PDA

View Full Version : Khó khăn trong xét xử các vụ án liên quan đến mại dâm



songchungvoi_HIV
03-01-2015, 16:08
Thứ bảy 03/01/2015 14:00
Thời gian gần đây tội phạm liên quan đến mại dâm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, có tính toán đến khả năng bị bắt để lách luật giảm tội... Điều này gây khó khăn không nhỏ cho công tác điều tra và xét xử đúng người, đúng tội.



Từ Điều 253 đến Điều 256, Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam quy định, tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm, tội mua dâm người chưa thành niên là tội phạm hình sự, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự công cộng, gây mất trị an xã hội, là nguồn gốc nảy sinh các bệnh xã hội. Do vậy việc đưa các bị cáo ra xét xử trước pháp luật là cần thiết, có tác dụng cải tạo, giáo dục đối với các bị cáo cũng như đáp ứng yêu cầu đấu tranh, răn đe và phòng, ngừa tội phạm nói chung.


<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/tranthitiep/2014_12_30/bicao1.jpg


Các bị cáo trong một đường dây môi giới mại dâm tại Toà. Ảnh Nhật Thy

</tbody>

Trong 10 năm (từ ngày 01/01/2003 đến 31/12/2013), các Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử gần 9.000 vụ án với hơn 12.000 bị cáo liên quan đến mại dâm. Bên cạnh việc xử lý các bị cáo là chủ chứa, môi giới mại dâm, Toà các cấp đã xét xử 171 vụ án với 194 bị cáo phạm tội mua dâm người chưa thành niên. Trong số các bị cáo đã xét xử, bị cáo là cán bộ công chức chiếm 0,3%.

Thời gian qua, Toà án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, trọng điểm được dư luận hết sức quan tâm như vụ án ca sỹ Lâm Nhật Anh, Trần Thị Phố, Phan Văn Trò tức Hiếu ‘Pê đê”... tại TP.HCM (trong đó các “má mì” vừa là gái bán dâm, vừa là kẻ môi giới); vụ án Lương Thị Duyên cùng đồng bọn “môi giới mại dâm”, hầu hết các bị cáo đều còn trẻ, có bị cáo chỉ có 17, 18 tuổi nhưng hành vi phạm tội thì hết sức nguy hiểm, các bị cáo liên kết lại với nhau dụ dỗ, cưỡng ép các em còn đang đi học để “bán trinh” cho một số cán bộ nhà nước đã bị biến chất; vụ án ca sỹ người Anh G. Glitter đến Việt Nam dưới danh nghĩa là khách du lịch và đã dụ dỗ, cho tiền, đưa các em gái lang thang đi chơi để thực hiện hành vi dâm ô (Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tuyên phạt bị cáo 3 năm tù giam); vụ án Lê Quốc Dũng, trú tại Như Xuân -Thanh Hoá và đồng bọn đã lừa 47 phụ nữ và trẻ em đưa sang Trung Quốc bán vào nhà hàng để làm gái mại dâm (Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên phạt Lê Quốc Dũng, Hoàng Xuân Trung, mỗi bị cáo 30 năm tù về tội mua bán phụ nữ và trẻ em).

Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí, phương tiện nhưng công tác xét xử lưu động các vụ án về mại dâm luôn được ngành Toà án quan tâm, coi trọng. Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân địa phương đã tổ chức xét xử lưu động hơn 1.000 vụ án mại dâm ở hầu hết các địa bàn trong cả nước và tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết tốt các vụ án về mại dâm. Hầu hết các vụ án này đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, xét xử các tội phạm mại dâm của Toà án các cấp thời gian qua cũng còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Qua thực tế nắm tình hình cho thấy, tình hình tội phạm về mại dâm đang diễn biến khá phức tạp, mặc dù các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều cố gắng trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này những kết quả vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thường xuyên, chặt chẽ, dẫn đến một số vụ án phải trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung dẫn đến kéo dài việc giải quyết vụ án.

Một số vụ mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có tính chất xuyên quốc gia thì việc phối hợp với các cơ quan chức năng nước ngoài gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp người bị hại do sợ bị trả thù hoặc mặc cảm về bản thân nên không tích cực phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, nhiều vụ án không xác định được người bị hại ở đâu, còn sống hay không?

Đối với các trường hợp mà người bị hại bị kẻ phạm tội bán ra nước ngoài làm gái mại dâm, nhân thân của họ phải chi phí để tìm kiếm, đặc biệt là phải trả khoản tiền chuộc với giá trị lớn thì bị hại mới được trở về Việt Nam, trong quá trình giải quyết nếu người bị hại hoặc gia đình họ yêu cầu bồi thường thì các toà cũng gặp khó khăn vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về mức bồi thường đối với các trường hợp này.

Bên cạnh đó, tội phạm liên quan đến mại dâm ngày càng tinh vi, chúng tìm nhiều các để lách luật, chối tội khiến công tác xử án cũng gặp nhiều khó khăn.

Một Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cho hay, khi bị bắt về tội chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm, các chủ chứa, là chủ những đơn vị kinh doanh dịch vụ trá hình thường dùng chiêu “chối tội”, giảm nhẹ tội bằng cách đẩy hết trách nhiệm cho gái bán dâm. Họ thường “cãi” là do các nhân viên tự tìm mối, tự đi khách, họ không biết nên không có tội.

Vị thẩm phán này dẫn chứng một vụ xét xử phúc thẩm vụ án “môi giới mại dâm” đối với hai vợ chồng bị cáo Nguyễn Đức Minh và Nguyễn Thị Hà (ở thôn Tế Tiêu, xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, chủ một quán cà phê) vào năm 2012. Trước đó, hai bị cáo này đã bị đưa ra xét xử sơ thẩm, bị khép vào tội môi giới mại dâm (người bán dâm là nhân viên của quán, trước đây đã từng bán dâm) và hình phạt cho bị cáo Minh là 12 tháng tù giam, bị cáo Hà là 36 tháng tù về tội môi giới mại dâm. Cho rằng bị oan, hai vợ chồng bị cáo Minh vẫn một mực kêu đã bị “cài bẫy”. Các nhân viên quán tự tìm mối, tự đi khách, họ không biết nên không có tội. Tuy nhiên, theo lời khai của hai cô gái bán dâm, được sự đồng ý của Hà, họ mới đi bán dâm.

Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra, kết quả tranh luận tại các phiên toà và ý kiến, chứng cứ của các bị cáo, Tòa tuyên vợ chồng bị cáo Minh - Hà phạm vào tội “môi giới mại dâm”, giữ nguyên mức án cũ bị cáo Minh 12 tháng tù giam, bị cáo Hà 36 tháng tù.

Cũng trong năm 2012, CSĐT CATP Hà Nội cũng phá một đường dây cung cấp gái mại dâm tại quán karaoke Lan Anh nằm trên địa bàn phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Đặc biệt, trong khi khám xét đã phát hiện 88 lá đơn xin thôi việc của những nhân viên nữ của quán này. Nhằm “thu hút” khách về quán mình, chủ quán đã thuê một số nữ nhân viên vào làm ở quán nhưng thực chất những nhân viên này đều là gái mại dâm. Từ 11h đến 23h hàng ngày, những nhân viên này phải ngồi chờ khách trên tầng 5. Nếu khách hát karaoke có nhu cầu phục vụ “từ A đến Z” thì nhân viên phải xuống lễ tân của quán xin phép bằng cách ký vào tờ đơn “xin thôi việc” với nội dung “xin chuyển công tác”. Tại phiên toà xét xử, Tuấn, chủ quán karaoke Lan Anh đã khai nhận, khi đi khách, gái mại dâm chỉ cần ký vào mẫu đơn làm sẵn. Điều này giúp Tuấn thoát khỏi sự truy cứu của pháp luật trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, số bị cáo là nữ chiếm tỷ lệ khá cao (trên 48%), độ tuổi của các má mì ngày càng trẻ hoá, hầu hết các đối tượng này đã trải qua một thời gian là gái mại dâm nên có nhiều thủ đoạn để trốn tránh pháp luật.
Nhật Thy
http://tiengchuong.vn/