PDA

View Full Version : Nghiên cứu vận động chính sách và pháp luật cho người nhiễm hiv



songchungvoi_HIV
13-05-2014, 09:11
I- THẾ NÀO LÀ VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH
Vận động chính sách là quá trình tác động vào những nhà hoạch định chính sách, những người ra quyết định để tạo ra một chính sách phù hợp hơn, minh bạch và hiệu quả hơn. Vận động chính sách có những đặc trưng cơ bản sau :
- Đó chính là việc đưa ra những ý kiến đề xuất, góp ý, phản biện cho các chính sách và pháp luật để những nhà hoạch định chính sách, những người ra quyết định đưa ra những chính sách phù hợp hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn ;
- Chủ thể của việc vận động phải là những nhà hoạch định chính sách theo một quy trình nhất định ;
- Đối tượng của việc vận động là các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các đối tượng bị tác động bởi chính sách đã ban hành... Việc đưa ra những ý kiến đề xuất, góp ý, phản biện của đối tượng được vận động cũng phải theo những quy định, quy trình nhất định.
Vận động chính sách đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách ở nước ta vì, việc hoạch định và ban hành những chính sách tuy đã có những tiến bộ nhất định, nhưng vẫn còn những hạn chế lớn như : không ít chính sách không phù hợp ngay từ khi ban hành cho nên phải sửa đổi, bổ sung khá nhanh và nhiều lần tạo ra một hệ thống chắp vá, thiếu đồng bộ.

<input type="image" src="http://trogiupphaply.com.vn/hinhfck/image/tin_tuc/bieutuongcuc.jpg" width="491" height="393">

II. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS HIỆN NAY
1. Chính sách và pháp luật về trợ giúp pháp lý với người nhiễm HIV:
Người nhiễm HIV thuộc nhóm người dễ bị tổn thương và yếu thế trong xã hội, họ luôn kỳ thị chính bản thân mình và bị mọi người xung quanh kỳ thị, xa lánh do đó họ thường sống thu mình ngại giao tiếp, khi có những vấn đề liên quan đến pháp lý họ thường là những đối tượng bị thiệt thòi, họ không tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Cho nên người nhiễm HIV rất cần sự Trợ giúp pháp lý từ phía nhà nước và từ các tổ chức xã hội ngoài nhà nước.
Theo quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 những đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm:
1. Người nghèo.
2. Người có công với cách mạng.
3. Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa.
4. Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Như vậy, Luật Trợ giúp pháp lý không có qui định riêng người nhiễm HIV là đối tượng được trợ giúp pháp lý mà gộp chung người nhiễm HIV vào cùng nhóm đối tượng người tàn tật. Ngày 05 tháng 02 năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2013/NĐ- CP qui định về Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý. Tại khoản 4 Điều 1 qui định Người nhiễm HIV không có nơi nương tựa mới thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý: “ Người khuyết tật theo Luật người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa”. Qui định này, đã thu hẹp diện người nhiễm HIV được trợ giúp pháp lý. Để được trợ giúp pháp lý người nhiễm HIV phải xuất trình: giấy xét nghiệm HIV, giấy chứng nhận là người “không có nơi nương tựa” mà hiện nay chưa có mẫu giấy chứng “nhận không có nơi nương tựa” và chưa có qui định cơ quan nào cấp giấy này. Cho nên khiến người nhiễm HIV ngày càng khó tiếp cận được các dịch vụ tư vấn và trợ giúp pháp lý.
Nếu như việc thực hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng nghèo và chính sách xã hội đã được triển khai khá lâu và khá hoàn thiện bởi các Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước thì việc trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có tính chất đặc thù. Những người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS phần lớn cũng là những người nghèo nên những chế độ chính sách trợ giúp và hỗ trợ cho người nghèo họ cũng cần được biết để được trợ giúp pháp lý. Số lượng Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho đối tượng này hầu như rất ít thường được gộp chung vào các nhóm đối tượng yếu thế khác. Trong thực tiễn, vẫn còn một số khó khăn do hệ thống trợ giúp pháp lý của nhà nước mới tham gia dự án trợ giúp cho người nhiễm HIV nên các Trợ giúp viên pháp lý của Nhà nước chưa quen thuộc với qui trình cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan đến HIV/AIDS. Theo qui định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 14/2013/NĐ-CP người nhiễm HIV là đối tượng được Trợ giúp pháp lý phải người không có nơi nương tựa. Do qui trình thủ tục để được hưởng trợ giúp pháp lý tại các trung tâm của Nhà nước là phải xuất trình giấy xét nghiệm kết quả HIV dương tính và phải chứng nhận là người nhiễm HIV không nơi nương tựa, điều này khiến cho người nhiễm HIV e ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ nên không tiếp tục tiếp tục theo đuổi các vụ việc cần được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra họ có thể mất kiên nhẫn, không tiếp tục theo đuổi các vụ việc cần được trợ giúp pháp lý vì thủ tục hành chính phức tạp mất nhiều thời gian.
Trong khi đó có một số Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức xã hội ( Trung tâm Tư vấn pháp luật và Chính sách về Y tế HIV/AIDS là một ví dụ ) thực hiện việc tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất có hiệu quả, người nhiễm HIV đến các trung tâm của các tổ chức xã hội có tâm lý thoái mái bởi có sự chia sẻ của đồng đẳng viên là những người nhiễm HIV, ngoài ra các Luật sư, Luật gia, và tư vấn viên đồng đẳng ngoài việc am hiểu về pháp luật họ còn am hiểu về lĩnh vực y tế đặc biệt về HIV/AIDS, họ có kỹ năng tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV. Rất nhiều trường hợp người nhiễm HIV bị vi phạm quyền được trợ giúp pháp lý thành công. Đây là một mô hình cần được nhân rộng và rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành nhất là trong lĩnh vực tài chính vì các trung tâm của các tổ chức xã hội không được nhà nước cấp kinh phí hoạt động .
Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn giữa người giầu và người nghèo, thành thị và nông thôn, miền xuôi với miền ngược và một tỉ lệ đáng kể dân số Việt Nam không được hưởng lợi ích từ những thành quả của phát triển và trở nên dễ bị tổn thương trong đó có người nhiễm HIV. Hiện nay số người nhiễm HIV có khoảng hơn 200 ngàn người đã dần dần trở thành một bộ phận dân cư trong xã hội nước ta, nhu cầu được trợ giúp pháp lý của họ ngày càng gia tăng và vẫn là vấn đề có tính lâu dài rất cần sự quan tâm của toàn xã hội. Chính sự tư vấn và trợ giúp pháp lý là cách tốt nhất đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước tới những người nhiễm HIV, giúp họ hiểu biết hơn pháp luật tin tưởng vào chính sách pháp luật của Nhà nước và chấp hành pháp luật ngày càng tốt hơn, qua đó làm giảm đi một cách đáng kể việc lây lan dịch HIV ra cộng đồng và tình trạng người nhiễm HIV phạm tội.
Kiến nghị: Xét trên mọi khía cạnh khoa học, đạo đức, kinh tế - xã hội, pháp lý chúng ta thấy rằng, muốn phòng chống HIV/AIDS có kết quả chúng ta cần, nên, phải đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà pháp luật dành cho họ. Việc tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV là hết sức cần thiết, người nhiễm HIV là đối tượng ưu tiên cần được trợ giúp pháp lý, cho nên cần có qui định người nhiễm HIV thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý trong chính sách trợ giúp pháp lý ở nước ta và Nhà nước cần quan tâm cấp kinh phí cho các tổ chức làm công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý cho những đối tượng yếu thế nói chung và người nhiễm HIV nói riêng.

<input type="image" src="http://trogiupphaply.com.vn/hinhfck/image/tin_tuc/images912884_2.JPG" width="450" height="338">
Luật sư: Trịnh Quang Chiến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
2. Chính sách và pháp luật bảo trợ xã hội cho người nhiễm HIV
Chính sách bảo trợ xã hội thể hiện sự nhân đạo cũng như sự quan tâm của Nhà nước với những đối tượng yếu thế nói chung và người nhiễm HIV nói riêng, chính sách này tương đối đầy đủ và khá hoàn thiện, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế thường gặp nhiều bất cập. Chính sách bảo trợ xã hội cho người nhiễm HIV hiện hành có những mâu thuẫn với Luật Phòng, chống HIV/AIDS với việc quyền được giữ bí mật thông tin liên quan đến HIV/AIDS của người nhiễm HIV.
Theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ qui định về Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội tại khoản 1 khoản 6 Điều 4 qui định : Trẻ em nhiễm HIV thuộc hộ gia đình nghèo; người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động thuộc hộ gia đình nghèo thuộc diện được trợ cấp hàng tháng.
Điều 1 Thông tư liên tịch số 24/2010TTLT- BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Bộ Lao động thương binh xã hội- Bộ tài chính qui định: “Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP là người bị nhiễm HIV/AIDS theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền, không còn khả năng lao động được Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận hoặc bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận”
Luật Phòng, chống HIV/AIDS qui định người nhiễm HIV có quyền được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS và nghiêm cấm công khai tình trạng nhiễm HIV của người bị nhiễm HIV. Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 4 Thông tư Liên tịch số 24/2010TTLT- BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Bộ Lao động thương binh xã hội- Bộ tài chính Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Qui định về Trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên: “ Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ đối tượng, nếu đối tượng đủ tiêu chuẩn thì niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (thời gian niêm yết là 7 ngày…). Cũng theo qui định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư liên tịch thì Thành phần của Hội đồng xét duyệt cấp xã bao gồm: “Chủ tịch (hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã) là Chủ tịch Hội đồng; Công chức cấp xã phụ trách công tác Lao động – Thương binh và Xã hội; Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội người cao tuổi cấp xã”.
Như vậy, theo qui định trên, trình tự thủ tục để được nhận trợ cấp xã hội, đã làm lộ danh tính, thông tin của người nhiễm HIV và những người thuộc Hội đồng xét duyệt cấp xã, theo như qui định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS là những đối tượng mà người nhiễm HIV không có nghĩa vụ phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình, nhưng khi tham gia hội đồng xét duyệt cũng đều biết tình trạng nhiễm HIV của người xin trợ cấp xã hội . Chính vì vậy, một số người nhiễm HIV tuy có đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nhưng do bị sợ lộ danh tính nên không dám làm các thủ tục để được hưởng trợ cấp xã hội. Trên thực tế, một số trẻ em nhiễm HIV sau khi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng thì đồng nghĩa với việc tình trạng nhiễm HIV bị lộ cho nên việc tới trường của các em gặp không ít khó khăn do sự kỳ thị phân biệt đối xử gây ra. Một số địa phương còn yêu cầu người nhiễm HIV không còn khả năng lao động xuất trình kết quả giám định sức khỏe của bệnh việc cấp huyện khi làm thủ tục xin được trợ cấp xã hội hàng tháng, do thuộc đối tượng quá nghèo không có tiền để trả cho bệnh viện khi làm giám định sức khỏe nên họ cũng không nhận được trợ cấp từ phía Nhà nước.
Kiến nghị: Để người nhiễm HIV khỏi bị lộ danh tính khi làm các thủ tục để được nhận trợ cấp xã hội và để phù hợp với Luật Phòng, chống HIV/AIDS, rất cần sửa đổi, bổ xung một số chính sách, pháp luật về Bảo trợ xã hội nhất là vấn đề thủ tục để được nhận trợ cấp xã hội ( Nghị định 67; Nghị định 13; Thông tư liên tịch số 24 ), nghiên cứu cấp cho người nhiễm HIV thuộc đối tượng bảo trợ xã hội một mã số riêng để bảo vệ quyền bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS của họ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
3. Chính sách và pháp luật với trẻ em bị nhiễm HIV
Trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thường phải sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chịu thiệt thòi trong học tập, chăm sóc y tế, bị phân biệt đối xử và nhận thức của trẻ về HIV/AIDS cũng rất hạn chế nên thường cảm thấy buồn tủi, chán nản, sống khép mình. Các em đều có nguyện vọng được tiếp tục sống cùng gia đình và người thân, được người lớn bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, được điều trị mỗi khi ốm đau như mọi trẻ em khác, được bình đẳng, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, không bị bạo lực, đặc biệt là muốn được tiếp tục cắp sách đến trường, được vui chơi cùng bạn bè. Tuy nhiên nguyện vọng được đến trường của trẻ em nhiễm HIV thường gặp không ít khó khăn vì sự kỳ thị phân biệt đối xử từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh. Để đảm bảo quyền được đến trường của trẻ em bị nhiễm HIV theo qui định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, ngày 4/6/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” và ngày 12 tháng 11 năm 2008 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 61/2008/CT-BGDĐT về việc “ Tăng cường công tác Phòng, chống HIV/AIDS trong ngành giáo dục”, trong đó có qui định các cơ sở giáo dục phải tạo điều kiện cho trẻ em nhiễm HIV được đến trường học tập. Nhưng việc đến trường của trẻ em nhiễm HIV vẫn còn gặp những khó khăn rào cản như:
+ Nhận thức và hiểu biết về Luật Phòng, chống HIV/AIDS và những quy định đối với trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS của một số cán bộ quản lý các cấp, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh chưa cao. Công tác phối hợp liên ngành triển khai thực hiện Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg và Chỉ thị số 61/2008/CT-BGDĐT tại một số cơ sở giáo dục, tại các địa phương chưa được chú trọng.
+ Việc trợ giúp, giải quyết vấn đề gặp phải của trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập. Các chính sách và chương trình hành động hỗ trợ vẫn chưa đến được với tất cả trẻ có HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
+ Việc ban hành chính sách, nhất là văn bản luật chưa toàn diện, vẫn còn có những lỗ hổng nhất định, đó chính là một trong những yếu tố, lý do khiến cho việc thực thi chính sách chưa thực sự triệt để. Điển hình là việc chưa có những chế tài đủ mạnh và thực tế, thích hợp cho việc chống kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói chung và nhất là với đối tượng là trẻ em có HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng. Trên hiện thực vẫn còn tồn tại một thực tế khá phổ biến tình trạng phân biệt đối xử với trẻ em có HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Sự phân biệt đối xử và kỳ thị xa lánh này diễn ra ngay trong gia đình, trong cộng đồng, trong trường học và thậm chí ngay trong cơ sở y tế.
Kiến nghị: Cần có những chế tài đủ mạnh và thực tế, thích hợp cho việc chống kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói chung và nhất là với đối tượng là trẻ em có HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng, những chế tài nghiêm khắc, những hình thức kỷ luật với những giáo viên, hiệu trưởng nào từ chối việc nhận trẻ bị nhiễm HIV và tước quyền được học tập của các em. Cũng cần qui định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực thi các chính sách bảo vệ quyền của trẻ em nhiễm HIV.
4. Chính sách và pháp luật với phụ nữ nhiễm HIV
Luật phòng chống HIV/AIDS qui định tại khoản 2 Điều 4: Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác;
b) Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết;
c) Thực hiện các quy định về điều trị bằng thuốc kháng HIV;
Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều phụ nữ bị lây nhiễm HIV từ chồng, nhiều người đàn ông biết mình bị nhiễm HIV, nhưng vẫn cố tình giấu tình trạng nhiễm HIV của mình và âm thầm truyền bệnh cho người tình hoặc vợ chưa cưới của mình với một suy nghĩ: “ nếu không làm cho cô ta bị nhiễm HIV thì cô ta sẽ bỏ mình”. Kiểu suy nghĩ hẹp hòi này đã làm không biết bao nhiêu cô gái bị nhiễm HIV một cách oan uổng. Cũng có nhiều gia đình đồng tình với hành vi của con trai khi biết con trai họ bị nhiễm HIV mà vẫn cho kết hôn và cố tình giấu tình trạng nhiễm HIV. Nhiều cô gái sau khi chồng chết vì HIV/AIDS mới tá hỏa đi làm xét nghiệm HIV mới biết mình bị nhiễm HIV có cô gái than trách với gia đình nhà chồng và thường nhận được các câu trả lời thiếu trách nhiệm như : “ không biết tình trạng nhiễm HIV của con trai họ hay như chúng mày tự nguyện kết hôn không ai ép buộc” và thường các cô gái đó bị đẩy ra khỏi nhà một cách không thương tiếc.
Trong khi đó phụ nữ nhiễm HIV/AIDS bị kỳ thị nặng nề hơn nam giới. Cộng đồng có xu hướng chê trách người phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS, còn nam giới khi bị nhiễm HIV/AIDS lại thường nhận được sự tha thứ nhiều hơn. Chính vì vậy, người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS thường bị coi là có hành vi đạo đức không lành mạnh, nhưng trong thực tế, nhiều phụ nữ là nạn nhân do nhiễm HIV từ chồng, từ người yêu của mình. Hơn nữa, người phụ nữ mặc dù nhiễm HIV vẫn phải lo toan, lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình và chăm sóc chồng con. Thế nên, sự xa lánh kỳ thị của cộng đồng sẽ đẩy họ và gia đình họ suy sụp nhanh hơn, bởi họ chịu sức ép kép và cao gấp nhiều lần so với nam giới.
Phụ nữ dễ tổn thương lây nhiễm HIV, xét về mặt sinh học, xã hội, và kinh tế vì một số lý do sau:
+ Về mặt sinh học: Phụ nữ có khả năng nhiễm HIV cao gấp hai lần so với nam giới khi quan hệ tình dục không bảo vệ
+ Bất bình đẳng giới: Bất bình đẳng về giới là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả phụ nữ có ít khả năng hơn nam giới trong việc tự bảo vệ chính bản thân mình trước nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS. Những mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lợi, áp bức tình dục và bạo lực là những hiện tượng tương đối phổ biến xảy ra với phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Bất bình đẳng giới đang đe dọa quyền được đảm bảo sức khoẻ của phụ nữ- một yếu tố cơ bản của quyền an sinh- và đang làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Bất bình đẳng giới trong tiếp cận với công tác điều trị bệnh tật và các dịch vụ sức khoẻ cũng hạn chế cơ hội được điều trị và chăm sóc của những phụ nữ bị nhiễm HIV.
+ Phụ thuộc về kinh tế: Có ít cơ hội kinh tế và giáo dục hơn so với nam giới, phụ nữ và trẻ em gái thường bị khuyến khích vào công việc bán dâm.
+ Sự phân biệt đối xử trong xã hội: Phụ nữ sống với HIV có thể phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử gấp đôi vì bản thân là phụ nữ và đồng thời vì là người nhiễm HIV. Phụ thuộc vào kinh tế và bất bình đẳng khiến họ khó có thể tiếp cận và không thể đủ khả năng để mua thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và thuốc điều trị HIV. Gánh nặng chăm sóc các thành viên trong gia đình bị nhiễm HIV cũng đè nặng lên vai người phụ nữ hơn.
Kiến nghị: Một số chương trình, chính sách về phòng chống HIV/AIDS còn thiếu chú ý đến yếu tố giới. Luật phòng chống HIV/AIDS và Chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS hiện nay chưa đưa ra những quy định cụ thể về ***g ghép giới còn qui định một cách chung chung. Một số chính sách, chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhất là ở các địa phương còn không có yếu tố về giới. Ngược lại, các chương trình, chính sách về giới lại chưa đề cập thích đáng đến vấn đề HIV/AIDS. Trong chính sách, pháp luật cần có những qui định cụ thể về ***g ghép giới, ***g ghép giới không chỉ chú trọng tới phụ nữ mà còn đề cập đến các biện pháp khắc phục nguyên nhân sâu xa của sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Việc ***g ghép giới vào lập kế hoạch và thực thi chính sách, chương trình phòng, chống HIV/AIDS là góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
4. Chính sách về pháp luật hình sự, hành chính với người nhiễm HIV
Theo qui định tại khoản 1 khoản 2 khoản 3 Điều 42 Luật Phòng, chống HIV/AIDS: “ Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự ; Người bị Toà án kết án mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt, được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án phạt tù…”
Theo qui định trên người nhiễm HIV bị AIDS giai đoạn cuối đang bị điều tra, truy tố, xét xử và đang chấp hành hình phạt tù được tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án được miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt, được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Trên thực tế hiện nay vẫn có nhiều bất cập như: Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa có văn bản pháp luật nào qui định người nhiễm HIV được tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án khi bị bệnh AIDS giai đoạn cuối.
Hiện nay chỉ có Thông tư liên tịch số 02/2006/ TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNNTC ngày 18 tháng 5 năm 2006 của bộ Công an, bộ Quốc phòng, bộ Y tế, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn thi thành một số qui định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng, là có qui định người nhiễm HIV bị AIDS bệnh nặng được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, tại khoản 2 Điều 2 của TTLT qui định: “ Người đang chấp hành hình phạt tù có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong trường hợp bị bệnh nặng. Người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng là người bị bệnh đến mức không thể tiếp tục chấp hành hình phạt tù được và nếu để tiếp tục chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ như: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu…”
Và vẫn chưa có qui định của pháp luật về việc công nhận người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, cụ thể là chưa ban hành được Thông tư Liên tịch giữa Bộ Y tế, bộ Công an, bộ Quốc phòng, bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cáo, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao qui định về vấn về trên.
Vấn đề chuyển gửi thuốc kháng HIV ( ARV) từ bên ngoài cho người nhiễm HIV đang cai nghiện tại các Trung tâm 05, 06 và người nhiễm HIV đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam, trại tạm giam có dễ dàng hơn kể từ khi có Quyết định số 96/2007/QĐ- TTg ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam. Tuy nhiên đối với những phạm nhân trước khi phạm tội bị nhiễm HIV và đã được điều trị, tiếp cận thuốc kháng HIV từ bên ngoài, thì việc chuyển gửi thuốc kháng HIV (ARV) để tiếp tục điều trị HIV trong trại giam, trại tạm giam tương đối dễ dàng ( vì có giấy xét nghiệm HIV, các chỉ số để được điều trị ARV, có giấy chứng nhận đang điều trị ARV…). Còn những phạm nhân bị nhiễm HIV từ bên ngoài nhưng chưa được tiếp cận điều trị thuốc kháng HIV (ARV) hoặc vào trong trại giam, trại tạm giam mới bị phát hiện nhiễm HIV thì việc được tiếp cận điều thuốc kháng HIV là rất khó khăn vì những lý do sau:
+ Để được điều trị thuốc kháng HIV, người nhiễm HIV phải làm rất nhiều các xét nghiệm trong khi y tế của trại giam, trại tạm giam không có đủ điều kiện để làm các xét nghiệm ( ví dụ: xét nghiệm CD4... )
+ Một số nơi cán bộ trại giam, trại tạm giam chưa quan tâm đến việc phòng, chống HIV tại đơn vị mình
+ Một số trại giam ở vùng sâu, vùng xa cho nên phạm nhân nhiễm HIV rất khó tiếp cận với các dịch vụ y tế tại bệnh viện lớn ở bên ngoài để điều trị
Kiến nghị: Cần sớm ban hành Thông tư Liên tịch giữa Bộ Y tế, bộ Công an, bộ Quốc phòng, bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cáo, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Về việc công nhận người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối và cần có qui định cụ thể về việc chuyển gửi thuốc kháng HIV (ARV) vào trong trại giam, trại tạm giam cũng như việc tiếp cận thuốc kháng HIV của phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù. Cần bổ xung qui định về pháp luật Hình sự và Tố tụng Hình sự để người nhiễm HIV đang bị điều tra, truy tố, xét xử mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án theo đúng qui định tại Điều 42 Luật Phòng chống HIV/AIDS.

Luật sư: Trịnh Quang Chiến
http://trogiupphaply.com.vn (http://trogiupphaply.com.vn/detail.aspx?lang=1&id_tin=91&id_m=16#.U3F-zIF_ur0)