PDA

View Full Version : Cuộc đời đẫm nước mắt của đại úy, bác sĩ có HIV



Bonghoatruongsinh
02-09-2013, 08:06
Cuộc đời đẫm nước mắt của đại úy, bác sĩ có HIV


Đại úy Nguyễn Quang Ánh viết nhật kí cho con gái: "Cứu một đám cháy, cần có người lao vào lửa và để đẩy lùi một hiểm họa cũng cần phải có người như bố. Phải hy sinh vì nhiệm vụ, bố không có gì ân hận, bố chỉ thương mẹ đã vội vã ra đi mà chưa kịp nghe bố giãi bày nguyên nhân tai nạn".


<tbody>
Sau một ngày làm việc, mỗi buổi tối, khi bạn bè, đồng nghiệp sum vầy bên gia đình thì Đại úy Nguyễn Quang Ánh - bác sĩ của Trại giam Thủ Đức lại lặng lẽ đối diện với nỗi buồn không dễ gì vơi cạn.
Anh viết nhật kí cho con gái: "Cứu một đám cháy, cần có người lao vào lửa và để đẩy lùi một hiểm họa cũng cần phải có người như bố. Phải hy sinh vì nhiệm vụ, bố không có gì ân hận, bố chỉ thương mẹ đã vội vã ra đi mà chưa kịp nghe bố giãi bày nguyên nhân tai nạn".
Người chiến sĩ - bác sĩ ấy đang dành những năm tháng cuối cùng của đời mình để chăm lo cho người khác mà không đòi hỏi bất kì một sự biết ơn hay những quyền lợi ưu tiên...

http://sohanews2.vcmedia.vn/2013/1361849717477.jpg
Mỗi tối, bác sĩ Ánh vẫn tập thể lực để chống chọi với bệnh tật.


Từ 6h sáng, trạm xá của Trại giam Thủ Đức - Tổng cục Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) - đã bắt đầu công việc khám chữa bệnh cho phạm nhân như thường lệ.

Chứng kiến một ngày làm việc của các y, bác sĩ nơi đây, chúng tôi không giấu được sự nể phục về sự tận tâm của họ.
Đa phần những bệnh nhân cần được chăm sóc của bác sĩ Nguyễn Quang Ánh là những người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Cơ thể họ bị lở loét, chảy dịch gây mùi rất khó chịu.

Ngày ngày phải đối mặt với cảnh tượng ấy, phải chăm sóc, thăm khám cho những cơ thể đang hoại tử từng giờ ấy, những người không đủ bản lĩnh có lẽ sẽ bỏ nghề.
Trong suốt thời gian công tác của mình tại đây, Ánh đã nhiều lần phải chứng kiến sự đau đớn, tuyệt vọng của con bệnh - phạm nhân trước lúc lâm chung. Không ít lần bàn tay anh vuốt mắt cho sự ra đi của họ trong cô đơn, tủi phận.

Cũng trong một ngày ngắn ngủi ấy, có một ngàn lẻ một tình huống mà Nguyễn Quang Ánh cùng đồng nghiệp của anh phải giải quyết.

Tất nhiên là sẽ chẳng có bệnh nhân nào mang hoa đến tặng các anh chị nhân ngày
Thầy thuốc, sẽ chẳng có gói quà nào thể hiện lòng biết ơn khi các anh chị cứu họ qua giai đoạn hiểm nghèo, sẽ chẳng có chuyện bệnh nhân luôn tuân theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ…

Bệnh nhân của Ánh là những phạm nhân nhiễm HIV chán đời, không chịu đi lao động đã rạch tay cho chảy máu để... dọa các y, bác sĩ không cho khám chữa bệnh, dọa phạm nhân khác để trấn lột đồ cá nhân...

Bệnh nhân của anh là những phạm nhân giả ốm để tìm cách trốn trại, tìm cách thông cung với phạm nhân khác hay xé quần áo, chăn màn để tìm cách tự sát. Và tất nhiên là không thiếu những bệnh nhân cứ đợi đêm đến để quậy phá, la ó, giả ốm đơn giản chỉ để phá sự nghỉ ngơi của các bác sĩ.

Đối với các đối tượng bệnh nhân "không giống ai" ấy, phác đồ điều trị dành cho họ luôn là sự nghiêm khắc răn đe cộng với lời ân cần chia sẻ.
Cùng với đó là con mắt tinh thông nghiệp vụ y tế, nghiệp vụ Công an để xác định chính xác tình trạng bệnh tật của đối tượng mà xử lý cho phù hợp.

http://sohanews2.vcmedia.vn/2013/1361849717490.jpg
Đại úy - bác sĩ Nguyễn Quang Ánh chăm sóc phạm nhân tại trạm xá.


Là con trai của một cựu quân nhân, Ánh được thừa hưởng từ cha mình bản lĩnh vững vàng trước mọi gian nan, thử thách và đức hy sinh, biết sẻ chia vì người khác.
Năm năm qua, không một chút oán hận cuộc đời, không dựa vào bệnh tật để đòi hỏi những quyền lợi ưu tiên hay sự chăm sóc, bồi dưỡng theo luật định, không bi quan, tuyệt vọng… người bác sĩ ấy đã tự khâu vết thương lòng, biến niềm đau của mình thành nơi gieo hạt cho những mầm thiện dưới chân núi Mây Tào.

Đó là một ngày định mệnh, khi anh đang ân cần lau rửa vết thương cho phạm nhân Bùi Văn Phú thì Phú bất ngờ hất cả chậu nước có máu vào mặt anh. Bản thân anh cũng không ngờ mình đã bị nhiễm bệnh từ lần đó.
Chỉ đến khi cô giáo Hậu, vợ anh qua cơn vượt cạn, sinh ra một thiên thần bé nhỏ thì hạnh phúc chưa kịp đong đầy đã vội nhường chỗ cho tang tóc đau thương. Chị còn chưa cho con bú được một lần thì đã nhận được tin mình nhiễm HIV từ người chồng thân yêu.

Sự trầm cảm của phụ nữ sau khi sinh cộng với cú sốc quá lớn khiến chị suy sụp hoàn toàn và tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Đau đớn, thương vợ, thương con nhưng anh chưa một lần cảm thấy ân hận khi đã chọn nghề, sống vì nghề và mai này chết cũng vì nghề.
Ở cái vùng quê nhỏ bé, nơi anh cất tiếng khóc chào đời, người bác sĩ trại giam này đã và luôn là niềm tự hào của bố mẹ và dòng họ.

Vậy nên, khi biết tin con trai mình bị nhiễm HIV, ông Nguyễn Quang Nam, một đại tá quân đội nghỉ hưu đã bàng hoàng hơn chính mình bị tuyên án tử. Đối diện sao đây với tai nạn của con, đối diện sao đây với lời dị nghị của xóm làng?
Người lính Công an Vũ trang năm xưa từng vào sống ra chết trên những trận tuyến diệt phỉ của đồn Công an Vũ trang Quang Chiểu đã vịn vào tình yêu thương của người cha đối với con để sống tiếp.

Ông lặng lẽ theo sát từng giây phút sống của con mình qua mọi kênh thông tin có thể và giữ tất cả những tờ báo có bài viết về con mình để làm thành một tập kỉ niệm nếu con ông có mệnh hệ nào.
Ông bảo: "Giờ đây, tôi chỉ còn biết động viên con để nó hoàn thiện trách nhiệm của nó với chính cuộc đời của nó mà thôi".

Một cách điềm tĩnh, bác sĩ Ánh tâm sự với chúng tôi những nỗi đau tưởng như đã biến trái tim anh thành đá sỏi. Anh nhắc nhiều đến công ơn cha mẹ, đến tình nghĩa vợ chồng, tình đồng đội.

Nhưng cô con gái bé bỏng vừa chào đời đã mất mẹ, và cha thì công tác nơi xa - đó mới chính là niềm day dứt lớn nhất của anh để lại giữa cuộc đời này.
Nhớ con, anh chỉ còn biết lao vào công việc. Đôi phút thư giãn, Ánh lại đến bên những đứa trẻ theo mẹ vào sống trong trại giam. Con gái anh thiệt thòi vì tuổi thơ không có cha mẹ chăm sóc, còn những đứa trẻ này, chúng đã bị bố mẹ cướp đi quãng đời thơ ấu.

Mỗi khi các cháu ốm mệt, Ánh gắng chăm sóc, nâng niu chúng như chính con gái của mình, hy vọng chúng sẽ sớm ra khỏi môi trường phức tạp này, vươn lên trở thành người công dân tốt.

Rồi Ánh kể cho chúng tôi nghe về cảm giác của anh mỗi lần về quê thăm con gái. Ánh mắt trong veo của con, ánh mắt buồn buồn của vợ sau khói hương như nhắc nhở anh phải kéo dài thêm sự sống vì đứa con bé bỏng của mình.
Ánh sợ những lần trở về ấy sẽ là lần cuối, sợ cả tiếng khóc của con mỗi lần anh vội xách va li lên đơn vị. Anh chỉ mong sao con lớn thật nhanh, để có thể chia sẻ cùng con bao điều không dễ nói của một nghề nguy hiểm.

Trước anh, tôi thấy mình còn nhiều ích kỉ. Ánh đã mất vợ, phải xa con và mang trong mình cái chết được báo trước, vậy mà mỗi ngày sống của anh là mỗi ngày cống hiến vì người bệnh, dẫu rằng chính ai đó trong số họ đã đẩy anh cùng gia đình vào tai họa này.
Anh giành giật sự sống hàng ngày không phải chỉ cho chính mình mà còn vì người khác.

"Cán bộ Ánh ơi, đừng cố nữa, cứ để tôi chết đi là xong, đỡ vướng bận mọi người. Một năm nay tôi đau đớn lắm rồi, không muốn sống thêm nữa đâu".
"Anh chịu khó nằm yên để tôi lấy ven. Phải cố mà sống chứ, y học ngày một hiện đại, biết đâu sẽ có thuốc chữa được bệnh này. Con anh còn nhỏ, phải nghĩ đến con, anh ạ…".

Từ hành lang trạm xá, chúng tôi thoáng nghe được cuộc trao đổi ngắn ấy. Rồi thôi, rồi lặng im… Chỉ có cánh quạt trần đều đều góp gió.
Rồi suốt nửa tiếng đồng hồ, đại úy Ánh lần tay khắp cái thân hình nát bấy của phạm nhân tìm một mạch ven nào đó để có thể tiêm mũi thuốc trợ lực và truyền huyết thanh.
Phải có đến gần mười lần mũi kim cắm vào rồi rút ra. Cánh quạt trần quay mê mải vẫn không ngăn được những dòng mồ hôi chảy trên khuôn mặt người bác sĩ và cô hộ lí trẻ.

Mãi rồi giọt huyết thanh đầu tiên cũng nhỏ xuống đường ống truyền… và trên những chiếc gối đầu ở phòng bệnh cũng loang nước mắt. Người khóc vì cảm động trước sự tận tâm của người thầy thuốc, người khóc vì ân hận muộn màng, người khóc vì thương thân, khóc vì nghĩ đến người vợ, người con đã bỏ rơi mình…
Rồi đây, những phạm nhân đang nằm điều trị kia có người khỏi bệnh, ra tù và trở về đoàn tụ với gia đình. Cũng có người vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang vắng lặng dưới chân núi phía xa.

Nhưng tôi chắc chắn một điều, sẽ không có ai quên câu chuyện về một người thầy thuốc đã vắt kiệt sức lực và những năm tháng cuối cùng của mình cho những người bệnh - phạm nhân mà không cần đòi hỏi một lời cảm ơn hay hậu tạ.

http://www.baomoi.com/Cuoc-doi-dam-nuoc-mat-cua-dai-uy-bac-si-co-HIV/139/10460895.epi

</tbody>

laytroilayphat
02-09-2013, 08:59
Haizz.đọc bài báo này mà buồn quá. Trong khi các bác các chú vì công việc mà nhiễm bệnh còn mình chỉ vid ăn chơi trác táng nên bây h ngồi chờ từng ngày để xét nghiệm :(

songchungvoi_HIV
07-09-2014, 13:01
Vượt lên nỗi đau để cứu người
Chủ nhật, 31/08/2014 | 18:58 GMT+7
QĐND - Ấn tượng của tôi về Đại úy công an, y sĩ Nguyễn Quang Ánh, 1 trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 vừa được Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tuyên dương không nhiều. Ở anh có vẻ gì đó hiền lành, thậm chí hơi rụt rè. Phải đến khi tiếp xúc với anh, tôi mới biết anh nghị lực đến như thế nào để đứng vững đến ngày hôm nay sau khi trải qua những biến động dữ dội của cuộc đời.
“Sinh nghề tử nghiệp”

Đen sạm, gầy gò, nhỏ nhẹ, hiền lành, y sĩ Nguyễn Quang Ánh, cán bộ y tế ở trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), khiến người đối diện không nghĩ anh làm nghề y. Một con người hiền lành như thế mà cuộc đời lại quá nhiều trắc trở: năm 2004, ngay sau khi biết tin anh và mình cùng bị phơi nhiễm HIV, vợ y sĩ Ánh đã chọn cái chết, để lại con gái mới 26 ngày tuổi.

<tbody>
http://image.qdnd.vn//Upload/mthang/2014/8/29/05082014mthang157153517564.jpg


Y sĩ Nguyễn Quang Ánh.


</tbody>

Trại giam Thủ Đức, Tổng cục VIII, Bộ Công an, nơi Đại úy, y sĩ Nguyễn Quang Ánh đang công tác, thường xuyên giam giữ từ 8000 - 10.000 phạm nhân với nhiều mức án và tội trạng khác nhau. Trong số đó, có tới 10% phạm nhân nhiễm HIV/AIDS, 2% nhiễm lao và hầu hết đều mắc các bệnh xã hội như viêm gan, giang mai, lậu… Vậy nên, công việc khám, chữa bệnh của anh Ánh và hơn 20 đồng đội tại trạm xá trong trại giam này rất khác biệt so với những cán bộ y tế khác. Theo y sĩ Ánh, ở một nơi như trại giam Thủ Đức, lúc nào nhân viên y tế cũng ở trạng thái trực 24/24 giờ, sẵn sàng điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV chán đời, lười lao động nên tự tạo ra những vết thương và không cho bác sĩ khám, chữa bệnh, hoặc tìm cách tự sát… "Nhiều khi thấy nạn nhân bị đứt động mạch, chúng tôi phải vội vàng cứu chữa ngay, nên chẳng còn thời gian nào để đi găng tay cho dù biết đó là bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS"-Nguyễn Quang Ánh bộc bạch.

Một ngày làm việc của y sĩ Nguyễn Quang Ánh thường bắt đầu từ rất sớm. Do công tác trong trạm xá thuộc Trại giam Thủ Đức, nên y sĩ Ánh chẳng mấy lúc được rảnh rỗi. Hàng nghìn phạm nhân đang thụ án tại trại giam Thủ Đức là hàng nghìn người bệnh tiềm ẩn với đủ loại bệnh lý khác nhau, từ ốm đau vặt, nhức đầu sổ mũi đến thương hàn, sốt rét và cả điều trị HIV, lao kháng thuốc… Rồi còn chuyện phạm nhân nhiễm các căn bệnh xã hội viện cớ ốm đau, dọa nạt cán bộ, cắt ven lấy máu để tạo áp lực là chuyện Ánh và đồng nghiệp phải đối mặt thường xuyên. “Năm 2001, trong một lần xử lý chấn thương cho phạm nhân nhiễm HIV/AIDS Bùi Văn Phú, tôi đã bị anh ta hắt cả chậu nước lẫn máu vào mặt và người. Trước đó, do chán nản vì toàn thân lở loét, bệnh AIDS đã chuyển sang giai đoạn cuối nên Phú đã dùng mảnh chai để tự hủy hoại thân thể và rạch động mạch tay, bụng, đùi; sau đó, dùng ca hứng máu, để hăm dọa cán bộ và một số phạm nhân khác…”, anh Ánh kể lại.

Mãi tới năm 2004, khi đưa vợ đi sinh ở Bệnh viện 30-4, Bộ Công an, anh Ánh mới biết được tin dữ: Cả hai vợ chồng anh đều bị lây nhiễm HIV. Cú sốc quá lớn khiến chị rơi vào trầm cảm. Là một cô giáo, hằng ngày đứng giảng bài cho hàng trăm học sinh, chị không chịu được ý nghĩ phải đối mặt với những ánh mắt dò xét, nghi ngờ, chị suy sụp hoàn toàn và tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Đau đớn, thương vợ, đã có lúc anh cũng định buông xuôi tất cả. Nhưng lúc đó, nhìn bé con chưa được tròn tháng đã mồ côi mẹ, nếu mất nốt cha thì bé sẽ bất hạnh gấp ngàn lần. Thương con, anh đã vịn vào tình yêu thương của người cha đối với con để sống, làm việc, cống hiến để hoàn thành trách nhiệm của một người cha và hoàn thiện trách nhiệm với công việc cứu người mà anh đã lựa chọn. Anh tâm sự, chưa một lần anh cảm thấy ân hận khi đã chọn nghề. Anh tâm niệm sống vì nghề và mai này chết cũng vì nghề. Đối diện với sự sống của mình như đồng hồ quay ngược, chẳng biết còn bao nhiêu ngày vậy mà anh Ánh vẫn không tuyệt vọng, vẫn tận tâm, tận lực cống hiến vì người bệnh. Dẫu rằng, chính ai đó trong số phạm nhân kia đã đẩy anh cùng gia đình vào tai họa. Anh giành giật sự sống hằng ngày cho họ vì tâm niệm “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Anh Ánh tâm sự với chúng tôi rằng, cô con gái bé bỏng vừa chào đời đã mất mẹ, lại không có cha gần gũi, bù đắp tình cảm mới chính là nỗi day dứt lớn nhất của anh để lại giữa cuộc đời này. Nhớ con, anh chỉ còn biết lao vào công việc.

Ánh mắt anh như có nước khi anh kể cho chúng tôi nghe về cảm giác của anh mỗi lần về quê thăm con gái. Anh sợ những lần trở về ấy sẽ là lần cuối, sợ cả tiếng khóc của con mỗi lần anh xách va-li trở về đơn vị. Anh chỉ mong sao con lớn thật nhanh, để có thể chia sẻ cùng con bao điều không dễ nói của một nghề nguy hiểm. Mỗi đêm, sau bài tập thể lực để chạy đua cùng thời gian, anh thường ngồi viết nhật ký gửi đến mai sau, những mong con gái sẽ hiểu cho sự ra đi của bố mẹ, mong con giữ được lòng tự hào vì sự cống hiến của cha nó cho cuộc sống này, để nuôi dưỡng trong con lòng yêu thương con người, sẵn sàng chấp nhận mọi biến cố cuộc đời...
Bản lĩnh vững vàng

“Lãnh đạo nơi đơn vị tôi công tác, rồi Bộ Công an, cũng có ý tạo điều kiện cho tôi chuyển công tác về Hà Nội để gần con, gần gia đình. Tôi cũng có bằng cử nhân luật nên nhiều đơn vị bên ngoài cũng đề nghị tôi về công tác với mức lương cao… Nhưng dường như là cái nghiệp nên tôi quyết định vẫn gắn bó với trại giam Thủ Đức”, thầy thuốc trẻ Nguyễn Quang Ánh chia sẻ.

Anh nói, anh thương bố mẹ anh lắm. Bố anh là một đại tá quân đội nghỉ hưu đến bây giờ vẫn còn hẫng hụt, đau xót vì biết con trai mình bị nhiễm HIV, một cái chết được báo trước. Bao nhiêu tình cảm ông dồn hết cho đứa cháu nội thiệt thòi. Bản lĩnh của một người lính đã giúp ông đứng vững, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người con của mình. Lúc nào cũng vậy, ở cái vùng quê Chương Mỹ nhỏ bé, nơi anh cất tiếng khóc chào đời và trưởng thành, anh luôn là niềm tự hào của bố mẹ và dòng họ. Bởi vậy, cho đến nay, anh Ánh vẫn tiếp tục hỗ trợ đồng đội khám, chữa bệnh, giáo dục phạm nhân, tham gia công tác quản lý, bảo vệ trại giam. Với anh, mỗi lần điều trị thành công cho một người bệnh, mỗi lần cảm hóa được một phạm nhân, giúp họ vững tin hơn vào cuộc sống mai này sau khi mãn hạn thụ án… là mỗi lần anh có thêm niềm vui và thấy cuộc sống thật ý nghĩa.

Trong câu chuyện với thầy thuốc trẻ Nguyễn Quang Ánh, có thể thấy rõ bên cạnh niềm vui trong công việc, anh còn có một niềm vui khác, đặc biệt hơn, đó là cô con gái nhỏ đang học lớp 4, đang sống cùng ông bà nội ở Chương Mỹ, Hà Nội. Đại úy Ánh tâm sự rằng, rất thương và nhớ con gái nên cũng có lúc muốn đưa cháu vào trại Thủ Đức để hai bố con sống bên nhau. Tuy nhiên, vì nghĩ đến tương lai của con, muốn cháu được lớn lên như bao trẻ nhỏ khác nên anh quyết định vẫn để con sống cùng ông bà nội. “Tôi xác định sẽ có một ngày mình phải ra đi, nên nghĩ rằng con ở với ông bà thì tốt hơn. Con tôi quen dần với việc tôi xa nhà, xa con, đến lúc tôi mất, con tôi cũng đỡ hẫng hụt. Mỗi ngày, bố con tôi vẫn thường gọi điện, liên lạc với nhau. Con gái giờ cũng đã học lớp 4 nên đã biết tự chụp hình và lên mạng để gửi thư, gửi ảnh cho bố”, anh Ánh cho biết. Nghe lời tâm sự đó của anh mà tôi thực sự cảm phục ý chí, nghị lực của người đàn ông nhỏ nhắn trước mặt mình. Chẳng ai muốn xa con nhưng vì hoàn cảnh, anh nén nỗi nhớ, nén sự thương con để con có được một cuộc sống bình an, không muộn phiền.

Tạm biệt chúng tôi để về quê thăm con gái và gia đình, anh Ánh chỉ kịp chia sẻ thêm: “Nếu được chọn lại thì tôi vẫn chọn được làm cán bộ y tế trong trại giam. Đó là công việc, là sự sống của tôi”. Câu trả lời đầy cương quyết, tự tin của anh Ánh khiến những ai đối diện đều cảm phục nghị lực sống ở người thầy thuốc dù mang bệnh hiểm nghèo vẫn đầy tâm huyết, sẵn sàng dành sức lực còn lại của cuộc đời để chăm sóc cho người bệnh. Chúng tôi đều mong anh có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sống, tiếp tục công việc khám, chữa bệnh mà anh đã coi như cái nghiệp và đặc biệt để tiếp tục chứng kiến sự trưởng thành của cô con gái nhỏ mà anh rất đỗi thương yêu.

Bài và ảnh: CÙ HƯƠNG
http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-6-2014/vuot-len-noi-dau-de-cuu-nguoi/319149.html