PDA

View Full Version : Chú ý khi dùng Ðông y lẫn Tây y



songchungvoi_HIV
19-10-2014, 11:41
Chủ nhật, 19/10/2014 07:49
Để điều trị bệnh, nhiều khi phải dùng kết hợp cả y học hiện đại và y học cổ truyền, nhưng có nên uống tân dược và đông dược cùng một lúc hay không và uống như thế nào?
http://images.alobacsi.vn/ThumbImages/Images/Uploaded/Share/2014/10/19/dieutriviemganbangdongtayykethopanh1300x1501413477 170451_160.jpg
Tốt nhất là nên uống cách xa nhau vì nhiều loại thuốc tây và thuốc ta không thể cùng uống một lúc.


Ví như, các loại thuốc kháng sinh đều có tác dụng diệt hoặc ức chế vi khuẩn và hệ thống men trong cơ thể thì không thể cùng uống với các vị thuốc Đông y có chứa các vi sinh vật và nhiều loại men như thần khúc, đậu xị... vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc;


các loại thuốc có nguồn gốc alcaloid của Tây y như atropin, cafein, theophylin, stricnin, corticoid... không thể uống cùng các thuốc y học cổ truyền như ô đầu, mã tiền tử, hoàng liên... vì có thể làm tăng độc tính dẫn đến tình trạng ngộ độc.


Các vị thuốc như đào nhân, hạnh nhân có chứa nitrilglycoside thì không nên uống cùng với các tân dược thuộc nhóm an thần, gây mê, gây tê vì có thể gây ức chế trung khu hô hấp và rối loạn chức năng gan.


Các thuốc cường tim thuộc nhóm digitalis không được uống cùng với các dược liệu như trúc đào, vạn niên thanh vì có thể gây rối loạn nhịp tim. Các thuốc thuộc nhóm sulfanilamide không nên uống cùng các dược liệu có chứa acid hữu cơ như bồ công anh, xuyên khung, ngũ vị tử, ô mai... vì có thể gây sỏi đường tiết niệu và chứng đái ra máu.


Kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin không nên uống cùng các vị thuốc chứa nhiều canxi, magie và nhôm như thạch cao, mẫu lệ... vì sẽ làm giảm hiệu lực của tetracyclin, hình thành các hợp chất kim loại bền vững ở đường ruột làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và tiêu hoá thức ăn.


Theo Xuân Mai - Sức khỏe và đời sống

Charles
27-11-2014, 07:25
Đông dược cũng gây ngộ độc

Thứ năm, 27/11/2014 07:09

Đã gọi là thuốc, bất kể tân dược (thuốc tây) hay đông dược (thuốc ta) thì đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả chết người.

Đông dược có thể dẫn tới ngộ độc vì một số lý do sau đây:

- Bệnh nhân bị dị ứng một hoặc nhiều chất có trong thành phần của thuốc do yếu tố cơ địa. Điều này xảy ra tương tự như đối với tân dược, tuy nhiên, vì đông dược thường là một hỗn hợp gồm rất nhiều chất khác nhau nên rất khó xác định dị nguyên cụ thể.


http://Images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2014/11/27/Ngo-doc-dong-duoc-vi-sao-1.jpg


Bệnh nhân bị ngộ độc đông dược. Ảnh: TM


- Bệnh nhân dùng quá liều (do tự ý hoặc do thầy thuốc chỉ định) loại đông dược mà trong thành phần có một hoặc nhiều vị có độc như bán hạ, phụ tử, mã tiền, hoàng nàn...

- Do trình độ hoặc do khám xét không kỹ, thầy thuốc đã kê đơn cho bệnh nhân dùng loại đông dược mà lẽ ra là phản chỉ định đối với người bệnh.

- Do chất lượng thuốc không đảm bảo vì trồng trọt chăm bón quá nhiều hoá chất có hại, bảo quản không tốt (dùng quá nhiều lưu huỳnh...), bào chế sai quy cách hoặc vì bị nhiễm vi sinh vật có hại, đặc biệt là các loại nấm mốc dễ gây dị ứng.

- Do nhầm lẫn dược liệu khi thu hái, mua bán và sử dụng. Điều này có thể do người bệnh tự dùng, do nhân viên y tế cân thuốc cẩu thả hoặc do gian thương cố tình đánh tráo để trục lợi (ví như dùng thương lục để làm giả nhân sâm).

- Do bệnh nhân không tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc về cách sắc, cách uống, liều lượng và quy trình điều trị.

- Do người bệnh được dùng phối hợp quá nhiều loại thuốc, trong đó có cả tân dược và đông dược, nên dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể. Đây là một vấn đề rất phức tạp mà người thầy thuốc dễ bỏ qua và người bệnh cũng dễ tự ý dùng thêm với mong muốn bệnh tình nhanh thuyên giảm...

Để ngăn ngừa những tai biến do dùng đông dược:

- Với bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tuỳ tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc chuyên khoa. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.

- Với thầy thuốc, phải khám xét tỉ mỉ, nắm được tiền sử dị ứng của bệnh nhân, trọng dụng các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc, hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tây và thuốc ta một cách cẩu thả, kiểm tra kỹ chất lượng thuốc trước khi cân đơn cho người bệnh.


ThS Hoàng Khánh Toàn - Sức khỏe và Đời sống
http://alobacsi.com/

songchungvoi_HIV
06-12-2014, 10:22
Nguy hiểm "chết người" từ thuốc bắcThứ bảy, 06/12/2014 07:16
Theo thống kê có đến 80% thuốc Bắc tại Việt Nam được nhập lậu từ Trung Quốc, trong đó có nhiều loại khi kiểm nghiệm có thuốc trừ sâu, thạch tín, lưu huỳnh vượt mức cho phép.
Thuốc bắc có nguồn gốc từ Trung Quốc


Nhiều người vẫn nghĩ thuốc Bắc là quý, không bổ chỗ này cũng bổ chỗ khác, không gây hại, không tác dụng phụ. Tuy nhiên theo thống kê có đến 80% thuốc Bắc tại Việt Nam được nhập lậu từ Trung Quốc, trong đó có nhiều loại khi kiểm nghiệm có thuốc trừ sâu, thạch tín, lưu huỳnh vượt mức cho phép.


http://images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2014/12/6/Nguy-hiem-chet-nguoi-tu-thuoc-bac-1.jpg

Thuốc bắc có nguồn gốc từ Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện có không ít loại dược liệu nhập khẩu đã bị chiết xuất hút hết hàm lượng tinh chất chỉ còn là… củi rác.


Ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết: "Thuốc đông y Việt Nam thật thường không đáng lo, vì lợi nhuận thấp, số lượng không đáng bao nhiêu nên không có các cách "làm trò" nguy hiểm. Nhưng với thuốc Trung Quốc thì cần phải cảnh giác".


Theo ông Hướng, sở dĩ cần cảnh giác với thuốc đông y Trung Quốc là vì họ thường trộn lẫn tân dược với đông dược gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm.


Ngoài ra, thuốc đông y của Trung Quốc thường có tồn dư chất bảo vệ thực vật cao và chứa hàm lượng kim loại nặng rất lớn, dễ dàng gây ra các loại bệnh mãn tính nguy hiểm cho người dùng (như gan, thận, tim mạch,...).


Chứa lưu huỳnh


Lâu nay, trong bào chế đông dược, xông lưu huỳnh là biện pháp chủ yếu để phòng chống mốc, tạo màu sáng đẹp cho dược liệu. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận đã lợi dụng việc xông lưu huỳnh với hàm lượng vượt quá quy định cho phép, bất chấp tác hại của nó đối với người tiêu dùng.


Theo các nhà chuyên môn, bảo quản bằng lưu huỳnh là rất nguy hiểm bởi đông dược là là những vị thuốc làm từ rễ, thân, lá, cây cỏ và từ da, xác động vật... dễ hút ẩm nên đây là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình xông, lưu huỳnh sẽ lưu lại trên thuốc, có khả năng gây ung thư nếu tồn dư một lượng đáng kể trong cơ thể.


Khi bị dị ứng với lưu huỳnh, ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể có các biểu hiện như đau đầu, khó thở, ngạt mũi… Còn ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị tử vong, nhất là ở những người mắc bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính.


Hại thận, hại gan, hại da


Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, BV Bạch Mai cấp cứu từ 10-15 ca ngộ độc rượu ngâm thuốc Bắc, chưa kể đến các trường hợp ngộ độc do uống nước sắc trực tiếp từ loại thuốc có nguồn gốc thảo dược này. Cụ thể một nam bệnh nhân, 47 tuổi ở Hải Phòng đã uống thuốc Bắc để điều trị bệnh khớp với mục đích "cho lành".


Thế nhưng "lành" đâu chẳng thấy lại thấy "dữ" khi sau một thời gian sử dụng thuốc, bệnh nhân bị suy gan, thận nặng dẫn đến tử vong, mặc dù đã được các bác sĩ khoa Chống độc, BV Bạch Mai tích cực lọc máu bằng cách chạy thận.

Theo Phúc Lâm - Khỏe và Đẹp