PDA

View Full Version : Hồi sinh sau “án tử hình”



songchungvoi_HIV
30-05-2014, 14:50
07:00 | 30/05/2014
(PetroTimes) - Tôi đã gặp và chứng kiến một câu chuyện cổ tích đẫm nước mắt giữa đời thường. Chuyện về một người đàn ông khỏe mạnh bình thường, vì tình yêu đã sẵn sàng lấy một cô gái đã qua hai lần đò, bị nhiễm HIV và đã có một đứa con riêng, cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ này. Tôi cứ lăn tăn nghĩ mãi về khái niệm tình yêu và chợt nhận ra rằng, có lẽ đây mới là thứ tình yêu đích thực.
Hai lần đò một lần mắc bệnh
Chiều muộn, ngõ nhỏ hun hút cuối đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội. Nắng đã tắt, nhưng hơi nóng hầm hập từ ngồn ngộn bê tông bốc ra vẫn làm không khí như quyện đặc lại. Trong xóm trọ dân lao động tứ xứ này, người ta bắt đầu lục tục trở về nhà để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Tiếng xe rác leng keng, tiếng bát đĩa va nhau, tiếng chó mèo và cả tiếng người cự cãi nhau nữa. Tất cả tạo nên một thứ âm thanh không lẫn vào đâu được của một xóm nghèo nội đô.
Chị Nguyễn Thị Hải vừa về tới trước cửa, tháo khẩu trang và dắt chiếc xe đạp cũ vào nhà. Anh Viên chồng chị cũng vừa hay về tới nơi. Chị Hải tất bật lấy nồi vo gạo nấu cơm, anh Viên trút bỏ bộ quần áo đi làm rồi cũng tất bật lấy mớ rau nhặt giúp vợ. Hai đứa con cũng vừa đi học về líu ríu trêu đùa nhau quanh nhà.
Nếu ai không biết chuyện, trông vào cảnh sống ấy thì sẽ thấy nó bình yên biết bao. Thế nhưng, đằng sau cái sự bình yên ấy lại là cả một cuộc sống mà với nhiều người là bi kịch. Chị Hải bị nhiễm HIV đã gần chục năm nay. Cuộc đời chị qua bao tao đoạn tưởng chừng đã chấm hết. Vậy mà, anh Viên vẫn yêu chị, cưới chị làm vợ và tặng chị một cuộc sống hạnh phúc.


http://www.petrotimes.vn/stores/news_dataimages/chudiepquynh/052014/27/14/1_hoi_sinh.jpgChị Nguyễn Thị Hải, người có HIV nhưng đến nay vẫn sống khỏe mạnh
Xã hội ta, dù tuyên truyền thế nào, dù cố công giải thích ra sao thì căn bệnh thế kỷ mang tên HIV vẫn là thứ vô cùng khủng khiếp. Dù hiểu rõ, dù cảm thông nhưng việc kỳ thị, xa lánh những người bệnh là điều khó có thể tránh khỏi. Cả chị Hải cũng vậy. Đời chị đã không ít lần toan tìm đến cái chết để kết thúc chuỗi ngày tuyệt vọng. Dù chị đã tìm cách chiến thắng được bản thân, tìm lại được khát vọng sống, chấp nhận cho cộng đồng biết về căn bệnh của mình nhưng trong thâm tâm chị vẫn còn chút dè dặt. Thế nên, tôi phải thuyết phục mãi, chuyện đời như cổ tích của chị mới được giãi bày.
Bằng giọng buồn buồn, chị Hải đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh sống như bi kịch của chính chị. Một câu chuyện buồn nhiều hơn vui nhưng tôi tin rằng, đó là câu chuyện có cái kết rất đẹp.
Chị Hải sinh năm 1970, trong một gia đình nghèo. Mới 17 tuổi chị đã lấy chồng. Chồng chị là người bạn lúc nhỏ, sát ngay nhà chị. Cho đến bây giờ ngồi kể lại, chị Hải vẫn không thể chắc chắn được rằng, lần lên xe hoa đầu tiên ấy có phải xuất phát từ tình yêu hay không. Có lẽ đó là sự nông nổi của cô gái trẻ, lấy chồng như là nhiệm vụ và là cách nghĩ của người già: “Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng”. “Nhà tôi nghèo, lại đông anh em, cứ nghĩ lấy được tấm chồng, sống an phận như bao người khác. Tôi nghĩ đời tôi rồi sẽ quẩn quanh với những đứa con, với công việc thường nhật của một người phụ nữ bình dị. Thế nhưng, ông giời chẳng thương cho…”, chị Hải thở dài nói.
Hai vợ chồng trẻ măng, việc làm bập bõm, rau cháo thôi cũng phải chạy ăn từng bữa. Năm 1988, khi đứa con trai đầu tiên ra đời, cuộc sống của vợ chồng chị bắt đầu rạn nứt. Sau một trận cãi vã, rất nhanh chóng, họ ra tòa ly hôn sau gần 2 năm chung sống. Họ chẳng có tài sản chung gì nên thủ tục rất đơn giản. Chị Hải ra ngoài thuê nhà và nhận nuôi con nhưng gia đình nhà chồng chị không nghe, ông bà nội không cho chị mang con đi.
Sau lần “lỡ đò” đầu tiên ấy, chị Hải định bụng sẽ ở vậy, gắng làm thuê kiếm tiền nuôi con khôn lớn. Nhưng đường tình duyên của chị chưa thể dừng lại.
Người đàn ông thứ hai xuất hiện trong cuộc đời chị cũng chính là một người bạn cũ, từng học cùng nhau lúc nhỏ. Họ gặp lại, biết được hoàn cảnh của nhau rồi tình nguyện đến với nhau. Người chồng thứ hai này chưa từng lấy vợ, biết chị đã có một đời chồng rồi những vẫn quyết tâm đến với chị bằng được. Gia đình chồng chị tìm mọi cách ngăn cản, thậm chí đòi từ mặt con nhưng không có tác dụng.
Chị Hải kể: “Gia đình anh ấy gia giáo, lại là trai tân, trong khi đó tôi lại là gái đã qua một đời chồng nên chuyện gia đình anh ấy ngăn cản là đương nhiên. Mặc cho gia đình anh không đồng thuận, nhưng chúng tôi vẫn đến với nhau và hy vọng vào một ngày nào đó gia đình anh sẽ chấp nhận tôi”.
Cưới nhau xong, không được ở nhà chồng, vợ chồng chị đành thuê một ngôi nhà ở tận Hà Đông để ở tạm. Sau đó anh chị thuê một sạp hoa quả để bán kiếm sống qua ngày. Cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng vợ chồng hòa thuận. Thế rồi, một thời gian sau, gia đình chồng chị Hải cũng đồng ý cho vợ chồng chị về nhà ở cùng.
Chị Hải nói: “Có lẽ về nhà chồng ở là một quyết định sai lầm nhất của đời tôi”.
Đến khi về rồi Hải mới hiểu được rằng, việc gia đình chồng quyết định cho anh chị về ở cùng chỉ là vì con trai họ. Chồng chị vốn được nuông chiều, nay vì vợ mà phải đi ở trọ lang thang nên gia đình đành phải xuống nước đưa con về nhà.
Từ khi về nhà sống ở nhà chồng thì chồng chị dần biến thành con người khác. Anh ta sống dựa vào gia đình, không đi làm, thường tụ tập bạn bè chơi bời, uống rượu say. Điều tai hại nhất cho cuộc đời chị Hải là khi chị phát hiện được chồng mình hút chích ma túy thì anh đã nghiện ma túy tự bao giờ rồi. Chính việc đó đã nhấn cuộc đời chị xuống vũng bùn và tưởng như chị mãi mãi không đứng dậy được nữa.
“Thời gian đầu, chồng tôi còn tự xoay tiền để hút hít. Về sau, cữ thuốc tăng dần lên, chẳng đào đâu ra tiền mà thỏa cơn nghiện nữa. Anh ấy quay về nhà đòi tiền tôi. Tôi không đưa thì bị anh ấy đánh đập. Khi ấy anh ta là quỷ dữ chứ không phải là người nữa. Cả mẹ chồng tôi cũng bị anh ấy đánh. Chỉ vì anh ấy mà gia đình tôi tan nát, đảo lộn”, chị Hải kể.
Cuối năm 2002, chị Hải có thai. Chị hy vọng rằng, khi vợ chồng có được một đứa con chung rồi thì chồng chị sẽ vì đứa con này mà thay đổi. Thế nhưng, mọi chuyện lại không như chị nghĩ. Chồng chị ngày càng ngập sâu vào ma túy. Anh ta dặt dẹo hút chích và bệ rạc, đã mấy lần suýt chết vì chích thuốc quá liều. Khi đứa con trai chị Hải được 3 tháng tuổi, chị bắt tay vào việc tự cai nghiện cho chồng. Do nghiện lâu năm nên việc cai nghiện của chị Hải cho chồng không phải dễ dàng. Chị mua một đoạn dây xích dài, xích chồng vào cột. Trong những lúc đói thuốc, chồng chị vật vã, mắng chửi, thậm chí có lần bóp cổ chị suýt chết.
Trong vòng 2 năm, người chồng nghiện ngập của chị Hải đã 3 lần cắt cơn và 3 lần… tái nghiện, lần sau nặng hơn lần trước. Chị Hải héo hắt cai nghiện cho chồng và đều đặn ăn đòn mỗi khi chồng điên dại lên cơn.
Bi kịch cuộc đời chị ập đến vào một ngày cuối tháng 6-2004. Chồng chị Hải bỗng đổ bệnh nặng, đầu tiên là sốt liên tục, uống thuốc không đỡ. Sau đó là tiêu chảy, ho, đau phổi, người sút cân trông thấy. Mỗi trận ốm như vậy thường kéo dài tầm 10 ngày và các đợt ốm ngày càng dày đặc hơn. Chị Hải chỉ nghĩ là do cơ thể người nghiện yếu nên dễ nhiễm bệnh mà thôi.
Hạnh phúc bất ngờ
Cho đến một ngày, vì vật thuốc, chồng chị lại về nhà chửi mắng và đánh đập vợ và mẹ để lấy tiền đi hút chích. Không được đáp ứng, chồng chị đã đấm mạnh vào tấm kính khiến cho cánh tay bị thương nặng, mất máu nhiều, phải nhập viện. Chị rụng rời chân tay, đầu óc choáng váng khi được bác sĩ thông báo chồng chị bị nhiễm HIV.
Đưa chồng về nhà, chị âm thầm đưa con và mình đi xét nghiệm. Trời đất như sụp đổ khi chị biết mình và con cũng nhiễm HIV. Một nỗi đau không thể nói thành lời mà từ từ ngấm vào da thịt. Cầm trên tay tờ xét nghiệm chị đi về nhà như một người vô hồn, miệng lẩm nhẩm: “Thế là hết”.
Trở về với cuộc sống thường nhật, chị cố nén nỗi đau, giấu nhẹm nó vào tim và quyết sống một cách bình thường. Nhưng dường như mỗi ánh mắt của người đi đường nhìn mình, chị cũng có cảm giác họ đang chế giễu mình. Trên các con đường, những tấm biển “ma túy là kẻ sát nhân” với cái hình đầu lâu xương chéo làm chị càng thêm lo sợ. Chị run rẩy nghĩ: “Chẳng lẽ ma túy, HIV nó đáng sợ vậy sao?”. Và chị chợt nhận ra, đôi mắt mình nhòe lệ từ bao giờ. Cứ như thế chị sống trong sợ hãi, lo lắng và khép mình.


http://www.petrotimes.vn/stores/news_dataimages/chudiepquynh/052014/27/14/3_hoi_sinh.jpgGia đình hạnh phúc của chị Hải
Chuyện gì phải đến cũng đến, đó là khi chồng chị biết mình và vợ con nhiễm HIV. Chồng chị đã không động viên vợ thì thôi lại còn quay sang đay nghiến, đổ điều cho chị là quan hệ với ai đó rồi mang bệnh tật về. Đánh đập chị chán chê, anh quay sang sống buông thả, dấn sâu vào ma túy hơn.
“Đối với tôi khi ấy, tương lai coi như đã chấm hết. Tôi thấy ghê sợ cả bản thân mình. Tủi nhục, đã không ít lần tôi định tìm đến cái chết. Vào một tối cuối năm 2004, tôi đã chuẩn bị một lượng lớn thuốc ngủ để định kết thúc cuộc đời. Nhưng khi tôi nhìn lại con trai mình trong lúc nó đang ngủ, tôi vội vàng nghĩ nếu tôi chết thì con tôi sống sao đây và vứt nắm thuốc ngủ đấy đi. Đêm ấy tôi rời nhà chồng, đời tôi hy sinh cho anh ta thế là đã là quá đủ, tôi muốn sống nốt những ngày còn lại của đời mình trong thanh thản”, chị Hải hồi tưởng lại trong nước mắt.
Rời nhà chồng, chị Hải tìm đến thuê nhà ở khu vực đường Khuất Duy Tiến rồi mở cửa hàng bán phở. Cũng thời gian này, chị nghe nói đến CLB dành cho những người nhiễm HIV để được tư vấn và sẻ chia. CLB đầu tiên chị tham gia đó là CLB Hoa Hướng Dương.
“Sinh hoạt trong CLB, tôi nhận thấy rất nhiều người có hoàn cảnh giống mình, họ sống vui tươi, nhiệt tình chia sẻ những tâm sự nên những mặc cảm trong tôi dần được xóa bỏ”, chị Hải vui vẻ nói.
Những lần tới CLB, chị Hải thường đi xe ôm của anh Viên ngay đầu ngõ. Lâu dần, chuyện qua chuyện lại, họ đem lòng quý mến nhau và anh Viên đã ngỏ lời và muốn lấy chị làm vợ.
“Khi tôi biết anh có tình cảm với mình, tôi thường xuyên tránh mặt anh. Nhưng tôi càng tránh, anh càng tìm đến tôi. Ngay cả khi tôi nói tôi đã nhiễm H để mong anh ấy bỏ tôi mà đi. Nhưng anh đã nói chắc nịch: “Anh biết em nhiễm H từ lâu rồi. Anh thương em thật lòng, em chấp nhận làm vợ anh nhé?”. Quả thực, lúc đầu tôi nghĩ chắc anh đùa tôi, nhưng nhìn vào mắt anh, tôi biết là anh đang nói thật. Vì quá sung sướng, tôi đã bật khóc như một đứa trẻ. Tôi cứ nghĩ mình mang H, qua hai đời chồng, còn mong gì được người ta yêu thương nữa. Vậy mà, anh Viên đã xuất hiện, từ tâm yêu thương tôi dù biết tôi chẳng sống được bao lâu nữa”.
Cho đến giờ, chị Hải vẫn không hiểu đích xác là tại sức mạnh từ đâu mà anh Viên liều lĩnh lấy một người có H như chị. Anh Viên là người hoàn toàn khỏe mạnh, không nghiện ngập gì, chăm chỉ làm ăn, khu xóm ai cũng quý mến. Thế nên, việc anh Viên lấy một bị bệnh như chị làm ai cũng bất ngờ. Về phần chị Hải, biết anh Viên thực lòng, chị vui vẻ đón nhận tình cảm của anh, chăm sóc chồng con. Anh Viên siêng năng chạy xe ôm kiếm tiền phụ vợ. Nhưng đến một ngày năm 2007, không hiểu sao khách đến ăn phở của chị vắng hoe. Mấy ngày sau tình trạng còn thê thảm hơn. Thằng con trai đi học về thì mếu máo: “Mẹ ơi, ở trường không bạn nào dám chơi với con hết, tụi nó bảo hai me con mình bị “ếch”. Con có chết sớm không mẹ?”. Những lời nói của con như những lưỡi dao cứa nát da thịt chị.
Được sự động viên của mọi người, chị đã tổ chức một cuộc hội thảo về HIV tại trường con trai mình học. Hội thảo có sự tham gia của ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống AIDS thành phố Hà Nội, đoàn luật sư về HIV, các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh. Trong cuộc hội thảo, mọi người đã có cái nhìn khác về người nhiễm HIV và có cái nhìn tích cực hơn.
Về phần mình, Hải không kinh doanh hàng ăn nữa mà tích cực tham gia các CLB dành cho người có H. Chị dám công khai tuyên bố mình nhiễm H. Chị cùng những người đồng cảnh ngộ vận động thành lập CLB Bồ Câu với sự tham gia của 34 thành viên nhiễm H. CLB hoạt động chủ yếu là tư vấn trực tiếp hoặc giá tiếp về HIV, nấu cháo cho những trẻ có H ở Bệnh viện Nhi Trung ương, phát bao cao su và kim tiêm miễn phí, tổ chức cắt nghiện tại CLB, tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền về cách phòng chống HIV, cách chăm sóc người nhiễm H…
Thời gian là liều thuốc quý giá. Rồi mọi người cũng quen với sự hiện diện của Hải. Mọi người bắt đầu thông cảm với chị.
Chính cuộc sống tích cực của Hải đã chứng minh cho mọi người thấy rằng lây nhiễm HIV không là một cái tội và nó không kinh khủng như người ta vẫn nghĩ. Nói đến đây, mặt Hải dãn ra, tôi nhìn thấy chút ánh sáng hy vọng trong đó. Hải bảo: “Vui nhất là con trai tôi đi học không bị xa lánh. Mọi người xung quanh như đã quên mất tôi bị bệnh, họ đối xử rất thân tình. Đứa con gái 4 tuổi của vợ chồng tôi may mắn không nhiễm HIV”.
Uống một ngụm nước, chị tiếp lời: “Mong sao những người bị lây nhiễm HIV như tôi biết tin yêu cuộc sống. Mắc bệnh không phải là hết, chỉ khi chán nản, buông thả bản thân mới là điều đáng sợ!”.
Vũ Minh Tiến


http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/hoi-sinh-sau-an-tu-hinh.html