PDA

View Full Version : Gỡ vướng trong thực hiện chính sách cai nghiện ma túy



songchungvoi_HIV
14-10-2014, 16:47
Thứ ba 14/10/2014 15:00
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến cuối tháng 8/2014 cả nước có gần 204.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 0,8% so với cuối năm 2013. Trong số người nghiện ma túy có 96% là nam giới, 50% ở độ tuổi 16-30.

Từ năm 2012 đến nay tỷ lệ người nghiện sử dụng heroin có xu hướng giảm dần, số người nghiện sử dụng các chất dạng Amphetamine (ATS), thường gọi là ma túy tổng hợp có xu hướng tăng (năm 2012, 10%, năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 là 14,5%).
Số liệu khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2013 có 25,7% học viên các Trung tâm sử dụng ATS. Một số địa phương tỉ lệ học viên sử dụng ATS cao như: Đà Nẵng 74%, Tây Ninh 61%, Trà Vinh 49%.

<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/nguyenthilananh/2014_10_14/nghien.jpg


Chăm sóc, điều trị cho người nghiện ma túy

</tbody>
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 1/7/2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính QH13 có hiệu lực thi hành, các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy vào Trung tâm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12014.
Để hướng dẫn thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành biểu mẫu lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc; TAND tối cao tạm thời ban hành một số mẫu văn bản của Tòa án nhân dân trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine”.
Đã hơn 8 tháng kể từ khi các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực, cho tới nay tại 63 địa phương mới đưa 33 người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Số người nghiện tại cộng đồng tăng (số người chấp hành cai tại Trung tâm hết thời gian được trả về địa phương, số người nghiện mới tăng) chưa được quản lý chặt chẽ ở xã phường, thị trấn là nguyên nhân gây bất ổn về an ninh, trật tự xã hội và gây nhiều bức xúc cho người dân, làm cho việc quản lý địa bàn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
8 tháng năm 2014, các Trung tâm đã tiếp nhận cai nghiện cho 3.946 người, là những người đã có quyết định trước khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực. Tỷ lệ cai nghiện bắt buộc giảm tương ứng từ gần 80% năm 2012 xuống 51,8% 6 tháng đầu năm 2014. Hầu hết các học viên đều phải chấp hành đủ 24 tháng cai nghiện tại Trung tâm. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện sau khi về cộng đồng là rất cao.
Theo quy định tại Nghị định 96/2012/NĐ-CP quy định về điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, thì không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện trừ những trường hợp bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện do có 2 lần xét nghiệm dương tính với chất dạng thuốc phiện sau khi đã đạt liều điều trị duy trì từ 12 tháng trở lên.
Tuy nhiên, không có một văn bản pháp luật nào quy định việc đã từng điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện là một tiêu chí để xét đi cai nghiện bắt buộc. Bởi vậy, sau khi một người bị đưa ra khỏi chương trình Methadone (trung bình khoảng 15 tháng sau khi tham gia chương trình, bao gồm cả giai đoạn dò liều), để đưa đối tượng này đi cai nghiện bắt buộc cần phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường thị trấn kết hợp với cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (6 -12 tháng).
Hiện nay, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng gặp phải nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí hạn hẹp nên nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện. Các địa phương đã triển khai thì phạm vi triển khai còn nhỏ hẹp. Đây chính là kẽ hở về pháp luật mà nhiều đối tượng đang lợi dụng để lẩn tránh việc cai nghiện bắt buộc.
Công tác phối hợp giữa các ngành tại địa phương chưa chặt chẽ: Sở Y tế chưa tiến hành tập huấn xác định tình trạng nghiện cho cán bộ xã, phường, thị trấn; Công an tỉnh, thành phố chưa hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Sở Tư pháp chưa hướng dẫn thẩm tra hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; ngành Tòa án chưa hướng dẫn các thẩm phán trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho họ cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành hữu quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện hiện nay.
Theo đó, các Bộ, ngành cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác cai nghiện ma túy theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cai nghiện ma túy. Trước mắt, các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng kế hoạch triển khai tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các quận, huyện, xã, phường, thị trấn theo lĩnh vực của ngành để thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai.
Đồng thời, tăng cường thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cũng như áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên nguyên tắc tăng số người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng,trường hợp người nghiện đã cai nghiện ở gia đình và cộng đồng mà còn tái nghiện thì phải làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cai nghiện ma túy là một công việc khó khăn phức tạp, lâu dài đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, của Ủy ban nhân dân các cấp. Đa dạng hóa các mô hình cai nghiện, hình thành các điểm điều trị, cai nghiện tại cộng đồng để người nghiện có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ điều trị biến quá trình điều trị, cai nghiện bắt buộc hiệu quả hạn chế chuyển dần sang quá trình tự nguyện điều trị của người nghiện ma túy khi họ thực sự thấy được lợi ích của quá trình điều trị nghiện ma túy đối với sức khỏe bản thân và cuộc sống của gia đình họ, lúc đó vấn đề điều trị nghiện ma túy sẽ giảm đi những khó khăn phức tạp như hiện nay.

Cao Nhất Phiến
http://tiengchuong.vn/