PDA

View Full Version : Nỗi lo bên vợ - bên chồng



songchungvoi_HIV
31-05-2014, 09:41
Thứ sáu, 30/05/2014 21 giờ 29 GMT+0
Hôn nhân không chỉ là mối quan hệ giữa hai người mà còn kéo theo cả mối quan hệ gia đình, dòng tộc. Để nhanh chóng hòa nhập với gia đình chồng (vợ), cùng nhiều mối quan hệ họ hàng…, đòi hỏi người chồng (vợ) phải khéo léo trong ứng xử. Bởi nếu xử sự không khéo, vợ chồng sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, thậm chí hôn nhân có nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm.


http://www.baocantho.com.vn/img_post/3739/91.jpg
Nhiều cặp vợ chồng trẻ gặp rắc rối, giận hờn nhau vì cho rằng đối phương cư xử quá thiên vị, chỉ lo cho bên nhà mình. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: internet

* Nhà anh, nhà em, nhà chúng ta
Anh Kh. và chị L. kết hôn được 2 năm. Hiện tại, hôn nhân của họ đang gặp nhiều rắc rối khi cả hai đều cho rằng đối phương quá ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, gia đình, thân tộc của mình.
Là con lớn trong gia đình, dưới anh Kh. còn 2 người em đang đi học nên sau khi lập gia đình, hàng tháng anh Kh. đều trích tiền lương, phụ mẹ nuôi các em. Thời gian đầu, vợ chồng son rỗi, chưa có con cái, kinh tế cũng thoải mái nên chị L. không phản đối và cho rằng tiền là do anh Kh. tự kiếm được nên có quyền sử dụng theo ý của mình. Tuy nhiên, khi chị L. mang thai đứa con đầu lòng thì trong gia đình bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Do thai yếu, bác sĩ khuyên chị nên nghỉ làm ở nhà dưỡng thai một thời gian dài. Chị L. kể: "Cả hai vợ chồng tôi đều là giảng viên đại học. Ngoài ra, chồng tôi còn đi dạy luyện thi nên thu nhập rất khá. Trước đây, toàn bộ thu nhập anh ấy chỉ giữ xài riêng và lo cho mẹ và các em. Thế nhưng khi tôi nghỉ việc để dưỡng thai, kinh tế eo hẹp, thì thiết nghĩ anh ấy phải quan tâm và có trách nhiệm với mẹ con tôi mà lo cho kinh tế gia đình. Nói chuyện này với chồng, anh ấy lại cho rằng tôi ích kỷ". Còn anh Kh. thì cho rằng chị L. dần thay đổi tính tình, tính toán chi li với anh. Bởi trước đây khi yêu nhau, chị L. đã biết hoàn cảnh gia đình anh Kh. rất khó khăn và rất thông cảm với anh. Mẹ anh Kh. góa chồng, một mình phải nuôi 3 đứa con. Sau đó, bà đi thêm bước nữa. Do không thể nuôi nổi các con nên bà chỉ nuôi mỗi anh Kh., còn lại 2 đứa em của anh Kh. phải gởi cho bên nội nuôi tiếp. Do vậy anh Kh. mới có được thành công như hôm nay. Để báo hiếu cho mẹ, anh Kh. muốn giúp mẹ lo cho 2 đứa em ăn học đến nơi đến chốn.
Chị M. cũng bức xúc không kém vì nghĩ rằng anh S. chồng chị suốt ngày lo cho gia đình chồng. Chị M. tâm sự: "Tôi không cản việc hằng tháng chồng tôi trích tiền lương gởi về lo cho cha mẹ. Nhưng tôi không đồng ý việc bên chồng yêu cầu anh S. phải nhận nuôi một đứa cháu gọi anh ấy là chú vì chẳng may cha của cháu bị bệnh, qua đời sớm. Hoàn cảnh kinh tế vợ chồng tôi vẫn còn khó khăn, trong khi cháu còn mẹ ở quê và có mấy công ruộng, vườn, cũng có huê lợi…". Chỉ vì chuyện mẹ chồng bắt vợ chồng anh S. phải hứa nhận trợ cấp hàng tháng để nuôi đứa cháu ở quê ăn học đã khiến vợ chồng chị M. mâu thuẫn, tranh cãi nhau suốt ngày.
Chuyện của gia đình anh R. và chị Ng. cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Nhiều người vẫn khen anh R. tốt số vì cưới được người vợ đảm đang, khéo léo, biết vun vén cho gia đình. Còn nhớ ngày mới cưới, vợ chồng anh R. rất nghèo. Sau 8 năm chăm chỉ làm ăn, vợ chồng anh R. đã có nhà riêng, thu nhập ổn định. Thương vợ những ngày đầu vất vả, phải nhịn ăn nhịn mặc để lo cho gia đình nên có bao nhiêu tiền, anh R. giao hết cho vợ quản lý. Tuy nhiên, một lần đi công tác về nhà sớm đột xuất, anh "mất hồn" khi nghe vợ nói chuyện điện thoại với mẹ vợ. Nội dung câu chuyện xung quanh việc gia đình bên vợ đang xây nhà, túng tiền và yêu cầu vợ anh hỏi ý kiến anh để mượn một số tiền xoay xở. Chị Ng. khuyên mẹ cứ yên tâm bởi anh R. "to xác thế mà ngốc lắm", chuyện tiền bạc một mình chị giữ và chị toàn quyết định. Qua đó, anh R. cũng biết thêm rằng, trước giờ vợ anh thường lén lút lo cho gia đình mình rất "mạnh tay". Và điều khiến anh buồn hơn cả là vợ anh luôn xem anh như thằng ngốc. Anh R. giận vợ cả tuần và yêu cầu chị Ng. sau này muốn quyết định chuyện gì liên quan đến tiền bạc phải trao đổi ý kiến với anh R. trước.
* Biết sắp xếp để chung- riêng hòa hợp
Khi lập gia đình, ngoài trách nhiệm với nhau, cùng vun vén cho mái ấm của mình thì mỗi cặp đôi cũng còn có trách nhiệm với gia đình hai bên nội ngoại. Vợ chồng anh Th. và chị H. xác định điều đó ngay từ khi mới cưới nên mọi việc không có gì ầm ĩ. Hai vợ chồng đều là công nhân viên chức lao động, tiền lương cũng có giới hạn. Nhà chị H. thì kinh tế tương đối ổn định, cha mẹ sống cùng người anh trai nên chị H. cũng không lo nhiều, thỉnh thoảng có dịp về quê mới mua biếu cha mẹ vài món quà. Trong khi gia đình anh Th. thì khó khăn hơn, cha mẹ sống cùng với người em trai út làm nghề nông. Hằng tháng, anh Th. trích một phần thu nhập để gởi về cho cha mẹ. Bên cạnh đó, anh Th. và chị H. đều tham gia vốn xoay vòng ở cơ quan nhằm dành dụm tiền để mỗi dịp giỗ chạp bên chồng bên vợ thì hai người sẽ phụ giúp tiền. Nhờ vậy mà vợ chồng anh chị không phải lo thiếu hụt mà còn được tiếng là biết cách cư xử với hai bên gia đình.
Trường hợp chị L. và anh Kh., sau một thời gian giận hờn, trách móc lẫn nhau, hai vợ chồng đã bình tĩnh ngồi trò chuyện và giải tỏa những khúc mắc trong lòng. Anh Kh. thực sự bất ngờ khi nghe chị L. tính hết chi phí sinh hoạt trong gia đình - quả là con số không nhỏ. Vậy mà trước giờ anh Kh. nghĩ rằng với thu nhập của chị L., vợ anh có thể dễ dàng gánh vác. Từ thực tế đó, bản thân anh Kh. tiết kiệm hơn trong chi tiêu, đồng thời cũng nói rõ với hai người em biết về hoàn cảnh gia đình mình, tình hình sức khỏe của chị dâu và đề nghị hai em nên đi làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Anh Kh. tâm sự: "Ban đầu, tôi cũng ngại chuyện cho tiền sinh hoạt 2 đứa em ít lại. Nhưng không ngờ, sau khi nghe tôi tâm sự, phân tích, các em tôi đều hiểu chuyện và tình nguyện tìm việc làm thêm để tôi bớt lo chuyện tiền nong. Cũng nhờ đi làm thêm, các em tôi ngày có nhiều kinh nghiệm, vốn sống và tự lập chứ không thụ động như trước đây".
* Thay lời kết
Tiền bạc luôn là vấn đề tế nhị. Vợ chồng cần phải thống nhất với nhau ngay từ đầu để tránh rắc rối về sau. Nếu gặp được bạn đời dễ tính, không bận tâm đến chuyện tiền nong thì người còn lại cũng cần sắp xếp để chu toàn hai bên gia đình, tránh sau này phải giận hờn trách móc lẫn nhau bởi: anh lo nhà anh, em lo nhà em, còn nhà chúng ta ai lo?
T.K
http://www.baocantho.com.vn (http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=77&p=&id=149900)