PDA

View Full Version : Trả ơn cuộc sống



songchungvoi_HIV
07-01-2015, 10:24
Monday, 5 - January - 2015
Một tai nạn khiến ông Nguyễn Xuân Trương (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) bị gãy cột sống cổ và hôn mê hơn một tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay khi tỉnh dậy, ông đề nghị bác sĩ cứ mổ cho mình. Nếu sống thì ông sẽ làm lụng để trả ơn cuộc đời.
(http://caritasphucuong.org/wp-content/uploads/2015/01/ong-Ba-Truong.jpg)
http://caritasphucuong.org/wp-content/uploads/2015/01/ong-Ba-Truong.jpg (http://caritasphucuong.org/wp-content/uploads/2015/01/ong-Ba-Truong.jpg)Ông Ba Trương xuôi ngược bán vé số lấy tiền làm từ thiện – Ảnh: V.TR
Nghe tin ông Ba Trương (Nguyễn Xuân Trương, 65 tuổi) tỉnh lại, những người bạn chí cốt của ông ở Vĩnh Long lên thăm. Một số người mang theo tiền trả cho ông vì trước đây họ còn nợ khi ông làm thợ hồ xây nhà cho họ.

Những mạnh thường quân khác hay tin đã quyên góp giúp ông có điều kiện thực hiện ca mổ phức tạp và đầy may rủi này. Ca mổ thành công, ông Ba Trương được cứu sống nhưng gần như không thể tự đi lại được.

Ðược Bệnh viện Chợ Rẫy cho xuất viện nhưng ông phải nhập viện tại Trung tâm Ðiều dưỡng và phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Long để tập vật lý trị liệu suốt hai năm ròng.

Ông Ba Trương nhớ lại khi vào Trung tâm Ðiều dưỡng và phục hồi chức năng để tập vật lý trị liệu, ông cũng phải xếp hàng nhận cơm từ thiện ngày hai lần như bao bệnh nhân khác. Thương mấy đứa trẻ khuyết tật ở trung tâm mệt mỏi xếp hàng chờ nhận cơm, nên ngay khi khỏe mạnh trở lại ông nhờ người đưa đến bếp ăn từ thiện Bệnh viện Ða khoa Vĩnh Long hỏi xin cơm và thức ăn mang về cho mấy đứa nhỏ.

Thấy ông đang bệnh, đi đứng khó khăn mà quan tâm đến người khác nên những người điều hành bếp ăn đồng ý. Ngày hai buổi, ông cùng mấy đứa trẻ tương đối khỏe mạnh đến lấy cơm về phát cho nhiều trẻ khác. Không có vợ con nên ông chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ khuyết tật như con của mình.

Qua một thời gian dài luyện tập cật lực, sức khỏe của ông Ba Trương ngày càng tốt hơn. Ông thường lặng lẽ tập xoay trở với chiếc xe lắc tay để có thể một mình đi lại. “Tôi muốn phụ giúp mọi người ở bếp ăn từ thiện, nấu cơm hay phát cơm gì cũng được. Ăn ké hoài mà không phụ làm gì thấy ngại lắm” – ông nói. Cuối cùng ông cũng tự “đi” được với chiếc xe lắc và có mặt tại bếp ăn tình thương Bệnh viện Ða khoa Long Hồ. Thời gian rảnh rỗi ông lắc xe đi bán vé số lấy tiền lời hỗ trợ bếp ăn tình thương mua gạo, thức ăn.

Ông Tư Ánh, ban điều hành bếp ăn tình thương Bệnh viện Ða khoa Long Hồ, cho biết trung bình mỗi ngày bếp nấu 150 suất phục vụ người nghèo. Hiện có hơn 130 người tình nguyện thay phiên nhau trực nấu ăn. Mỗi ca trực có 5-10 người, đảm nhận việc nấu ăn suốt một tuần rồi nghỉ ngơi.

Tới phiên mình, ông Ba Trương cũng ngủ lại bếp ăn để trực tiếp nấu cơm, chế biến thức ăn. Hết ca thì ông đi bán vé số và vận động các nhà hảo tâm đóng góp gạo và thức ăn cho bếp.

“Anh chị em phải thức dậy từ 2g sáng mỗi ngày chuẩn bị nấu cháo. 5g đã sẵn sàng phát cho bệnh nhân. Ngay sau đó phải lo nấu cơm và hai món thức ăn cho bữa trưa, phát từ 9g. Trưa tranh thủ nghỉ chút xíu để tiếp tục lo bữa cơm chiều phát lúc 15g. Công việc rất nhiều, nếu ai không có lòng thì không bao giờ làm được. Anh Ba Trương sức khỏe không tốt, bị bệnh cao huyết áp và đi lại khó khăn nhưng làm miệt mài, buông chuyện này thì bắt chuyện kia. Anh có hàng chục đầu mối nhà hảo tâm, cần thứ gì anh gọi điện thoại là có người giúp cho bếp. Cái tâm từ thiện của anh sáng lắm” – ông Tư Ánh nói.


Nguồn: tuoitre