PDA

View Full Version : Tâm sự “Ở Việt Nam có nhiều Nina Phạm thầm lặng” của một bác sĩ gây sốt



songchungvoi_HIV
16-10-2014, 12:36
10:49:27 16/10/2014
“Người Mỹ, người Việt và mọi người đều thương cảm cho Nina Phạm, nhưng có mấy ai biết đến hàng trăm, hàng ngàn những thầy thuốc khác cũng đang như vậy tại Việt Nam…”, bác sĩ Võ Xuân Sơn chia sẻ.

Trong status viết trên trang cá nhân ngày 14/10, bác sĩ Võ Xuân Sơn (55 tuổi) làm việc tại khoa phẫu thuật ở một phòng khám quốc tế (TP Hồ Chí Minh) đã có những chia sẻ về đại dịch Ebola và Nina Phạm (nữ nhân viên y tế gốc Việt ở Mỹ) bị nhiễm dịch Ebola và những câu chuyện ở Việt Nam có nhiều Nina Phạm thầm lặng đã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè.



http://k14.vcmedia.vn/k:thumb_w/600/uI6W7VuKr0C7xmmvof3a7qTPekIc4x/Image/2014/10/anh-3-87958/tam-su-o-viet-nam-co-nhieu-nina-pham-tham-lang-cua-mot-bac-si-gay-sot-.jpg

Bác sĩ Võ Xuân Sơn trong một ca phẫu thuật cho bệnh nhân - (Ảnh: Internet).


Mở đầu, bác sĩ Võ Xuân Sơn chia sẻ: “Nina Phạm là một người gốc Việt ở Mỹ, làm việc tại một bệnh viện của Mỹ. Nina Phạm chăm sóc cho một bệnh nhân mà cả thế giới chú ý đến, dưới sự kiểm soát gắt gao của CDC, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, một cơ quan có sức mạnh chi phối hầu khắp thế giới trong công tác phòng và chống nhiễm khuẩn.


Vậy mà Nina vẫn bị lây, mà lại lây ngay cái căn bệnh quái ác, có khả năng giết người ghê gớm. Cả nước Mỹ rúng động, cả thế giới rúng động khi biết tin Nina bị nhiễm virus Ebola. Thực ra, Nina Phạm không phải nhân viên y tế đầu tiên bị nhiễm Ebola. Trước cô đã có 3 bác sĩ và 3 y tá bị lây bệnh kể từ đầu mùa dịch đến nay”.


Bác sĩ Sơn cũng nhớ lại: “Trong một đêm trực, một trường hợp bệnh nhân vô danh bị máu tụ trong sọ, test nhanh HIV (+). Nếu không mổ sớm, bệnh nhân sẽ chết. Mặc dù rất mệt mỏi, nhưng các bác sĩ, kĩ thuật viên, điều dưỡng lại bắt tay vào mổ. Ban đầu, những trường hợp như vậy còn ít, càng về sau càng nhiều, gần như cứ cách 1, 2 đêm chúng tôi lại gặp một trường hợp như vậy. Ngay cả những trường hợp HIV (-) cũng không an toàn hơn bao nhiêu”.


“Rồi một hôm, phẫu thuật viên đang mổ cho một trường hợp HIV (+) thì kim đâm vào tay. Một vết đâm nhỏ nhưng là một cuộc khủng hoảng lớn đối với người bác sĩ đó và gia đình anh ta. Nhiều bác sĩ bị như vậy. Ai cũng phải giữ cho vợ con, gia đình trong vài tháng, vừa uống thuốc, vừa đi làm, vẫn mổ xẻ, vẫn tiếp tục phơi nhiễm với HIV, siêu vi viêm gan C, B… và đủ thứ bệnh lây nhiễm khác. Số lượng các bác sĩ bị kim dính máu nhiễm HIV đâm vào tay cứ tăng dần, tăng dần.



http://k14.vcmedia.vn/k:TUcCKsDLlXNsjUG7RZV5C4G4GPDR4i/Image/2014/09/o-viet-nam-co-nhieu-nina-pham-tham-lang-c5b0b/tam-su-o-viet-nam-co-nhieu-nina-pham-tham-lang-cua-mot-bac-si-gay-sot-.jpg
Những dòng status của bác sĩ Sơn được rất nhiều bạn bè, cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ - (Ảnh chụp màn hình).


Một trường hợp vô cùng éo le. Một bác sĩ phẫu thuật không được gia đình thông cảm cho nghề nghiệp của mình, tìm đủ mọi cách thuyết phục anh ta bỏ nghề, một trong các lí do là sự phơi nhiễm. Khi bị kim dính máu nhiễm HIV đâm vào tay, anh không dám thông báo cho gia đình vì sợ gia đình sẽ gây áp lực bắt anh bỏ nghề, đành âm thầm uống thuốc và làm việc trong im lặng. Nhưng anh phải giữ gìn cho vợ. Suốt mấy tháng trời, anh tìm cách trốn tránh nghĩa vụ làm chồng. Người vợ nghi ngờ, ghen tuông. Bạn bè, đồng nghiệp biết hoàn cảnh của anh giúp anh nói dối người vợ, để rồi khi vợ anh quay đi, họ lại thở dài, mấy cô điều dưỡng còn len lén giơ tay quệt nước mắt”.


Rồi bác sĩ Sơn kể tiếp: “Nhưng anh vẫn còn may. Một nữ điều dưỡng đã không may mắn như vậy. sau khi bị kim đâm vào tay, cô cũng áp dụng mọi biện pháp nhưng rồi vẫn bị nhiễm. Gia đình thông cảm, không rời bỏ cô. Cô vẫn đi làm. Không nhiều người ở chỗ làm biết cô bị nhiễm HIV. Họ chỉ thấy cô chìm dần, chìm dần vào sự cô độc, xa lánh dần mọi người, và dù có cố cười tươi đến đâu thì ánh mắt cô vẫn luôn đượm buồn.


Còn nhiều lắm những người như vậy. Họ không nổi tiếng, không được mấy người biết đến, phần vì nguyên tắc giữ bí mật cho người bệnh, phần vì họ không ở Mỹ, không làm việc dưới sự kiểm soát của CDC. Về tính chất nguy hiểm của bệnh tật thì tỉ lệ tử vong của AIDS còn cao hơn cả Ebola, chỉ là diễn tiến chậm hơn mà thôi”.



http://k14.vcmedia.vn/k:TUcCKsDLlXNsjUG7RZV5C4G4GPDR4i/Image/2014/09/o-viet-nam-co-nhieu-nina-pham-tham-lang-(1)-c5b0b/tam-su-o-viet-nam-co-nhieu-nina-pham-tham-lang-cua-mot-bac-si-gay-sot-.jpg
Nhiều người không giấu nổi xúc động về những tâm sự của bác sĩ Sơn - (Ảnh chụp màn hình).


"Người Mỹ, người Việt và mọi người đều thương cảm cho Nina Phạm, nhưng có mấy ai biết đến hàng trăm hàng ngàn những thầy thuốc khác cũng đang bị y như vậy tại Việt Nam, đang ngày ngày vừa phải vật lộn với bệnh tật trong vô vọng, vừa phải lo cơm áo gạo tiền. Nina Phạm không ở đâu xa, ở đây, ngay trên đất Việt Nam này, ngay ở những bệnh viện đông đúc, chật chội, hàng trăm hàng ngàn Nina Phạm thuần Việt, bằng xương bằng thịt tồn tại. Không mấy người biết đến câu chuyện của họ, không một phóng viên, một hãng truyền thông nào biết đến họ.


Bên cạnh họ, có hàng vạn, hàng chục vạn người, bất cứ lúc nào cũng có thể gia nhập vào đội ngũ của những Nina Phạm Việt Nam, ngày ngày lặng lẽ chịu đựng sự phơi nhiễm, luôn phải cắn răng chịu đựng những lời mạt sát, khinh miệt của một số người bệnh và gia đình người bệnh, thậm chí còn có thể là đối tượng của đám người quá khích hành hung”.


Những dòng status kể về quá trình không may lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh nhưng các bác sĩ vẫn nỗ lực, thậm chí luôn hết lòng vì người bệnh mà bác sĩ Võ Xuân Sơn chia sẻ đã nhận được rất nhiều lời động viên, xúc động của cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự khâm phục, sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ Việt Nam".


Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Sơn cho biết, khi ai đó bị nhiễm virus Ebola, tính mạng bị đe dọa, nhưng họ vẫn có cơ may khỏi bệnh, và khi hết bệnh thì họ không còn khả năng lây cho ai cả. “Việc công bố các trường hợp như Nina Phạm tạo sự thông cảm cho người bị nhiễm, thậm chí còn làm cho họ trở thành người hùng trước mắt mọi người. Nhiễm HIV thì khác hẳn. Gần như không bao giờ khỏi bệnh cả, và người bị nhiễm dù là những người anh hùng không kém gì Nina Phạm, nhưng họ vẫn có khả năng lây bệnh, dẫn đến sự phân biệt đối xử trong cộng đồng, từ đó họ bị mất công ăn việc làm, hoặc không ai muốn gần gũi họ...


Những nhân viên y tế không may bị nhiễm HIV do hành nghề đều là những người hy sinh hết mình cho người bệnh vì họ có thể từ chối chữa cho bệnh nhân nhiễm HIV, họ có thể bỏ nghề để không bị lây nhiễm, họ không đáng bị đối xử như vậy. Cho nên thông tin này không lan rộng, không ai muốn lan rộng, vì không ai muốn sau những thương cảm, khâm phục là sự xa lánh, lạnh lùng của xã hội đến với những Nina Phạm Việt Nam”, bác sĩ Sơn chia sẻ thêm.

Theo Định Nguyễn / MASK Online (http://maskonline.vn/)