PDA

View Full Version : Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em bị tiêu chảy tại nhà



songchungvoi_HIV
19-09-2014, 19:09
19/9/2014 17:48
Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trên 3 lần trong ngày. Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong cho trẻ em ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp là do siêu vi trùng, kế sau đó là vi trùng, ký sinh trùng và một số tác nhân khác như: Chế độ khẩu phần ăn uống, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn.



Tiêu chảy có thể dẫn đến hậu quả gì cho trẻ?

Tiêu chảy sẽ làm cho trẻ bị mất nước và điện giải theo đường phân ra ngoài. Điều này rất nguy hiểm, cơ thể trẻ nhanh chóng bị khô kiệt do mất nước và điện giải dẫn đến tử vong nếu không được bù nước nhanh chóng và thích hợp.
Tiêu chảy còn là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng trẻ em. Lý do chính là trẻ ăn ít đi trong khi bị tiêu chảy và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cũng bị giảm một phần, trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng của trẻ lại cần phải cao hơn để chống lại bệnh tật.

Khi trẻ bị tiêu chảy có cần thiết phải cho nhập viện không?

Điều may mắn là hiện nay đã có các biện pháp điều trị hiệu quả và đơn giản. Hầu hết các trường hợp không cần thiết phải nhập viện mà có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi thăm khám bác sĩ sẽ quyết định nhập viện hay có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Khi trẻ không cần nằm viện, những người trong gia đình, nhất là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ giữ một vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công trong việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà. Nếu biết chăm sóc trẻ bệnh một cách đúng đắn, trẻ sẽ tránh được nguy hiểm, mau lành bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.

Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ bị tiêu chảy tại nhà như thế nào?

Để chăm sóc một trẻ bị tiêu chảy đúng cách, bà mẹ cần làm tốt 3 nguyên tắc sau đây của Tổ chức y tế Thế giới:

1. Cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để ngừa mất nước do tiêu chảy:

Trẻ bị tiêu chảy cần nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng nước đã mất qua phân và nôn. Thường có thể phòng mất nước cho trẻ nếu cho uống đủ lượng nước ngay khi mới bị tiêu chảy.
Sữa mẹ vừa là thức ăn vừa là loại "nước uống" rất tốt, cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt và mỗi bữa cho bé bú lâu hơn. Nếu trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ thì chỉ cần sữa mẹ và nước chín là đủ.
Các trường hợp khác cần cho trẻ uống thêm các loại nước sau: Nước ORESOL (http://citinews.net/doi-song/nguy-co-xuat-hien-benh-ta-JIOVMVA/), nước canh, nước cháo, nước gạo rang, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín. Cho trẻ uống nhiều tùy theo khả năng của trẻ. Cần phải uống chậm, từng muỗng (từng ngụm nếu trẻ lớn hơn). Nếu trẻ bị nôn thì ngưng lại khoảng 10 phút, sau đó cho trẻ uống lại nhưng chậm hơn.
Cần tránh:
Các loại nước giải khát công nghiệp, nước ngọt có ga, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh nặng hơn. Tránh các thức uống có chất kích thích như cà phê…

2. Cho trẻ ăn và bú nhiều hơn thường ngày

Nếu trẻ còn bú mẹ cần được bú nhiều hơn và mỗi bữa bú lâu hơn. Cho trẻ ăn thành nhiều bữa, và thêm ít nhất 2 bữa so với những ngày không bị bệnh. Ăn uống chậm. Nếu trẻ còn bú bình, tốt nhất nên dùng muỗng đút sữa chậm.
Nếu trẻ đã ăn bổ sung, nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (Đường bột, chất đạm, dầu mỡ, rau xanh, hoa quả). Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nấu kỹ, dễ tiêu hóa và cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để bảo đảm vệ sinh. Cho trẻ ăn thêm trái cây tươi mềm như chuối, nho, cam, xoài, đu đủ... Nói chung các thức ăn hàng ngày của trẻ trước tiêu chảy đều có thể dùng được, nếu phù hợp lứa tuổi.
Không nên:
kiêng ăn, kiêng sữa, không cần pha loãng sữa. Thường không cần phải đổi sữa, nhưng trong một số ít trường hợp có thể bác sĩ sẽ cho đổi một loại sữa đặc biệt, khi đó bạn hãy đổi sữa cho trẻ và hiếm khi trẻ phải dùng loại sữa này quá hai tuần.
Không được bắt trẻ nhịn ăn để "ruột nghỉ ngơi". Bắt trẻ nhịn ăn là hết sức sai lầm và rất nguy hiểm. Thực tế, dù trẻ tiêu chảy nhưng vẫn còn khả năng hấp thu hơn 70% chất dinh dưỡng. Cho trẻ ăn sớm sẽ có tác dụng tốt lên tiến trình phục hồi sức khỏe của trẻ.
Cần tránh:
Cho trẻ ăn thực phẩm có nhiều chất xơ như rau thô và tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ…) vì khó tiêu hóa.

3. Cho trẻ tái khám đúng lúc: để được theo dõi và xử trí kịp thời khi bệnh diễn tiến nặng.

Nếu bệnh biến chuyển tốt, tiêu chảy thường sẽ giảm sau 5-12 ngày, trẻ bắt đầu chơi, đòi ăn trở lại và lúc này bạn nhớ cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong ít nhất hai tuần để "phục hồi" sức khỏe.Trong thời gian chăm sóc tại nhà, cũng cần phát hiện những diễn biến không thuận lợi và nhanh chóng đưa trẻ khám lại ngay để được xử trí kịp thời.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi:
Điều trị tại nhà 2 đến 3 ngày không đỡ hoặc khi xuất hiện một trong các triệu chứng sau: Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, mệt, đi ngoài nhiều hơn, khát nước, nôn liên tục, sốt, trong phân có máu, trẻ li bì, khó đánh thức, trẻ co giật..

BS. Lê Mạnh Hà
Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản


Theo baohungyen.vn (http://citinews.net/Redirect.aspx?url=1591936781)