PDA

View Full Version : Làm gì để tránh phơi nhiễm HIV



Charles
01-11-2013, 09:22
Làm gì để tránh phơi nhiễm HIV
Phơi nhiễm HIV có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai, do chủ quan hay khách quan khi tiếp xúc với máu, dịch tiết của người nhiễm HIV. Ghi nhận từ Trung tâm phòng, chống HIV tỉnh cho thấy, toàn tỉnh đã có hơn 70 trường hợp phơi nhiễm HIV, tuy nhiên do dự phòng tốt, kết quả xét nghiệm đều âm tính với HIV.

<tbody>
http://baobariavungtau.com.vn/dataimages/201304/original/images659626_5_1.jpg


Nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ cao trong phơi nhiễm HIV. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa thăm khám cho bệnh nhân vừa phẫu thuật đa chấn thương. Ảnh: SƠN TRÀ.


</tbody>
Bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, trên thực tế, ai cũng có thể có nguy cơ phơi nhiễm HIV khi vô tình tiếp xúc với máu, dịch tiết của người nhiễm HIV. Nguy cơ này càng gia tăng khi ở cộng đồng, số người nhiễm HIV ngày càng nhiều và không chỉ gói gọn trong nhóm nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, hành nghề mại dâm) như nhiều năm trước đây. Đã có trường hợp giẫm phải bơm kim tiêm có dính máu của người nghiện chích ma túy nhiễm HIV bị phơi nhiễm. Có trường hợp khác bị phơi nhiễm HIV chỉ vì băng bó, cấp cứu cho người nhiễm HIV bị thương. Trong môi trường bệnh viện, việc tiếp xúc với máu, dịch tiết từ bệnh nhân nhiễm HIV là điều khó tránh khỏi và nguy cơ bị kim đâm, máu hay dịch tiết như đàm, dịch bang, dịch ối bắn vào mắt… là những tai biến mà nhân viên y tế thường xuyên phải đối diện.
Ở môi trường bệnh viện, mọi bệnh nhân đều được đối xử bình đẳng như nhau và không phân biệt người nhiễm HIV hay không nhiễm HIV. Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, phòng chống phơi nhiễm HIV, mọi nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm túc các quy định, quy trình kỹ thuật trong chuyên môn. Các trường hợp khác cũng như nhân viên y tế, nếu không may bị phơi nhiễm HIV, cần nhanh chóng xử lý vết thương tại chỗ. Với những tổn thương da gây chảy máu cần xối ngay vết thương dưới vòi nước sạch, để vết thương chảy máu trong thời gian ngắn rồi rửa kỹ vết thương bằng xà bông và nước sạch, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn như dakin, javel 1/10 hoặc cồn 700 trong thời gian ít nhất là 5 phút.
Trường hợp bị máu hoặc dịch tiết của người nhiễm HIV bắn vào mắt, mũi cần rửa mắt hoặc nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch muối sinh lý (NaCl 0,9%) liên tục trong 5 phút. Nếu bắn vào miệng thì cần súc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần. Sau đó, cần đánh giá nguy cơ phơi nhiễm: nếu máu và dịch tiết của người nhiễm HIV bắn vào những vùng da lành (không bị tổn thương hay xây xát) thì không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Các trường hợp khác, nếu xác định có nguy cơ phải điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV) càng sớm càng tốt. Việc điều trị dự phòng bằng ARV tốt nhất nên tiến hành sớm, từ 2 - 6 tiếng đồng hồ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 tiếng đồng hồ. Thời gian điều trị ARV phải kéo dài trong 4 tuần.
Khi không may giẫm phải bơm kim tiêm, tiếp xúc với máu, dịch tiết của người nhiễm HIV (kể cả người thân trong gia đình) cần đến ngay cơ sở y tế, cho bác sĩ biết để có hướng điều trị dự phòng đúng, kịp thời, tránh lây nhiễm HIV. Trong khi chưa có vắc xin để phòng ngừa, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu HIV/AIDS, việc thực hiện triệt để các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho những người có yếu tố nguy cơ (nhân viên y tế, cộng tác viên phòng, chống HIV/AIDS…) hoặc những người không may bị phơi nhiễm tại cộng đồng là cần thiết. Khi tiếp xúc với nguồn lây, phải tuân thủ các biện pháp phòng tránh, đề phòng mọi khả năng rủi ro có thể xảy ra và khi không may bị phơi nhiễm phải biết cách xử trí kịp thời để tránh lây nhiễm HIV/AIDS.

THẢO LINH
<tbody>
Tác dụng phụ của thuốc kháng vi rút HIV (ARV)
Cũng như những bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV), người bị phơi nhiễm phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Khi dùng thuốc ARV sẽ có những tác dụng phụ, vì vậy cần lưu ý để thông báo cho bác sĩ và có thể hạn chế các tác dụng phụ bằng các cách sau:
Người được chỉ định điều trị bằng ARV có thể buồn nôn, để hạn chế tác dụng phụ này, nên uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn hoặc có thể uống thuốc chống nôn trước khi uống ARV 30 phút.
Tiêu chảy: Nếu uống thuốc ARV và bị tiêu chảy cần đánh giá mức độ tiêu chảy và các triệu chứng đi kèm, có thể uống thêm nhiều nước hoặc dung dịch Oresol để bù nước, điện giải. Nếu tiêu chảy nặng cần truyền dịch hoặc dùng thuốc chống tiêu chảy để hạn chế tiêu chảy tạm thời.
Đau đầu: trường hợp người bệnh thấy đau đầu khi dùng thuốc ARV có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol để giảm bớt triệu chứng này.
Đau bụng, khó chịu ở bụng: người bệnh cần phải theo dõi kỹ. Nếu thấy đau liên tục cần đến cơ sở y tế nơi cấp thuốc để được xử lý, có thể phải thay thế thuốc khác hoặc điều chỉnh phác đồ điều trị.
Nổi ban đỏ, ngứa là tác dụng phụ dễ gặp phải khi sử dụng ARV do gây dị ứng nhẹ. Có thể khắc phục bằng cách uống thêm thuốc kháng histamine, nhưng nếu dị ứng nặng phải ngưng ngay việc sử dụng thuốc và đến cơ sở y tế để được điều trị tích cực.
Thuốc ARV cũng có thể gây thiếu máu làm hoa mắt, chóng mặt nên khi sử dụng có thể bổ sung thêm vitamin B12, viên sắt, folic. ARV cũng gây rối loạn giấc ngủ, hay gặp ác mộng khi ngủ, để tránh tình trạng này nên dùng thuốc vào buổi tối, trước khi đi ngủ và có thể dùng các loại thuốc an thần, thuốc hỗ trợ để ngủ tốt hơn. Thuốc ARV có thể gây các bệnh lý thần kinh ngoại vi, người sử dụng ARV thường có biểu hiện rối loạn cảm giác ngoại vi, chủ yếu ở đầu chi với biểu hiện tê bì, bỏng rát hoặc đau. Nếu có biểu hiện trên cần báo cho bác sĩ biết để xử trí. ARV cũng có thể gây ra các tác dụng phụ khác trên gan, thận, rối loạn phân bố mỡ… nên chỉ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và phải đến cơ sở y tế để thăm khám khi có các biểu hiện bất thường.


</tbody>