PDA

View Full Version : Cha mẹ bị nhiễm HIV: Làm thế nào để con sinh ra khỏe mạnh?



songchungvoi_HIV
30-06-2014, 13:26
ANTĐ - Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Hà Nội, mỗi năm TP Hà Nội có trên 110.000 phụ nữ mang thai, trong đó có khoảng 700 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không có bất kỳ can thiệp nào nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV từ người mẹ nhiễm HIV sang con của mình là 35-40%.
Như vậy mỗi năm Việt Nam sẽ có 1.300-1.700 trẻ bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con. Tính riêng TP Hà Nội, sẽ có khoảng 245-280 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ nếu không được can thiệp chủ động và tích cực.
http://www.anninhthudo.vn/Uploaded/sonhm/2013_11_01/be.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Bố nhiễm HIV, con sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh

Anh Ong Văn Tùng, 39 tuổi và chị L, thành viên nhóm Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội đã đón đứa con trai đầu lòng trong niềm vui khôn xiết. Bởi lẽ anh Tùng mang trong mình căn bệnh thế kỷ, còn vợ anh thì không. Mặc dù bị nhiễm HIV nhưng niềm mong mỏi có đứa con vẫn là điều mà anh chị khao khát nhất. Hai vợ chồng đã tìm đến Bệnh viện Phụ sản TƯ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được tư vấn. Các bác sĩ đều chung một lời khuyên không nên có con vì rủi ro quá cao. Anh chị đã nghĩ đến việc đi thụ tinh trong ống nghiệm tại một bệnh viện tại Thái Lan. Tuy nhiên do chi phí quá cao, họ đã quyết định đầy mạo hiểm: có con theo cách truyền thống. Chị L. đi siêu âm căn ngày rụng trứng. Ngay sau khi gặp nhau, chị L. uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Còn anh Tùng, suốt nửa năm trước đó đã sử dụng thuốc ARV (thuốc kháng virus) để giảm thiểu nguy cơ lây HIV sang vợ. Ngay sau đó chị L. mang thai, hai vợ chồng vô cùng vui mừng mặc dù không tránh khỏi lo âu: liệu mẹ và con có bị nhiễm HIV không? Tuy nhiên các xét nghiệm sau đó đã cho kết quả chị L. âm tính với HIV. Cuối cùng, chị sinh hạ được một bé trai hoàn toàn khỏe mạnh.

Người phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cần phải làm gì?

Theo các bác sĩ, phụ nữ nhiễm HIV cần ăn nhiều hơn bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Cần ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng/ngày gồm nhóm bột đường (cơm, bánh mì, bắp…); nhóm thức ăn giàu đạm (thịt, cá, tôm, sữa, đậu); nhóm chất béo (dầu ăn, bơ, đậu phộng…); nhóm vitamin và khoáng chất (rau quả, trứng, sữa, trái cây…). Bên cạnh đó tư vấn xét nghiệm HIV trước sinh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá tình trạng HIV của phụ nữ mang thai, từ đó xác định các biện pháp can thiệp phù hợp, đặc biệt là dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra cả ở 3 thời kỳ: 10% trong thời kỳ đầu mang thai, do máu mẹ qua màng rau thai bị tổn thương sang máu con, 15%-20% do thời kỳ chuyển dạ đẻ và 10% trong thời kỳ cho con bú. Với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, dừng điều trị thuốc ARV sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch, gây khả năng kháng thuốc, làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho con. Nếu được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, có thể bảo đảm hiệu quả trong việc phòng chống lây nhiễm. Các nghiên cứu cho thấy, khi điều trị dự phòng bằng thuốc ARV, việc sinh nở và nuôi con của những bà mẹ nhiễm HIV vẫn an toàn. Ngoài ra với những phụ nữ có HIV mang thai còn ở tình trạng miễn dịch tốt, sẽ được tiến hành điều trị dự phòng bằng AZT liên tục cho đến khi chuyển dạ. Đồng thời cứ 3 tháng một lần thai phụ cần kiểm tra tế bào CD4 để được điều trị ARV theo những phác đồ khác nhau.

Với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong khi sinh nên tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn. Chỉ định mổ lấy thai, nhanh chóng lau sạch máu và sản dịch cho trẻ sơ sinh được coi là biện pháp tối ưu. Sau khi sinh, người mẹ nên nuôi trẻ bằng sữa thay thế để tránh nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Những trẻ được sinh ra từ bà mẹ có HIV cần được giới thiệu và chuyển tới các phòng khám để theo dõi và điều trị ARV.

Mai Hà
http://www.anninhthudo.vn/Khoe-dep/Cha-me-bi-nhiem-HIV-Lam-the-nao-de-con-sinh-ra-khoe-manh/522683.antd?keyword=th%E1%BB%A5-tinh-trong-%E1%BB%91ng-nghi%E1%BB%87m