PDA

View Full Version : Nẻo về của nữ giang hồ “khét tiếng” một thời



Charles
09-10-2014, 15:48
Nẻo về của nữ giang hồ “khét tiếng” một thời


NSTĐ | Thứ Năm, 09/10/2014 13:50
7 tuổi, ăn cắp nuôi em. 10 tuổi, lang thang ở đợ dưới đòn roi của người đời. 14 tuổi, nghiện ma túy. 18 tuổi, bán dâm nuôi mình, nuôi chồng… Vào tù, trốn trại liên miên.

Sau những tháng năm địa ngục, trở thành tuyên truyền viên HIV/AIDS, cưu mang bốn đứa con nhiễm “ết”, tưởng như cuộc đời chị là câu chuyện cổ tích với kết thúc có hậu. Nhưng nghiệt ngã thay, chị lại nhận ngay án tử khi quay về bến thiện lương.

Cuộc đời ném xuống bùn tanh

Tâm “si đa” ngồi đối diện tôi. Điếu thuốc này chưa tàn, điếu khác đã đỏ. Làn khói thuốc phả mờ trên gương mặt sạm gió bụi, khô quắc của người đàn bà 58 tuổi. Bất cần đời? Không. Chỉ là bất cần cái chết. Nếu bất cần đời, chị không “khàn hơi, rát họng”, không mòn mỏi đôi chân để kéo những mảnh đời lầm lạc, đang ngắt ngoải, ghẻ lở do căn bệnh thế kỷ trở lại làm người lương thiện. Nếu bất cần đời chị đã không kể chuyện mình, không công khai về cái chết đang chực chờ cho mọi người nghe?

Trương Thị Hồng Tâm, đó là cái tên ba má đặt. Họ đánh chửi nhau suốt ngày vì thói trăng hoa của chồng, vì cơn ghen mù quáng của vợ. Mỗi lần ba má đánh chửi nhau, 4 chị em Tâm trốn xuống gậm giường. Tiếng chửi rủa, đấm đá, loảng xoảng của đồ đạc khiến bọn trẻ sợ hãi, ôm nhau khóc ròng.

Ba đi theo người đàn bà khác, má ghen quá hóa bệnh. Rồi má cũng theo trai, bỏ đi biệt xứ. Má đi để lại đàn con nheo nhóc, đói khát ở Cần Thơ. Ngày đó, Tâm mới 7 tuổi. Là chị cả, Tâm phải lo cho đàn em. Dẫu biết ăn cắp là xấu, nhưng nhìn bầy em đói khóc, cô bé đánh liều bốc trộm cơm nguội của hàng xóm. Những trận đòn thừa sống thiếu chết khi bị người ta bắt quả tang quen dần với Tâm.

Ba đưa chị em Tâm về nhà nội. Ba ở với vợ lẽ, chẳng thèm ngó ngàng đến con cái. Thằng Ngọc, đứa em út còn ẵm ngửa, một tháng trời vắng ba má, ỉa đái gì cũng trên võng khiến mông lở loét, nhiễm trùng nặng. Mắt thằng bé đỏ quạnh khô rang vì bao nhiêu nước mắt đòi má nó khóc cạn rồi. Thương em, Tâm cõng nó đi chơi. Mỗi lần cô hô “nhong nhong nhong, ngựa ông về trời”, nó cười. Tiếng cười yếu ớt, méo xẹo. Mãi “nhong nhong” dỗ em, Tâm không hay biết tiếng cười đã câm bặt trên lưng cô tự lúc nào. Thằng Ngọc đã chết.

Sau cú sốc đó, Tâm chia tay nội, xa hai em về ở với dì ghẻ. “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Những việc nặng nhọc như xách nước, bổ củi, giặt đồ… tất tần tật, Tâm phải làm hết. Hễ méc ba, cơn mưa roi cay nghiệt của dì ghẻ lại giáng tới tấp trên thân hình hom hem của Tâm. Tâm bỏ nhà, lặn lội lên Sài Gòn tìm má. Tìm được má rồi, bà lại gửi Tâm đi ở đợ từ nhà này đến nhà khác. Người nào thương thì cho cô bé đi học, kẻ nào ghét thì đánh chửi, lợi dụng. Tâm ngoan ngoãn, chăm làm, học giỏi, nhưng thế giới người lớn đã gieo cho cô bé những ác cảm khó phai mờ.


http://img2.nhipsongthoidai.com.vn/2014/10/09/12/06/hinh-1-10.JPG
Cuộc đời đã quá nghiệt ngã với một người như chị


Tâm chua xót bảo, chị chưa bao giờ nếm trải tình yêu đôi lứa thật sự. Phải chăng chính vì ác cảm với người khác phái. Ác cảm đó, khắc dấu từ bàn tay ghê tởm của tên yêu râu xanh sờ soạng, cào cấu trên thân hình còn non nớt của Tâm.

Gặp Tâm người ta đánh, người ta chửi: “Đồ ranh con, mới bây lớn mà bỏ nhà đi hoang. Ba má mày không biết dạy. Sớ rớ ở đây coi chừng tao đánh chết”. Những năm lang bạt, nổi trôi, tâm hồn cô bé hằn lên chữ Hận. Và rồi cô trả thù đời. Cô chơi với tụi giang hồ, kết thân với chúng, moi tiền của ba để đua xe, rượu chè. 14 tuổi đã trở thành con nghiện ma túy nặng. Các vũ trường ở Sài Gòn, không nơi nào Tâm chưa ghé qua. Tâm lang thang đầu đường xó chợ, đầu trộm đuôi cướp để kiếm cung phụng “cô Ba Phù Dung”.

“Hồi đó, đứa nào đi ngang qua nhìn tôi, thấy ghét là tôi nhào vô đánh liền. Đánh dằn mặt cho nó sợ. Bộ tụi bây ỷ có ba má chiều chuộng là khinh tao hả?”, nhả khói thuốc, chị cất giọng sang sảng, cái chất giang hồ năm xưa vẫn còn đó.

Không còn tiền, Tâm tìm cách bán trinh. 50 ngàn đồng cho thứ quý giá đời con gái. Nhìn xuống phố, chị trầm ngâm: “Đau đớn lắm, cưng à. Đời tôi khốn nạn vô cùng…”. Phố đã lên đèn. Cách đây gần 40 năm, đây là giờ chị ra đứng đường, làm cái nghề mà “đêm đêm trông ngóng một người đàn ông mà mình không hề yêu thương, mời gọi để bán xác thân, ăn ngủ với người ta mà không có chút tình cảm…”.

Đôi lần ngỡ hạnh phúc đã mỉm cười. Chị có chồng, anh chân thành, chất phác. Từ giã kiếp “bán hoa" nuôi miệng, chị theo anh về làm vợ, làm dâu. Nhưng rồi, người chị gửi gắm tấm thân gỡ mặt nạ lương thiện. Hắn đập bể vỏ chai, đe trên mặt chị: “Nếu mày không quay về làm đĩ để có tiền cho tao ăn chơi, tao cho mày lãnh đủ cái chai bể này”...

Thoát khỏi lão chồng, chị lao vào bán dâm và không nhà tù, trại cải tạo nào mà chị chưa kinh qua… Tâm “si đa” còn nổi bật với “thành tích” trốn trại khiến các cán bộ vất vả đuổi bắt, còn đám giang hồ nghe qua tên Tâm “si đa” thì nể sợ bà chị giang hồ này quá thể.

Nẻo về với những đứa con thơ…

Tâm “si đa” dạo này rất bận, bởi công việc của nhân viên tư vấn truyền thông về HIV – chăm sóc dinh dưỡng cho người mắc AIDS của nhóm công tác xã hội Nụ Cười khiến chị xoay như chong chóng. Dịp cuối tuần, ngôi nhà ở góc đường Huỳnh Tịnh Của lại vang lên tiếng cười đùa của những đứa trẻ mang căn bệnh thế kỷ. Tâm “si-đa” vừa là cô giáo dạy các em múa hát, học vẽ, đánh vần vừa là người mẹ chăm cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh thân thể…

Bước ngoặt cuộc đời chị là một ngày cuối tháng 4/1991, khi đang đứng đường chờ khách, bỗng có hai thanh niên đến bắt chuyện. Chị hí hửng vì có khách “sộp”. Ai dè họ toàn tuyên truyền về HIV/AISD.

“Mẹ kiếp, tưởng tụi bây đi chơi gái! Si đa, si điếc gì? Biến đi chỗ khác cho tao làm ăn!”, chị cáu tiết. Nhưng lần sau họ lại tới, lại chuyện si đa si điếc, rồi còn mời chị làm chuyện tào lao như họ khiến chị điên máu, mấy lần tính rượt đánh.


http://img2.nhipsongthoidai.com.vn/2014/10/09/14/18/107231287348979299350111675320316n.jpg
Tâm "si da" giờ là chỗ dựa duy nhất cho những đứa con nuôi nhiễm HIV



Nhưng mưa dầm thấm lâu. Chị ngẫm phận “gái bán hoa” già như mình rồi cũng hết thời, khách thì ế, trong khi nợ nần, miếng ăn không có. Vậy nên chị thử làm chuyện tào lao xem sao. Thử rồi thành thật. Sẵn có tài ăn nói ngang tàng, lại khét tiếng trong giới giang hồ nên hoạt động giáo dục cho gái mại dâm của chị khá thuận lợi. Không ít chị em được Tâm “si-đa” thuyết phục, trở thành tuyên truyền viên.

Năm 1993, khi chị đang tuyên truyền về HIV cho gái mại dâm thì công an tới càn quét. Mạnh ai nấy chạy, riêng chị thì bình chân như vại. Ai dè cũng bị Công an hốt lên xe. Chị la oai oái: “Mấy anh bắt lầm người rồi. Tôi hổng phải là gái”. Công an không tin. Nhiều người dân biết chị nên xúm lại trêu, Công an bắt nhầm bà si đa rồi. Bả hay tuyên truyền HIV ở đây nè. Mấy chiến sĩ nghe xong liền kêu chị xuống nhưng chị nào có vừa, bảo ai biểu hốt tôi lên giờ ẵm tôi xuống tôi mới chịu. Cũng từ đó cái tên Tâm “si đa” trở nên thân thuộc với nhiều người.

Bạn bè cũ chửi chị là đồ ngu, làm đĩ sướng thấy mẹ không làm, dư hơi đi làm chuyện bao đồng. Quả thực, làm người tốt thật khó. Hơn 20 năm qua, biết bao thử thách tưởng như chị không thể vượt qua, suýt quay về đường cũ. Bây giờ, căn trọ nhỏ xíu ở quận Gò Vấp là nơi 5 mẹ con chị tá túc. Nói là con, nhưng chị chưa hề sinh nở. Rít một hơi thuốc, vẫn chất giọng của “gái giang hồ” năm xưa nhưng sao chua chát.

“Cuộc đời tôi thúi hoắc rồi. Đẻ con làm gì thêm tội đời nó. Tôi chẳng có cái gì, không nhà, không tiền. Thôi thì, mình yêu thương, nuôi nấng, coi những đứa trẻ tội nghiệp như con mình”, chị chua xót nói.

Bốn đứa trẻ mồ côi, trai có gái có, đứa lớn 17 tuổi, đứa nhỏ nhất 8 tuổi, chúng đều mang trong mình căn bệnh thể kỉ. Chị lượm lặt được chúng trong những tháng năm làm tình nguyện viên.

Tâm “si đa” giờ gầy gò, hốc hác hơn trước. Cách đây hai năm chị bị tai nạn giao thông, xét nghiệm máu thì biết mình bị nhiễm HIV. “Lúc mới biết, tôi suy sụp lắm, hoang mang không biết vì sao mình lại bị nhiễm. Hồi mình chích xì ke như điên, đi khách không xài bao cao su thì cái chết không tới. Giờ làm việc thiện thì nó lại lù lù kéo về. Có thể do lần băng bó vết thương cho những cô gái bám dâm hoặc tắm rửa, cắt móng tay cho mấy đứa trẻ nhiễm HIV mà tôi rước cái chết vào người. Vậy là cái tên Tâm “si đa” nó ám vào mình, trở thành sự thật mất rồi”.

Vì cộng đồng, lúc đầu chị giấu, sợ mọi người biết thì không ai dám làm tuyên truyền viên HIV nữa. Giờ công khai, chị gắng gượng vì con, chỉ mong các con ăn học thành tài. Gặp tôi, trên người chị chỉ là chiếc áo sơ mi và quần tây sờn cũ. Chị bảo, quần áo toàn là đồ cũ bạn bè cho, nhiều lắm, mặc không hết. Cái xe đạp ngày trước và chiếc xe gắn máy bây giờ cũng là bạn bè mua tặng. Có lẽ, tài sản duy nhất của chị là những đứa con bất hạnh đêm đêm ngóng mẹ về.

Một đời giang hồ, cuối nẻo về, chị tìm đến Chúa. Khuya vắng, đọc kinh thánh, chị thấy lòng mình nhẹ bẫng. “Cái quý nhất của con người ta là cuộc sống, đó là điều mà đến tận bây giờ, khi cận kề cái chết tôi mới hiểu hết”, dụi điếu thuốc tàn, chị nói.


Sơn Mai