PDA

View Full Version : Mở tương lai bằng nghị lực của chính mình



songchungvoi_HIV
01-07-2014, 18:48
Cập nhật lúc16:20, Thứ Năm, 26/06/2014 (GMT+7)
Kỳ 1: Cuộc sống hồi sinh
Ba năm đi vào hoạt động, Cơ sở điều trị methadone xã hội hóa Hải Phòng (Trung tâm tư vấn cai nghiện tại cộng đồng) điều trị gần 450 người bệnh, góp phần làm giảm số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố, giúp hàng trăm gia đình thoát khỏi bi kịch “nàng tiên nâu”.


<tbody>
http://www.baohaiphong.com.vn/dataimages/201406/original/images1033900_gia_minh.jpg


Các học viên thuộc Trung tâm giáo dục lao động xã hội Gia Minh hoàn chỉnh sản phẩm.
Ảnh: Tuấn Hưng


</tbody>


Làm lại cuộc đời nhờ methadone
Sau khi xếp hàng uống methadone theo đúng quy trình của Trung tâm Cai nghiện tại cộng đồng (phố Lãm Hà, quận Kiến An), chị Lê Thị T. ghé qua phòng tư vấn, tham khảo ý kiến các tư vấn viên của trung tâm về chế độ dinh dưỡng cho đứa con 7 tháng tuổi. Cách đây 3 năm, tái hôn, sinh con, mở 1 cửa hàng thời trang, sống cuộc sống bình dị là ước mơ tưởng chừng xa vời của chị
Học hết cấp 3, chị T. lập gia đình. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc với đứa con kháu khỉnh, hiếu động bỗng chốc tan biến vì “nàng tiên nâu”. Đau đớn, buồn bã trước đổ vỡ của hạnh phúc gia đình, chị càng dấn sâu vào con đường nghiện ngập. Nhìn đứa con thơ dại phải chịu thiệt thòi vì lỗi lầm của mình, đã bao lần, chị cố gắng cai nghiện nhưng không thành. Năm 2011, chị được bạn bè giới thiệu phương pháp điều trị thay thế methadone, chị quyết tâm thực hiện giấc mơ, “từ giã” ma túy, làm lại cuộc đời. Sau 1 thời gian ngắn điều trị, sức khỏe chị T. khá hơn, chị đón nhận niềm hạnh phúc với người chồng thứ 2. Một cửa hàng thời trang nho nhỏ tại Chợ Gò Công (quận Kiến An) do chị làm chủ khai trương trong niềm vui của gia đình, bạn bè, bà con làng xóm. Chị càng thêm quyết tâm cai nghiện để thực hiện mong muốn cuối cùng là sinh con. Ở tuổi 38, sức đề kháng yếu do sử dụng ma túy quá lâu, nhưng sau 1 năm, nhờ tích cực điều trị methadone và được sự tư vấn, chăm sóc của các cán bộ, bác sĩ, chị mang thai và sinh đứa con thứ 2. Gần 3 năm điều trị, những thay đổi tích cực của chị không chỉ mang lại niềm vui cho gia đình mà còn là niềm động viên, khích lệ lớn lao với các cán bộ, bác sĩ tại Trung tâm Cai nghiện tại cộng đồng Hải Phòng.
Tín hiệu khả quan sau 3 năm hoạt động
Trường hợp chị Lê Thị T. là một trong những người bệnh điển hình có chuyển biến rõ rệt trong điều trị và ổn định cuộc sống sau khi cai nghiện bằng methadone. Theo Bác sĩ Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn cai nghiện tại cộng đồng, Phó trưởng Cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa của Hải Phòng, tính đến ngày 31-5-2014, cơ sở điều trị cho 447 người bệnh. Trong đó, tỷ lệ người bệnh tuân thủ điều trị là 350 người (339 nam, 11 nữ), những trường hợp còn lại dừng điều trị do vi phạm pháp luật, thay đổi nơi cư trú, không chủ động được thời gian, hoặc tử vong do HIV/AIDS giai đoạn cuối... 90% người bệnh nộp phí điều trị theo quý, tháng, với mức phí 10.000 đồng/ngày.
Theo quy trình quản lý, cấp phát thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, từ khi thành lập đến nay, tại cơ sở chưa xảy ra tình trạng người bệnh xuất hiện triệu chứng quá liều do dùng thuốc methadone. Để tăng hiệu quả điều trị, quản lý thuốc và tránh tình trạng người bệnh ngậm thuốc, Trung tâm quy định người bệnh sau khi uống thuốc phải uống nước và nói trước khi ra về. Nhờ phối hợp với Công an phường Lãm Hà (quận Kiến An), tình hình an ninh, trật tự được thắt chặt, hầu hết người nghiện ma túy nghiêm túc chấp hành nội quy, không gây rối, quậy phá.
Thực hiện nhiệm vụ tư vấn, điều trị, cắt cơn cai nghiện tại cộng đồng theo Nghị định 94 của Chính phủ năm 2010, những năm qua, Trung tâm tư vấn cho hàng nghìn lượt người bệnh dưới 2 hình thức tư vấn trực tiếp và qua điện thoại. Anh Lê Khánh Trình, cán bộ tư vấn số 1 Trung tâm tư vấn cai nghiện tại cộng đồng, cho biết: “Để người nghiện yên tâm điều trị, cai nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng, chúng tôi tư vấn, tìm hiểu nguyên nhân nghiện ma túy, những khúc mắc, mâu thuẫn trong đời sống mà người nghiện gặp phải. Về vấn đề sức khỏe, chúng tôi kết hợp tư vấn, tuyên truyền tác hại của ma túy đối với sức khỏe, cách phòng chống lây nhiễm HIV với gia đình, cộng đồng và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp điều trị thay thế methadone… Với đối tượng người nghiện là phụ nữ có thai, chúng tôi hướng dẫn chị em chế độ dinh dưỡng thích hợp để bảo đảm quá trình phát triển thai nhi, phòng bệnh trong thời gian mang thai và tư vấn chị em không nên cho con bú sữa mẹ…”. Ngoài ra, Trung tâm tư vấn việc làm và giới thiệu 1 số trường hợp đi làm tại cơ quan, doanh nghiệp. Tỷ lệ người nghiện có việc làm với mức thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/tháng tăng 15% sau thời gian điều trị. Nhiều người mở cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.
Từ những kết quả đạt được trong 3 năm qua, Cơ sở điều trị methadone xã hội hóa tại Hải Phòng phần nào đáp ứng nguyện vọng của người nghiện, gia đình người nghiện, mong muốn từ bỏ he-rô-in chuyển sang điều trị thay thế bằng thuốc methadone, góp phần giảm số lượng người nghiện ma túy, hạn chế tình hình tội phạm do nhóm người sử dụng ma túy gây ra trên địa bàn thành phố.
Kỳ 2: Bước gian nan vượt quan những cơn nghiện
Trung tâm giáo dục và lao động xã hội số 2 (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), nằm trên cánh đồng rộng hơn 40ha tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng. Trong khuôn viên rộng thoáng của Trung tâm được xây dựng khang trang, rộng rãi, nơi tập thể hơn 600 con người đang ngày đêm nỗ lực đẩy lùi tệ nạn ma túy. Cuộc đời của họ tưởng coi như bỏ đi và bế tắc hoàn toàn, vậy mà họ đã tìm thấy "lối rẽ"...
Quên đi quá khứ lầm lỡ
Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 Đoàn Quang Duyên, cho biết: Trung tâm “hội tụ” hơn 600 học viên thuộc diện cai nghiện ma túy bắt buộc. Chuyện học viên ở đây có vài tiền án, tiền sự, có thâm niên sử dụng ma túy hàng chục năm và nhiều người "dính" HIV không phải là hiếm.
Một ngày của cán bộ, học viên được bắt đầu lúc 5 giờ 30. Cán bộ từng đội đánh thức các học viên dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân. Đến hơn 7 giờ, các lớp sinh hoạt tập trung vào các chủ đề về đạo đức, trách nhiệm với gia đình và xã hội, tác hại của ma túy. Sau đó, học viên đến khu nhà sản xuất để lao động trị liệu. Buổi chiều, học viên tiếp tục lao động trị liệu, chơi bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn… rèn luyện sức khỏe. Buổi tối, các học viên nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách đọc báo, nghe đài, xem ti - vi. Đến 21 giờ 30, mọi người đi ngủ. Hằng tuần, trung tâm tổ chức đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của các tổ, lớp; tuyên dương những học viên chấp hành tốt kỷ luật lớp học, của đội và nhắc nhở, kiểm điểm những học viên mắc lỗi. Các học viên được giáo dục từ tác phong ăn mặc, giao tiếp, sinh hoạt, nhiều học viên có sự chuyển biến tích cực so với trước khi vào trung tâm.
Nhớ lại ngày đầu tiếp nhận học viên, giờ anh Duyên vẫn thấy ái ngại. Cơ sở vật chất của trung tâm nghèo nàn, học viên bất trị, cán bộ làm nhiệm vụ quản lý giáo dục vừa yếu lại vừa thiếu. Phần lớn học viên có tư tưởng chống đối vì theo họ, sử dụng ma túy chỉ là vi phạm hành chính, vậy mà thời gian giáo dục, cải tạo bắt buộc tới 2 năm, tương đương một án tù. Có thời gian xảy ra tình trạng học viên xô xát, bỏ trốn. Để việc cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục và lao động của học viên thu được những kết quả tích cực, trung tâm thay đổi mô hình quản lý cho phù hợp với cơ sở vật chất. Trung tâm thành lập 4 đội, mỗi đội quản lý từ 100 - 150 học viên, để quản lý, học tập, chữa bệnh, lao động. Với việc phân chia như vậy, cán bộ trung tâm vừa có điều kiện sâu sát, gần gũi, quan tâm, động viên được nhiều hơn tới học viên và cũng dễ quản lý hơn. Thấy cán bộ ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng, cùng lao động sản xuất, tư tưởng của học viên dần thay đổi. Ranh giới giữa cán bộ và học viên gần hơn, họ đồng cam cộng khổ để có một tập thể đoàn kết như ngày hôm nay. Hơn 600 "con ngựa bất kham" ngày nào giờ không chỉ đoạn tuyệt với ma túy mà họ còn tìm thấy lối rẽ cho cuộc đời mình từ công việc lao động giản đơn.
Đường về với cộng đồng
Ở đội 1, các học viên luôn cần mẫn làm việc. Công việc của họ là làm giấy tiền vàng. Các học viên ngồi thành từng hàng ngay ngắn, tay họ thoăn thoắt lướt, tỉ mỉ làm ra từng tờ tiền vàng. Những điều này, trước đây ở ngoài xã hội họ chưa bao giờ làm được. Ngoài kia các vườn cây, một số học viên đang phát quang bụi rậm, cỏ tranh, đánh luống trồng rau. Họ làm việc mải miết trong cái nắng chang chang mùa hè.
Học viên Phùng Thanh Sơn (sinh năm 1987, trú tại ngõ 199 phố Tô Hiệu), một người đang học tập và điều trị ở trung tâm cho biết: “Em mắc nghiện từ năm 2010 và vào trung tâm từ tháng 10-2013. Trước khi vào trung tâm, em làm lái xe ta-xi. Từ khi dính vào ma túy, cuộc sống em mù mịt không tương lai, chưa khi nào em thấy niềm vui. Gia sản khánh kiệt bởi một ngày em "đốt" cả nửa triệu đồng vào ma túy. Có lúc khi cơn nghiện lên, bí bách em lấy từng bơ gạo của gia đình đi bán để lấy tiền mua ma túy”. Nói đến đây, nước mắt Sơn trào ra mà không sao kìm được. Em nói khẽ: "Vào đây, chúng em đã được hồi sinh. Giờ, em quyết tâm cai nghiện và học nghề để sớm trở về sống có ý nghĩa hơn".
Học viên Đỗ Văn Linh (sinh năm 1991, trú tại phường Hàng Kênh, quận Lê Chân), kể “Do tuổi trẻ nông nổi, nghe chúng bạn rủ rê em nghiện ma túy cách đây hơn 1 năm. Vào đây, em được các thầy trong trung tâm hết lòng dạy dỗ, giúp em nhận ra tác hại của ma túy và những giá trị của cuộc sống. Điều kiện cuộc sống, sinh hoạt ở trung tâm mới khá tốt. Em sẽ quyết tâm cai nghiện và học nghề để sớm trở về sống có ý nghĩa hơn. Cha mẹ sinh ra nhưng công lao giáo dục của các thầy cô ở trung tâm này còn lớn hơn thế".
Có hàng trăm, hàng nghìn con đường dẫn đến nghiện ngập. Nhưng để thoát ra, có chung một điểm, là sự quyết tâm của mỗi cá nhân. Chia tay với cán bộ, học viên trung tâm, chúng tôi nán lại bên một nhóm học viên đang trang trí nhà xưởng, lớp học, khuôn viên của trung tâm nhằm tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động nhân Ngày toàn dân phòng, chống ma túy. Chúng tôi mượn câu văn mà các học viên đang kẻ vẽ thay cho lời kết: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời này, không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".
(trích Mùa lạc – Nguyễn Khải).
Nhóm phóng viên xã hội
http://www.baohaiphong.com.vn/channel/4905/201406/nhan-ngay-toan-dan-phong-chong-ma-tuy-26-6-mo-tuong-lai-bang-nghi-luc-cua-chinh-minh-2339608/