PDA

View Full Version : Trăn trở về giới tính của con



songchungvoi_HIV
31-05-2014, 09:35
Thứ sáu, 30/05/2014 21 giờ 33 GMT+0


Hoảng hốt, lo lắng là tâm trạng chung của các phụ huynh khi phát hiện con mình có những biểu hiện không giống như giới tính "đang có". Nhiều người chấp nhận, bỏ mặc, cũng có người hoặc ra sức ngăn cấm, uốn nắn... Nhưng hơn hết vẫn cần sự cảm thông, quan tâm, yêu thương của gia đình nhằm giúp con vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập cộng đồng.
LGBT là từ viết tắt của cụm từ lesbian, gay, bisexual và transgender/transsexual people (những người đồng tính nữ, người đồng tính nam, lưỡng giới, hoán tính/chuyển đổi giới tính) trong tiếng Anh. Theo một số nghiên cứu, người LGBT ở Việt Nam bao gồm những người đồng tính, lưỡng giới và chuyển đổi giới tính. Hiện nay chưa có cuộc điều tra chính thức về số người đồng tính tại Việt Nam, các ước tính khác nhau có chênh lệch rất lớn. Theo ước tính của bác sĩ Trần Bồng Sơn (nhà nghiên cứu về giới tính học) số đồng tính nam ước tính là khoảng 70 ngàn người (chiếm 0,09% dân số). Một nghiên cứu khác do tổ chức phi chính phủ CARE thực hiện ước tính Việt Nam có khoảng 50-125 ngàn người đồng tính, chiếm khoảng 0,06-0,15% dân số. Năm 2013, tại hội thảo do Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE) và Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS tổ chức, ông Lê Quang Bình (viện trưởng iSEE) đưa ra ước tính số người đồng tính tại Việt Nam là khoảng 1,65 triệu người, tương đương với khoảng 2% dân số, con số này được ước tính dựa trên tỷ lệ đồng tính được điều tra tại một số nước khác như Mỹ, Pháp.


http://www.baocantho.com.vn/img_post/3739/92.jpgCho trẻ tham gia các trò chơi, giải trí lành mạnh giúp trẻ phát triển tinh thần, thể chất toàn diện. Ảnh mang tính chất minh họa
Sau khi trên mạng Internet xuất hiện clip "Con gái của mẹ" do trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) thực hiện, lập tức trở thành "đề tài" nóng thu hút sự quan tâm, bình luận của cư dân mạng. Đây là một phóng sự ngắn về nỗi niềm của các bà mẹ có con là người chuyển giới. Trong đó, các bậc sinh thành đã kể lại những biểu hiện đầy nữ tính của những "cậu con trai" của mình. Lúc đầu khi phát hiện giới tính thật của con trai, những người mẹ cũng la mắng, cấm đoán, thậm chí đánh đập. Họ làm tất cả chỉ để con mình không "sa" vào con đường "nam không ra nam, nữ chẳng ra nữ". Tuy nhiên, cuối cùng bằng tấm lòng yêu thương, bao dung của bậc sinh thành, các bà mẹ đã đành chấp nhận, ủng hộ giới tính thật của con. Hầu hết mọi người xem xong clip đều cảm động và xen lẫn chút hối hận khi trước giờ đã cố ý hoặc vô tình kỳ thị, xa lánh những người được cho là thuộc "giới tính thứ ba"... Trong đó, phần đông các ý kiến lên tiếng ủng hộ những ai tự tin sống thật với giới tính của mình.
Mới đây, hàng xóm bàn tán chuyện của chị Ng. bỗng dưng tuyên bố chán chồng, thậm chí đòi ly hôn và dọn về sống chung với nhà cha mẹ ruột. Bà Đ. mẹ chị Ng. tâm sự: "Lúc đầu, thấy vợ chồng nó suốt ngày cứ lục đục, ai cũng nghĩ vợ chồng nó có mâu thuẫn. Cuối cùng tôi mới hay con gái mình "lăng nhăng" với... một phụ nữ!". Biết chuyện, cả gia đình hết sức ngăn cấm nên chị Ng. đành cắt đứt quan hệ với "người phụ nữ" kia nhưng nhất định không chịu về sống chung với chồng mà sống một mình nuôi con.
Có dịp trò chuyện với một số phụ huynh có con trai quá "ẻo lả" hoặc con gái "mạnh mẽ" mới thấy cảm thông thật nhiều cho những trăn trở các đấng sinh thành. Tuy sắp bước vào tuổi 50 nhưng vợ chồng anh Nh. (ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) vẫn nung nấu ý định sinh thêm con để "nối dõi tông đường". Anh Nh. tâm sự: "Lúc đó cứ ngỡ gia đình mình thật may mắn khi "có nếp, có tẻ" nhưng càng ngày phát hiện thằng con trai út có những biểu hiện, hành động ẻo lả như con gái, nên vợ chồng tôi đâm lo...". Theo lời anh Nh., tuy là con trai nhưng thằng Ng.- con trai anh lại là đứa cẩn thận, chu đáo, hay giúp mẹ làm công việc nhà và nhất là rất thích chơi chung với con gái, tánh tình lại rất ủy mị, yếu đuối... Câu chuyện Nh. kể làm tôi nhớ đến B.- một người bạn thời đại học. B. từng tâm sự bạn ấy rất buồn khi bị bạn bè chọc là pê-đê, chê là "điệu" vì B. thường chơi chung với con gái, cử chỉ lúc nào cũng yểu điệu, nhẹ nhàng... Cũng vì không muốn bạn bè cười nhạo, B. đã "cố kiềm nén", sống khác đi để mong mình cứng rắn, mạnh mẽ hơn trong mắt mọi người. Tuy nhiên, tình hình vẫn không mấy cải thiện. Cuối cùng, B. chọn cách sống thật với bản chất của mình, đem sự chân thành đối đãi bạn bè và được mọi người yêu mến.
Đó cũng là lo lắng của chị Th. (ở tỉnh Hậu Giang) khi thấy con gái mình bước vào tuổi dậy thì nhưng không có biểu hiện điệu đà, ra dáng "thiếu nữ" như các bạn đồng trang lứa. Tuy đã 16 tuổi nhưng M. lại không thích mặc trang phục dành riêng cho nữ giới mà cứ thích mặc áo sơ-mi, quần jean. Cũng vì ngại mặc áo dài nên khi lên lớp 10, M. nhất quyết xin cha mẹ nghỉ học mặc dù M. học lực luôn ở mức khá, giỏi.
Vì vậy, khi phát hiện con mình có những biểu hiện "khác" với giới tính thường thấy, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh, chia sẻ, động viên con. Bởi hơn lúc nào hết gia đình chính là điểm tựa, giúp những đứa con tìm lại niềm tin trong cuộc sống và tránh đi những kỳ thị của xã hội.

Bài, ảnh: ÂN BÌNH
http://www.baocantho.com.vn (http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=77&id=149901)