PDA

View Full Version : Nghị lực phi thường của người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS



Charles
19-07-2016, 15:13
Nghị lực phi thường của người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS

Thứ hai 18/07/2016 14:00

Ấn tượng đầu tiên của tôi với chị Th là một người phụ nữ nhanh nhẹn, ưa nhìn, chị có dáng người dong dỏng và làn da trắng. Lúc đầu chị em còn bỡ ngỡ, sau khi làm việc tại phòng khám ngoại trú (PKNT) một tuần, chúng tôi thân thiết hơn, tôi được chị chia sẻ chị bị nhiễm HIV và cũng đang điều trị ARV tại phòng khám này.


<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/nguyenthilananh/2016_07_18/ggg.jpg


Ảnh minh họa

</tbody>
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp chị Th., khi tôi mới được tuyển dụng làm viên chức của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Ninh. Chị Th. đang trong vai trò làm nhân viên hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị ARV tại đây.

Câu chuyện và cuộc đời của chị thực sự đã lấy đi nước mắt của tôi-một sinh viên vừa mới ra trường chưa có sự trải nghiệm cuộc sống.

Chị Th. sinh năm 1979, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Hồi con gái, chị xinh đẹp hiền lành nên có rất nhiều thanh niên theo đuổi. Rồi chị quyết định lấy anh D.- chồng chị là một thanh niên thuộc gia đình buôn bán gỗ giàu có tại Từ Sơn, khi ấy chị vừa tròn 18 tuổi.

Cuộc sống tại gia đình chồng không mấy sung sướng, mặc dù nhà chồng chị rất giàu có nhưng mẹ chồng lại không thích chị do chị không có nghề nghiệp chỉ ở nhà bếp núc. Bà quản lý hết tiền bạc trong gia đình. Chồng chị tuy là một người tốt, quan tâm chị nhưng hay nể mẹ, lại quá đào hoa. Khi đó, ngoài xã hội có rất nhiều cô gái sẵn sàng lăn xả vào anh mặc dù biết anh đã có gia đình. Rồi chị có thai, sinh cho gia đình một bé trai kháu khỉnh nặng 3,5kg lấy được tất cả những nét đẹp của bố mẹ.

Cứ tưởng cuộc sống của chị giờ sẽ sung sướng hơn vì mẹ chồng và gia đình nhà chồng đã thay đổi cách nhìn về chị một người con dâu thảo, hiền nhưng thật không ngờ ở những giây phút hạnh phúc nhất ấy lại có những lối rẽ không tưởng. Sau một tháng con chị ra đời, trong ngày đầy tháng, bé tự dưng khóc rất nhiều. Chị cố gắng làm hết sức để dỗ dành con nhưng bé vẫn không nín mà còn khóc ngày càng dữ dội hơn. Bé không bú và nôn, trớ liên tục khiến chị Th. bất lực khóc nức nở.

Do nhà chồng có điều kiện, mẹ chồng chị đã mời một bác sỹ giỏi đến khám tại gia. Thời gian thăm khám, chẩn đoán bệnh mất gần một ngày, đến cuối ngày chị được gọi đến gặp riêng bác sỹ. Sắc mặt người bác sỹ có vẻ nghiêm nghị khiến chị càng lo lắng. Ông cất giọng hỏi chị: “Ngoài chồng chị ra chị có quan hệ chăn gối với bất kỳ người đàn ông nào khác không”. Chị không hiểu ý nghĩa của câu hỏi nhưng vẫn rất thật thà trả lời: “Cháu chỉ có mình chồng cháu thôi, cháu không có bất kỳ một ai khác đâu ạ”.

Bác sỹ ra về, tình trạng của con chị vẫn không thay đổi, chỉ có mấy ngày thôi mà bé sụt cân hẳn. Chị lo lắng không ăn không ngủ lúc nào cũng ôm con trên tay. Chị nói với bố mẹ chồng đưa cháu đến bệnh viện khám nhưng mẹ chồng chị nhất quyết ngăn cản nói sẽ mời một bác sỹ giỏi hơn. Trong ánh mắt của bà hiện lên vẻ bối rối khác thường.

Rồi con chị bị tiêu chảy, mất nước, bé hốc hác đi trông thấy, xót con quá chị quyết định không nói với gia đình đưa con đi viện dù trong túi chỉ còn vài đồng tiết kiệm được. Hai mẹ con trốn nhà đưa nhau lên Hà Nội vào bệnh viện Bạch Mai kiểm tra. Tại đây, chị Th. được thông báo đã nhiễm HIV. Vào thời điểm những năm 1997, 1998 căn bệnh HIV/AIDS còn quá mới lạ. Chị Th. khịu xuống, ngã vào cánh cửa. Trong đầu chị hiện lên hình ảnh AIDS. Là hình đầu lâu xương chéo mà chị vẫn thấy trên các biển hiệu trên đường đi, là bệnh chết người không có thuốc chữa. Chị khóc, khóc to, khóc như mưa như gió. Cả hành lang im ắng vang lên tiếng khóc của chị.

Đến đây có lẽ cả tôi và chị đều không kìm nén được cảm xúc. Chị kể trong nghẹn ngào có lẽ một lần nữa những hình ảnh ấy lại hiện về khiến chị đau nhói. Tôi vội đi lấy khăn giúp chị ngăn dòng cảm xúc. Chị tiếp tục kể cho tôi nghe, rồi cuối cùng con chị cũng ra đi ngay trong vòng tay của chị sau khoảng thời gian chiến đấu kiên cường cùng căn bệnh thế kỷ.

Khi bé mất nhưng môi vẫn đỏ, da vẫn hồng hào. Chị ôm con khóc ngất. Con chị, đứa con bé bỏng chưa kịp đón nhận những điều tốt đẹp của cuộc sống đã vội bỏ chị ra đi. Về nhà, chồng chị đã thú thực trong những lần đi làm ăn xa anh đã có quan hệ ngoài luồng với một vài cô gái và một trong những lần đó đã khiến anh mắc căn bệnh HIV/AIDS rồi lây sang chị, chị lại truyền sang con.

Còn gia đình nhà chồng sau khi đã biết anh nhiễm HIV/AIDS cũng giấu, không nói cho chị biết. Chị thất vọng, sống lặng lẽ như một cái bóng trong gia đình. Rồi chồng chị mất. Chị được nhà chồng gửi về quê ở với bà cụ nhà chồng. Ở quê có lẽ là quãng thời gian yên ổn nhất sau những sóng gió đầu đời chị vừa trải qua. Cuộc sống ở đây bình an, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Chị Th. dần bình tâm trở lại. Khoảng mấy tháng sau chị dọn về nhà đẻ. Gia đình đã bao bọc, yêu thương và giúp chị trở lại với cuộc sống này. Rồi chị được biết đến “CLB vì ngày mai tươi sáng” do chị Hiền làm Trưởng CLB. Ở đây chị tìm được sự đồng cảm, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Được tiếp cận với các dịch vụ can thiệp do dự án Life-Gap mang lại (nay là dự án VAAC-US.CDC).

Chị Th. được tham gia các khóa tập huấn cung cấp các kiến thức, kỹ năng truyền thông về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh. Chị được điều trị bằng thuốc kháng ARV. Được sự tin tưởng của các cán bộ y tế, chị được dự án tuyển vào làm việc với vị trí nhân viên hỗ trợ điều trị. Trực tiếp nghe chị tư vấn, hỗ trợ cho các bệnh nhân tôi nhận thấy ở chị sự nhẹ nhàng và kiến thức về HIV/AIDS đã thực sự có ích cho người bệnh, có ích cho xã hội.

Chị Th. đã xây dựng lại cuộc đời trên chính căn bệnh chị mắc phải. Trong quá trình làm việc ở đây, chị đã gặp chồng chị bây giờ. Hai anh chị tìm thấy sự đồng cảm ở nhau, đã đến với nhau và có một đứa con. Với việc sử dụng thuốc, tuân thủ điều trị, con chị sinh ra không bị nhiễm HIV. Đó là niềm vui lớn nhất đối với chị và gia đình hiện tại của chị.

Câu chuyện của chị đã đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ để đến bây giờ, khi đã làm việc trong một đơn vị với nhiệm vụ chính là phòng, chống HIV/AIDS tôi dần thấu hiểu những hoàn cảnh, những mảnh đời éo le đã vượt lên mạnh mẽ, chiến đấu với căn bệnh HIV/AIDS như thế nào. Bản thân tôi tự nhủ “Hãy tin tưởng rằng cuộc sống này, sẽ luôn công bằng với những ai muốn sống chính đáng”.



BS. Thủy Trang


Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Bắc Ninh