PDA

View Full Version : Mở tiệc ăn mừng vì con âm tính.



Tuanmecsedec
01-07-2013, 06:51
Mở tiệc ăn mừng vì con “âm tính”

Thứ Hai, 01/07/2013 13:26 (GMT+7)

GiadinhNet - Mỗi năm, cả nước có khoảng 5.000 trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trung bình từ 30-40%, tức là mỗi năm nước ta có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV.


<tbody>
http://giadinh.vcmedia.vn/yxopQCDfLrV6czI23bHBb6cxRUosRi/Image/2013/07/Copy-of-anh-HIV---so-gop-1fedf.jpg



Phụ nữ mang thai cần được hướng dẫn xét nghiệm HIV. Ảnh: TG


</tbody>


Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời, tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 5%.

Mười tám tháng dài như thế kỉ

Chị Trần Thị Mai (TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và chồng đều nhiễm HIV. Mặc dù gặp bệnh hiểm nghèo nhưng hai vợ chồng chị Mai đều khao khát có đứa con. Rồi niềm vui ập đến khi chị Mai có bầu, nhưng song hành với niềm hạnh phúc là nỗi lo sợ con cũng “dính”. Được các bác sĩ tư vấn, chị Mai đã tuân thủ chỉ định điều trị dự phòng. Bé Bi ra đời trong hy vọng mong manh của bố mẹ.

Mười tám tháng chờ đợi để làm xét nghiệm dài dằng dặc như hàng thế kỷ. Những lúc con ho, sốt, hai chữ “dương tính” lại ám ảnh giấc ngủ vốn chưa bao giờ tròn đêm từ ngày chị mang bầu. “Trời thương, ngày em cầm trên tay phiếu xét nghiệm con “âm tính”, bố mẹ hai bên, vợ chồng mừng trào nước mắt” – chị Mai nhớ lại. Chị Mai giữ tờ giấy xét nghiệm như một báu vật. “Con em được sinh ra một lần nữa, chị ạ!”, người mẹ trẻ xúc động nói.

Chị Mai là 1 trong 5 trường hợp bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm mẹ - con và con sinh ra đã có kết quả âm tính với HIV ở nhóm Hoa Hướng Dương, TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Theo các bác sĩ, nhiều bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV khi chưa được tư vấn thường sống trong tâm trạng tuyệt vọng. Vợ chồng chị Thuận (Đồ Sơn – Hải Phòng) cùng bị nhiễm HIV. “Sáu tháng đầu thai kỳ, em sống trong nỗi thất vọng, chán chường, lúc nào cũng suy nghĩ mình mang họa cho con”, chị Thuận nói. Nhưng rồi, được các bác sĩ tận tình động viên, chị Thuận đã chịu khó uống thuốc và tuân thủ những chỉ dẫn y tế. Thời gian đầu mới sinh con, dù rất muốn nhưng chị Thuận vẫn không cho con bú mà cho bé uống sữa ngoài. 18 tháng trôi qua, đến ngày bé đủ điều kiện đi làm xét nghiệm và nhận kết quả “âm tính”. “Biết tin, nhà em mở tiệc ăn mừng luôn chị ạ!”, Thuận sung sướng nói.

Cần tuân thủ chặt chẽ lời khuyên bác sĩ

TS Đỗ Duy Cường, Trưởng phòng Điều trị ngoại trú, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết: Khoa có 1.300 bệnh nhân HIV ngoại trú, với 30% là nữ, trong số đó có nhiều phụ nữ mang thai. Hầu hết con của bệnh nhân HIV đã sinh an toàn với kết quả âm tính. Đó là niềm vui của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như của các bác sĩ.

Cũng theo TS Cường, khi bệnh nhân tuân thủ những chỉ định của bác sĩ, tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất ít. Họ được can thiệp dự phòng kịp thời, tuân thủ các quy trình chăm sóc từ mẹ sang con như tham vấn, xét nghiệm, uống thuốc dự phòng và dùng sữa ngoài thay thế sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu cho đến việc theo dõi, điều trị cho trẻ sau sinh.

Theo tính toán của các chuyên gia, tại Việt Nam, nếu không có bất kỳ can thiệp nào nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỷ lệ lây truyền là từ 35 - 40%, tương ứng khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên, nếu được can thiệp kịp thời và toàn diện, con số này có thể giảm xuống dưới 5%, thậm chí dưới 2%. Có nghĩa là mỗi năm chúng ta có thể cứu được từ 1.800 - 1.900 cháu bé khỏi nhiễm HIV.

TS. Đỗ Duy Cường cho rằng, phụ nữ mang thai nhiễm HIV hoàn toàn có thể sinh ra trẻ không bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm hoặc điều trị dự phòng sớm; được sinh đẻ an toàn; con được điều trị dự phòng; được nuôi dưỡng an toàn. Vì thế, phụ nữ mang thai cần xác định tình trạng nhiễm HIV của mình trước khi có kế hoạch sinh đẻ để có các can thiệp dự phòng kịp thời, đầy đủ; cần xét nghiệm HIV sớm ngay trong lần khám thai đầu tiên. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần chủ động đến các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để được chăm sóc và điều trị phù hợp.


<tbody>

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần:

Tăng số bữa ăn hàng ngày; tăng chất để bảo đảm sự phát triển của mẹ và con.

Cần ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng trong một ngày: Nhóm bột đường (có trong cơm, bánh mì, bắp…); nhóm thức ăn giàu đạm (có trong thịt, cá, tôm, sữa, đậu); nhóm chất béo (có trong dầu ăn, bơ, đậu phộng…); nhóm vitamin và khoáng chất (có trong rau quả, trứng, sữa, trái cây…).

Ăn đủ 4 nhóm với lượng vừa phải, riêng rau quả có thể dùng nhiều.

Nên ăn nhiều lần trong ngày để hấp thu tốt (4 - 6 lần/ngày); không bỏ bữa, không ăn qua loa hoặc chỉ uống nước cho no.
Không nên hút thuốc lá, uống rượu.

Không nên uống thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc.

</tbody>


* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Thiện Ân – Trần Tươi
http://giadinh.net.vn/y-te/mo-tiec-an-mung-vi-con-am-tinh-20130701112814148.htm