PDA

View Full Version : Magic Johnson người đàn ông không chết !!!



songchungvoi_HIV
27-03-2014, 00:26
Anh là một con người phi thường về nghị lực sống. 15 năm với virus HIV trong mình, người cầu thủ bóng rổ một thời nổi tiếng ấy vẫn tồn tại như một thách thức với cái chết mà hầu hết những người nhiễm AIDS đều không tránh khỏi. Anh là ...Magic Johnson
http://i119.photobucket.com/albums/o136/pippo1982/asa.jpg

Không ai có thể tin rằng, vào năm 2007, Earvin “Magic” Johnson vẫn là một người trong số chúng ta đang sống yên bình trên trái đất. Dù theo một cách nào đó, người ta ít nói đến anh trong những năm qua, và bản thân anh cũng hạn chế hơn việc bước ra khỏi bóng tối bao quanh anh để đến với cuộc sống ngoài kia, nhưng điều đó không có nghĩa là anh đã nằm chết trong im lặng ở một nơi nào đó mà ta không hề biết. Anh vẫn sống, vẫn thở, vẫn mơ mộng và vẫn nở những nụ cười nhẹ nhàng và chân thành với tất cả mọi người, và bản thân sự tồn tại của anh đã là một thứ “Magic” (kỳ diệu) như chính biệt danh của anh. Anh không chết, vì anh không thể chết. Biểu tượng của con người trong cuộc chiến chống căn bệnh nan y ấy không thể đơn giản nói lời đầu hàng với số phận một ngày sớm mai. Anh giàu có, và không tiếc tiền để mua cho mình những loại thuốc đắt tiền nhất để cái chết đến chậm hơn nữa, điều mà đa số người cùng cảnh ngộ như anh không thể có được, nhưng sự thật ấy không thể che giấu một điều: anh yêu cuộc sống, anh không bao giờ muốn rời bỏ nó và anh cũng muốn những người khác như anh có ý chí như thế.

Sẽ không một CĐV bóng rổ nào của giải NBA quên được cái ngày 7/11/1991 ấy. Trong phòng họp báo của đội Los Angeles Lakers, các đồng đội ngồi bên anh, nắm lấy tay anh và Magic Johnson, một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhìn vào một chốn vô định với nước mắt rưng rưng và môi anh thốt lên những lời gây sốc: “Mấy ngày trước, trong khi xét nghiệm máu tôi để chuẩn bị cho mùa bóng mới, người ta đã phát hiện ra tôi dương tính với HIV. May mắn thay, những xét nghiệm đối với vợ và các con tôi đã cho kết quả âm tính. Từ hôm nay, tôi tuyên bố giải nghệ để tập trung vào việc chữa trị, và tôi tin một điều chắc chắn, rằng khát vọng sống của tôi sẽ chiến thắng được bệnh tật”. Cuộc họp báo gây sốc nhất trong lịch sử NBA ấy đã làm rung chuyển nước Mỹ. Đích thân Tổng thống Mỹ George W.Bush đã tuyên bố: “Với tôi, Magic Johnson là một người anh hùng, một thần tượng lớn đối với những ai yêu thể thao”.

Magic Johnson đã nói những điều anh phải nói, với một sự dũng cảm và tự tin lạ thường, hệt như khi anh đưa đội bóng Los Angeles Lakers của mình đến những chiến thắng bằng những cú ném bóng ăn 3 điểm vào những giây cuối cùng. Nhưng lúc đó, không phải ai cũng tin là anh sẽ sống, và sống khoẻ, cho đến tận bây giờ. Byron Scott, đồng đội cũ của anh ở đội Lakers và hiện giờ đang làm HLV cho CLB New Orleans nhớ lại: “Tôi nghĩ rằng Magic đã đọc bản tuyên án tử hình chính mình”. David Stern, chủ tịch giải NBA: “Tin tức về việc anh nhiễm HIV khiến tôi cảm thấy như đất lở dưới chân mình. Tôi đã tưởng tượng ra cảnh mình đang dự đám tang của một trong những nhà thể thao vĩ đại nhất và được yêu mến nhất của nhân loại”.

Người cầu thủ nổi tiếng của giải NBA cũng mới chỉ biết về việc mình nhiễm HIV không sớm hơn công chúng, khi một cú điện thoại từ bác sĩ của đội Lakers đã thay đổi toàn bộ đời anh. Và Magic Johnson, vẫn trong trạng thái sốc, đã triệu tập một cuộc họp báo khẩn cấp chỉ 15 phút sau đó, vì “tôi nghĩ mình phải nói. Giữ kín một bí mật chết người bao giờ cũng là một sự hành hạ kinh khủng về thể xác và lương tâm” . Chính nhờ sự dũng cảm của Magic Johnson, mà nhiều định kiến sai lầm về HIV/AIDS đã bị phá bỏ. Trước Johnson, người ta luôn cho rằng, chỉ có những người đồng tính luyến ái và sử dụng ma tuý mới hay nhiễm HIV/AIDS. Johnson, với tư cách là một người nhiễm AIDS, đã khẳng định với cộng đồng là tất cả không trừ một ai đều có nguy cơ lìa đời vì căn bệnh cho đến giờ vẫn không tìm ra thuốc chữa ấy và anh đã làm nhiều người chấn động bởi anh luôn luôn nói trong những lần đi diễn thuyết về phòng chống AIDS hoặc các chiến dịch thúc đẩy tình dục an toàn, rằng, trong số những người bị AIDS “có cả tôi”, nghĩa là một ngôi sao lớn, một huyền thoại bóng rổ, một nhân vật quá xuất chúng đương đại. Anh xuất hiện trên hầu hết những talk show đông khán giả nhất nước Mỹ, đánh động công chúng về HIV/AIDS, không ngượng ngùng công khai nguyên nhân tại sao anh rơi xuống địa ngục với căn bệnh thế kỷ ấy (Johnson nói rằng đã có quan hệ tình dục với hơn 200 phụ nữ mà không dùng các biện pháp bảo vệ) và khuyến cáo công chúng áp dụng tình dục an toàn để bảo vệ chính mình.

Gary Vitti, chuyên gia thể lực của đội Lakers, người bạn thân của Johnson, nhớ lại: “Anh ấy nói tôi, là nếu Chúa chọn anh để cho nhiễm virus HIV, Chúa đã chọn đúng người, bởi anh là một trong những người duy nhất có khả năng đánh động dư luận về căn bệnh kinh khủng ấy”. Johnson đã đúng khi nói điều ấy. Những nỗ lực không ngơi nghỉ trên con đường tuyên truyền về đại dịch AIDS ấy đã được thế giới ghi nhận. Anh đã đi khắp nơi trên nước Mỹ để gặp gỡ hàng nghìn bệnh nhân chuyển sang AIDS đang hấp hối, đã nói chuyện với hàng trăm đứa trẻ nhiễm HIV từ mẹ chúng và tiếp cho chúng hy vọng sống, đã khóc trong những buổi diễn thuyết cho hàng chục triệu khán giả truyền hình. Nhưng có lẽ anh không bao giờ muốn mình trở thành một người hùng chỉ vì sắp chết. Không ai muốn đẩy mình rớt xuống vực sâu tăm tối và nguy hiểm chết người để rồi dưới đáy vực nói vọng lên cho tất cả những người ở trên biết, là cái vực ấy sâu đến thế nào và giống địa ngục ra sao.

Mấy tháng sau khi tuyên bố bị nhiễm AIDS, anh đã trở lại trong một trận đấu biểu diễn của NBA với tên All-Star Game. Sự trở lại ấy đã gây ra những cuộc tranh luận gay gắt chưa từng có trong các đồng nghiệp cũ của anh, trong dư luận và trên báo chí. Không ít các cầu thủ NBA, ý thức được rằng họ có thể bị nhiễm AIDS từ anh thông qua mồ hôi và máu trong va chạm, đã phản đối kế hoạch tái xuất trên sàn đấu của Magic Johnson. Một trong những người chống đối mạnh mẽ nhất chính là cầu thủ huyền thoại của đội Utah Jazz Karl Malone. Nhưng David Stern đã ủng hộ mạnh mẽ Magic Johnson và cùng anh chiến thắng sự hoài nghi và nỗi lo sợ của công chúng. Chính Stern, sau trận đấu mà đội của Johnson đã thắng 115-113 với cú ném ăn ba quyết định thắng lợi cuối cùng được Johnson thực hiện, đã trao cho anh danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất NBA mùa bóng 1991/92, đã ôm anh ngay sau trận đấu và chính hành động ấy đã khích lệ các đồng đội công kênh anh trên vai. Stern: “Tôi hiểu là Magic Johnson đã trở thành một biểu tượng toàn cầu trong cuộc chiến chống AIDS và giải NBA tự hào được nói với tất cả công chúng, rằng chúng tôi không đứng ngoài những sự kiện trong đời sống xã hội, chúng tôi cũng là một công cụ tuyên truyền cho công cuộc chiến đấu chống căn bệnh thế kỷ ấy”.

Năm 1992, dù bị nhiễm HIV, Magic Johnson vẫn được chọn vào đội tuyển bóng rổ Mỹ dự Thế vận hội Barcelona. Đội bóng rổ ấy là đội bóng mạnh nhất mọi thời đại trong lịch sử nước Mỹ, bởi chưa bao giờ tập hợp được một đội ngũ xuất sắc đến thế, với những tên tuổi như Michael Jordan, Lary Byrd, John Stockton và chính anh, Magic Johnson, người đã trở thành một điểm thu hút lớn với dư luận không chỉ vì anh quá xuất sắc, mà chủ yếu vì anh đang trong mình HIV. Tại lễ khai mạc Thế vận hội, ngôi sao quần vợt người Đức Steffi Graf và đồng đội của chị, Barbara Rittner đã chụp ảnh chung với anh. Trong trận đấu với đội Tây Ban Nha, đội trưởng của họ, Juan Antonio San Epifiano và cả đội bóng ấy đã ôm chặt lấy anh nhằm xoá bỏ những kỳ thị và suy nghĩ sai lầm về những người nhiễm AIDS. Không ai quên được những khoảnh khắc ấy. Cả đấu trường vang lên những tiếng vỗ tay. Magic Johnson vẫy tay chào họ, môi nở nụ cười mà mắt đẫm lệ. Anh bảo, những giây phút ấy mới chính là những thời khắc đẹp đẽ nhưng cay đắng nhất trong đời anh.

Johnson có một điều may mắn hơn hàng triệu người nhiễm bệnh và đã chết. Anh là một bệnh nhân đặc biệt, vì anh giàu có, nổi tiếng và dĩ nhiên, may mắn hơn rất nhiều những ngôi sao thể thao khác, những người không có cơ hội để sống và đi khắp thế giới tuyên truyền về AIDS như anh. Năm 1993, tay vợt da đen nổi tiếng Arthur Ashe qua đời vì nhiễm AIDS sau một lần truyền máu và Magic Johnson, một người da đen như ông, đã có mặt trong lễ tang ấy. Anh đã dự hàng trăm lễ tang những người nhiễm AIDS khác và có lẽ sẽ còn dự nhiều đám tang khác nữa, vì anh sống lâu hơn họ, nhờ những tiến bộ vượt bậc của y học, với những loại thuốc đắt tiền nhất có thể ngăn ngừa virus tiếp tục phát triển trong cơ thể. Chính nhờ những loại biệt dược ấy, mà một ngôi sao khác, cũng là một huyền thoại đã đi vào lịch sử thể thao Mỹ, VĐV nhảy cầu Greg Louganis, người vào năm 1996 tuyên bố mình đã nhiễm AIDS, vẫn còn sống đến tận bây giờ để cũng trở thành một đại sứ đặc biệt trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Có một trường hợp đặc biệt, là của võ sĩ đấm bốc Tommy Morrison. Anh được xét nghiệm dương tính năm 1996 và ngay sau đó giải nghệ, nhưng năm 2007, sau 11 năm xa sàn đấu, đã trở lại với võ đài. Điều kì diệu đã xảy ra: không còn một dấu vết nào của AIDS trong máu anh. Morrison thổ lộ, anh sống đến tận bây giờ một phần là nhờ luôn soi vào tấm gương Magic Johnson.

Đầu năm 1997, sau 6 năm vật lộn với căn bệnh của Magic Johnson để anh kéo dài sự sống, các bác sĩ chăm sóc cho anh tuyên bố, họ đã chiến thắng trong việc hạn chế sự phát triển của virus. Nụ cười đã trở lại rạng rỡ hơn trên môi anh khi nhà vô địch đã chiến thắng bệnh tật như một điều thần kỳ của số phận, điều không ai có thể tin nổi trước đó. Anh đã gạt sang bên những vấn đề khủng khiếp của bản thân để trở thành một biểu tượng cao cả của ý chí vươn lên chống lại cái chết. Bây giờ, anh vẫn sống hạnh phúc và khoẻ mạnh bên người bạn đời Earthlitha “Cookie” Kelly, người đang điều hành quỹ chống AIDS mang tên anh, và một con trai năm nay đã bước sang tuổi 18. Anh đang làm chủ vài doanh nghiệp thành đạt, đảm nhiệm vai trò của một BLV các trận đấu NBA trên tivi, tham gia làm nhà sản xuất một bộ phim về cuộc đời của Jason McElwain, VĐV bóng rổ nổi tiếng với việc lập kỷ lục ghi 20 điểm chỉ trong vòng 4 phút của một trận đấu của giải vô địch các trường đại học vào tháng 2/2006, dù anh chỉ có một chiều cao rất khiêm tốn với một môn thể thao cần chiều cao và sức bật tốt như bóng rổ (Jason chỉ cao có 1m67).

Magic Johnson vẫn đi lại khắp nơi trên thế giới, chủ yếu đến với các nước có nhiều bệnh nhân HIV/AIDS như châu Á và châu Phi. Anh ít trả lời phỏng vấn và cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất trong chương trình Larry King Live trên kênh CNN về đề tài AIDS đến giờ vẫn được coi là một tuyên ngôn chống AIDS của anh: “Ngày ấy, khi tôi được xét nghiệm dương tính với HIV, căn bệnh thế kỷ vẫn chỉ được coi là một căn bệnh của những người đồng tính ái, những kẻ nghiện ma tuý và da đen, nghĩa là những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhưng sau khi tôi tuyên bố về bệnh tật của mình, đã có những thay đổi lớn trong nhận thức của nhân loại, khi tất cả đều hiểu rằng mình cũng không thể bị loại trừ. Năm 1991, mới chỉ có một loại thuốc được chế ra để giúp người bị AIDS sống lâu hơn chút nữa. Bây giờ, nhờ sự tiến bộ của khoa học, đã có 22 loại thuốc cho các bệnh nhân. Nhưng những ai đã bị nhiễm AIDS đều tồn tại nữa hay không là nhờ ý chí và niềm khao khát sống là chủ yếu, sau đó mới đến thuốc men và Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Tôi không chết như số phận muốn thế, vì tôi chưa bao giờ hết yêu cuộc sống, yêu những người thân thiết nhất xung quanh tôi. Đã có những khoảng thời gian kinh khủng, khi tôi đi ngủ mà không biết sáng hôm sau có dậy được nữa không. Bây giờ, tôi lạc quan về cuộc sống và những gì Chúa đã cho tôi. Nhưng tôi hiểu, con đường chiến đấu của tôi vẫn còn rất dài”.

Con đường ấy không có điểm kết thúc.
http://www.bongrovietnam.com/forum/threads/magic-johnson-nguoi-dan-ong-khong-chet.2155/ (http://www.bongrovietnam.com/forum/threads/magic-johnson-nguoi-dan-ong-khong-chet.2155/)