PDA

View Full Version : Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS-Góc nhìn người trong cuộc



Charles
22-06-2016, 09:23
Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS-Góc nhìn người trong cuộc

Thứ ba 21/06/2016 13:00

“Tôi đặc biệt thích những bài viết phản ánh tấm gương người có H vượt qua kỳ thị, sống tích cực, có ích. Những bài báo như vậy làm chúng tôi có thêm niềm tin, động lực tiến về phía trước”.


Ngôn ngữ kỳ thị gây ra những tổn thương về tâm lý

Trong các thông điệp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành, củng cố hoặc ngược lai, làm giảm kỳ thị và định kiến. Khi người cầm bút ý thức đầy đủ về sứ mạng của mình và có hiểu biết vững chắc về cuộc sống của người có HIV, các thông điệp từ bài viết của họ sẽ góp phần đẩy lùi kỳ thị, hướng đến một xã hội “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để truyền thông ­- nhóm quyền lực thứ tư có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện vấn đề, tạo dư luận xã hội và định hướng phát huy được sức mạnh tối đa trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV-AIDS. Đây không chỉ là bài toán của riêng ngành truyền thông mà đó là vấn đề chung của toàn xã hội. Dưới đây là trao đổi của một số người sống chung với H về vấn đề sử dụng ngôn ngữ truyền thông trong báo chí.

Chị Mạc Thị Hồng, một người phụ nữ sống chung với H chia sẻ: tôi đặc biệt thích những bài báo phản ánh tấm gương người có H vượt qua kỳ thị, sống tích cực, có ích cho xã hội. Những bài báo như vậy làm chúng tôi có thêm niềm tin, động lực. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người cầm bút có thể là vô tình gắn HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội, như tiêm chích ma túy, người mua-bán dâm.

Vì thông tin truyền thông chưa được đúng và đủ, nên quê tôi vẫn có người coi HIV/AIDS là tệ nạn nghiêm trọng, nhiễm HIV là có tội, có lỗi với mình vả người xung quanh. Mặc dù, trong thực tế có nhiều phụ nữ vô tình lây nhiễm virus từ chính chồng mình. Nhiều người vì tiếp cận thông tin sai lệch dẫn đến tâm lý chủ quan, không chủ động bảo vệ mình trước các tình huống có nguy cơ.

Mới đây, anh H- một người có H gửi cho chúng tôi một số bài báo, đồng thời bày tỏ bức xúc và thất vọng. Anh cho biết, khi viết về việc phạm nhân nữ có H đang thụ án trốn thoát, người viết bài đã giật tít: “Nữ quái nhiễm HIV vượt ngục khi thụ án chúng thân” hay có bài với nhan đề “Tử hình nữ quái nhiễm HIV đang nợ án đi buôn ma túy”. Việc gắn cụm từ “HIV” vào hành vi phạm tội sẽ làm tăng tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người có HIV. Đã là phạm nhân thì ai cũng như ai, cớ sao cụm từ “nhiễm H” lại bị gắn với tệ nạn xã hội để giật tít câu view nhiều đến vậy?


<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/tranthitiep/2016_06_21/image001.jpg


Bài báo có tiêu đề: Nữ quái nhiễm HIV vượt ngục… Ảnh: Bình Nguyên

</tbody>

Chia sẻ về chủ đề này, chị Nguyễn Thúy Hằng- nhóm CLB Nắng Cuối trời cho biết, theo quan sát của chị, hiện vẫn còn nhiều bài báo có ngôn từ mang tính phân biệt đối xử và thành kiến khi nói về những người nhiễm HIV và nhóm người có nguy cơ cao. AIDS là một hội chứng bệnh mạn tính chứ không phải tệ nạn xã hội. Khi đọc những bài như vậy, những người có H sẽ thấy không được tôn trọng.

Khi được hỏi về vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong các bài viết về chủ đề phòng chống HIV/AIDS, anh Đồng Đức Thành - Chuyên gia của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV-AIDS chia sẻ, với sự vào cuộc của các chương trình, dự án về truyền thông liên quan đến HIV, đã có sự thay đổi tích cực trong cách nhìn của những người cầm bút. Tuy nhiên, theo anh Thành, vẫn còn không ít bài báo sử dụng từ ngữ và giật tít mang tính phản cảm và thiếu sự chính xác, đặc biệt là một số báo mạng. Điều này có thể tạo ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người sống chung với HIV và cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống HIV và không có lợi cho sự phát triển của xã hội.



Bình Nguyên
http://tiengchuong.vn/Nghien-cuu-Chuyen-de/Truyen-thong-phong-chong-HIVAIDSGoc-nhin-nguoi-trong-cuoc/18396.vgp