PDA

View Full Version : Nơi nối lại tình người



Tuanmecsedec
23-08-2013, 07:21
Nơi nối lại tình người


Thứ sáu, 23/08/2013 - 02:09 AM (GMT+7)



http://www.nhandan.org.vn/media/k2/items/cache/2105/e57c0848dda39ea59cbf5029abe8c555_L.jpg (http://www.nhandan.org.vn/media/k2/items/cache/2105/e57c0848dda39ea59cbf5029abe8c555_XL.jpg)


Các học viên của Trung tâm chăm sóc vườn hoa.


Chiếc thuyền máy rẽ sóng hồ Thác Bà đưa chúng tôi ra Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái, mà người dân địa phương thường gọi đùa là "đảo nghiện". Trung tâm thuộc tổ 19, thị trấn Yên Bình, nơi tập trung hàng nghìn người nghiện toàn tỉnh từ thành thị đến vùng núi cao, từ người cai tự nguyện đến cai bắt buộc vào đây chữa trị cắt cơn, rồi phục hồi, lao động trị liệu, hướng nghiệp dạy nghề để hội nhập cộng đồng.

Gọi là đảo, vì vào mùa nước, hồ Thác Bà tích nước thì 20 ha diện tích của trung tâm nằm tách biệt với đất liền, một phần đảo được nối với khu dân cư Hồng Bàng thuộc vùng sâu của tỉnh. Những học viên trong bộ quần áo xanh tích cực kè đá, làm cỏ vườn hoa, chăm sóc vườn rau xanh... tiếng dê kêu, lợn ủn ỉn

cùng tiếng gà gáy ban mai rộn ràng cả vùng hồ nước biếc xanh. Phía xa, một đội bốc đá từ bến lên xe ô-tô chở vào xưởng chế biến bột đá trắng, đội khác tham gia đập đá một cách tự giác, tiếng thuyền máy rộn ràng đưa người nhà vào thăm học viên, tạo một khung cảnh thật thanh bình, không hề có hàng rào cao bảo vệ, không có cảnh sát kè kè theo dõi như người khác thường nghĩ. Thay vào đó, các rừng cây keo, quế, de, bồ đề, tràm nước xen lẫn tre xanh ngát cả vùng đảo, lối lên các khu nhà làm việc là hàng cây cảnh được tỉa cẩn thận, hoa nở khoe sắc...


Vào đây, mỗi người một cảnh, như Hoàng Lê Tuấn, nhà ở phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ đã từng chữa bệnh tại đây một lần, sau khi cai nghiện thành công đi vào miền nam làm ăn, đến gần Tết Quý Tỵ mới về nhà, lại bị bạn rủ rê tái nghiện, tiếp tục vào trung tâm lần hai để chữa bệnh. Lý Thị Mỷ, 40 tuổi, trú tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, là một trong 21 phụ nữ đang chữa bệnh tại trung tâm, Mỷ nói: Mình có ba con, nghiện rồi thấy chồng và con khổ quá nên quyết tâm đi cai được một năm rồi đấy, nhà nghèo nên ít thấy chúng nó (ba con và chồng) xuống thăm, nhớ chúng nó lắm nhưng phải cố thêm một năm nữa mới được về. Con ma (cơn nghiện) trong người mình hết từ lâu thì mình chỉ muốn về nhà thôi, nhưng cán bộ bảo phải đủ hai năm chữa bệnh mới được về đấy. Tay thoăn thoắt chuyển từ thuyền lên những bó cỏ lớn vừa cắt từ đảo phía bên kia hồ về làm phân xanh bón cho rau, Giàng Thị Su, 60 tuổi, là phụ nữ cao tuổi nhất trong số người chữa bệnh tại đây cởi mở: Nhà mình ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, đẻ được sáu đứa con và chúng nó đã ra ở riêng rồi. Chồng nghiện lây sang mình đấy, hết thời gian chữa bệnh mình lại về lên nương làm ngô, làm lúa thôi. Còn Trần Ðại Phú, 31 tuổi, trú ở tổ 38, phường Yên Thịnh, TP Yên Bái, có vợ và con trai 4 tuổi, là lái xe nhưng bập vào ma túy đã 10 năm, bao của cải trong nhà "đội nón" ra đi, nên vào đây quyết tâm chữa bệnh làm lại cuộc đời.

Giám đốc Trung tâm Lê Công Huấn cho biết: Hiện trung tâm có 763 học viên đang chữa bệnh, đặc điểm nhân thân phức tạp, trong số này số tái nghiện quay lại trung tâm chiếm đến 50%; số có HIV chiếm hơn 30% (bình quân ba học viên thì một người có HIV). Là đơn vị sự nghiệp có thu tự trang trải một phần chi phí, mỗi năm chi tối thiểu hơn 11 tỷ đồng, nhưng ngân sách nhà nước chỉ cấp được gần 75%, nên việc tổ chức lao động tạo thu nhập cho người bệnh là một khách quan. Ngay như việc bảo đảm tiền ăn 900 nghìn đồng/tháng, ngân sách chỉ chi cho số đối tượng nghèo, có HIV; số còn lại chỉ được chi 450 nghìn đồng/tháng, nhờ có lao động thêm nên đời sống của học viên đều bảo đảm theo chế độ. Năm 2012, trung tâm, qua lao động, thu được gần 3,7 tỷ đồng; sáu tháng đầu năm nay thu nhập hơn 2,8 tỷ đồng, có điều kiện sắm đồ dùng sinh hoạt cho học viên như: quần áo bảo hộ, chăn, màn, tài trợ tổ chức giải thi đấu thể thao giữa học viên trung tâm với các đoàn thanh niên đơn vị bạn. Ðiều đáng mừng là từ đầu năm đến nay đã có 203 học viên (167 học viên bắt buộc, 36 học viên tự nguyện) được điều trị cắt cơn; nhiều năm liên tục không có trường hợp nào tử vong khi chẩn trị; gần 200 học viên có HIV được tư vấn, giáo dục, điều trị nhiễm trùng cơ hội và dự phòng nhiễm trùng cơ hội; một số được tiếp tục điều trị ARV (thuốc kháng vi-rút), nên yên tâm chữa bệnh, tăng thêm cơ hội sống, không bị đối xử phân biệt như ở ngoài xã hội.

Anh Bùi Văn Yên, Trưởng khu B dẫn tôi đi thăm khu sản xuất rau xanh và chăn nuôi. Nhờ luân canh thời vụ 1,5 ha đất bằng các loại rau, đậu, đỗ, bầu, bí... nên Trung tâm đã tự cung tự cấp hoàn toàn về rau xanh, trồng được đỗ tương và làm được đậu phụ phục vụ bữa ăn hằng ngày. Hiện tại, ngoài đàn gà, vịt cung cấp trứng hằng ngày, Trung tâm có đàn bò hơn 40 con, đàn dê gần 50 con, đàn lợn gần 100 con, nhất là trung tâm đã gây giống được đàn lợn rừng sinh trưởng tốt, nên các ngày lễ, Tết các học viên đều được cải thiện thêm thực phẩm tươi sống do chính mình làm ra. Nhìn suất ăn 10 nghìn đồng có canh rau xanh, đậu phụ kho với thịt mỡ, trứng tráng toàn là thứ "của nhà" làm ra, mới thấy sự cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý nơi này thật sự quan tâm đến đời sống học viên. Mức sống trên chưa cao, nhưng đủ để học viên tái tạo năng lượng tham gia lao động sản xuất và hoạt động trị liệu phục hồi, sớm hòa nhập cộng đồng.

Kỹ sư Lại Thị Nguyễn, giáo viên Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật tỉnh Yên Bái hôm nay lên lớp bài kỹ thuật chăn nuôi lợn cho 90 học viên, sau khi học xong 208 tiết, các học viên sẽ thi và cấp chứng chỉ sơ cấp chăn nuôi. Nhìn những khuôn mặt chăm chú nghe giảng, ít ai ngờ được trong số ấy có người đã từng dùng bơm tiêm chích nhiều hơn việc cám bã, và hy vọng ngày mai khi về địa phương họ sẽ áp dụng những gì đã học để mưu sinh cuộc sống mới. Dạy nghề cho học viên cách in lưới, làm ghế xi-măng mỹ nghệ, gò, hàn, thợ nề xây dựng... là việc làm thiết thực nhằm khi tái hòa nhập cộng đồng, chính các học viên không dựa vào ai khác để có việc làm, có thu nhập, có cuộc sống ổn định hơn.



BÀI VÀ ẢNH: THANH SƠN

http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/21050202-.html