PDA

View Full Version : Cặp đồng tính được làm cha, mẹ



songchungvoi_HIV
29-08-2014, 11:40
Thứ 6, 29-08-2014 10:16:39 am
Với phán quyết của tòa án, một cặp đồng tính ở bang Connecticut (Mỹ) được quyền làm cha mẹ hợp pháp đối với đứa trẻ ra đời nhờ người khác mang thai hộ.

http://dongtinhvietnam.com/uploads/2014/thang04/tuan01/private/14chot_9c768.jpg


Anthony Raftopol (trái), Shawn Hargon và đứa con gái 13 tháng tuổi Zoe tại nhà riêng. Ảnh: NYT


Connecticut là một trong tám bang ở Mỹ “lãnh ấn tiên phong” trong việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Nhờ phán quyết của tòa tối cao của bang, các luật sư ở bang Connecticut giờ đây có thể “tạo ra cha mẹ” bằng các hợp đồng hợp pháp. Tuy nhiên, thắng lợi đó cũng cho thấy sự phức tạp của kiểu hôn nhân này.
Tiền lệ động trời
Đó là phán quyết mang tính bước ngoặt của Thẩm phán James G. Kenefec tại Tòa án TP New Haven, bang Connecticut. Victoria Ferrara, luật sư chuyên tư vấn hợp đồng đẻ thuê ở Fairf eld - người đại diện cho những người cha trong vụ án này, cho biết: “Đó là một lợi ích lớn lao dành cho bất kỳ cặp vợ chồng nào từng nhận trứng hoặc tinh trùng do người khác hiến tặng. Thế là, dù đó là một cặp vợ chồng đồng tính nam hoặc vợ chồng bình thường, họ đều có thể có quyền làm cha mẹ hợp pháp đối với sự ra đời của đứa trẻ. Nói cách khác, đứa trẻ được sinh ra có cha mẹ hợp pháp”.
Phán quyết ngày 5-1-2011 nói trên tạo điều kiện cho Shawn Hargon và Anthony Raftopol - cặp đôi đồng tính nam - trở thành “cha mẹ”. Anthony Raftopol và Shawn Hargon ký hợp đồng thuê Karma A. Ramey đẻ con. Cô này được cấy trứng (lấy từ ngân hàng hiến tặng) được thụ tinh bởi tinh trùng của Raftopol trong ống nghiệm và môi trường lạnh. Sau đó, Ramey cho ra đời cặp song sinh trai. Theo hợp đồng, Ramey đồng ý từ bỏ quyền làm mẹ với hai đứa bé.
Thắng “luật” di truyền và con nuôi
Tuy nhiên, không phải dễ dàng có được phán quyết trên. Tòa án tối cao bang Connecticut dẫn Luật Thụ tinh nhân tạo, chỉ ra rằng chỉ có “những bậc cha mẹ có quan hệ di truyền hoặc nuôi con nuôi mới có các quyền làm cha mẹ đối với con cái”. Có nghĩa là nếu Raftopol chết trước khi hai đứa trẻ ra đời, cặp song sinh có thể lâm vào tình trạng không có cha mẹ hợp pháp và không được hưởng thừa kế từ người cha di truyền của chúng. Ngoài ra, Hargon sẽ phải tốn nhiều thời gian trong việc tuân thủ thực hiện quy trình xin con nuôi mới có thể sở hữu quyền làm cha mẹ của cặp song sinh, cho dù theo bản thỏa thuận, tất cả các bên đều cam kết thừa nhận đứa trẻ là con của anh. Ramey, người theo lẽ thường sẽ là mẹ trong giấy khai sinh gốc, đã từ bỏ quyền làm mẹ theo điều khoản ký kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, không có Raftopol, cô có thể bị chính quyền buộc làm mẹ của cặp song sinh. Raftopol trả lời báo chí rằng “không ai muốn điều này xảy ra”.
Cục Y tế bang Connecticut, đại diện cho chính quyền, lập luận rằng Hargon cần giải quyết vấn đề tại phiên tòa xử về thủ tục di chúc vì loại tòa này có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng xin con nuôi. Đại diện cho phía cha mẹ, luật sư Victoria Ferrara lưu ý rằng phiên tòa xử về thủ tục di chúc cũng có thể cân nhắc hợp lý vấn đề này, có điều tốn nhiều thời gian và chi phí pháp lý hơn, mà quy trình cũng không có gì chắc chắn lắm. Đồng thời, trước diễn biến này, luật sư Ferrara vận dụng một số quy định pháp luật về phán quyết, đề nghị cơ quan chức năng duy trì giá trị pháp lý của hợp đồng đẻ thuê, Cục Y tế ghi tên Hargon vào mục cha trong giấy khai sinh.
Cơ quan chức năng của chính quyền phản bác, cho rằng vụ kiện này phải được giải quyết tại tòa xử về thủ tục di chúc, đồng thời khẳng định vụ này nằm ngoài thẩm quyền xét xử của Thẩm phán James G. Kenefec, Tòa án TP New Haven. Cục Y tế bang Connecticut cũng cho rằng trước khi tuyên bố Hargon có quyền làm cha, tòa án cấp trên sẽ phải xác định quyền làm cha mẹ của Ramey - người mang thai, người hiến tặng trứng và bất kỳ một người chồng nào có thể có. Thẩm phán Kenefec không đồng ý. Ông phán quyết hợp đồng mang thai kia có giá trị, Raftopol là người cha di truyền và hợp pháp, Hargon là người cha hợp pháp và Ramey - người đẻ thuê là bà mẹ vừa không hợp pháp vừa phi di truyền đối với cặp song sinh.
Tại phiên xử phúc thẩm, tòa án tối cao của bang đã ra phán quyết giữ nguyên quyết định của tòa án cấp dưới. Các thẩm phán đã phán quyết rằng luật về quyền làm cha mẹ của bang này “cho phép một cặp cha mẹ tương lai ký kết với một người nào đó bản thỏa thuận mang thai thuê có giá trị pháp lý để trở thành cha mẹ thực sự, không cần xin con nuôi, không cần chứng minh mối quan hệ di truyền đối với đứa trẻ”.
Theo đó, giấy khai sinh được làm lại, tên của Hargon được điền vào ô CHA MẸ, xóa tên người đàn bà mang thai cặp song sinh.

http://phapluattp.vcmedia.vn/zmFXaMf02iyYngijCf8krGuUCNG8J4/Image/2012/07/20-7/14box_b8e3d.jpg

Đám cưới đồng tính ở Nam Phi. Ảnh: WIKI
Vẫn còn những trắc trở
Tuy nhiên, chính quyền - bên kháng cáo cho rằng tờ giấy khai sinh sửa chữa kia không hợp pháp. Theo quy định, thủ tục trên chỉ áp dụng cho những cặp vợ chồng có quan hệ di truyền đối với đứa trẻ được đẻ thuê, Cục Y tế lập luận.
Thẩm phán C. Ian McLachlan viết thư gửi Tòa án tối cao của bang để phân tích chi tiết đối với “các bên” mà Cục Y tế cho rằng có thể đòi quyền làm cha mẹ. Họ thực sự không thể yêu cầu như thế được. Theo ông, những người hiến tặng trứng hoặc tinh trùng - bất định hoặc vô danh - “sẽ không có bất cứ quyền hoặc sự quan tâm nào đối với đứa trẻ được sinh ra từ kết quả thụ tinh nhân tạo” (Luật Thụ tinh nhân tạo và Hiến tặng trứng). Hơn nữa, một người mang thai hộ theo hợp đồng đẻ thuê, hoặc chồng của người này, sẽ không có quan hệ pháp lý với đứa trẻ.
Thẩm phán McLachlan nói ông hình dung một cặp vợ chồng thuê người đẻ con mà người mang thai hộ ấy cần người khác hiến tặng cả trứng và tinh trùng. Nếu pháp luật về khai sinh chỉ áp dụng đối với các bậc cha mẹ có quan hệ di truyền như Cục Y tế khẳng định, “Mọi cặp vợ chồng có thể làm cha mẹ sẽ bị pháp luật loại bỏ”, ông nói thêm rằng cơ quan lập pháp không thể không nhìn thấy cái hậu quả vô lý, quái dị rất hiện thực này.
Sửa luật khai sinh
Tòa cũng phát hiện nhiều điểm mơ hồ trong bộ luật có liên quan, chẳng hạn như cơ sở của một thỏa thuận mang thai có giá trị pháp lý. Chính điều đó đã “mở toang cánh cửa” cho tòa án đề xuất xây dựng Luật Khai sinh sửa đổi, bổ sung. Ở góc độ này, tòa tìm thấy sự hậu thuẫn trong phát biểu của Nghị sĩ Donald B. Sherer tại Quốc hội năm 2004: đối với một số bậc cha mẹ trong trường hợp thuê người đẻ, “cách duy nhất để có được một giấy khai sinh mới là nộp đơn xin giải quyết tại tòa án xử thủ tục di chúc để nhận chính con của mình làm con nuôi!”.
McLachlan, cựu luật sư chuyên về pháp luật gia đình của Công ty Luật Cumming & Lockwood, đề nghị các cơ quan lập pháp giải quyết sự mơ hồ trong định nghĩa “tư cách làm cha mẹ” - mặc dù vấn đề này chủ yếu dựa trên ý nghĩa quan hệ pháp luật giữa các bên, quan hệ về gen hoặc hành vi đẻ thuê. Ông và nhiều người cũng đề xuất một định nghĩa sát hợp hơn về thỏa thuận mang thai thuê có giá trị pháp lý.
Luật sư Ferrara hồ hởi chào mừng phán quyết vì cho rằng phán quyết trên sẽ giúp cho những cặp vợ chồng ở các bang khác thuê phụ nữ trú tại bang Connecticut đẻ thuê.
Raftopol cho biết “vợ” mình - Hargon nuôi chính thức cặp sinh đôi trai và một đứa con gái và thường xuyên đi châu Âu cùng với chúng. Không có giấy khai sinh làm bằng chứng quyền cha mẹ, “người ta sẽ nghĩ anh ấy đang buôn bán trẻ em” - Raftopol nói - “Anh ấy phải mang theo cả một xấp giấy tờ dày cộm. Tôi nghĩ bang Connecticut đã đi tiên phong trong vấn đề này. Khi các nhà lập pháp của các bang khác phát hiện ra điều này - cũng như vấn đề hôn nhân đồng tính, họ sẽ thấy bầu trời có sụp xuống đâu nào!”.




Tính đến nay, hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa tại tám bang của Mỹ theo thứ tự thời gian như sau: Massachusetts (17-5-2004), bang Connecticut (12-1-2008), bang Vermont (1-9-2009), bang Owa (27-4-2009), bang New Hampshire (1-1-2010), bang New York (24-7-2011), bang Washington (8-2-2012) và bang Maryland (29-2-2012).



Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính đưa ra một số lập luận để củng cố lập trường của họ. Có người so sánh việc cấm hôn nhân đồng tính giống việc cấm hôn nhân giữa các chủng tộc ở Mỹ trong quá khứ. Lại có người cho rằng nên cho phép hôn nhân đồng tính bởi vì điều đó mở rộng quyền dân sự cho một số người. Theo nhà sử học Nancy Cott, “Thực sự không thể so sánh vì không có gì giống hôn nhân ngoại trừ hôn nhân”. Chặt chẽ hơn, có người khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ sự bình đẳng về hôn nhân phù hợp với việc bảo vệ sự bình đẳng theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ”.
Pháp luật TPHCM KHIẾT ĐAM