PDA

View Full Version : Xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý miễn phí cho người bị HIV/AIDS



songchungvoi_HIV
16-09-2016, 13:45
Xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý miễn phí cho người bị HIV/AIDSTHÙY GIANG (VIETNAM+) <time datetime="2016-09-15T18:02:25+07:00" style="white-space: nowrap; margin-left: 6px; color: rgb(153, 153, 153);">15/09/2016 18:02 GMT+7

</time>
Trong thời gian tới, Hội luật gia Việt Nam cùng Dự án Qũy toàn cầu về phòng chống HIV/AIDS sẽ thực hiện Dự án thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong phòng chống HIV/AIDS.


http://img.vietnamplus.vn/t660/Uploaded/oqivokbb/2016_09_15/TTXVN_hiv.jpg

Khám, điều trị, cấp thuốc ARV miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS tại thành phố Hạ Long. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)


Dự án được hỗ trợ của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, sẽ được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Bình.

Thông tin trên được đại diện Hội luật gia Việt Nam đưa ra tại hội thảo kết nối và tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho các nhóm dễ bị tổn thương trong phòng, chống HIV/AIDS, diễn ra sáng 15/9, tại Hà Nội.

Việc triển khai dự án nhằm mục tiêu trợ giúp và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhóm đối tượng như: người nghiện chích ma túy, phụ nữ lao động tình dục, quan hệ đồng tính nam và người chuyển giới…

Đây là nhóm đối tượng có sự hiểu biết về pháp luật và kiến thức cơ bản về HIV/AIDS còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, nhóm này lại không phải là đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý. Do đó, việc xây dựng mô hình tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhóm đối tượng trên là hết sức cần thiết.

Phát biểu tại hội thảo, bác sỹ-luật gia Trịnh Thị Lê Trâm - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS cho hay, các đối tựng dễ bị tổn thương trong phòng chống HIV/AIDS gồm: người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người nghiện chích ma túy, người lao động tình dục, người có quan hệ tình dục đồng giới.

Theo bà Trâm, số lượng khách hàng gọi điện đến đường dây nóng 18001521 yêu cầu tư vấn về HIV/AIDS và pháp luật liên quan liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2009 chỉ có hơn 1.900 cuộc gọi thì vào năm 2014, con số này đã tăng lên là hơn 3.000 cuộc. Tuy nhiên, những con số đó vẫn rất nhỏ so với tổng số hơn 200.000 người có HIV trên toàn quốc hiện nay.

Trong đó, nhu cầu tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong rất nhiều lĩnh vưc như: lao động việc làm, hôn nhân gia đình, hình sự, dân sự…

Bà Trâm phân tích, có một thực tế hiện nay là hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV tại các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước còn nhiều khó khăn, bất cập như: vấn đề thủ tục, vấn đề công khai danh tính, địa điểm thường nằm trong khuôn viên cơ quan nhà nước, không có phòng tiếp khách riêng…

Chính vì vậy nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo kiến nghị Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý cần phải sửa quy định “người nhiễm HIV bị buộc tội được trợ giúp pháp lý” thành “Người nhiễm HIV được trợ giúp pháp lý.”

Cần thiết phải có sự tham gia của liên ngành và Hội Luật gia 63 tỉnh, thành phố cần phải có các hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương.

Đặc biệt, trong chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống HIV/AIDS hàng năm nên cấu trúc phần kinh phí cho công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS./.