PDA

View Full Version : Dụ dỗ người khác sử dụng ma túy bị xử lý thế nào?



songchungvoi_HIV
23-02-2016, 16:28
Dụ dỗ người khác sử dụng ma túy bị xử lý thế nào? Thứ ba 23/02/2016 08:25


Hành vi ép người khác sử dụng ma túy bị xử lý thế nào? Cưỡng ép người khác sử dụng trái phép chất ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự.



Hỏi: Tôi có một người bạn do buồn chuyện gia đình nên bị bạn bè rủ sử dụng ma túy đá rồi bị công an bắt. Khi bị bắt bạn tôi lại khai là do chính mình rủ người khác, bạn tôi bị tạm giam 3 tháng vừa được thả gần đây để chờ xét xử. Vậy xin hỏi, bạn tôi có bị phạt tù không ạ?

Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:


Hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (có hiệu lực từ 28/12/2013), cụ thể là hành vi môi giới, giúp đỡ, tạo điều kiện hoặc bằng các hình thức khác giúp cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm b khoản 4 Điều 21); bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam. Nếu hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” - Điều 200 BLHS.

Như vậy, nếu như bạn của bạn sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định trên. Ngoài ra, bạn của bạn có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau: “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”.

Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 thì “cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ. Còn “lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy.

Điều 200 BLHS quy định 4 khung hình phạt, trong đó khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (khoản 1) và khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4). Hình phạt bổ sung được quy định cho tội này là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trường hợp người cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 200 BLHS (điểm i khoản 2: “Gây bệnh nguy hiểm cho người khác”), người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lây truyền HIV cho người khác” (Điều 117 BLHS) hoặc “Tội cố ý truyền HIV cho người khác” (Điều 118 BLHS).
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Theo PL&ĐS

songchungvoi_HIV
09-05-2016, 11:16
Hình phạt cho tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý Thứ hai 09/05/2016 09:12


Từ ngày 01/7/2016, Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều điểm mới, nổi bật như Điều 258 quy định về “Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy”.



Cụ thể là: 1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi; d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai; e) Đối với 02 người trở lên; g) Đối với người đang cai nghiện; h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người; b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên; c) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội trong trường hợp gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Theo kiemsat.vn