PDA

View Full Version : Con từng là đứa trẻ không được bố thừa nhận



songchungvoi_HIV
22-04-2014, 11:45
Thứ Ba, ngày 22/04/2014 10:30 AM (GMT+7)
Người đời dị nghị, gia đình bên nội và cả bố cũng nghi ngờ tôi không phải là con đẻ của ông. Mẹ mang tôi ra đi trong nỗi đau tột cùng.

http://img-hcm.24hstatic.com/upload/2-2014/images/2014-04-22/1398135652-khong-thua-nhan.jpg

Mẹ một mình chịu đựng vất vả nuôi con khôn lớn (Ảnh minh họa)




Ngày xưa, mẹ xinh xắn, có duyên thầm, lại đảm đang và hiền lành. Làng trên, xóm dưới không ai chê được mẹ điều gì. Nhưng mẹ hơn bố năm tuổi. Bố 23, còn mẹ, theo như thời bấy giờ, mẹ đã quá xuân xanh. Đó là lý do vì sao gia đình hai bên phản đối quyết liệt cuộc hôn nhân này. Ông bà ngoại sợ, con gái ngày xưa nhanh già lắm, sợ mẹ sẽ không hạnh phúc.
Nhưng bố vẫn quyết tâm lấy mẹ. Bố yêu mẹ say đắm. Mẹ cũng vậy. Bố mẹ cưới, ở riêng, ăn riêng. Được một tuần, bố đi chiến trường Campuchia. Mẹ lủi thủi một mình một bóng trong gian nhà nhỏ bên trái bếp, một mình trong bữa cơm, một mình trong mọi công việc. Gia đình chồng không hề hỏi han, ngó ngàng đến. Mẹ chịu đựng tất cả những điều đó.
Nghèo, bụng dần dần vượt mặt, mẹ mong có bố từng ngày. Chín tháng sau mẹ sinh con gái. Xóm làng bảo: “Tiếc thế, nhan sắc sẽ tàn phai”. Xóm làng xì xào: “Vắng chồng, không biết con ai?”. Nhà chồng nguýt ngắn nguýt dài: “Ngữ này đẻ toàn lũ vịt giời. Không biết đẻ thì còn làm được gì?”. Bố vẫn chưa về.
Đói, mẹ không có sữa cho con. Con khóc ngằn ngặt đêm ngày. Mẹ chắt nước cơm cho con uống. Con còi cọc. Mẹ cũng quắt queo.
Con chập chững biết đi. Nhà chồng cấm cửa: “Trẻ con, bậy bạ, bẩn, ai chịu nổi”.
Mẹ hiểu.
Bà ngoại mất. Chiến tranh biên giới, li tán. Anh chị bên ngoại mỗi người một nơi, xa xôi. Mẹ càng ngóng bố.
Bố về. Mẹ vui không nói lên lời. Bố đi cùng một cô gái trẻ. Bố bảo mẹ đấy là ân nhân cứu bố ngày ở chiến trường. Mẹ tin. Mẹ hạnh phúc bên bố. Mẹ cảm ơn cô gái. Mẹ chăm sóc chồng và tiếp ân nhân chu đáo.
Bố bảo nhiều việc bố chưa giải quyết xong. Bố ở nhà được mấy ngày rồi sẽ đi tiếp. Đêm cuối. Bố lặng lẽ đốt thuốc. Bố xin lỗi mẹ. Cô gái trẻ, bố lỡ. Bố không thể bỏ cô ấy được. Bố có lỗi với mẹ, với con. Bố xin lỗi.
Mẹ chết lặng. Ôm con đang ngủ say. Quay mặt vào bóng đêm.
“Anh chỉ yêu em. Cô ấy là do bản năng”. Nước mắt. Nụ cười. Méo mó. Đớn đau… Bố đi, cô gái đi cùng.
Mẹ cũng đi, mẹ ôm con về nhà ngoại. Bây giờ mẹ phải chăm sóc ông ngoại và con. Mẹ cố gắng làm mình cứng rắn, cố gắng kiềm chế thổn thức. Đêm, mẹ mơ thấy Nguyệt lão. Mẹ bảo: “Ông xe nhầm tơ duyên của cháu rồi.” “Cháu có chắc rằng ta nhầm không hay chính cháu nhầm?”. Mẹ ứa nước mắt: “Anh ấy đã đi rồi. Anh ấy không thuộc về cháu”. Nguyệt lão thở dài: “Con người vội vàng, tham lam, ích kỉ. Tham lam muốn tìm một nửa thật hoàn hảo. Tham lam khi ham muốn những thứ không thuộc về mình. Vội vàng tìm cả một nửa không vừa với mình. Rồi cũng không chịu tìm cách bù trừ những phần không vừa, để rồi những phần ấy như những gai nhọn đâm vào nhau đớn đau. Càng tham lam muốn sở hữu ràng buộc nhau thì càng làm cho nhau đau. Phụ nữ vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất. Cháu và chồng cháu cũng thế”. “Vậy mãi mãi cháu sẽ không có hạnh phúc ư?”. “Ta chỉ nói vậy thôi, ta nghĩ cháu sẽ biết làm thế nào có hạnh phúc”. Mẹ tỉnh giấc. Quyết định cắt đứt mọi vấn vương với người cũ.


http://img-hcm.24hstatic.com/upload/2-2014/images/2014-04-22/1398135649-khong-thua-nhan-1.jpg
Con cũng muốn mình thực sự có bố, một người bố không cần là ruột thịt nhưng có thể ở bên con, bên mẹ những khi cần (Ảnh minh họa)


Thời kinh tế mở cửa. Mẹ lao vào làm giàu. Mẹ muốn có cuộc sống tốt nhất cho con. Mẹ nhìn lại những ngày lủi thủi trong căn nhà bếp, những ngày chắt nước cơm cho con, những ngày đói nghèo và cô đơn tủi cực.
40 tuổi mẹ trở nên giàu có nhất nhì vùng. Bố về, một mình. Bố đến nhà mẹ. Bố nhìn mẹ tha thiết:“Để anh được chăm sóc em”. Mẹ cười: “Cảm ơn anh. Nhiều người đàn ông đã nói với em câu đó”.Mẹ nói thật, bởi bây giờ mẹ giàu, cũng qua rồi thời phải chăm con mọn. Ông ngoại thì đã già, liệu sống được bao lâu nữa? Nhan sắc mẹ lại đằm thắm, mặn mà hơn. Nhiều người lóa mắt, thèm muốn. Bố ở đâu trong số những người đàn ông đó?
Mẹ thấy nét thất vọng trên mặt bố. Khi về đến ngưỡng cửa, bố ngập ngừng hỏi mẹ: “Con bé có phải là con anh không?”. Mẹ chết sững, rồi lắc đầu. Bố đi. Đi một mình. Không ngoái đầu lại.
Hai lần, lời nói của bố cứa vào trái tim mẹ rỉ máu. Lần trước khi bố bảo bố đã lỡ với cô gái và lần này. Tại sao đến con mình bố cũng nghi ngờ? Chẳng trách người đời dị nghị.
Rồi có một người đàn ông đến, một người quen cũ, người giúp mẹ trong việc buôn bán và việc nhà. Người ấy trầm lặng nhưng hiểu mẹ trong từng cử chỉ. Con nhìn thấy nụ cười dịu dàng trên môi mẹ. Con nhìn thấy ánh mắt mẹ lấp lánh. Tuổi 17, con nghĩ là con hiểu. Ông ngoại cũng hiểu. Nhưng lần này mẹ không vội. Như con chim sợ cành cây cong, mẹ không dám nhận lời về sống chung dưới một mái nhà với người ấy.
Bố trở về trong một ngày đột ngột. Không ai có thể tin được một người đã từng đi qua khói lửa chiến tranh, một người đã từng vào sinh ra tử lại trở về tàn tạ như thế. Bên nội gọi mẹ đến. Nghĩa tử là nghĩa tận. Mẹ dắt con về. Người nằm trên giường bệnh nhìn hai mẹ con đau đáu.
Buổi chiều gió lộng. Con cùng mẹ đi thăm mộ bố. Bóng hai mẹ con cô đơn dưới ráng chiều đỏ rực. Tại sao trước đây mẹ không để bố nhận con – điều đó chẳng còn quan trọng nữa. Bố bảo bố có lỗi với hai mẹ con – điều đó cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Sinh nhật con 18, con và mẹ đã nói chuyện rất khuya. Mẹ hỏi con muốn có quà gì. Con ôm mẹ thật chặt, con nói con muốn mẹ có người chăm sóc, thương yêu mẹ. Con sẽ đi học xa. Ông ngoại thì đã quá yếu rồi. Mẹ định sống một mình suốt sao? Trước khi mất, bố chẳng mong hai mẹ con sẽ sống hạnh phúc đó sao? Con cũng muốn mình thực sự có bố, một người bố không cần là ruột thịt nhưng có thể ở bên con, bên mẹ những khi cần. Mẹ khóc. Con cũng khóc.
Bữa cơm đầu tiên của tuổi 18, có ông ngoại, có mẹ, có con và có bác ấy - có bố - một người bố không phải ruột thịt của con nhưng thương con. Con đã có một gia đình chính thức.
Con đã có một gia đình hạnh phúc.

Theo Minh Minh (Người đưa tin)