủ điều trị ARV của bệnh nhân sẽ rất thấp.
Một điều đáng được quan tâm trong nghiên cứu này nữa là khi bệnh nhân được nhân viên y tế hỗ trợ cung cấp kiến thức về HIV thì việc giảm tuân thủ chiếm 0,5% còn khi không được cung cấp kiến thức HIV thì giảm tuân thủ chiếm 63,8% và khi bệnh nhân được cộng đồng hỗ trợ chăm sóc thì giảm tuân thủ chiếm 0,3% còn khi không được hỗ trợ chăm sóc từ cộng đồng thì giảm tuân thủ chiếm 14,2%. Đây là đều mà chúng tôi chưa thấy nghiên cứu nào đề cập đến.

6. Kết luận
Tỷ lệ giảm tuân thủ điều trị ARV tại Tp.HCM khá thấp, vào khoảng 6,1%. Các yếu tố như: trình độ học vấn, nghề nghiệp, nhóm nguy cơ, hôn nhân không có tác động đến việc tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân lao/HIV. Thời gian điều trị ARV cũng như được giáo dục sức khỏe về kiến thức HIV thường xuyên và sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân lao – HIV.
Nguồn: phòng CĐT- BV Phạm Ngọc Thạch - TP HCM