PDA

View Full Version : Chuyện ở một trung tâm cai nghiện



songchungvoi_HIV
04-07-2014, 10:40
Thứ năm, 26/06/2014 - 09:11Ma túy và các tệ nạn liên quan đến ma túy luôn là mối hiểm họa của toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, chính trị, an toàn xã hội và cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, lạc hậu.




http://baobacninh.com.vn/resources/upload/anh%2026-4-2012/anh%2026-6-2014/3.jpg
Chăm sóc cây ăn quả tăng khẩu phần dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày cho các học viên.



Những năm qua, tỉnh rất nỗ lực trong việc tìm các giải pháp phòng, chống và tổ chức cai nghiện, giúp người nghiện hướng thiện, hòa nhập cộng đồng. Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề hướng thiện Bắc Ninh, đơn vị trực tiếp làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai đã và đang sử dụng các phương pháp cai nghiện mới, hiệu quả, tạo lập tương lai tốt đẹp cho người nghiện.
Theo nhận định của ngành chức năng thì người nghiện ma túy cũng như bị mắc bệnh về não. Mọi suy nghĩ, hành động đều phụ thuộc vào ma túy, bởi vậy ngoài biện pháp cai nghiện bằng các phương pháp y học thì vấn đề tâm lý của người nghiện cũng như môi trường sống rất quan trọng. Từ thực tế đó, Trung tâm Giáo dục- Dạy nghề hướng thiện luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục tâm lý cho các học viên. Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục được thực hiện định kỳ và theo từng nhóm học viên, nội dung sinh hoạt phong phú gắn liền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ giúp học viên yên tâm học tập, lao động và chữa bệnh. 6 tháng qua, Trung tâm đã tổ chức được 30 buổi sinh hoạt cho các nhóm học viên khác nhau như: Nhóm học viên mới vào trung tâm; học viên cắt cơn và học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, Trung tâm còn duy trì hai xưởng sản xuất làm giấy và gia công các sản phẩm linh kiện điện tử, đồng thời tổ chức cho các học viên trồng lúa, rau xanh các loại, chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá, vừa tăng khẩu phần ăn, cải thiện chất lượng đời sống, nâng cao sức khỏe thể chất cho học viên vừa hướng học viên đến những việc làm có ích để dần hòa nhập cộng đồng.
Anh Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1978, Liên Bão (Tiên Du) cai nghiện được hơn 1 năm tại Trung tâm chia sẻ: “Tôi nghiện ma túy từ năm 2000 nhưng đến 2013 mới quyết tâm vào Trung tâm để từ bỏ. Cuộc sống ở đây đã giúp tôi tìm lại được chính mình. Tôi được lãnh đạo, cán bộ Trung tâm quan tâm, động viên, chia sẻ. Việc lao động, sản xuất khiến tinh thần tôi thư thái, thoải mái và góp phần đắc lực trong việc giúp tôi rời xa được ma túy. Hy vọng khi tái hòa nhập cộng đồng, tôi sẽ có một sức khỏe tốt, một công việc ổn định để có điều kiện chăm sóc bố mẹ già”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm luôn thực hiện công tác cai nghiện đúng theo quy trình của Bộ Y tế, đạt hiệu quả rất cao. Học viên cai nghiện được phân loại làm 3 nhóm đối tượng. Sau khi các học viên đã cắt cơn, sức khỏe ổn định sẽ tổ chức cho lao động sản xuất 4 giờ/ngày, kết hợp với vui chơi, sinh hoạt văn hóa-thể thao, tạo cuộc sống vui vẻ, lành mạnh. Vì vậy, tinh thần học viên rất thoải mái, 2 năm lại đây không có học viên bỏ trốn. Song để cai nghiện được hoàn toàn khi ra cộng đồng thì lại phụ thuộc vào chính bản thân người nghiện cũng như môi trường xã hội”.
Hiện Bắc Ninh có khoảng 2.500 người nghiện ma túy, trong số những người đã được cai nghiện thì cai nghiện được hoàn toàn đạt tỷ lệ rất thấp. Công tác tái hòa nhập cho đối tượng sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, môi trường sống của người sau cai nghiện không trong sạch, vẫn còn nhiều đối tượng nghiện xung quanh lôi kéo. Sức khỏe của người nghiện cũng bị hạn chế nên ảnh hưởng đến việc lao động nuôi sống bản thân…
Theo đánh giá của Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề hướng thiện thì các đối tượng vào Trung tâm điều trị khoảng 2-3 năm sẽ cai nghiện được hoàn toàn. Thế nhưng để duy trì không tái nghiện khi ra cộng đồng lại rất khó. Bản chất của người nghiện là não bị phụ thuộc vào ma túy, kể cả sau khi đã cai nghiện thành công thì dù ức chế hay hưng phấn, gặp chuyện buồn, vui trong cuộc sống, người từng bị nghiện vẫn nghĩ tới ma túy. Để đối tượng sau cai không bị tái nghiện trở lại là vấn đề khó khăn cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Yếu tố quan trọng nhất chính là phải có một môi trường sống trong sạch, lành mạnh, không có ma túy, cộng với ý chí của người nghiện thì mới có thể cai nghiện được hoàn toàn, song điều này lại rất khó thực hiện. Chính vì thế, việc quản lý sau cai nghiện cũng đang được Trung tâm thực hiện có hiệu quả. Do người nghiện được sống trong môi trường lành mạnh, chịu sự quản lý của Trung tâm nên khó tái nghiện trở lại.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề hướng thiện Bắc Ninh cho biết thêm: “Việc quản lý đối tượng sau cai nghiện tại Trung tâm đạt hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, đối tượng được ở lại lại rất ít, bởi nó phụ thuộc vào các tiêu chí như phải tái nghiện nhiều lần, vào Trung tâm từ 2 đến 3 lần trở lên nếu có nguyện vọng mới được ở lại”. Đối tượng quản lý sau cai tại Trung tâm được lao động để tích lũy, được tự do ăn uống, làm việc theo nhu cầu, được sống trong môi trường trong sạch nên nhiều đối tượng sau cai rất muốn được ở lại Trung tâm để lao động, sản xuất. Chính vì vậy, mô hình quản lý sau cai tại Trung tâm cần được nhân rộng cả về điều kiện cho đối tượng cũng như quy mô cơ sở vật chất.
Môi trường sống và việc làm cho người sau cai nghiện là rất quan trọng, yếu tố quyết định cho các đối tượng hòa nhập cộng đồng. Chính vì thế, ngoài môi trường gia đình thì sự chung tay, giúp đỡ, chia sẻ của cả cộng đồng là rất cần thiết, để dần tiến tới một xã hội không có ma túy.


Bài, ảnh: Hoài Lan-Minh Hường
http://baobacninh.com.vn/news_detail/82866/chuyen-o-mot-trung-tam-cai-nghien.html (http://baobacninh.com.vn/news_detail/82866/chuyen-o-mot-trung-tam-cai-nghien.html)