PDA

View Full Version : Quá ít trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B



songchungvoi_HIV
30-07-2014, 09:59
Thứ tư, 30/07/2014 06:55
Tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh sẽ tránh được khoảng 85% nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh.Tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh vốn đã thấp nhưng sau sự cố 3 trẻ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin ở Quảng Trị khiến tỉ lệ tiêm vắc-xin này sụt giảm một cách đáng lo ngại, chỉ đạt khoảng 20%.
Chỉ 20% trẻ sơ sinh được bảo vệ
Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong năm 2011, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B mũi sơ sinh trên cả nước đạt 55%, năm 2012, tỉ lệ này tăng lên 70% nhưng đến năm 2013 lại giảm còn 56%.

Đáng lo ngại là trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh chỉ đạt 20%, thậm chí có địa phương chỉ đạt 10%. GS Hiển cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm tỉ lệ trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B mũi sơ sinh là do tâm lý của cả nhân viên y tế và người dân có phần hoang mang, lo lắng sau khi xảy ra sự cố 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B tại BVĐK huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào tháng 7/2013.
Cho dù nguyên nhân khiến 3 trẻ tử vong nói trên đã được xác định không phải do vắc-xin mà do sơ suất của nhân viên y tế tiêm nhầm thuốc nhưng tỉ lệ trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B mũi sơ sinh vẫn tiếp tục giảm.

http://images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2014/07/30/Qua-it-tre-tiem-vacxin-viem-gan-B_1.jpg
Nhiều người dân đưa con đến các điểm tiêm chủng dịch vụ

Đây là lần thứ 2 tỉ lệ tiêm vắc-xin này giảm mạnh. Trước đó, sự cố một số trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B đã kéo tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin này từ hơn 90% (năm 2006) xuống còn 64% (năm 2007) và đến năm 2008 thì chỉ còn 25%.

Theo một chuyên gia y tế, sau khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng và tử vong sau tiêm, tâm lý các bà mẹ và cán bộ y tế bị dao động. Nhiều người sợ không muốn cho con đi tiêm. Cán bộ y tế cũng e ngại, lo sợ phản ứng nặng xảy ra. vì thế, đã có hiện tượng do dự không muốn tiêm vắc-xin liều sơ sinh.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin viêm gan B là một trong những vắc-xin an toàn, thậm chí trẻ sinh non, sinh thiếu cân cũng không có chống chỉ định. Theo GS Hiển, tiêm vắc-xin viêm gan B có thể gây phản ứng thông thường như đau tại chỗ (3%-9%), sốt trên 37,7 độ C và có sốc phản vệ nhưng rất hiếm gặp, chỉ khoảng 1/600.000 liều.
Nguy cơ xơ gan, ung thư gan ở trẻ em
Từ tỉ lệ tiêm chủng quá thấp trong thời gian qua, GS Hiển lo ngại khó có thể giúp khống chế được tình trạng nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em, từ đó tỉ lệ xơ gan, ung thư gan chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ người mang virus viêm gan B rất cao, chiếm 10%-20% dân số. Nếu tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh, thậm chí cả khi mẹ bị nhiễm virus, trẻ sẽ tránh được khoảng 85% nguy cơ nhiễm bệnh.

Trong khi đó, mẹ có virus viêm gan B thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị lây nếu không được tiêm vắc-xin. Đây là đường lây nhiễm nguy hiểm nhất bởi nếu trẻ nhiễm virus viêm gan B từ mẹ có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan sau đó. Việc điều trị lúc đó không chỉ tốn kém, lâu dài mà còn rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ. Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B.
Phân tích ở khía cạnh sàng lọc những đối tượng có nguy cơ cao trước khi quyết định tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh, GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cho rằng khó khả thi. Ở Việt Nam, mỗi năm có 1,2 triệu trẻ em mới sinh, trong số đó, tỉ lệ viêm gan B ở các đối tượng khác nhau là 16%-20%, tức khoảng 80% các bà mẹ không mắc viêm gan B. Tuy nhiên, không thể xét nghiệm hết 1,2 triệu bà mẹ trước tiêm và nếu phải xét nghiệm 100% thì rất tốn kém.

Do đó, tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh là cần thiết. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả. “Tiêm vắc-xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt trong phòng lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu” - GS Huấn khẳng định.
Theo khuyến cáo của WHO và chỉ đạo của Bộ Y tế, vắc-xin viêm gan B cần được tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh vì đây là biện pháp hiệu quả nhất phòng tránh lây nhiễm viêm gan B từ mẹ hay từ các thành viên khác trong gia đình, những người xung quanh cho trẻ. Ở một số nước, việc tiêm vắc-xin cho trẻ còn được thực hiện trong 12 giờ đầu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng trẻ mới sinh cũng cần có thời gian thích nghi với môi trường bên ngoài. Sự ổn định nhịp thở, da hồng, bú tốt là những dấu hiệu chứng tỏ một trẻ khỏe mạnh, khi đó có thể tiêm vắc-xin mà vẫn bảo đảm trẻ được tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh.

Không tiêm
là phạm luật
Ông Trần Đắc Phu cho biết theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, việc triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B là bắt buộc, tiêm chủng mở rộng là bắt buộc nhằm khống chế dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng. Bộ Y tế đã quyết định yêu cầu tất cả các cơ sở có phòng sinh phải thực hiện tiêm viêm gan B mũi 1 trong 24 giờ đầu sau sinh.
Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện chưa có cơ chế nhắc nhở, phạt như thế nào đối với những trường hợp từ chối tiêm mà mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được lợi ích bảo vệ sức khỏe của tiêm phòng.



AloBacsi.vn
Theo Người lao động

songchungvoi_HIV
13-08-2014, 14:16
Bệnh viêm gan B và vai trò của việc tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh

13/8/2014 14:00
Bệnh viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut viêm gan B gây ra

Bệnh viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut viêm gan B gây ra. Người bị nhiễm virut viêm gan B có thể bị bệnh viêm gan B cấp tính hoặc không có dấu hiệu triệu chứng của bệnh nhưng trở thành người mang virut mạn tính suốt cuộc đời. Bệnh viêm gan B cấp tính có thể nặng và dẫn đến tử vong. Người nhiễm virut viêm gan B mạn tính có thể lây truyền virut sang người khác và khoảng 25% người mang trùng mạn tính có thể bị chết do xơ gan hoặc ung thư gan.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu có khoảng 2 tỉ người bị nhiễm virut viêm gan B và khoảng 350 triệu người mắc viêm gan B mạn tính. Ước tính khoảng 1 triệu người chết mỗi năm vì hậu quả bệnh viêm gan B. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao. Tỷ lệ lưu hành HBsAg của Việt Nam khoảng 10 - 20%. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ HBsAg ở phụ nữ có thai >10%. Lây truyền bệnh viêm gan B vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng hiện nay.
http://skds3.vcmedia.vn/2014/003-b60ab.jpg

Tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh lên tới 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Đây là đường lây nhiễm nguy hiểm nhất. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm virut viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mạn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.
Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B. Do đó, tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80 - 95%. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả. Tiêm vắc-xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt trong phòng lây truyền tử mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu. Do đó, sau khi sinh trẻ cần được tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh.
Tiêm vắc-xin viêm gan B là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ. Nếu không triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh thì hàng năm ước tính ở Việt nam có thêm khoảng 54.600 trẻ nhiễm virut viêm gan B mạn tính, sẽ là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng và khoảng 20-30% số trẻ này (tương đương 11.000-16.000 trẻ) sẽ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan sau này. Chi phí điều trị sẽ rất tốn kém, trong khi đó giá thành chi cho 1 liều vắc-xin chỉ là 8.300 đồng.

Dự án Tiêm chủng mở rộng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương



Theo suckhoedoisong.vn (http://citinews.net/Redirect.aspx?url=149121206)

songchungvoi_HIV
27-08-2014, 13:04
Hưng Yên: Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh còn thấp
27/8/2014 11:20
Theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh tại tỉnh Hưng Yên đạt thấp chỉ 9,3%. Cũng theo số liệu báo cáo của Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2014 tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tại các cơ sở y tế có phòng tiêm đạt 26,74%, thậm chí nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ tiêm đạt thấp dưới 10% như: Mỹ Hào 0%, Kim Động 1,98%, Khoái Châu 2,4%,….

Để nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc công văn số 5077/ BYT (http://citinews.net/kinh-doanh/30-mat-hang-sua-duoc-bo-sung-vao-danh-muc-binh-on-gia-BV2CIUQ/) - DP của Bộ Y tế về việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh và công văn số 1087/ VSDTTU (http://citinews.net/doi-song/trong-cho-vao-muoi----chong-sot-xuat-huyet-AE4BBNI/) - DT của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc tăng cường tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh. Đồng thời, gửi báo cáo kết quả công tác triển khai thực hiện về Sở Y tế, trong đó cần nêu rõ: công tác triển khai; bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tiêm; công tác tiếp nhận, bảo quản vắc xin; công tác sàng lọc trước tiêm và theo dõi sau tiêm; công tác truyền thông, tư vấn về lợi ích của tiêm chủng và những rủi ro có thể gặp phải để người dân yên tâm…

Hồng Thắm
Trung tâm TT - GDSK (http://citinews.net/doi-song/nguoi-y-sy-tam-huyet-GIBAQCI/)






Theo baohungyen.vn (http://citinews.net/Redirect.aspx?url=-119357854)