PDA

View Full Version : Nghiện chích ma túy - nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu ở Tây Bắc



Charles
27-05-2016, 19:03
Nghiện chích ma túy - nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu ở Tây Bắc

Thứ sáu 27/05/2016 11:05

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long đưa ra nhận định như trên tại Hội nghị Phòng, chống HIV/AIDS vùng Tây Bắc do Bộ Y tế phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Sơn La tổ chức hôm nay 27/5, tại Sơn La.

HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, đây vẫn làmột trong những gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Bắc.


<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/nguyenthilananh/2016_05_27/tt.jpg


Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Thùy Chi


</tbody>
Trong những năm qua, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hiện nay toàn khu vực Tây Bắc vẫn có trên 63.500 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời.

Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Hoàng Thị Hạnh cho biết, trung bình mỗi năm Tây Bắc vẫn có khoảng 3.000 người nhiễm HIV mới và 500 - 800 trường hợp tử vong do HIV/AIDS.Hành vi lây nhiễm HIV diễn biến phức tạp và một số địa bàn có nguy cơ dịch HIV toàn thể. Nhiều huyện phát hiện trên 200 người nhiễm HIV, trong khi đó hiểu biết về HIV trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Điều này khẳng định, HIV đang là gắng nặng bệnh tật ở Tây Bắc, vì ở đây có thể nhìn thấy rõ mỗi quan hệ mật thiết giữa HIV/AIDS với ma túy, đói nghèo, trình độ thấp.

Trong đó, nguy cơ cao lây nhiễm HIV ở Tây Bắc là lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, cụ thể là do sử dụng chung bơm kim tiêm; lây nhiễm HIV trong nhóm nghiên chích ma túy sang thanh niên bình thường do lôi kéo sử dụng ma túy sau khi sử dụng các chất kích thích như rượu; lây nhiễm HIV sang vợ, bạn tình của họ; lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; lây nhiễm HIV từ vợ, bạn tình của nhóm nghiện chích ma túy bị nhiễm HIV sang nam giới bình thường; lây nhiễm HIV từ nữ bán dâm sang nam giới bình thường, hoặc nhóm nghiên chích ma túy.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cũng cho biết, mục tiêu đặt ra là tuyên truyền để 80% dân số có hiểu biết đúng và không kỳ thị HIV, song hiện nay chỉ mới khoảng 46 - 49% (theo điều tra năm 2012-2014) dân số trung bình trong cả nước hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, còn các dân tộc thiểu số chỉ khoảng 10 - 12% (theo điều tra năm 2012). Do công tác truyền thông còn hạn chế, nên nguy cơ lây nhiễm HIV ở một số địa phương ở Tây Bắc hiện không chỉ tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy như trước đây mà đang có nguy cơ lây truyền như dịch toàn thể.

Xác định nguy cơ lây nhiễm HIV cao, đặc biệt là từ nhóm nghiện chích ma túy, thời gian qua Tây Bắc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cùng với các biện pháp can thiệp giảm tác hại và đạt được hiệu quả khá cao, giảm được 50% số ca nhiễm HIV mới. Đặc biệt, tỷ lệ người nghiện chích ma túy ở Tây Bắc tiếp cận với các biện pháp can thiệp giảm tác hại (58,9%) cao hơn mức bình quân cả nước (37,4%). Tiếp cận dịch vụ dự phòng trong nhóm phụ nữ mại dâm tại khu vực Tây Bắc cao hơn so với mức chung của toàn quốc. Song, theo Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Hoàng Thị Hạnh, phần lớn hoạt động can thiệp giảm tác hại là do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, do đó trong thời gian tới khi kinh phí từ viện trợ bị cắt giảm, trong khi ngân sách trung ương và địa phương hạn chế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động này.

Để duy trì những kết quả đã đạt được, cũng như phát triển hơn nữa các hoạt động phòng chống HIV/AIDS hướng tới mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV sẽ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp nhất), Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn Đào Đình Cường cho rằng, trong công tác truyền thông cần nhấn mạnh hơn nữa về các nguy cơ lây nhiễm HIV và các cách dự phòng. Đồng thời, nêu bật được tầm quan trọng của việc xét nghiệm sớm, điều trị sớm, vài trò của bảo hiểm y tế; cùng với đó lồng ghép hoạt động thông tin giáo dục truyền thông vào các hoạt động truyền thông khác của các địa phương; tăng cường hơn nữa số lượng truyền thông về HIV/AIDS trên truyền thông xã phường, thôn bản; truyền thông bằng tiếng dân tộc.

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La Đàm Văn Hưởng đề nghị, cần thiết phải ưu tiên hoạt động phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cho các địa bàn dịch HIV cao, đặc biệt các thôn, bản xa trung tâm huyện. Có sự đầu tư thỏa đáng về nhân lực, cơ sở vật chất, chi phí vận hành; mở rộng các điểm cấp phát thuốc tại xã để tăng tiếp cận và giảm tỷ lệ bỏ điều trị. Đơn giản các thủ tục hành chính theo hướng dẫn mới để tăng thu dung bệnh nhân.




Thùy Chi
http://tiengchuong.vn/HIVAIDS/Nghien-chich-ma-tuy-nguy-co-lay-nhiem-HIV-chu-yeu-o-Tay-Bac/17972.vgp

Charles
28-05-2016, 08:54
<header class="article-header"> Tiềm ẩn nguy cơ dịch HIV một số xã ở Tây Bắc do tỷ lệ xét nghiệm thấp

Hồng Kiều (Vietnam+) <time>lúc : 27/05/16 11:26</time>
</header>
http://img.vietnamplus.vn/t660/Uploaded/qokaiz/2016_05_27/0311HIV.jpg (http://img.vietnamplus.vn/t660/Uploaded/qokaiz/2016_05_27/0311HIV.jpg)

Lấy mẫu máu xét nghiệm HIV/AIDS. (Ảnh minh hoạ: Dương Ngọc/TTXVN)


Trong nhiều năm qua, khu vực Tây Bắc luôn là điểm nóng về dịch HIV/AIDS. Mặc dù tỷ lệ nhiễm HIV đã giảm đáng kể trong 5 năm qua nhưng nguy cơ lây lan HIV vẫn tiềm ẩn, thậm chí ở một số nơi, tất các các xã/phường, huyện/thị trấn đều có người nhiễm HIV (dịch HIV toàn thể). Do đó, công tác tư vấn, xét nghiệm phát hiện HIV và các hoạt động giảm hại cần phải được triển khai quyết liệt để tránh nguy cơ lây lan rộng, gia tăng số lượng người nhiễm HIV trong thời gian tới.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị phòng, chống HIV/AIDS vùng Tây Bắc do Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Y tế và Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức ngày 27/5 tại Sơn La.

Theo số liệu thống kê cuối năm 2015, khu vực Tây Bắc có khoảng 14,6 triệu người sinh sống, chiếm khoảng 16% dân số của cả nước nhưng có tới khoảng 38.000 người nhiễm HIV còn sống, chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân HIV còn sống của cả nước. Số người tử vong do AIDS ở vùng Tây Bắc cũng chiếm khoảng 25% số ca tử vong do AIDS trên cả nước (khoảng 21.000 người).

Hiện nay, khu vực Tây Bắc có khoảng 60.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm khu vực Tây Bắc vẫn có khoảng 3.000 người nhiễm HIV mới và khoảng 500-800 người tử vong do HIV/AIDS. Đặc biệt, một số địa bàn có nguy cơ dịch HIV toàn thể.

Mặc dù nguy cơ dịch cao nhưng việc tư vấn, xét nghiệm HIV ở khu vực Tây Bắc còn thấp, tỷ lệ người nghiện chích ma tuý được xét nghiệm HIV trong vòng 12 tháng qua rất thấp, chỉ khoảng 26%, tỷ lệ phát hiện HIV chỉ đạt 61%.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, HIV/AIDS là một trong những gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Bắc. Ước tính tỷ lệ mắc HIV tại khu vực này cao gấp 1,5 lần so với của cả nước. Đường lây truyền HIV chủ yếu là sử dụng chung kim tiêm khi tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn ở ba nhóm đối tượng nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và gần đây là vợ, bạn tình của người nhiễm HIV.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên nhân của việc tỷ lệ nhiễm HIV tại khu vực này cao là do nhận thức của người dân về HIV/AIDS vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, khó khăn về địa lý và sự bất đồng về ngôn ngữ văn hóa, phong tục tập quán là rào cản lớn ảnh hưởng đến công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

“Sự thiếu hụt về nhân lực và kinh phí eo hẹp đã cản trở việc mở rộng chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã. Điều này làm cho người dân vùng sâu vùng xa gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AID,” ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất phải đẩy mạnh triển khai tư vấn xét nghiệm HIV không chuyên tại cộng đồng để giảm thiểu các nguy cơ lây lan HIV. Đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động can thiệp giảm hại hiện nay chủ yếu do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, việc cắt giảm viện trợ bắt đầu từ năm 2017 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt can thiệp giảm hại.

Vì vậy, các địa phương phải thực hiện thật tốt các dự án, chương trình giảm hại đang triển khai và tiến tới xây dựng kế hoạch huy động ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, bảo hiểm y tế, xã hội hoá vào thực hiện các chương trình phòng chống HIV/AIDS bền vững./.



http://www.vietnamplus.vn/tiem-an-nguy-co-dich-hiv-mot-so-xa-o-tay-bac-do-ty-le-xet-nghiem-thap/388020.vnp