PDA

View Full Version : Cho phép mang thai hộ: Nhân đạo nhưng còn nhiều băn khoăn



songchungvoi_HIV
22-08-2014, 17:43
Thứ sáu 22/08/2014 15:00
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều này mở ra một cánh cửa mới cho những cặp vợ chồng hiếm muộn mong muốn có con.

Một chính sách nhân đạo
Dạo qua những diễn đàn dành cho phụ nữ, chủ đề mang thai hộ được rất nhiều chị em quan tâm và chia sẻ. Xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của mình, thành viên hoacucxxx trên webtretho tâm sự: “Em đang trong một tình cảnh không còn lựa chọn. Em cần được làm mẹ, cần được có hạnh phúc. Em muốn tìm người mang thai hộ, nhưng cần phải làm gì cho an toàn cho con em sau này, khi tìm được rồi thì phải làm gì để đảm bảo con em sẽ được ra đời mạnh khỏe (em đã có phôi trữ lạnh, nhưng lại không thể chuyển được vì tạm thời không còn khả năng), mong các chị hãy cho em lời khuyên và lời hướng dẫn tốt nhất để em có thể làm mẹ, được cười và được khóc với con…”.

<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/tranthitiep/2014_08_21/mth.jpg


Ảnh minh hoạ

</tbody>
Còn đối với thành viên có nickname lunchxxx, bẩm sinh không có tử cung nên ngoài việc được mang thai hộ ra, thành viên này xem như vô vọng trong việc có em bé. Ra nước ngoài thì lunchxxx không có đủ khả năng về mặt tài chính.
Việc chính thức cho phép mang thai hộ sẽ mở ra cánh cửa mới cho 2 phụ nữ trên cũng như nhiều cặp vợ chồng khác có cơ hội có con của mình.
Theo Bộ Y tế, mang thai hộ có ý nghĩa rất lớn đối với những cặp vợ chồng có nhu cầu có con một cách chính đáng mà khả năng của họ không thể mang thai được.
Ví dụ, người vợ vì lý do bệnh tật phải cắt bỏ tử cung hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai, nhưng 2 buồng trứng vẫn bình thường, người chồng có tinh trùng khỏe. Trường hợp này, hai vợ chồng chỉ có thể có con bằng di truyền của chính họ thông qua kỹ thuật mang thai hộ.
Lợi ích khác từ phía các bác sỹ trong một số trường hợp cấp cứu, như trường hợp sản phụ đẻ bị băng huyết, hoặc vỡ tử cung, hoặc bị rau tiền đạo... cần phải cắt ngay tử cung để cứu người mẹ. Tuy nhiên, trước đó do nước ta chưa cho phép mang thai hộ nên các bác sĩ phải đắn đo khi cắt bỏ tử cung của người mẹ. Nếu không cắt ngay trong những trường hợp này, sản phụ sẽ bị mất nhiều máu, dẫn tới tử vong. Còn nếu cắt bỏ tử cung thì người mẹ đó sẽ không thể sinh thêm con.
Vì thế, việc cho phép mang thai hộ trong những trường hợp này rất cần thiết, mang tính nhân văn, nhân đạo. Đó là giúp các bác sỹ có thể quyết định nhanh hơn để đảm bảo tính mạng của người mẹ (trong trường hợp người nhà sản phụ cũng sẵn sàng để bác sỹ cắt bỏ tử cung, cứu sản phụ), đồng thời cũng tạo cơ hội để gia đình đó tiếp tục có thêm con một cách chính đáng.
2 phương án về cơ sở thực hiện mang thai hộ
Tại dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ, Bộ Y tế đã đề xuất 2 phương án quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ.
Phương án 1, tùy từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Y tế lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để quyết định cho phép thực hiện mang thai hộ. Hiện Bộ Y tế dự kiến 3 cơ sở đại diện 3 khu vực Bắc – Trung – Nam là: Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế.
Lý giải đề xuất trên, Bộ Y tế cho biết, do vấn đề mang thai hộ là vấn đề mới lại rất phức tạp và nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người: đứa trẻ, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, liên quan trực tiếp đến số phận của đứa trẻ được sinh ra, có thể có các hệ lụy về sau đối với các bên liên quan, ảnh hưởng về mặt huyết thống, quan hệ, tình cảm. Mặt khác, nhu cầu mang thai hộ không nhiều so với nhu cầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Do vậy, chỉ cho phép một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước mang tính đại diện khu vực thực hiện để tránh tình trạng thực hiện mang thai hộ tràn lan, biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Việc cho phép 3 cơ sở thực hiện mang thai hộ mang tính thí điểm trong giai đoạn đầu để cơ quan quản lý có thể tổng kết, rút kinh nghiệm và quản lý tốt hơn vấn đề này.
Phương án 2, Bộ Y tế đề xuất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Bộ Y tế cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện mang thai hộ: Xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện mang thai hộ. Trường hợp nghi ngờ có thể yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan hoặc phỏng vấn trực tiếp. Bên cạnh đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện mang thai hộ phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý và chuyên môn, kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Cho phép mang thai hộ là một chính sách nhân đạo của nhà nước, tuy nhiên quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi quá chặt chẽ khiến dư luận băn khoăn.
Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi quy định bắt buộc người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ 1 lần. Điều này sẽ gây khó khăn cho những cặp vợ chồng là con một; không có chị em gái.
Với thực tiễn dân số đang mất cân bằng giới tính khi sinh, xu hướng giảm sinh đã, đang diễn ra mạnh mẽ ở một số vùng miền trong mấy năm gần đây. Số lượng gia đình sinh con trai một bề, sinh con một sẽ chiếm một bộ phận dân số không nhỏ. Điều đó cũng có nghĩa quy định“người thân thích cùng hàng” để thực hiện việc mang thai hộ sẽ gây khó cho dân.
Quy định “chỉ được mang thai hộ 1 lần”, nếu trong quá trình mang thai hộ xảy ra tai biến sản khoa, thai bị hỏng, người mang thai hộ sẽ không được thực hiện việc mang thai lần thứ hai. Như vậy, kết quả mong muốn cuối cùng của hai bên vẫn không thể đạt được.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ việc lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ theo phương án của Bộ Y tế đưa ra cũng chưa thật hợp lý và… tiện cho dân. Lý do nhu cầu thực hiện việc mang thai hộ hiện nay chưa nhiều nhưng không thể đảm bảo rằng nó không tăng lên khi mà tình trạng trẻ hóa vô sinh đang gia tăng mạnh. Nếu lựa chọn phương án thứ nhất chỉ cho phép 3 bệnh viện đầu ngành thực hiện, người dân sẽ phải tốn kém thời gian, chi phí để đi lại. Đặc biệt với bộ phận người nhờ/nhận mang thai hộ thuộc đối tượng khó khăn.
Luật đang mở ra cơ hội nhân đạo “bình đẳng” đối với mỗi người dân. Nhưng nếu theo quy định từ dự thảo thì chỉ có bộ phận có kinh tế mới có cơ hội đó. Như vậy, xét theo phương diện “tiện cho dân” thì phương án hai là các cơ sở khám, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật trong ống nghiệm nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận hơn.
Chính vì vậy, khi Luật đã được ban hành, rất cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể để những gia đình hiếm muộn có thể “hưởng lợi” từ chính sách nhân đạo này.


Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Tương tự điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai. Đồng thời vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Người nhờ mang thai phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường.
Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Nhật ThyTổng hợp
http://tiengchuong.vn/Tin-tuc-su-kien/Cho-phep-mang-thai-ho-Nhan-dao-nhung-con-nhieu-ban-khoan/11090.vgp

songchungvoi_HIV
23-08-2014, 11:50
Cho phép mang thai hộ: Không để biến tướng

Thứ bảy 23/08/2014 08:00
“Việc cho phép mang thai hộ là một quan điểm tiên tiến, không chỉ về xây dựng luật mà cả về phương diện thực tiễn gia đình, xã hội”, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội, Chủ nhiệm Bộ môn Xã hội học Giới và Gia đình, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) đánh giá việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Thỏa mãn khát vọng làm mẹ, làm cha
Theo PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, Luật Hôn nhân và Gia đình sử đổi mới được Quốc hội thông qua đã điều chỉnh một số điều luật theo hướng tiến bộ hơn (trong đó có vấn đề mang thai hộ), phản ánh thực tiễn khách quan vấn đề gia đình Việt Nam hiện nay, thể hiện xu hướng hòa nhập quốc tế trong vấn đề hôn nhân gia đình.
<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/tranthitiep/2014_08_22/gsthinh.jpg


PGS.TS Hoàng Bá Thịnh. Ảnh Nhật Thy

</tbody>
Là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về giới, hôn nhân và gia đình, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh cho biết, mang thai hộ xuất phát trên cơ sở thực tiễn hiện nay là vấn đề vô sinh trong nhóm những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang có xu hướng tăng. Hiện tượng vô sinh có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là vô sinh do tự nhiên, môi trường sống không tốt, điều kiện lao động độc hại nguy hiểm, thứ hai do hành vi lối sống như nghiện bia rượu, nghiện ma túy, mắc bệnh lây nhiễm đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn, biến chứng do nạo hút thai…

khiến cho tỷ lệ vô sinh tăng.Khác với phương Tây, tại Việt Nam, các cặp vợ chồng khi xây dựng gia đình luôn mong muốn có con. Việc cho phép mang thai hộ giúp cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có thể thỏa mãn khát vọng làm mẹ, làm cha.Đánh giá cao tính nhân văn của việc cho phép mang thai hộ, tuy nhiên, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh cũng bày tỏ băn khoăn khi việc mang thai hộ sẽ bị thương mại hóa nếu quản lý xã hội không tốt.

Một số nhóm người sẽ lợi dụng khát vọng có con của một số cặp vợ chồng để kinh doanh.“Nếu kiểm soát không tốt, sẽ có một số nam giới lợi dụng để có con với những người phụ nữ khác trên danh nghĩa mang thai hộ”, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh cảnh báo.Tiếp đến là việc giải quyết mối quan hệ tình cảm giữa người mang thai hộ với đứa con mình đẻ ra rồi trả lại cho gia đình người nhờ mang thai như thế nào. Luật đã quy định rõ ràng, tuy nhiên người Việt Nam về mặt đạo lý tình cảm thường rất khó giải quyết. Liệu rằng những người phụ nữ mang thai hộ có thể quên được không sau 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau? Rồi đứa con sau này có nên biết việc nó được sinh ra như thế nào hay không?

Liệu có xảy ra chanh trấp liên quan đến sinh con nhờ mang thai hộ? Để giải quyết vấn đề cả về mặt tình cảm và pháp lý, cả bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai cần được tư vấn tâm lý và tư vấn luật trước và sau khi thực hiện “công việc” nhân đạo này.Cũng cần nói thêm, việc thực hiện chính sách thai sản đối với người mang thai hộ, luật chỉ áp dụng đối với những trường hợp làm công ăn lương. Còn với đa số những người làm việc ở lĩnh vực kinh tế phi chính thức, chính sách thai sản này khó vận dụng.

Không nên kỳ vọng Luật có thể giải quyết mọi vấn đề

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, người mang thai hộ là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và "chỉ được mang thai hộ một lần". Điều này khiến dư luận băn khoăn là cánh cửa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chưa thật sự mở rộng đối với những gia đình hiếm muộn vì nhiều gia đình, vợ chồng là con một, họ hàng 2 bên hiếm con gái; rủi ro thai sản…Về vấn đề này, theo PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, định nghĩa mang "chỉ được mang thai hộ một lần" cần được hiểu thấu đáo. Mang thai hộ một lần không có nghĩa là sinh được con ngay lần mang thai đó, vì có thể có những rủi ro trong quá trình thai nghén.

Nghị định hướng dẫn phải chỉ rõ việc mang thai hộ một lần là giúp cho người nhờ mang thai sinh được một con, còn việc một lần mang thai mà phải kết thúc thai nghén bất thường (phát hiện dị tật của bào thai, sảy thai, thai chết lưu..) là chưa đạt được mục đích cho người nhờ mang thai hộ.Bên cạnh đó, việc nhờ mang thai hộ sẽ là thách thức với những gia đình không có chị em gái, hoặc có nhưng hết độ tuổi sinh đẻ.

Nếu cứ quy định người mang thai hộ phải là những người trong dòng họ, thì Luật không đáp ứng được mục tiêu của những gia đình trên. Tuy nhiên, nếu có quy định riêng về những trường hợp như vậy, thì sẽ mở ra cánh cửa cho nhiều người lợi dụng “lách luật”, hình thành thị trường mang thai hộ khó kiểm soát.“Luật đúng nhưng không có luật nào đủ. Luật do con người xây dựng nên và kiến thức của con người có giới hạn, khi những chuyên gia khi xây dựng luật tại thời điểm này họ nhận thức vấn đề như thế, không thể hình dung hết trong thực tiễn những gì có thể xảy ra, nên luật chỉ có thể đáp ứng phần lớn những gì trong cuộc sống đang diễn ra mà luật có thể giải quyết được.

Những vấn đề khác, nếu có sẽ tiếp tục được giải quyết sau một thời gian luật được triển khai, bộc lộ ra những mặt được và chưa được cần khắc phục, khi đó chúng ta có thể bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện thêm luật bằng điều luật sửa đổi hoặc ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.

Đó là đặc điểm trong xây dựng văn bản luật. Có những bộ luật tồn tại trường tồn nhưng cũng có những bộ luật thay đổi sau một số năm hoặc vài thập kỷ. Chúng ta không nên kỳ vọng một luật có thể giải quyết được mọi vấn đề”, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh nói.

Để luật đi vào đời sống một cách đúng hướng

Dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ, Bộ Y tế đưa ra hai phương án về cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ:

Thứ nhất: Chỉ có 3 cơ sở là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế được thực hiện kỹ thuật này.

Thứ hai: là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.Theo PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, phương án thứ hai là phương án tối ưu.

Thực hiện mang thai hộ ở 3 bệnh viện lớn có ưu điểm là đội ngũ chuyên gia tốt, nhiều kinh nghiệm, đã có nhiều ca thành công, nhưng tốn kém chi phí do người dân phải đi lại xa, chờ đợi lâu. Nhiều người hiếm muộn mong muốn có con nhưng không khá giả gì. Nên áp dụng việc mang thai hộ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để giảm chi phí, thời gian, công sức và nhân lực cho các gia đình ở các địa phương xa 3 Trung tâm, đỡ lãng phí cho xã hội.

Để việc mang thai hộ thực sự đảm bảo tính nhân đạo và phù hợp với pháp luật, xã hội Việt Nam, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục phải đi đầu. Phải tuyên truyền cho mọi người thấy luật đúng và nhân văn, sao cho những cán bộ thuộc các ngành chức năng có liên quan hiểu rõ để hoàn thành tốt công việc, cho những cặp vợ chồng hiểu đúng quyền và nghĩa vụ để tuân thủ, không vi phạm pháp luật, lách luật.

Đồng thời, cần nghiêm khắc trừng phạt, cho dù là người mong muốn có con, người mang thai hộ hay cán bộ tiếp tay cho việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Chỉ có như vậy, luật mới đi vào đời sống một cách đúng hướng.
Nhật Thy
http://tiengchuong.vn/Trao-doi-gop-y/Cho-phep-mang-thai-ho-Khong-de-bien-tuong/11091.vgp

songchungvoi_HIV
30-08-2014, 12:37
Mang thai hộ: Nhân văn, nhân đạo nếu làm đúng Luật

Thứ bảy 30/08/2014 10:00
Mang thai hộ chính thức đi vào luật, tuy nhiên vấn đề này vẫn nhận không ít băn khoăn về những hậu quả khôn lường nếu không được quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ.

Trao đổi với Trang tin điện tử Tiếng Chuông về vấn này, Bác sỹ-Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã đưa ra định hướng rất rõ ràng, theo đó việc mang thai hộ phải đáp ứng những điều kiện cơ bản nhất định và phải được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, nếu thực hiện đúng luật, sẽ đảm bảo được tính nhân văn, nhân đạo của việc mang thai hộ.
<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/tranthitiep/2014_08_26/mstram.jpg


Bác sỹ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm. Ảnh: Nhật Thy

</tbody>
Theo BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm, nếu Luật không quy định cho phép mang thai hộ thì tình trạng mang thai hộ, “đẻ thuê” vẫn diễn ra dưới dạng “chui”. Việc mang thai hộ không được pháp luật điều chỉnh, nhiều hệ luỵ sẽ xảy ra giữa các bên khi có phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, một số đối tượng sẽ lợi dụng tình trạng hiếm muộn, niềm khao khát có một đứa con của các cặp vợ chồng để làm kinh doanh, thương mại. Quy định chỉ có những người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc chồng mới được phép mang thai hộ sẽ giải quyết được tình trạng thương mại hóa hành động vốn rất nhân văn này.Bên cạnh đó, theo Luật, đối tượng mang thai hộ cần phải đảm bảo các yêu cầu khác liên quan đến sức khỏe sinh sản như độ tuổi, đã từng sinh con, đã được tư vấn về tâm lý. Đồng thời, nếu là người đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. BS.LG Trịnh Thị Lê Trâm cho rằng, những quy định trên sẽ hạn chế tối đa những hậu quả không tốt phát sinh từ quá trình mang thai hộ đối với người được nhờ.Về những băn khoăn trước việc giải quyết mối quan hệ tình cảm giữa người mang thai hộ với đứa con mình đẻ ra rồi trả lại cho gia đình người nhờ mang thai, theo BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm, khi hai bên đã thoả thuận bằng văn bản, người mang thai hộ chấp nhận giúp vì mục đích nhân đạo thì vấn đề này không khó giải quyết. “Những người mang thai hộ đã từng làm mẹ, lại là người thân, họ hàng trong gia đình nên họ thấu hiểu mong muốn có con của những cặp vợ chồng vô sinh. Đó chính là tính nhân văn của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.”, BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm nói.Về cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ, theo BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đều có thể thực hiện việc mang thai hộ. Tuy nhiên, để “đạt” được những trường hợp mang thai hộ theo đúng pháp luật, ngoài yếu tố kỹ thuật, phải phụ thuộc nhiều yếu tố khác như việc tư vấn về pháp luật, xã hội, vấn đề quản lý…Theo BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm, việc chọn cơ sở thực hiện mang thai hộ nên theo hướng mở hơn. Nên bổ sung một số điều kiện khác như điều kiện về tư vấn, quản lý, công nghệ thông tin… để các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có thể thực hiện việc mang thai hộ.“Như vậy là đúng với mục đích nhân đạo. Vì nếu chỉ có ba cơ sở ở ba vùng miền thì rất khó cho người dân phải chi phí tốn kém cho việc đi lại, ăn ở, thời gian chờ đợi…. Không những không đảm bảo bình đẳng giữa các cơ sở y tế mà còn gây quá tải cho chính cơ sở thực hiện.”, BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm nói.Cuối cùng, BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm cho rằng, nếu những bên liên quan thực hiện theo đúng luật, công khai, minh bạch, những đứa trẻ được sinh ra từ mang thai hộ sẽ đúng nghĩa là nhân đạo. Để Luật sớm đi vào đời sống, các cơ quan có liên quan cần ban hành sớm các văn bản dưới Luật để hướng dẫn cụ thể vấn đề này nhằm tăng cường ý nghĩa nhân văn của mang thai hộ trong thực tiễn thực thi Luật.

Điều 95, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi quy định, mang thai hộ chỉ được đặt ra đối với những cặp vợ chồng không có con chung, phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ phải xuất phát trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của mỗi bên và bắt buộc phải lập thành văn bản.Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cũng có các điều khoản để giải quyết những rắc rối phát sinh về vấn đề mang thai hộ. Trong đó đáng chú ý có việc sinh con do mang thai hộ sẽ không tính vào số con của người mang thai hộ. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án buộc họ nhận con.
Nhật Thy
http://tiengchuong.vn/Trao-doi-gop-y/Mang-thai-ho-Nhan-van-nhan-dao-neu-lam-dung-Luat/11137.vgp

songchungvoi_HIV
15-10-2014, 12:03
Mang thai hộ là phương án cuối giúp vợ chồng hiếm muộn có con14-10-2014 20:18Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng đối với các trường hợp cặp vợ chồng hiếm muộn, không thể có con, quan điểm của ngành y tế là phải cố gắng hết sức, chỉ khi nào không thể nào chữa trị giúp có con ngay trên chính cơ thể người mẹ thì mới nghĩ đến phương án mang thai hộ.
http://baoangiang.com.vn/getattachment/a103cc03-0581-4734-bf1e-1b86751bc227/ttxvn-141014tre-1.jpg.aspx

Ông Nguyễn Viết Tiến (http://citinews.net/doi-song/bo-me-dung-an-han-muon--khi-con-yeu-som-PCDWYMY/) đưa ra ý kiến trên tại một hội thảo diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh (http://citinews.net/xa-hoi/chu-tich-nuoc-tiep-xuc-cu-tri-quan-1-va-quan-3-cua-tp-ho-chi-minh-ILJZUMI/) với sự góp mặt của một số cơ sở khám chữa bệnh góp ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.



Dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ được Bộ Y tế trình Chính phủ trong kỳ họp vào cuối tháng 10 tới.


Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 25 điều, quy định điều kiện cho và nhận tinh trùng, noãn, phôi; điều kiện cho phép cơ sở được thực hiện các kỹ thuật nói trên; quy định về việc lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi. Nghị định mới này sẽ thay thế Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học để phù hợp hơn với điều kiện, tình hình mới hiện nay.



Vấn đề thu hút nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội thảo lần này là quy định cơ sở y tế nào được thực hiện việc mang thai hộ. Ban soạn thảo Nghị định đưa ra hai phương án. Một là chỉ quy định cho ba bệnh viện lớn của cả nước thực hiện (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Thành phố Hồ Chí Minh) và sau đó có thể mở rộng ra một số nơi khác; phương án thứ hai là cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ được thực hiện ở các cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.



Một số ý kiến của các bệnh viện cho rằng, nếu chỉ cho phép ba bệnh viện trên thực hiện thì sẽ gây khó khăn cho người bệnh vì phải tốn kém khi di chuyển đến nơi điều trị. Do đó, chỉ nên để cho ba nơi này thực hiện việc quản lý mang thai hộ, còn kỹ thuật thực hiện thì để cho những cơ sở y tế khác tham gia, vì đây không phải là kỹ thuật quá khó khăn.

Trả lời các ý kiến liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, do đây là lần đầu tiên vấn đề mang thai hộ được đưa vào văn bản luật nên việc giới hạn cho ba bệnh viện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ một mặt giúp ngành y tế quản lý tốt vấn đề này cũng như tránh tình trạng mang thai hộ tràn lan, biến tướng.




Tại hội thảo, một số ý kiến băn khoăn về một số quy định mới như việc không giới hạn độ tuổi tối đa của người nhận tinh trùng, noãn, phôi; quy định hủy hoặc hiến tặng phôi dư cho khoa học sau khi sinh con thành công; việc xử lý tinh trùng, noãn, phôi như thế nào nếu trường hợp vợ chồng ly hôn hoặc một trong hai người mất đi; thực hiện việc cho và nhận tinh trùng đối với các trường hợp cặp vợ chồng bị nhiễm HIV mong muốn có con; vấn đề bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.


Theo TTXVN (http://citinews.net/xa-hoi/chu-tich-nuoc-tiep-xuc-cu-tri-quan-1-va-quan-3-cua-tp-ho-chi-minh-ILJZUMI/)

Charles
18-10-2014, 20:23
Chỉ cho phép ba bệnh viện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ

<time datetime="2014-10-18T10:02Z">Thứ bảy, 18/10/2014 - 10:02</time>
(SK Online) - Bộ Y tế lựa chọn phương án cho phép thực hiện mang thai hộ tại 3 bệnh viện gồm Phụ sản Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế và BV Từ Dũ như cởi “nút thắt” cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh.

Mai Khôi

<aside class="aside"></aside>
http://songkhoeonline.vn/get_img?ImageWidth=600&ImageHeight=400&ImageId=22648
Bộ Y tế lựa chọn phương án cho phép thực hiện mang thai hộ tại 3 bệnh viện


Thông tin trên được đưa ra trong buổi Hội thảo góp ý về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ diễn ra ngày 14-10 tại TP.HCM.

Trong buổi hội thảo, một số ý kiến từ các cơ sở điều trị băn khoăn về một số quy định mới như việc không giới hạn độ tuổi tối đa của người cho và nhận tinh trùng, noãn; phôi; quy định hủy hoặc hiến tặng phôi dư cho khoa học sau khi sinh con thành công, việc xử lý tinh trùng, noãn, phôi như thế nào nếu trường hợp vợ chồng li hôn hoặc một trong hai người mất đi...

TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: quy định vậy để khống chế tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi, hoặc đẻ thuê. Bên cạnh đó, quy định trên cũng loại bỏ tình trạng mẹ đẻ giùm cho con gái, bà đẻ giùm cháu (gây những phức tạp về sau cho số phận đứa trẻ).

Một số bệnh viện cho rằng nếu chỉ cho phép ba bệnh viện thực hiện thì sẽ gây khó khăn cho người bệnh vì phải tốn kém để đi đến nơi điều trị; nên để cho ba nơi này quản lý việc mang thai hộ, còn kỹ thuật thực hiện thì để cho những cơ sở y tế khác thực hiện vì đây không phải là kỹ thuật quá khó khăn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng việc giới hạn cho ba bệnh viện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là muốn thận trọng hơn, vì đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép kỹ thuật này.

http://songkhoeonline.vn/vn/sko/tieudiem/8692/chi-cho-phep-ba-benh-vien-thuc-hien-ky-thuat-mang-thai-ho-songkhoeonline-chi-3-benh-vien-thuc-hien-ky-thuat-mang-thai-ho.htm

Charles
25-03-2015, 19:02
Chi phí mang thai hộ tại BV Từ Dũ

Thứ ba, 24/03/2015 22:26

Câu hỏi :

Chào AloBacsi,

Vợ chồng tôi bị vô sinh thứ phát nên hiện tại chưa thể có em bé. Theo tôi biết, vừa qua, Việt Nam chính thức cho mang thai hộ. Tôi cũng đang cố gắng tìm người thân trong họ hàng để nhờ mang thai hộ. Xin cho tôi hỏi: chi phí mang thai hộ ở BV Từ Dũ là khoảng bao nhiêu? Hồ sơ đề nghị thực hiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm những loại giấy tờ gì? Kính mong AloBacsi giúp đỡ. Xin cảm ơn rất nhiều. (Hiền Thanh - TPHCM)

AloBacsi trả lời:

Chào bạn,

Hiện tại, BV Từ Dũ là một trong ba cơ sở y tế có có đủ điều kiện về mang thai hộ trên cả nước (BV Phụ sản trung ương, BVĐK trung ương Huế, BV Phụ sản Từ Dũ TPHCM). Chi phí cho việc thực hiện một trường hợp mang thai hộ tại BV Từ Dũ khoảng 40 - 60 triệu đồng.


http://cdn.ringring.vn/resize/image/0/0/510/522382.jpg?w=640&h=10000&v=1


Hồ sơ đề nghị thực hiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm những loại giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo ''Mẫu số 04'' ban hành kèm theo Nghị định này.

- Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo ''Mẫu số 05'' ban hành kèm theo Nghị định này.

- Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào.

- Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận.

- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và từng sinh con.

- Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này.

- Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.

- Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sĩ sản khoa.

- Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên.

- Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý.

- Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.

Mong thông tin trên đây sẽ giúp ích được cho bạn,

Chúc vợ chồng bạn sẽ được như ý.





http://alobacsi.com

songchungvoi_HIV
31-03-2015, 14:45
Không để biến tướng, thương mại hóa

Ngày cập nhật 31/03/2015 06:13
(TTH) - Ngày 15/3, Nghị định số 10/2015/ NĐ – CP của Chính phủ về việc mang thai hộ có hiệu lực. Nghị định cho phép 3 cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW) và Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh. GS.TS Bác sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc BVTW Huế cho biết, đơn vị đang nhận hồ sơ để triển khai vấn đề này.Áp dụng cho 3 nhóm nguyên nhân chính không thể mang thai

Theo bác sĩ Lê Việt Hùng, Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản BVTW Huế kỹ thuật mang thai hộ là noãn của người vợ (không thể mang thai vì lý do sức khỏe, bất thường tử cung) và tinh trùng của người chồng sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm để tạo thành phôi; phôi được chuyển vào buồng tử cung một phụ nữ khác (người mang thai hộ). Quá trình thai nghén diễn ra bình thường, phụ nữ này sẽ mang thai và sinh một em bé có đặc điểm di truyền hoàn toàn thuộc về cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Trước đây, phương pháp mang thai hộ được thực hiện thành công tại Bệnh viện Từ Dũ với sự cho phép đặc biệt của Bộ Y tế.

http://www.baothuathienhue.vn/UploadFiles/TinTuc/2015/3/30/image/thai.jpg

<tbody>




Thực hiện thụ tinh ống nghiệm ở Bệnh viện Trung ương Huế


</tbody>


Từ năm 2003, kỹ thuật mang thai hộ không cho phép thực hiện ở Việt Nam theo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó đến nay, các cặp vợ chồng có chỉ định y khoa để thực hiện mang thai hộ phải ra nước ngoài điều trị, nếu có đủ điều kiện, hoặc chấp nhận không thể có con vĩnh viễn. Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 cho phép trở lại việc thực hiện mang thai hộ ở Việt Nam là một quyết định nhân văn, mở ra nhiều cơ hội và hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng. Tuy vậy, nhiều người có nhu cầu mang thai hộ vẫn băn khoăn: Mang thai hộ sẽ được thực hiện với những trường hợp nào? Quy trình được tiến hành ra sao?


Bác sĩ Lê Việt Hùng giải thích: “Kỹ thuật mang thai hộ được áp dụng cho 3 nhóm nguyên nhân chính không thể mang thai: Người vợ không có tử cung do dị dạng bẩm sinh hoặc đã bị cắt tử cung do bệnh lý tử cung, do tai biến sản khoa. Người vợ có tử cung nhưng bị dị dạng nặng hoặc bệnh lý nặng không thể mang thai. Người vợ bị những bệnh nội khoa nặng khi mang thai sẽ nguy hiểm tính mạng. Trường hợp sẩy thai nhiều lần hay thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần do nguyên nhân liên quan đến tử cung hoặc nội mạc tử cung”.


Quy trình mang thai hộ chỉ có thể được thực hiện thông qua kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Người vợ trong cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ mang thai hộ sẽ được kích thích buồng trứng, theo dõi và chọc hút noãn. Noãn sẽ được thụ tinh với tinh trùng người chồng để tạo phôi. Phôi có thể được chuyển ngay vào tử cung người mang thai hộ đã được chuẩn bị bằng nội tiết hoặc phôi sẽ được đông lạnh và sẽ được rã đông và cấy vào tử cung người nhận mang thai hộ vào thời điểm thích hợp. Người chồng trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải đảm bảo có đủ tinh trùng để TTTON và người vợ phải có dự trữ buồng trứng đủ để cho việc thực hiện TTTON.



Không để biến tướng, thương mại hóa



BVTW Huế đã nhận hồ sơ của 6 cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và có nhiều trường hợp mang thai hộ khác đang chờ làm hồ sơ. Sau khi có thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiến hành thực hiện ngay những trường hợp đầu tiên. Trước mắt, chi phí thực hiện kỹ thuật cho mỗi trường hợp mang thai hộ được tính như chi phí mỗi trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm.


Liệu việc mang thai hộ có biến tướng hoặc thương mại hóa? Giám đốc Bùi Đức Phú cho biết, Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” được giải thích là việc một phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đứa trẻ sinh ra được trao lại cho bố mẹ sinh hoặc cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, kể từ thời điểm con được sinh ra.


Nghị định Chính phủ quy định chặt chẽ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong đó quy định rõ các điều kiện của các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Người mang thai hộ là người thân thích, cùng thế hệ của bên vợ hoặc bên chồng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ với nhiều quy định chặt chẽ khác về các lĩnh vực y tế, tâm lý, pháp lý.


Về việc triển khai bước đầu kỹ thuật mang thai hộ, BVTW Huế sẽ bám sát các điều khoản của Nghị định Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế quy định về sinh con bằng kỹ thuật TTTON và mang thai hộ. Giám đốc Bệnh viện thành lập đơn vị điều phối để rà soát tính pháp lý của các hồ sơ mang thai hộ; thành lập hội đồng chuyên môn của bệnh viện để tư vấn về y tế và tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ; đồng thời, quyết định kỹ thuật TTTON; phối hợp với các trung tâm tư vấn về pháp luật để tư vấn về pháp luật; báo cáo Bộ Y tế các trường hợp mang thai hộ có đủ điều kiện để tiến hành kỹ thuật. Tất cả việc làm này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cặp vợ chồng vô sinh cần sinh con qua kỹ thuật mang thai hộ có được đứa con của chính mình, đảm bảo tính nhân đạo của phương pháp mang thai hộ và tránh hiện tượng thương mại hóa và các hệ quả xấu về sau.




Bài, ảnh: Đinh Hoàng Xuân Hồng
http://www.baothuathienhue.vn/

songchungvoi_HIV
31-03-2015, 16:42
Mang thai hộ ở TPHCM: Chờ thông tư hướng dẫnThứ ba, 31/03/2015 15:48
BV Từ Dũ đã thành lập hội đồng khoa học để thẩm định các hồ sơ liên quan đến mang thai hộ sắp tới cũng như quy trình cơ bản để thực hiện các bước mang thai hộ.
Sáng 31/3, GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc hội thảo phổ biến nghị định số 10/2015 ngày 28/1/2015 của chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.



http://images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2015/3/31/Mang-thai-ho-o-TP-HCM-Cho-thong-tu-huong-dan-3.jpgTrẻ sơ sinh được chăm sóc trong BV Từ Dũ



Hội thảo cũng lấy ý kiến của các chuyên gia y tế thuộc 22 đơn vị được Bộ Y tế công nhận đủ khả năng thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để từ đó hoàn thiện thông tư hướng dẫn về việc thực hiện nghị định sẽ ban hành trong thời gian tới.


Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ - đơn vị phía Nam duy nhất được triển khai hỗ trợ sinh sản qua mang thai hộ, hiện BV đã thành lập được hội đồng khoa học để thẩm định các hồ sơ liên quan đến mang thai hộ sắp tới cũng như quy trình cơ bản để thực hiện các bước mang thai hộ. BV hiện vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn được ban hành để tiến hành thực hiện cho người dân.


Ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ phó Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư Pháp) cho rằng để mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện đúng, cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương trong việc xác định mối quan hệ họ hàng của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, cũng như có mẫu hợp đồng thống nhất và điều kiện giao dịch chung giữa các đơn vị thực hiện kỹ thuật.
Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), cho biết đơn vị này sẽ gấp rút soạn thảo và ban hành thông tư hướng dẫn trong thời gian ngắn nhất để các đơn vị đủ điều kiện có thể triển khai việc mang thai hộ.

Theo A. Thư - Người lao động

songchungvoi_HIV
31-03-2015, 16:45
Nộp hàng trăm hồ sơ mang thai hộ, thông qua chưa được 10Thứ ba, 31/03/2015 14:31
Trung tâm hỗ trợ sinh sản BV Phụ sản trung ương lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc. Những người đến đây hầu hết đều chung nỗi niềm hiếm muộn.
<tbody style="font-size: 12pt;">
http://images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2015/3/31/Nop-hang-tram-ho-so-mang-thai-ho-thong-qua-chua-duoc-10-1.jpg


Đến nay mới có khoảng 10 hồ sơ mang thai hộ được thông qua - Ảnh minh họa

</tbody>

Xen lẫn những ánh nhìn lạc quan, hi vọng có cả nỗi buồn chán chường, thất vọng của những người hàng chục năm trên chặng đường tìm kiếm con mà không thành...


Không dễ tìm người theo đúng luật


Đang chờ kết quả xét nghiệm máu, chị N.T.T.H. (44 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể chị đã có một con trai 15 tuổi.


Khi con trai được 3 tuổi, vợ chồng chị H. đã tính đến chuyện sinh thêm con nhưng những lần sau này đều bị sảy. Sau đó có hai năm vợ chồng chị cố gắng nhưng không đậu thai, đi khám thì được biết chị H. bị tắc một bên vòi trứng.


Bắt đầu từ năm 2007, chị H. thử các phương pháp hỗ trợ sinh sản, thế nhưng lần nào cũng là “điệp khúc” sảy thai hoặc thai chết lưu.


Rơm rớm nước mắt, chị H. kể tiếp gần đây nhất là vào năm 2012, chị H. làm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được bảy phôi, lần đầu cấy được ba phôi khỏe mạnh, sau khi giảm thiểu còn hai phôi thành hai thai song sinh nhưng một thai sau đó bị chết lưu, thai còn lại chưa đầy bảy tháng cũng mất...


Còn bốn phôi chị H. tính làm luôn nhưng vì sợ “sảy quen dạ”, tuổi cao, khả năng thành công sẽ không cao.


Đến nay, vợ chồng chị H. vừa mừng rỡ khi Luật mang thai hộ đã được thông qua nhưng lại “chưng hửng” vì không thể tìm được người có đủ tiêu chí mang thai hộ.


Cũng tương tự chị H., chị N.T.T. (Đà Lạt, Lâm Đồng) kể vợ chồng chị bị vô sinh không rõ nguyên nhân. Mười năm nay vợ chồng chị chạy chữa khắp nơi, từ Nam ra Bắc, trong đó có 3 - 4 lần thụ tinh ống nghiệm, gần đây nhất có đậu được bốn phôi, lần mang thai đầu cấy được hai phôi nhưng trong lúc mang thai lại bị sảy.


Lần này vợ chồng chị tiếp tục cấy phôi, thế nhưng lại lo ngại khả năng thành công không cao nên rất muốn tìm người mang thai hộ... Tuy nhiên suốt cả tháng trời anh chị không tìm được người đạt yêu cầu theo đúng luật.


Mỗi người cần 4 - 5 loại giấy tờ


Theo ông Nguyễn Viết Tiến - thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, chỉ sau nửa tháng quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính thức có hiệu lực thực thi (từ ngày 15/3), số người nộp hồ sơ đăng ký nhờ mang thai và mang thai hộ tại ba trung tâm được phép triển khai kỹ thuật này (Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia BV Phụ sản trung ương, BV Trung ương Huế và BV Từ Dũ TPHCM) đã lên đến hàng trăm, nhưng số hồ sơ thông qua chưa được 10 cặp.


“Mỗi cặp mang thai và nhờ mang thai hộ cần 4 - 5 loại giấy tờ, ví dụ như người mang thai hộ là người đã ly hôn phải có quyết định ly hôn của tòa án (bản có dấu đỏ), người đang có vợ/chồng thì có văn bản đồng ý của cả vợ và chồng bên mang thai và nhờ mang thai hộ, có xác nhận của chính quyền địa phương về quan hệ họ hàng... Văn bản có cam kết của vợ/chồng hai bên rất khó làm giả vì trong thời gian thực hiện kỹ thuật khá dài thì trung tâm hoàn toàn có thể thẩm tra được” - ông Tiến nói.


Trả lời về việc các quy định hiện tại có quá khắt khe, ông Tiến cho rằng đây là giai đoạn đầu tiên triển khai quy định, người có nhu cầu nhờ/mang thai hộ chưa quen với các quy định nên nhiều người cho là rắc rối, nhưng nếu tập trung để chuẩn bị thì ông Tiến cho rằng những hồ sơ được yêu cầu là không khó khăn.


“Nếu người nhờ mang thai hộ không có chị em ruột để nhờ mang thai hộ thì có thể nhờ chị em là họ hàng, con cô con cậu, con chú con bác...


Đây là một quy định nhân văn, nếu để thực hiện một việc làm nhân văn mà quy định khó khăn quá, không thực hiện được thì Bộ Y tế sẽ bàn bạc với các bộ ngành có liên quan để sửa chữa các quy định theo hướng khả thi hơn” - ông Tiến khẳng định.

Theo Lan Anh - Quỳnh Liên - Tuổi trẻ

songchungvoi_HIV
08-05-2015, 16:35
Chế độ thai sản trong trường hợp mang thai hộThứ sáu 08/05/2015 16:09

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đã quy định cụ thể về chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.



Theo đó, đối với lao động nữ mang thai hộ theo khoản 1 Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ mang thai hộ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội, cụ thể: đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.


<tbody style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; font-weight: inherit; font-style: inherit; font-size: 14.3999996185303px; vertical-align: baseline;">
http://tiengchuong.vn/Uploaded/tranthitiep/2015_05_08/mt.jpg


Ảnh minh hoạ

</tbody>

Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội, cụ thể thời gian nghỉ việc tối đa được đề xuất như sau: 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Theo dự thảo, Lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng các chế độ sau: Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội. Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kể từ ngày nghỉ việc trước khi sinh cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Dự thảo nêu rõ, trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm con chếtmà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng của lao động nữ mang thai hộ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này lao động nữ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.

Chế độ với người mẹ nhờ mang thai hộ

Theo dự thảo, người mẹ nhờ mang thai hộ có đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng các chế độ sau: Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 1 tháng.

Dự thảo nêu rõ, trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi con chưa đủ 6 tháng tuổi thì người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định trên. Trường hợp người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đang tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định trên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng của người mẹ nhờ mang thai hộ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này người mẹ nhờ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.


Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Nhật Thy
http://tiengchuong.vn/

songchungvoi_HIV
19-01-2016, 14:00
Đề xuất bổ sung trường hợp được nhờ mang thai hộ
Thứ ba 19/01/2016 10:52


Thời gian tới, nên điều chỉnh, sửa đổi lại những điều, những khía cạnh chưa phù hợp với thực tiễn. Sẽ là rất nhân văn khi giải quyết được những nhu cầu, khát khao chính đáng của các cặp vợ chồng.


Đó là chia sẻ với báo chí của GS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia bên lề Hội thảo khoa học đánh giá bước đầu thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được tổ chức mới đây.




<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/tranthitiep/2016_01_19/index.jpg



Ảnh minh họa




</tbody>
Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Luật quy định những cặp vợ chồng chưa có đứa con nào mới được thực hiện kỹ thuật nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên trong thực tế, có những cặp vợ chồng đã có con chung rồi nhưng đứa con đó bị tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở phải can thiệp sản khoa chứ không phải tật nguyền do bệnh lý di truyền. Và cũng vì sự can thiệp thủ thuật đó mà người mẹ bắt buộc phải cắt tử cung. Noãn, trứng của vợ bình thường, tinh trùng của chồng bình thường. Nếu họ được sinh thêm đứa con nữa là hoàn toàn chính đáng và nhân đạo. Đứa trẻ được sinh ra bằng mang thai hộ sẽ là chỗ dựa, chăm sóc cho bố mẹ và người anh/chị trước đấy. Tuy nhiên Luật hiện hành không cho phép những trường hợp như vậy.


GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, đã là luật thì phải thực hiện nghiêm, nhưng trong thời gian tới, nên điều chỉnh, sửa đổi lại những điều, những khía cạnh chưa thật phù hợp với thực tiễn. Sẽ là rất nhân văn khi giải quyết được những nhu cầu, khát khao chính đáng của các cặp vợ chồng hiếm muộn.


GS.TS Nguyễn Viết Tiến dẫn chứng, trước đây cũng đã sửa quy định về tuổi sinh con theo phương pháp khoa học. Cụ thể, theo luật thì những người trên 45 tuổi không được thực hiện kỹ thuật này. Khi đến làm, họ 45 tuổi, nhưng trong quá trình thực hiện các thủ tục, xét nghiệm, họ sang tuổi 46. Mà sang tuổi 46 không được làm nữa. Do đó, quy định về tuổi đã được chỉnh sửa để phù hợp.


Sau 1 năm Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đi vào cuộc sống, cả nước đã nhận được gần 100 hồ sơ xin được cho phép mang thai hộ.

Trong đó, tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia (Hà Nội) đã duyệt 60 hồ sơ và đã thực hiện 46 ca; tại Trung tâm hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ TP HCM cũng nhận được 33 hồ sơ từ các cặp vợ chồng hiếm muộn và đủ điều kiện mang thai hộ, trong số đó đã thực hiện 19 ca.

Dự kiến những em bé đầu tiên được sinh ra bằng kỹ thuật mang thai hộ sẽ chào đời trong tháng 1 năm 2016. Em bé đầu tiên trào đời bằng kỹ thuật mang thai hộ sẽ ra đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tỷ lệ thành công sau khi thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đạt 50%.

Hiện, tại Việt Nam có 3 cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM.


Nhật Thy
Tổng hợp
http://tiengchuong.vn/Tin-tuc-su-kien/De-xuat-bo-sung-truong-hop-duoc-nho-mang-thai-ho/16473.vgp