PDA

View Full Version : Chuyện cảm động về người lính và cô con gái nuôi nhiễm 'H'



songchungvoi_HIV
24-11-2014, 08:17
24.11.2014|07:14 AM
Số phận trớ trêu đã khiến cô bé Dương Kim C. (SN 2001) ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bị nhiễm căn bệnh thế kỷ từ mẹ. Lên 2 tuổi, cô bé bất hạnh mất đi người mẹ của mình và một năm sau, người cha cũng chung số phận vì căn bệnh quái ác.

Lúc bấy giờ, C. cùng người anh trai ngơ ngác nhìn nhau khi gia đình (http://www.nguoiduatin.vn/c/gia-dinh) hai bên nội ngoại đều xa lánh. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của các cháu, Thiếu tá Danh Trường Danh, hiện đang công tác ở đồn Biên phòng Gành Dầu (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) đã chủ động nhận C. làm con nuôi.
Bi kịch của số phận
Về huyện đảo Phú Quốc, chúng tôi được nghe rất nhiều người dân kể về một chiến sỹ bộ đội biên phòng (http://www.nguoiduatin.vn/tag/bộ-đội-biên-phòng) giàu lòng nhân ái. Đó là câu chuyện về Thiếu tá Danh Trường Danh, một người lính giản dị nhưng có tấm lòng cao cả khi dám vượt qua nhiều rào cản để nhận cô con gái không may nhiễm HIV của một người đồng chí về làm con nuôi (http://www.nguoiduatin.vn/tag/con-nuôi).

http://xmedia.nguoiduatin.vn/159/2014/11/23/nguoi-linh-bien-phong.jpg
Thiếu tá Danh Trường Danh và cô con gái nuôi.

Đang loay hoay tìm nhà, tình cờ chúng tôi gặp được một ngư ông đi đánh lưới về. Bỏ nhanh điếu thuốc đang hút dở, ông lão bảo: "Các chú tìm nhà chú Danh phải không, cứ đi hết con đường bê tông này, tới nơi có cây xà cừ lớn, thêm một quãng nữa là đến. Ở đây ai cũng khâm phục về tấm lòng vị tha của vợ chồng cô chú ấy khi nhận đỡ đầu cháu C. bị mắc căn bệnh HIV giai đoạn cuối về làm con nuôi. Thời điểm đó ai cũng cảm thấy lo lắng, thậm chí xa lánh họ nhưng thời gian về sau mọi người dần hiểu ra và lấy đó làm tấm gương giáo dục (http://www.nguoiduatin.vn/c/giao-duc) cho các thế hệ ở trong ấp".
Đúng như lời ngư ông giới thiệu, trước mắt chúng tôi là căn nhà khá khang trang, rộng rãi. Tại nhà riêng, Thiếu tá Danh cùng với vợ chia sẻ với chúng tôi về quãng thời gian chăm sóc cô con gái nuôi bé bỏng Dương Kim C. Năm 1990, Binh nhất Danh Trường Danh được cử về làm nghĩa vụ ở đồn Biên phòng Gành Dầu, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).
Tại đây anh luôn được đồng đội và lãnh đạo đơn vị cảm phục về tính chịu thương chịu khó. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, năm 1992 anh được đơn vị cử đi học lớp Trung cấp Biên phòng và biên chế vào lực lượng. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh Danh chơi rất thân với một người đồng đội có tên là Dương Thanh G., quê ở Bình Thuận. Do hiểu và thông cảm cho nhau nên hai người đã quyết định "làm lễ" nhận nhau làm anh em kết nghĩa.
Thời gian về sau, mặc dù mỗi người đều đã có tổ ấm riêng nhưng tình nghĩa anh em giữa họ vẫn rất đằm thắm. Năm 1997, anh G. tình cờ làm quen rồi kết duyên với cô gái Lê Thị Ngọc Q. (quê ở Bến Tre - PV). Một năm sau đám cưới, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ được nhân lên khi chị Q. hạ sinh được người con trai đầu lòng trông rất kháu khỉnh).
Tuy nhiên, đến cuối năm 2000, số phận của gia đình bé nhỏ bỗng chốc bị đảo lộn tất cả khi anh G. trong một lần đi khám bệnh đã bị phát hiện dương tính với căn bệnh AIDS. "Thời điểm đi khám và phát hiện dương tính với căn bệnh thế kỷ, ở đơn vị không ai nghĩ G. lại mắc chứng bệnh quái ác này. Bởi tôi vừa là đồng nghiệp, lại là người anh kết nghĩa nên tôi rất hiểu tính cách của chú ấy, không ăn chơi, đua đòi, không có thói ham trăng hoa, "ham của lạ". Về sau, trước giờ hấp hối, G. có gọi tôi lại và trăng trối: "Em bị mắc căn bệnh này trong một lần đi cắt tóc, lấy ráy tai ở tiệm". G. ra đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình và đồng đội", anh Danh bùi ngùi kể lại.
"Điều đáng tiếc nhất đó là thời điểm phát hiện mình bị mắc căn bệnh thế kỷ, khi đó vợ của G. là Q. đang mang bầu đứa con thứ hai. Một năm sau khi phát hiện chồng mình nhiễm HIV, Q. sinh cháu gái là Dương Kim C.. Do Q. đã nhiễm HIV nên đứa con gái cũng không may mắn khi bị nhiễm "H" ngay từ khi sinh ra. Năm 2003, Q. trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Trước lúc qua đời, Q. có gọi tôi lại và nhắn nhủ: "Em ra đi nhưng vẫn còn băn khoăn về hai đứa con còn quá nhỏ dại. Anh hãy thay em chăm sóc chúng". Tôi đã nhận lời sẽ nuôi nấng hai cháu lớn khôn. Đớn đau vô cùng, nhưng khi nghe thấy tôi nhận lời đỡ đầu cho hai cháu, Q. cũng ra đi rất thanh thản", anh Danh cho biết thêm.
Tấm lòng người cha biên phòng
Một năm sau ngày mất của vợ, đến lượt anh G. cũng trút hơi thở cuối cùng giã từ cõi đời. Khi về nhà anh Danh, cháu C. mới được hơn một tuổi nhưng toàn thể cơ thể của cháu đã bị lở loét vì căn bệnh quái ác. "Thời điểm chồng tôi nhận hai cháu về nhà sinh sống, do dư luận còn mang nặng chuyện bố mẹ chúng chết vì căn bệnh HIV, nên thời gian đầu cả ấp ai cũng xa lánh. Tuy nhiên, thời gian về sau khi nhận thấy căn bệnh quái ác này nếu như biết cách ngăn ngừa thì sẽ không còn nguy cơ lây nhiễm, người dân xung quanh mới chịu đến nhà tôi chơi", chị Lê Thị Bích (SN 1972), vợ anh Danh chia sẻ với PV.
Kể từ khi đôi vợ chồng xấu số phát hiện bị mắc căn bệnh thế kỷ, cả hai gia đình nội ngoại đều cự tuyệt và không nhận hai đứa con của anh G. là máu mủ. "Xót xa cho vợ chồng chú G., mất rồi nhưng vẫn bị chính người thân ruồng bỏ. Thời điểm ban đầu, khi người dân chưa nhận thức rõ về căn bệnh này nên cũng cách ly gia đình tôi, nhưng về sau, thấy chúng tôi vẫn sống bình thường, họ mới chịu qua lại. Do tôi và vợ thường xuyên thay phiên nhau đưa cháu đến các trung tâm y tế lấy thuốc uống, các vết thương bị lở loét của cháu dần dần được cầm lại, sự sống của cháu mới kéo dài được đến hôm nay", anh Danh cho biết.
Gặp chúng tôi, cháu C. rất lễ phép, nhanh nhẹn vòng tay chào. "Đây là bạn của bố à? Hôm qua con được cô giáo chủ nhiệm cử tham dự kỳ thi vở sạch chữ đẹp toàn trường. Con mới được điểm 10 trong đợt kiểm tra tuần trước. Cô giáo còn khen con có học lực khá", Dương Kim C. vui vẻ khoe bố.
Thầy giáo Trần Tấn Đức, Hiệu phó nhà trường nơi C. theo học cho biết: "Trường của chúng tôi kiêm dạy cho học sinh từ mầm non cho đến bậc trung học phổ thông. Khi C. còn nhỏ, mỗi lần lên lớp mầm non cô giáo luôn dạy cho cháu về cách phòng ngừa để tránh sự lây lan của căn bệnh thế kỷ. Do đó, chúng tôi thường xuyên khuyến cáo và nhắc nhở C. chỉ chơi những trò chơi bình thường, tránh những trò chơi dễ dẫn đến trầy xước, chảy máu. Cho đến nay, thói quen đó đã và đang được hằn sâu trong suy nghĩ của cháu nên các bạn đồng trang lứa vẫn có thể chơi với cháu một cách bình thường mà không có thái độ kỳ thị nào".
Đồng quan điểm với thầy Đức, thầy giáo Nguyễn Ngọc Kiếm, giáo viên dạy thể dục nói: "Tôi làm giáo viên dạy thể dục được gần 20 năm rồi, nhưng trường hợp của em C. là lần đầu tiên tôi được chứng kiến. Nghị lực phi thường của em đã khiến chúng tôi rất cảm phục. Tôi dạy em từ năm lớp 1 cho đến lớp 5, giờ thể dục nào em cũng tập, chơi bình thường, thậm chí còn có biểu hiện khoẻ mạnh hơn những bạn cùng lớp.
Khi học lớp 2, C. luôn nói: "Em chỉ chơi những trò chơi bình thường, không chơi những trò chơi mạnh để tránh chảy máu, không làm lây nhiễm các bạn trong lớp". Hiện tại, cháu C. đang dùng thuốc đều đặn hằng ngày để duy trì sự sống. Nhìn nụ cười ngây thơ, bé bỏng trên khuôn mặt của C., chúng tôi thấu hiểu về khát vọng sống của cô bé bị nhiễm căn bệnh thế kỷ.


Tấm gương sáng cho cả đơn vị noi theo
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Minh Phụng, Chính trị viên đồn Biên phòng Gành Dầu nhận xét: "Thiếu tá Danh Trường Danh là tấm gương sáng cho cả đơn vị học hỏi, noi theo. Chúng tôi rất hiểu, đồng chí Danh nhận cháu C. về nhà sinh sống đó là cả quá trình đấu tranh với dư luận, bởi thời điểm đó, nhiều người vẫn tỏ ra rất kỳ thị với căn bệnh thế kỷ. Thời gian về sau, do nhận thức được nên mọi người đã thay đổi cách suy nghĩ. Hiện nay, cháu C. đang sinh sống ở nhà vợ chồng đồng chí Danh. Điều đáng nói là, cả hai vợ chồng đều xem hai anh em C. như máu mủ của mình".
Thanh Lạng - Nguyên Hồ
http://www.nguoiduatin.vn/