PDA

View Full Version : Mới sinh ra đã mắc bệnh giang mai



songchungvoi_HIV
29-04-2015, 16:10
Thứ tư, 29/04/2015 15:17
Triệu chứng giang mai bẩm sinh thường gặp: trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng bào thai, cân nặng nhỏ hơn 2,5kg.
http://images.alobacsi.vn/ThumbImages/Images/Uploaded/Share/2015/04/29/giang-mai_160.jpg



Đầu tháng 4, chị PTHG, 28 tuổi, nhà ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, sinh ra một bé trai, nặng 2kg, lVĐK Tiền Giang. Sau khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ cháu bị giang mai bẩm sinh nên cho làm xét nghiệm tìm kháng thể giang mai (VDRL). Kết quả xét nghiệm kháng thể giang mai dương tính.
Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình của cháu, ba cháu cho biết là anh làm nghề lao động phổ thông, cũng có nhiều bạn tình, đã từng mắc một bệnh da liễu nhưng không biết loại gì mà bác sĩ chuyên khoa cho uống thuốc tới một tháng trời mới ngưng. Còn mẹ thì trong thời gian mang thai không có đi khám thai vì gia cảnh quá khó khăn.


Đây là một trường hợp bệnh nhân bị bệnh giang mai bẩm sinh do mẹ truyền sang qua nhau thai từ tháng thứ 4 trở đi. Bệnh giang mai là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Treponema pallidum. Nó được truyền từ người này sang người khác trong quá trình quan hệ tình dục không an toàn (âm đạo, hậu môn và quan hệ tình dục bằng miệng), nó cũng lây qua đường máu và qua nhau thai giữa mẹ và con trong khi mang thai.


Triệu chứng giang mai bẩm sinh thường gặp: trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng bào thai, cân nặng nhỏ hơn 2,5kg. Trên da có nhiều bọng nước lớn, khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, nhiều khe nứt ở miệng, hậu môn, chứng sổ mũi, mủ và máu do loét các xương sụn ở mũi, loét họng làm tiếng trẻ khóc khàn trầm lạ tai, có nhiều hồng ban và sần ngoài da.


Còn thấy nhiều tổn thương khác như: xương khớp gặp trong 80% các tổn thương giang mai bẩm sinh, viêm xương sụn vào tháng thứ 2 - 3 sau sinh, gan to và xơ hóa, lách to, viêm thận, viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm dây thần kinh thị giác, thiếu máu.


Một điều cần lưu ý là giang mai bẩm sinh tiềm tàng chỉ được xác định dựa trên xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh dương tính ở người mẹ chứ không dựa vào xét nghiệm chẩn đoán ở trẻ sơ sinh, bởi vì một bé sinh từ mẹ có bệnh dù đã được điều trị vẫn có thể mang những kháng thể tồn dư từ người mẹ suốt thời gian vài ba tháng.


Do đó trẻ sơ sinh vẫn phải được theo dõi và điều trị. Đối với phụ nữ mắc bệnh giang mai thì nên điều trị bệnh trước khi mang thai. Còn nếu trong trường hợp mang thai rồi mới mắc bệnh giang mai thì càng cần phải theo dõi và thực hiện chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi đến thời điểm sinh nở thì nên sinh mổ để tránh lây bệnh cho thai nhi khi bé chui qua cổ tử cung.


Hiện nay vẫn chưa thuốc chủng ngừa bệnh giang mai, vì vậy để phòng bệnh thì không nên quan hệ tình dục hay tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết, vết loét của người bị bệnh.Giang mai không lây qua việc dùng chung nhà vệ sinh, các hoạt động hàng ngày, bồn tắm hay dụng cụ ăn uống.

Theo BS Nguyễn Thành Úc - Sức khỏe và Đời sống

songchungvoi_HIV
05-11-2015, 17:02
Trẻ em cũng dễ mắc bệnh giang mai

Thứ tư, 04/11/2015 10:02

Điều bất ngờ mà bác sĩ khoa sản cho biết, bệnh giang mai không chỉ dễ mắc ở người có quan hệ tình dục không lành mạnh mà ngay cả trẻ em nhỏ tuổi cũng mắc phải.

Dễ mắc, dễ lây



Tiếp xúc với rất nhiều ca bệnh lây truyền qua đường tình dục (http://alobacsi.com/tinh-yeu-gioi-tinh/8-hanh-vi-tinh-duc-de-gay-benh-khong-nen-thu-a2014112006372593c314.htm) và đều rất dễ hiểu khi bệnh nhân là người có quan hệ không lành mạnh, thậm chí do khách quan từ chồng, người tình mang lại, nhưng BS Lê Thị Kim Dung – khoa sản, Trung tâm y khoa Thái Hà (Hà Nội) ám ảnh mãi ca bệnh mắc giang mai khi tròn 3 tuổi.



Nhiều năm trước, một bệnh nhi trai 3 tuổi ở Hà Nội được mẹ cho đi khám với nốt loét sâu trên trán. Ban đầu, tại vị trí này, gia đình chỉ thấy nốt nhỏ màu đỏ nên không để ý nhiều. Tuy nhiên, càng ngày vết đỏ càng loét sâu và rộng, xung quanh là những vòng tròn màu đỏ, có tiết dịch. Thời gian đó, bé thường xuyên nóng sốt và nổi hạch ở vùng cổ khiến sức khỏe giảm sút đáng kể.



Đưa con đi khám, không chỉ gia đình mà ngay cả các bác sĩ đều vô cùng ngỡ ngàng vì bé mắc bệnh giang mai – căn bệnh xã hội, chủ yếu lây qua quan hệ tình dục. Điều ngạc nhiên hơn là ngay cả người mẹ sinh ra cháu bé chưa từng bị mắc căn bệnh này. Dó đó, nguyên nhân mắc bệnh của cháu bé vẫn còn là một ẩn số cho đến ngày nay mà BS Dung cũng chưa lý giải được.



Trường hợp thứ 2 mắc bệnh giang mai cũng khiến bác sĩ này bất ngờ là từ người mẹ cũng làm ngành y, sản khoa như bà. Tuy nhiên, trường hợp này được xác định là do lây nhiễm trong một lần đỡ đẻ không đeo găng tay cho một thai phụ mắc bệnh giang mai.



Vết lây nhiễm của bà đỡ này được xác định là ở bàn tay phải – bộ phận tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người bệnh. Sau khi lây bệnh, bà đã được điều trị tích cực và đến nay không ai còn nhớ và nhắc đến căn bệnh vốn có trong cơ thể bà. Tuy nhiên, để chữa trị được triệt để, BS Dung cho biết, người mẹ đã bị “méo” mông vĩnh viễn do tiêm chữa quá nhiều thuốc.





http://Images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2015/11/4/Tre-em-cung-de-mac-benh-giang-mai-1.jpg
Các giai đoạn phát triển của bệnh giang mai


Dùng chung khăn tắm cũng mắc bệnh



Nhiều tài liệu y khoa cho biết, giang mai là một bệnh xã hội nguy hiểm chỉ đứng sau HIV/AISD. Bệnh do một loại vi khuẩn có tên là xoắn khuẩn giang mai gây nên. Loại xoắn khuẩn này có trong máu, dịch âm đạo của phụ nữ và dịch âm đạo của nam giới. Đó chính là lý do tại sao giang mai lây truyền qua con đường quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ.


Theo các tài liệu thống kê, hiện nay có tới 90% người bị bệnh giang mai lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Do da và lớp niêm mạc ở bộ phận sinh dục rất mỏng, các mạch máu nhiều, khi giao hợp thì trạng thái sung huyết đạt cực đỉnh, cọ xát có thể gây ra tổn thương nhẹ, tạo thành điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể.



Ngoài con đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục, các vi khuẩn giang mai còn thông qua các mao mạch máu, tuyến hạch, hạch để xâm nhập vào cơ thể gây bệnh, do sức đề kháng của loại vi khuẩn này có thể khiến nó không bị tiêu diệt. Trong trường hợp này, người lành bệnh có thể bị lây khi tiếp xúc với vết thương hở của bệnh nhân.


Sau khi gây lây nhiễm khoảng 24 ngày, hệ thống miễn dịch của cơ thể phát hiện sự tồn tại của những vi khuẩn này trong cơ thể và tiến hành tiêu dịch, phần lớn chúng bị tiêu diệt. Những biểu hiện vết loét tự mất đi và rơi vào giai đoạn ủ bệnh không triệu chứng.



Bên cạnh đó bệnh cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con. Khi người mẹ mang thai mà bị mắc bệnh giang mai thì sẽ có thể lây bệnh cho thai nhi qua nhau thai, khiến cho thai nhi bị bệnh. Vi khuẩn giang mai thông qua nhau thai là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới trẻ bị giang mai bẩm sinh.



Thậm chí, giang mai còn có thể lây qua con đường dùng chung các dụng cụ cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, đồ lót, dao cạo hay bồn cầu, bồn tắm... Các dụng cụ này có thể chứa xoắn khuẩn giang mai của người bệnh, khi tiếp xúc sẽ lây truyền cho người khác.



Biểu hiện của bệnh giang mai trong giai đoạn đầu có thể xuất hiện ban lan rộng, hình thành vết loét có đường kính 1 – 2 cm, xung quanh nổi lên những hình tròn màu đỏ; vết thương chảy ít dịch nhưng không có cảm giác đau.


Sau đó, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như sốt, hạch bạch huyết sưng to nhưng không đau, đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, cơ thể suy nhược. Ở vùng niêm mạc da có các nốt ban hình cánh hoa hồng, mụn mủ, nổi ban ở vùng niêm mạc ở môi, khoang miệng, quy đầu (đối với nam). Bên cạnh đó còn xuất hiện các triệu chứng khác như rụng tóc, rụng lông, nốt ban giảm màu hoặc chuyển sang thâm.



http://Images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2015/11/4/Tre-em-cung-de-mac-benh-giang-mai-2.jpg
Vết loét giang mai trong giai đoạn đầu có thể xuất hiện trên mặt. Ảnh minh họa

Các tổn thương lan rộng, phát triển chậm, cảm giác ngứa nhưng không rõ ràng. Trong giai đoạn này, nguy cơ lây bệnh rất cao, nếu như người bệnh không trị liệu, các triệu chứng này tự khỏi thâm chí là không để lại vết tích. Tuy nhiên xuất hiện các biến chứng khác như gây ra viêm giác mạc, viêm màng kết, viêm dây thần kinh thị giác, viêm võng mạc, viêm khớp. Ngoài ra, bệnh còn gây ra các biến chứng về hệ thống thần kinh như viêm màng não, u não...



Giai đoạn cuối của căn bệnh này có thể xảy ra khoảng 3-15 năm sau những triệu chứng của giai đoạn 1 và 2 được chia thành ba hình thức khác nhau: giang mai thần kinh (6,5%), giang mai tim mạch (10%) và củ giang mai (15%). Những người bị bệnh giang mai giai đoạn này không lây bệnh.
Củ giang mai xuất hiện từ 1 - 46 năm sau khi nhiễm bệnh (trung bình 15 năm) , các củ giang mai tiến triển không lành tính, nhất thiết hoại tử hoặc hoại tử teo hoặc tạo loét, rất chậm lành và ít lây hơn, sau khi khỏi thường để lại sẹo. Nếu củ, gôm khu trú vào các tổ chức quan trọng và không được điều trị sẽ đe doạ tính mạng bệnh nhân.



Theo Thảo Nguyên - Chất lượng Việt Nam

songchungvoi_HIV
04-03-2016, 14:45
Bệnh giang mai bẩm sinh
Thứ sáu, 04/03/2016 13:14Giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do loại xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra, chúng được lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn.





Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục, hậu quả không những tác động đến người mẹ mà còn ảnh hưởng đến trẻ được sinh ra nên cần được quan tâm để phòng ngừa.Nguy cơ giang mai bẩm sinh



Bệnh giang mai có đặc điểm diễn biến nhiều năm, thậm chí có khi mang bệnh suốt đời. Bệnh có lúc xảy ra rầm rộ thành từng đợt với những tổn thương lâm sàng đặc biệt, có khi ngấm ngầm không có triệu chứng lâm sàng làm cho người bệnh chủ quan nghĩ là bệnh đã khỏi.


Vì vậy nếu không được điều trị, bệnh có thể làm thương tổn các phủ tạng, nhất là da, tim mạch và thần kinh trung ương; chúng gây ra nhiều biến chứng với những hình thái khác nhau nên rất khó cho việc chẩn đoán và điều trị.


Hiện nay, tệ nạn mại dâm đang có xu hướng phát triển ở một số địa phương không được kiểm soát tốt nên giang mai là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục sẽ cùng đồng hành với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nếu người dân không thực hiện hành vi quan hệ tình dục bảo đảm an toàn.


Nếu người phụ nữ mắc bệnh giang mai, khi mang thai sẽ sinh ra trẻ bị bệnh giang mai bẩm sinh hay nói một cách khác do thai nhi bị lây nhiễm bệnh giang mai từ người mẹ nên lúc chào đời trẻ đã mang sẵn bệnh giang mai dưới nhiều hình thái khác nhau.


http://Images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2016/3/4/Benh-giang-mai-bam-sinh-1.jpg
Xoắn khuẩn Treponema pallidum


Bệnh giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu đời của trẻ, còn giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện khi trẻ trên 3 tuổi.


Thực tế các tổn thương của bệnh giang mai ở thai nhi đã có một quá trình tác động khá lâu nên sau khi được sinh ra trẻ đã mang sẵn những di chứng bệnh lý như trán dô, mũi tẹt hình yên ngựa, xương chày lưỡi kiếm; có dấu hiệu tam chứng Hutchison, gồm răng Hutchison, điếc nhất thời và lác quy tụ.


Con đường dẫn đến giang mai bẩm sinh



Người phụ nữ mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai sẽ có những đặc điểm bệnh lý lâm sàng khác biệt như nốt săng giang mai của thời kỳ thứ nhất khi khu trú ở phần môi nhỏ của âm hộ thường có kích thước lớn hơn bình thường.


Trái lại, phần lớn các triệu chứng khác của bệnh giang mai ở phụ nữ có thai lại không rõ rệt bằng ở phụ nữ không có thai. Đặc biệt các tổn thương của giang mai thời kỳ thứ hai thường không có đặc điểm riêng nên khó phát hiện.


Vấn đề này rất nguy hiểm vì người phụ nữ mang thai không biết mình có bệnh nên không điều trị, do đó dễ truyền bệnh cho thai nhi gây giang mai bẩm sinh.


http://Images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2016/3/4/Benh-giang-mai-bam-sinh-2.jpg


Giang mai không phải là bệnh di truyền mà do người mẹ mắc bệnh giang mai lây truyền sang cho thai nhi. Sự lây truyền này không xảy ra trong 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén mà chỉ xảy ra từ tháng thứ 4 - 5 của thai kỳ; đây là khoảng thời gian nhau thai cho phép máu của người mẹ dễ dàng trao đổi với máu của thai nhi, chính nhờ đó mà xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào thai nhi qua mạch máu rốn rồi gây bệnh.


Như vậy, người cha mắc bệnh giang mai không thể truyền bệnh trực tiếp cho con mà phải thông qua người mẹ mắc bệnh giang mai, người mẹ có thể bị lây nhiễm bệnh từ người cha mắc bệnh. Nói một cách khác, khi gặp trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh thì chắc chắn rằng người mẹ có bệnh giang mai.


Tùy theo mức độ nhiễm bệnh giang mai nặng hay nhẹ mà các biểu hiện của bệnh giang mai bẩm sinh có những nét khác nhau. Nếu thai nhi bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai một cách ồ ạt, thai nhi không thể sống được và sẽ bị sảy thai vào tháng thứ 5 - 6.


Nếu trình trạng nhiễm xoắn khuẩn ở mức độ nhẹ hơn thì trẻ có thể sẽ bị đẻ non và rất khó sống sót. Khi mức độ nhiễm bệnh còn nhẹ hơn nữa, trẻ mới sinh trông có vẻ bình thường nhưng sau vài ngày hoặc từ 6 - 8 tuần sau sẽ xuất hiện những tổn thương giang mai thường mang tính chất của giang mai thời kỳ thứ hai; có khi là những bọng nước ở lòng bàn tay và bàn chân, vết nứt ở mép hoặc quanh lỗ mũi, chảy nước mũi lẫn máu, khó thở...



Đây là những biểu hiện của dấu hiệu bệnh lý giang mai bẩm sinh sớm, thường xuất hiện khi trẻ dưới 2 tuổi. Đặc biệt, thường trong 6 tháng đầu sơ sinh của trẻ bị nhiễm bệnh có thể gặp chứng viêm xương và sụn ở các xương dài với những triệu chứng như: xương to, đau các đầu xương, làm trở ngại vận động các chi hay viêm xương sụn giả liệt Parrot với triệu chứng đau ở đầu xương dài về đêm do đầu xương rời khỏi thân xương dẫn đến liệt; khi trẻ được 2 tuổi có thể xuất hiện chứng viêm xương và màng xương ở các đốt ngón tay, ngón chân.


Thực tế giang mai bẩm sinh có thể xuất hiện chậm hơn khi trẻ trên 2 tuổi, thậm chí tới 5 - 6 tuổi hoặc ở tuổi trưởng thành. Đây là giang mai bẩm sinh muộn với biểu hiện giống giang mai thời kỳ thứ ba hoặc thứ hai của loại giang mai mắc phải. Có trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, gọi là thời kỳ giang mai kín.


Việc chẩn đoán phải dựa vào kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính hoặc căn cứ vào các dấu hiệu như: viêm mống mắt xuất hiện ở tuổi dậy thì bắt đầu bằng triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng, chói mắt ở một bên rồi sau đó lan ra cả hai bên, có thể dẫn đến mù mắt; viêm khớp gối nước ở cả hai bên, không đau, xuất hiện một cách lặng lẽ lúc khoảng 10 - 20 tuổi; điếc ở cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi thường kèm theo chứng viêm mống mắt kẽ; tổn thương xương với biểu hiện thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm.


http://Images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2016/3/4/Benh-giang-mai-bam-sinh-3.jpg
Tất cả những người mẹ mang thai đều phải được thực hiện việc xét nghiệm máu ít nhất là 3 lần trong thời kỳ thai nghén


Phát hiện người mẹ mắc bệnh giang mai


Việc khám cho người mẹ để phát hiện bệnh giang mai trong 18 tuần đầu tiên của thời kỳ thái nghén rất quan trọng để chữa trị kịp thời cho người mẹ và phòng tránh trẻ sinh ra đời bị bệnh giang mai bẩm sinh.


Theo các nhà khoa học, tình trạng nhiễm xoắn khuẩn giang mai ở người mẹ càng gần ngày sinh đẻ bao nhiêu thì nguy cơ gây bệnh cho đứa con càng lớn bấy nhiêu và hậu quả lại càng trầm trọng thêm.


Vì vậy trong thực tế thường thấy, phần lớn các người mẹ mang thai bị giang mai thời kỳ thứ nhất và thứ hai đều sinh ra những đứa trẻ bị bệnh giang mai bẩm sinh, nhiều trẻ chết khi vừa mới chào đời hoặc ít lâu sau đó.


Trái lại, những đứa trẻ là con của các bà mẹ mắc bệnh giang mai đã chuyển sang thời kỳ giang mai kín có thể không bị bệnh giang mai bẩm sinh hoặc bị một thể bệnh giang mai riêng nhẹ hơn và không có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng trước mắt.


Điều trị và phòng bệnh giang mai bẩm sinh



Điều trị bệnh giang mai bẩm sinh chủ yếu là sử dụng loại kháng sinh penicilline. Theo các nhà khoa học, trẻ em thường ít dung nạp procaine nhất là trẻ dưới 30 tháng tuổi, vì vậy không nên dùng loại penicilline procaine.


Đối với giang mai bẩm sinh sớm ghi nhận ở trẻ từ 2 tuổi trở xuống, nếu xét nghiệm dịch não tủy bình thường sử dụng benzathine penicilline G với liều lượng 50.000 đơn vị/kg trọng lượng cơ thể, tiêm bắp thịt liều duy nhất; nếu xét nghiệm dịch não tủy bất thường sử dụng benzyl penicilline G với liều lượng 50.000 đơn vị/kg trọng lượng cơ thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp thịt 2 lần mỗi ngày và dùng trong 10 ngày.


Đối với giang mai bẩm sinh muộn ghi nhận ở trẻ trên 2 tuổi sử dụng benzyl penicilline G với liều lượng từ 20.000 đến 30.000 đơn vị/kg trọng lượng cơ thể, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp thịt chia 2 lần mỗi ngày, dùng trong 14 ngày.


Nếu gặp trường hợp dị ứng với thuốc penicilline, có thể sử dụng thuốc erythromycine với liều lượng từ 7,5 - 12,5 mg/kg trọng lượng cơ thể uống 4 lần mỗi ngày, dùng trong 30 ngày. Xác định điều trị có hiệu quả khi định lượng hiệu giá kháng thể sau điều trị giảm xuống.


Việc xét nghiệm RPR (rapid plassma reagin) là xét nghiệm sàng lọc kháng thể trong máu thường được áp dụng cho các trường hợp mắc bệnh giang mai do lây nhiễm qua đường tình dục thực hiện lại nên được tiến hành vào tháng thứ 3, thứ 6 và thứ 12 sau khi hoàn thành việc điều trị.


Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa bệnh giang mai bẩm sinh, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho người mẹ mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai. Phải thực hiện xét nghiệm phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống cho tất cả các phụ nữ mang thai vì bệnh giang mai càng chữa trị sớm thì càng có hiệu quả và không để lại biến chứng.

Lưu ý giang mai là một bệnh dễ lây nhiễm và gây những biến chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì vậy các người mẹ có dấu hiệu của bệnh giang mai cần phải được điều trị trước khi có con để tránh ảnh hưởng đến đứa trẻ khi được sinh ra.


Theo TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh - Sức khỏe và Đời sống